Niêm yết mới suy giảm mạnh, vì sao?
Diễn biến thị trường không thuận lợi đang là một rào cản lớn đối với các doanh nghiệp có kế hoạch lên sàn. Dễ hiểu vì sao số lượng doanh nghiệp niêm yết mới sụt giảm mạnh trong năm 2019.
Số lượng doanh nghiệp niêm yết mới sụt giảm mạnh trong năm 2019.
Chủ yếu chuyển lên từ UPCoM
Theo thống kê sơ bộ của Báo Đầu tư Chứng khoán, tính đến hết tháng 9/2019, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM ( HOSE) đón thêm 10 doanh nghiệp niêm yết mới, chủ yếu là các doanh nghiệp chuyển niêm yết từ sàn UPCoM sang HOSE.
Cổ phiếu lên sàn gần đây nhất là CTCP Điện Gia Lai (GEG) niêm yết vào ngày 19/9. Với mức vốn điều lệ 2.038 tỷ đồng, GEG góp phần tăng số lượng cổ phiếu niêm yết tại HOSE thêm 203,8 triệu đơn vị.
Trước khi chuyển sang HOSE, giao dịch của GEG trên UPCoM khá tích cực với khối lượng giao dịch trung bình 8 tháng năm 2019 đạt hơn 600.000 cổ phiếu/phiên, tăng mạnh so với mức chỉ gần 10.000 cổ phiếu/phiên năm 2017. So với mức giá sau điều chỉnh ngày đầu tiên trên UPCoM, thị giá cổ phiếu GEG đang giao dịch trên 28.000 đồng/cổ phiếu (phiên 16/10) đã tăng gấp 3 lần.
Trước đó, HOSE cũng đón 2 doanh nghiệp chuyển niêm yết từ HNX và UPCoM là CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) và CTCP Tập đoàn KOSY (KOS).
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dabaco cho biết, quyết định chuyển niêm yết cổ phiếu sang sàn HOSE giúp Công ty khẳng định được vị thế khi so sánh tương quan với những doanh nghiệp cùng ngành.
Trong năm 2019, Dabaco dự kiến triển khai tăng vốn theo 3 phương án gồm phát hành cổ phiếu riêng lẻ, phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi và phát hành trái phiếu. Tập đoàn đặt kế hoạch doanh thu 10.401 tỷ đồng và lãi trước thuế 405 tỷ đồng, tăng lần lượt 53% và 3% so với năm 2018.
Theo đó, mức lợi nhuận sau thuế dự kiến 356 tỷ đồng, trong đó lãi từ sản xuất – kinh doanh chính 306 tỷ đồng và lãi từ lĩnh vực khác 50 tỷ đồng. Tập đoàn phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 15% năm 2019, trong đó 5% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu.
Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp – Becamex (BCM) cũng có kế hoạch sẽ chuyển niêm yết cổ phiếu từ UPCoM lên HOSE trong quý IV/2019.
Trong nửa đầu năm 2019, Becamex đã hoàn tất phát hành 15.000 trái phiếu không chuyển đổi với giá trị 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm và lãi suất danh nghĩa cho năm đầu tiên là 10,5%.
Video đang HOT
Tổng lượng cổ phiếu BCM giao dịch trên UPCoM lên 1,035 tỷ cổ phiếu và đang nằm trong Top 8 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn UPCoM. Becamex đang lên kế hoạch phát hành quyền mua 5:1 cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, thực hiện trong năm nay. Theo đó, Công ty muốn phát hành 207 triệu cổ phiếu và thu về khoảng 3.105 tỷ đồng.
Trong khi đó, trong quý III/2019, chỉ có 3 doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết mới trên HOSE, chủ yếu là các đơn vị có quy mô vừa như CTCP Nhựa Hà Nội có mức vốn điều lệ 344 tỷ đồng, đăng ký niêm yết 34,4 triệu cổ phiếu; CTCP Giấy Hoàng Hà Hải Phòng với mức vốn điều lệ 180 tỷ đồng và Công ty cổ phần Tập đoàn Tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang với mức vốn điều lệ 500 tỷ đồng.
Còn tại HNX, trong tháng 9/2019, có 2 doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu mới và không có doanh nghiệp hủy niêm yết cổ phiếu.
Tổng số chứng khoán niêm yết trên sàn này hiện là 367 mã, với tổng khối lượng niêm yết hơn 13,04 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị niêm yết toàn thị trường đạt gần 130,4 nghìn tỷ đồng mệnh giá.
Theo số liệu của Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital và Finnpro, trong năm 2018, có 33 doanh nghiệp lên sàn HOSE, 22 doanh nghiệp lên sàn HNX và 268 doanh nghiệp lên UPCoM.
Tuy nhiên, nửa đầu năm 2019, chỉ có 7 doanh nghiệp lên sàn HOSE, 9 doanh nghiệp lên HNX và 44 doanh nghiệp lên sàn UPCoM. Số lượng doanh nghiệp lên sàn trong quý III/2019 cũng không tăng đáng kể.
Nếu so sánh với năm 2017 thì số lượng doanh nghiệp niêm yết mới năm nay còn sụt giảm thê thảm.
Sự dè đặt lên sàn của các doanh nghiệp có một phần khách quan từ diễn biến không mấy thuận lợi của thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay. Nhiều doanh nghiệp có kế hoạch niêm yết trong năm 2019, nhưng vẫn chờ đợi thời điểm thị trường sôi động hơn.
Một nguồn hàng được chờ đợi khác là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, IPO lên niêm yết. Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa hiện nay khá ì ạch, một phần do tiến độ hoàn thành thủ tục của các doanh nghiệp, một phần do thị trường tài chính – chứng khoán suy giảm, nên hoạt động chào bán cổ phần theo giá kỳ vọng khó khăn hơn.
Trong nửa đầu năm 2019, chỉ vẻn vẹn 6 doanh nghiệp được cổ phần hóa.
Nhiều doanh nghiệp lỡ hẹn lên sàn
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2019, rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có các ngân hàng như ABBank, VIB, NamA Bank, LienVietPostBank hay nhiều tổng công ty nhà nước đều có sẵn kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM lên niên yết tại HOSE và HNX.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, khi đã bước sang quý cuối cùng của năm 2019, vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ.
Nói về việc chậm đưa cổ phiếu lên sàn, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần đã lên kế hoạch niêm yết trong năm 2019 cho biết, ngân hàng đã có kế hoạch gọi vốn từ nhà đầu tư chiến lược và sau đó sẽ niêm yết cổ phiếu trên HOSE, nhưng việc chốt giá với nhà đầu tư ngoại không được như kỳ vọng do diễn biến thị trường không thuận lợi.
Cùng với đó, một số doanh nghiệp đã nộp hồ sơ từ nhiều tháng nhưng vẫn chưa được HOSE chấp thuận, do Sở yêu cầu doanh nghiệp hoàn tất hồ sơ.
Đơn cử như CTCP Tiên Sơn Thanh Hóa đã xin đăng ký niêm yết 34.800.000 cổ phiếu, tương đương với mức vốn điều lệ 348 tỷ đồng từ tháng 4/2019.
Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thiên Sơn Thanh Hóa chia sẻ, dù thị trường chứng khoán đang có diễn biến chung chưa thuận lợi nhưng Công ty vẫn mong muốn lên sàn.
Chưa kể, việc niêm yết sẽ giúp Công ty có cơ hội huy động vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, Công ty vẫn phải hoàn tất các thủ tục cần thiết mới được HOSE chấp thuận.
Với CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons, Đại hội đồng cổ đông năm 2019 của công ty này đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu với thời gian dự kiến vào quý IV/2019.
Ông Lê Miên Thụy, Tổng giám đốc Ricons chia sẻ, Ricons đã có kế hoạch niêm yết trong năm 2019, nhưng theo đơn vị tư vấn thì cuối năm là thời điểm hợp lý vì đây là điểm rơi lợi nhuận của doanh nghiệp ngành xây lắp.
Kế hoạch là vậy, song lãnh đạo Ricons cũng chia sẻ, nếu diễn biến trên thị trường chứng khoán vẫn không theo chiều hướng tích cực thì Công ty có thể lựa chọn một thời điểm phù hợp hơn để đưa cổ phiếu lên sàn, điều này cũng hợp ý các cổ đông.
Lãnh đạo HOSE trao đổi thêm, Sở khuyến khích các doanh nghiệp lên sàn để minh bạch thông tin, tăng thêm hàng hóa để nhà đầu tư lựa chọn. Tuy nhiên, trong vai trò duyệt hồ sơ doanh nghiệp, Sở vẫn phải yêu cầu các doanh nghiệp nộp đầy đủ hồ sơ, thủ tục.
Nói về triển vọng niêm yết mới từ nay đến cuối năm, lãnh đạo HOSE cho biết, diễn biến thị trường là một yếu tố khách quan khiến nhiều doanh nghiệp “lần lữa” việc đưa cổ phiếu lên sàn.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết vẫn có xu hướng gia tăng ở giai đoạn cuối năm, nên số lượng doanh nghiệp chính thức lên sàn thường sẽ nhộn nhịp hơn ở giai đoạn đầu năm sau.
Tại HNX, danh sách niêm yết tới đây đáng chú ý có Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vina-for). Năm 2019, Vinafor đặt kế hoạch doanh thu 1.588 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 710 tỷ đồng, cổ tức dự kiến 18%.
Ông Phí Mạnh Cường, Tổng giám đốc Vinafor cho biết, việc chậm niêm yết là do Tổng công ty đã và đang thực hiện rà soát đất đai để công bố đến cổ đông và nhà đầu tư, do sản xuất lâm nghiệp gắn liền với đất lâm nghiệp, nên đất là tư liệu sản xuất quan trọng của Tổng công ty.
Hoàng Minh
Theo ĐTCK
Lợi nhuận Dabaco giảm 91%, nợ vay tài chính tăng mạnh
Kết quả quý II/2019, lợi nhuận ròng của Dabaco chỉ vỏn vẹn 7,5 tỷ đồng, sụt giảm gần 91% so với cùng kỳ 2018; dư nợ vay tài chính tăng mạnh, chiếm hơn 50% tổng tài sản của doanh nghiệp.
Mới đây, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã CK: DBC) công bố báo cáo tài chính quý II/2019 với doanh thu giảm nhẹ, đạt hơn 1.600 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 18,4% xuống còn 209 tỷ đồng. Chi phí tài chính đạt 76 tỷ đồng, tăng 39%; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 16%, đạt 68 tỷ đồng so với cùng kỳ. Như vậy, kết quả quý II/2019, lợi nhuận ròng của Dabaco chỉ vỏn vẹn 7,5 tỷ đồng, sụt giảm gần 91% so với cùng kỳ 2018.
Lý giải về nguyên nhân lợi nhuận giảm, Dabaco cho biết do ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, dẫn đến hoạt động kinh doanh của lĩnh vực chăn nuôi lợn và sản xuất con giống gặp khó khăn qua đó ghi nhận lỗ từ mảng hoạt động sản xuất kinh doanh này.
Lợi nhuận ròng của Dabaco chỉ vỏn vẹn 7,5 tỷ đồng, sụt giảm gần 91% so với cùng kỳ 2018.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, Dabaco đạt doanh thu thuần hơn 3,291 tỷ đồng và lãi ròng gần 28 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 10% và giảm 70% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, Dabaco đặt mục tiêu năm 2019 đạt 10.401 tỷ đồng doanh thu và 356 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tính tới thời điểm hiện tại, công ty đạt gần 32% mục tiêu và mới hoàn thành vỏn vẹn 8% chỉ tiêu lãi sau thuế.
Tính đến hết ngày 30/6, tổng tài sản của Dabaco đã tăng 13% so với đầu năm lên hơn 9.467 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hàng tồn kho và chi phí xây dựng cơ bản dở dang.
Số dư nợ vay tài chính cũng tăng mạnh gần 800 tỷ đồng so với đầu kỳ lên mức 4.770 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản của doanh nghiệp, trong đó nợ ngắn hạn chiếm hơn 68,5%.
Thảo Nguyên
Theo vietq.vn
Dabaco sụt giảm 91% lãi quý II trước khi chuyển từ HNX sang HoSE Ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi đã khiến lãi quý II/2019 của Dabaco giảm mạnh đến 91% chỉ có 7,5 tỷ đồng. Lý giải cho sự sụt giảm lợi nhuận, Dabaco cho biết, quý II/2019 ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, dẫn đến hoạt động kinh doanh của lĩnh vực chăn...