Niềm vui của vợ chồng già nấu cơm 0 đồng
Một tuần nay, hơn 100 hộp cơm chay mỗi ngày của vợ chồng bà Nguyễn Thị My hết veo từ 10 giờ sáng sau khi nhờ được người thông báo trên mạng xã hội.
Bà My đảo nhanh rồi nêm nếm lại nồi bí đỏ kho. Trong lúc đó, chồng bà, ông Trần Văn Hồng, 86 tuổi, múc từng vá cơm nóng từ chiếc nồi lớn ra sẵn từng hộp. Họ đã cặm cụi từ rạng sáng để đủ hơn 100 phần cơm chay, đặt trước nhà ở số 203 đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh tặng những người khó khăn.
Bà Nguyễn Thị My, 70 tuổi và chồng, ông Trần Văn Hồng, 86 tuổi, đang chuẩn bị cơm chay, phát miễn phí cho người gặp khó khăn, sáng 2/10. Ảnh: Diệp Phan.
Sáng nay, ông Thành, làm nghề ve chai, lấy cơm sớm nhất. Sau khi đã cất cẩn thận vào giỏ, ông nói lớn vọng vào bên trong nhà cám ơn vợ chồng bà My rồi đạp xe đi.
“Hôm qua nghe mấy người bảo chỗ này có cơm chay nên đã đến lấy một lần, thấy ngon nên nay tôi quay lại”, ông Thành nói và cho biết hộp cơm này giúp ông rất nhiều bởi đã mấy tháng thất nghiệp vì dịch.
Chưa đến 10 giờ, những phần cơm đã hết. Bà My vui mừng thở phào vì không còn phải ngồi chờ đến chiều như trước.
Ông Thành, làm nghề mua ve chai ghé lấy cơm lần thứ hai trưa 2/10: Ảnh: Diệp Phan.
Vợ chồng bà My vốn là người ở huyện Ô Môn, Cần Thơ. Bốn năm trước, ông bà lên Sài Gòn để chữa bệnh. Ở thành phố một thời gian, bà My nảy ra ý định thuê mặt bằng mở một quán bán đồ ăn chay kiếm thêm thu nhập để khỏi phải xin tiền con cái. Vừa bán hàng, bà My vừa giúp đỡ người khó khăn theo cách riêng của mình như bớt tiền, có khi tặng miễn phí.
Biết bà hay giúp người, nhiều khách quen mang thực phẩm tới tặng. Ông bà lại dùng để nấu thêm cơm rồi bỏ vào hộp mang ra trước cửa phát miễn phí.
Nhiều hôm chưa kịp chuẩn bị đã có người đến hỏi, bà mời họ vào ngồi ăn như khách mua bình thường. Có nhân viên buột miệng bảo: “Sáng sớm còn chưa mở hàng mà đã gặp người đến xin”. Bà My căn dặn: “Dù người ta xin, mình vẫn phải mời đàng hoàng”.
Trong những ngày giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra đường nhưng ông bà vẫn nấu vài chục suất cơm để trước cửa vì “sợ có ai quen đến lấy không có cơm thì tội người ta”. Nhiều ngày liên tục, đôi vợ chồng già phải ngồi đến chiều, có khi cơm canh đã nguội ngắt vẫn ế. Rút kinh nghiệm, mấy hôm sau cứ quá bữa trưa là bà My nhờ những người quen trong xóm chở cơm mang đi tặng ở những con hẻm có nhiều người lao động nghèo.
Ít hôm trước, có người đi ngang hỏi thăm: “Ông bà tặng cơm sao ‘ế’ quá vậy, ở ngoài kia con thấy nhiều shipper không có cơm ăn vì quán xá đóng cửa hết”. Nghe thế, bà cụ nhờ vả luôn: “Nhờ chú đăng lên Facebook để những người cần họ biết mà tới lấy”.
“Tôi không biết dùng Facebook, nhưng tôi biết nhiều người đến quán ăn ủng hộ nhờ nghe tin qua Facebook”, bà My giải thích.
Video đang HOT
Sau khi câu chuyện này được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, những ngày gần đây cơm chay miễn phí của vợ chồng bà My hết từ sớm. Ông bà không còn phải ngồi mong từng người đến như trước, cơm canh cũng không lo bị nguội.
Sáng 1/10, khi người dân thành phố được ra đường dễ dàng hơn, hơn 100 phần cơm đã hết từ 9 giờ sáng. “Bữa qua còn đang ế mà nay người ta đến đông quá. Không ngờ nhờ có thông báo mà hiệu quả ghê”, bà My nói.
Cũng nhờ thông báo này mà nhiều người mang gạo, dầu ăn, bột ngọt và cả vài gói mì đến hùn với ông bà để nấu thêm cơm. Một người vừa biết bà thường nấu bằng than đã chủ động đổi bình gas mới để việc bếp núc đỡ vất vả.
Lan Anh, 25 tuổi ở quận Bình Thạnh đã mang đến góp với bà My hơn chục ký gạo trong sáng 1/10. “Hơn ba tháng rồi em mới quay lại, thấy mừng vì ông bà vẫn còn khỏe và còn nấu cơm từ thiện”, cô nói.
Sáng 2/10, bà Nguyễn Thị Đẹp, 57 tuổi (áo hoa) đến đến phụ vợ chồng bà My chuẩn bị hơn 100 suất cơm miễn phí. Bà Đẹp làm nghề dọn nhà thuê nhưng đang thất nghiệp vì dịch nên mấy tháng nay đến giúp việc cho quán. Ảnh: Diệp Phan.
Hơn bốn tháng không bán hàng, bà My được chủ nhà miễn tiền thuê mặt bằng. Nhờ thế, dù không có thu nhập nhưng bà vẫn duy trì việc nấu cơm 0 đồng. Nhiều người quen ngỏ ý muốn hỗ trợ nhưng bà My từ chối hết. “Thời dịch, ai cũng khó khăn vì không làm ăn được mình nhận quyên góp của người ta không đành”, bà giải thích.
Người phụ nữ quê Cần Thơ cho biết thêm, ông bà gắn bó với Sài Gòn là vì những ngày đầu lên khám bệnh đã được cộng đồng giúp đỡ. Họ cũng thích cuộc sống nhộn nhịp ở đây.
Nhiều người hỏi ông bà sao không về quê nghỉ ngơi mà vẫn “bon chen kiếm tiền ở thành phố” cho cực. Cả 5 người con cũng muốn ông bà về nhưng bà nói ở lại để làm việc cho khỏe, nếu ở quê cũng chẳng có việc gì làm, chỉ hàng ngày đi chùa.
“Mình tự kiếm tiền rồi muốn giúp ai thì giúp. Mình cứ làm việc phải thì ắt sẽ có nhiều người làm cùng mình có gì mà lo”, bà My nói.
Buổi chiều như 30 Tết ở Sài Gòn sau gần 90 ngày giãn cách: Người dọn dẹp nhà cửa, người dắt xe đi sửa, ai cũng háo hức đợi ngày mai "nới lỏng"
Nhiều người dân ví không khí Sài Gòn lúc này nhộn nhịp như chiều 30 Tết khi ai cũng vui mừng, rộn ràng đợi ngày mai được "nới lỏng" sau hơn 4 tháng thành phố giãn cách để phòng chống dịch Covid-19.
Sau bao ngày chờ đợi, từ 0h ngày 1/10, người dân Sài Gòn có thể được di chuyển trong khu vực nội thành, nhiều hoạt động cũng được UBND TP từng bước cho phép mở cửa trở lại trên nguyên tắc thận trọng, an toàn để phòng chống dịch Covid-19.
Người dân tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, hàng quán để buôn bán trở lại
Ghi nhận chiều 30/9, không khí tại Sài Gòn sôi động hơn hẳn khi người dân tất bật dọn dẹp lại nhà cửa, lau chùi bàn ghế, nhiều quán ăn, tiệm cắt tóc, rửa xe... cũng bắt đầu sửa soạn để đón khách vào ngày mai.
Tại một góc chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), cả gia đình cô Vân Anh hồ hởi đem chồng chén dĩa, xoong nồi ra để cọ rửa. Gần 4 tháng qua, để phòng chống dịch Covid-19, tiệm cơm tấm của gia đình cô Vân Anh phải đóng cửa, sau khi có thông báo nới lỏng giãn cách, cả gia đình cùng nhau dọn dẹp.
5 người nhà cô Vân Anh rửa chén bát để mở lại quán cơm tấm Thị Nghè
"Vui mừng lắm, dù tình hình dịch bệnh vẫn còn nhưng ai nấy đều mong chờ ngày được mua bán, hoạt động trở lại. Gia đình cô sẽ tuân thủ việc giãn cách, 5K, hi vọng một ngày gần nhất, Sài Gòn sẽ trở lại nhộn nhịp như trước", cô Vân Anh nói.
Trong khi đó, cô Tuyền ví chiều 30/9 như chiều 30 Tết bởi ai nấy đều phấn khởi vui mừng. "Cô mong chờ ngày này lâu lắm rồi, được ra ngoài đường để đi làm, chứ ở miết trong nhà sợ không chịu nổi".
Cô Tuyền ví không khí chiều nay như 30 Tết
Ngoài việc dọn dẹp, sơn sửa lại nhà cửa, sửa - rửa xe, một số cơ sở hớt tóc, gội đầu cũng tranh thủ chuẩn bị đồ nghề để ngày mai quay trở lại phục vụ khách hàng. Tuy hiện tại, các cơ sở kinh doanh ăn uống, làm đẹp chỉ được hoạt động khi đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch nhưng việc thành phố nới lỏng giãn cách, tạo điều kiện để người dân từng bước phục hồi kinh tế khiến ai nấy đều vui mừng.
Dưới đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi nhận được chiều 30/9.
Các nhân viên của một quán ăn trên đường Phan Xích Long rửa lại xe cộ, dọn dẹp hàng quán
Tranh thủ sơn sửa lại cửa sắt
Anh Viễn - quản lý một tiệm tóc trên đường Nguyễn Hữu Cảnh
Ai nấy đều hết sức vui vẻ khi cuối cùng sau bao nhiêu ngày chờ đợi, thành phố đã cho phép nhiều loại hình kinh doanh hoạt động trở lại
Hai mẹ con tranh thủ lau chùi đồ đạc
Không khí nhộn nhịp trong chiều 30/9
Nhiều người dân đã tranh thủ dắt xe máy đi sửa sau nhiều tháng "không ra đường"
Sau nghỉ Tết Tân Sửu người bệnh xếp hàng "rồng rắn" đi khám bệnh Sáng ngày 18/2/2021, hàng nghìn người bệnh xếp hàng trước cổng bệnh viện Ung Bướu TP.HCM chờ thực hiện khai báo y tế để được vào bệnh viện khám bệnh. Xếp hàng từ 5 giờ sáng 7 giờ 30 phút sáng, trước cổng Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 1 TP.HCM (đường Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh) đã ken kín...