Những yếu tố ảnh hưởng đến kinh nguyệt
Cân nặng, thuốc tránh thai hay dinh dưỡng, luyện tập đều có thể ảnh hưởng đến thời gian và lượng kinh nhiều hay ít của bạn.
Cùng tham khảo lý do tại sao có sự khác nhau giữa mỗi kỳ kinh nguyệt, từ Sheknows:
1. Vòng kinh của bạn
Nếu vòng kinh của bạn là 21 ngày hoặc 30 ngày thì cũng đừng vội lo lắng. Đó là điều bình thường. Trung bình, chu kỳ kinh nguyệt ở một phụ nữ là khoảng 28 ngày nhưng ở mỗi người lại khác nhau. Xét ở góc độ khoa học, một chu kỳ bình thường có thể kéo dài 21-35 ngày.
Khi nào cần lo lắng về sự bất thường? Các chuyên gia gợi ý rằng, nếu thời gian chênh lệch giữa hai chu kỳ là lớn (22 ngày ở tháng này và 35 ngày ở tháng kế tiếp) thì bạn nên trao đổi sớm với bác sĩ để chắc chắn không có gì bất ổn.
Với những bạn gái mới có kinh nguyệt thì sự biến đổi của chu kỳ cũng là điều bình thường. Có thể phải mất vài năm để tuyến yên, buồng trứng trưởng thành hoàn toàn và khiến chu kỳ kinh nguyệt đều đặn.
Video đang HOT
2. Chế độ ăn uống và tập thể dục
Chế độ dinh dưỡng và luyện tập có thể ảnh hưởng đến cơ hội mang thai. Nếu bạn luyện tập quá sức hoặc ăn không đủ, khả năng thụ thai giảm đáng kể do mức độ estrogen tụt xuống và sự rụng trứng có thể tạm ngưng. Điều đó có nghĩa là nếu bạn phải luyện tập với cường độ cao (như một vận động viên chẳng hạn), bạn có thể bị vô kinh tạm thời trong một năm. Đây là loại hình bất thường của kinh nguyệt, kết quả phổ biến là kinh nguyệt thất thường hoặc bị vô kinh.
3. Trọng lượng
Giống như dinh dưỡng và luyện tập, quá gầy có thể dẫn tới vô kinh tạm thời, giảm khả năng sinh sản dù bạn vẫn thấy mình hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng thừa cân quá mức cũng là một vấn đề. Bởi vì khi ấy, quá nhiều estrogen có thể bị tích tụ trong cơ thể khiến kỳ kinh nguyệt nặng hơn và đôi khi, không đều.
4. Các hình thức tránh thai
Các hình thức tránh thai khác nhau ảnh hưởng đến mức hormone trong cơ thể khác nhau. Nhưng dù chọn cách “kế hoạch” nào, bạn nên biết rằng chúng sẽ có một số ảnh hưởng đến kỳ kinh nguyệt. Các hình thức kiểm soát sinh, chẳng hạn như vòng tránh thai có thể khiến kỳ kinh nặng hoặc nhẹ hơn tùy thuộc vào loại vòng tránh thai.
Theo Me&be/Sheknow
Vì sao nàng dễ cáu kỉnh vào "ngày ấy"?
Chắc hẳn nhiều quý ông, lắm lúc phải lớn tiếng ta thán hay nhẹ nhàng hơn, chỉ thầm nghĩ trong bụng: "Sao hôm nay nàng khó chịu, cáu kỉnh thế?"
Trạng thái tâm lý đó có khi xuất hiện thường xuyên và nếu để ý thì dường như có chu kỳ. Hãy coi chừng, rất có thể đó là biểu hiện của những rối loạn trước hành kinh, nằm ngoài ý muốn của nàng, chứ không phải vì áp lực công việc hay gia đình đã khiến nàng như vậy.
Rối loạn trước hành kinh là một tập hợp nhiều rối loạn xảy ra có tính chu kỳ, liên quan đến kinh nguyệt và tuỳ mức độ có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người phụ nữ. Có thể liệt kê đến hơn trăm triệu chứng, tuy nhiên người ta cho rằng có thể đến 80% phụ nữ đã từng trải qua ít nhất một triệu chứng trong hội chứng.
Chưa "bắt" được thủ phạm
Cho đến giờ, nguyên nhân của tình trạng trên vẫn chưa được biết rõ ràng. Lúc đầu, người ta nghĩ rằng biến động của progesterone trong giai đoạn sau rụng trứng gây ra. Thế nhưng, điều trị progesterone chỉ cải thiện được một nhóm nhỏ bệnh nhân và người ta nghi ngờ những người cải thiện chẳng qua là do tác dụng "thuốc giả" (an tâm vì được điều trị).
Người ta cũng nghĩ rằng đây là do một tập hợp rối loạn của nhiều nội tiết tố trong người, bao gồm nội tiết tố sinh dục, các chất dẫn truyền thần kinh, dịch thể và điện giải. Có điều rõ ràng là các triệu chứng chỉ xuất hiện vào giai đoạn hoàng thể của chu kỳ kinh, khi trứng đã rụng và thành lập hoàng thể.
Các triệu chứng nói chung sẽ bao gồm các rối loạn về thể chất lẫn rối loạn về tâm lý hay cảm xúc. Về thể chất, có thể gặp tăng cân, trướng bụng, ngực căng và đau, nổi mụn, cơn nóng bừng mặt, nhức đầu, thèm ăn ngọt, đau vùng chậu, tiêu chảy hay táo bón. Về tâm lý, có thể gặp tăng kích thích hay trầm cảm, lo lắng, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, kém tập trung...
Các triệu chứng biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, tuỳ đặc tính sinh học ở từng phụ nữ, cũng như ngưỡng chịu đựng và sự quan tâm đến sức khoẻ của họ. Sẽ có người không cảm thấy gì khác biệt hay chỉ cảm giác hơi khó ở; nhưng có người sẽ cảm thấy rất khổ sở, cần sự giúp đỡ của y tế. Các triệu chứng này xuất hiện vào khoảng từ 1 - 2 tuần trước kỳ kinh và tự động chấm dứt sau sạch kinh. Thường xuất hiện trên nhóm phụ nữ độ tuổi 30 - 40.
Dễ chẩn đoán nhầm bệnh khác
Được xem là có hội chứng tiền hành kinh khi các triệu chứng xuất hiện ít nhất năm ngày trước kỳ kinh, trong ba chu kỳ liên tục và chấm dứt sau khi sạch kinh, đồng thời các triệu chứng phải làm ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày.
Cần phân biệt giữa hội chứng tiền hành kinh (PMS - premenstrual syndrome, khi chỉ cần có một trong các triệu chứng đã kể với mức độ khác nhau, có khi không cần quan tâm hay điều trị) với rối loạn tiền hành kinh nghiêm trọng (PMDD - prementrual dysphoric disorder, khi có từ năm triệu chứng trở lên, và các rối loạn này làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân, đôi khi cần sự phối hợp điều trị giữa nhiều chuyên khoa).
Xử trí bệnh nhân sẽ tuỳ các triệu chứng và mức độ. Điều đầu tiên là phải loại những nguyên nhân bệnh lý thực thể, có thể làm nhầm lẫn là do tiền hành kinh.
Ví dụ các nguyên nhân có thể gặp trong chuyên ngành sản - phụ khoa như lạc nội mạc tử cung cũng gây đau bụng, đau vùng chậu trầm trọng trước và trong ngày hành kinh; các nang buồng trứng cơ năng, tình trạng xuất huyết giữa kỳ hay nang buồng trứng xuất huyết cũng có các triệu chứng khó chịu vùng chậu; một số bệnh lý nội khoa như bệnh tuyến giáp, tình trạng thiếu máu, các rối loạn về biến dưỡng hay các bệnh lý tâm - thể...
Tình trạng mệt mỏi kéo dài, hội chứng ruột kích thích cũng dễ bị nhầm lẫn với hội chứng tiền hành kinh. Một số bệnh lý khác như nhức nửa đầu, hen suyễn, rối loạn tri thức... có thể sẽ trầm trọng hơn với hội chứng tiền hành kinh.
Điều trị bằng cách nào?
"Tập thể dục, mátxa, châm cứu cũng có thể cải thiện một số triệu chứng. Nên áp dụng chế độ ăn ít mỡ, ít đường, hơi nhiều đạm, cùng các dạng bột phức tạp".
Dùng các thuốc giảm đau để giảm tình trạng đau, các thuốc an thần hay gây hưng phấn để điều chỉnh triệu chứng thuộc nhóm cảm xúc - tâm lý, bổ sung nội tiết tố sinh dục cho một số nhóm đặc biệt. Tập thể dục, mátxa, châm cứu cũng có thể cải thiện một số triệu chứng. Nên áp dụng chế độ ăn ít mỡ, ít đường và hơi nhiều đạm, cùng các dạng bột phức tạp (đường đa - chậm phân huỷ thành đường đơn).
Người ta đã thấy có sự liên quan giữa nồng độ đường và serotonin, một tác nhân có thể liên quan đến hội chứng tiền hành kinh. Với tình trạng căng và đau vú, có thể chỉ dùng thuốc giảm đau, hay đôi khi cần tới thuốc đặc trị. Các vitamin E, B6, canxi, magiê cũng cải thiện phần nào hội chứng.
Lợi tiểu cũng có thể dùng nhằm làm giảm tình trạng giữ nước, tăng cân. Tuy nhiên tốt hơn hết nên dùng chế độ ăn giảm muối và các loại cây cỏ hay thức ăn có tính lợi tiểu. Đông y với các loại thảo dược có tính tăng lưu thông khí huyết cũng cải thiện được phần nào.
Như đã nói, hội chứng tiền hành kinh sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người phụ nữ. Để họ có thể an tâm trong sinh hoạt, làm việc và sống tích cực, bên cạnh điều trị y khoa, rất cần liệu pháp tâm lý của quý ông.
Sự thông hiểu, an ủi, chia sẻ kịp thời vào những lúc nàng bị hội chứng quấy rầy cũng sẽ là một loại "thảo dược" quý giá, giúp các nàng vượt qua khó khăn của những ngày ấy một cách bình an.
ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh
Theo SGTT
"Chỗ ấy" thâm đen có sao không? Đây là thắc mắc của rất nhiều chị em khi để ý thấy vùng kín của mình không có màu hồng hồng như thời còn con gái. Mình mới chỉ có một em bé gần 1 tuổi, nhưng mấy hôm trước mình mới để ý thấy chỗ ấy của mình có vẻ thâm đen hẳn so với một năm trước khi mình còn...