Những vườn rau giữa biển
Trong sóng gió khắc nghiệt, các loài rau vẫn tươi xanh dưới bàn tay chăm sóc của các chiến sĩ nhà giàn đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển của tổ quốc.
Trên nhà giàn DK1 cách đất liền hàng trăm km, những luống rau xanh mướt phủ quanh được xem như đặc sản của những người lính Hải quân quanh năm đối diện với sóng gió.
Đủ loại rau muống, cải, xà lách, mướp, bầu bí… được trồng trong các khay nhựa, thùng xốp hoặc bất kỳ đồ vật nàocác chiến sĩ có thể tận dụng.
Một số nồi hỏng trở thành “vườn” cải.
Để trồng được rau xanh trên nhà giàn là cả một kỳ tích. Ở DK1, các chiến sĩ ngày đêm phải che chắn gió bão, nâng niu từng cọng rau muống, rau mồng tơi, dây lang đất, gốc hành…
“Khoảng tháng 3-4 sóng yên biển lặng rau phát triển bình thường nhưng từ tháng 8 đến 11 ở đây sóng lớn lắm. Rau dính nước mặn hư hỏng rất nhiều”, một chiến sĩ cho biết.
Nước ngọt trên nhà giàn quý như vàng nên các chiến sĩ thường hứng lại nước tắm, giặt… dùng tưới rau.
Cà pháo để đổi món. Nó làm các chiến sĩ đỡ nhớ bữa cơm dân dã bên gia đình.
Video đang HOT
Mỗi chiến sỹ trung bình có khẩu phần khoảng 20 gram rau xanh một bữa. Rau hầu như được dùng trong mọi bữa ăn từ nấu canh đến xào, rau sống…
“Trái cây” được lính nhà giàn ưa thích nhất là ớt. Mỗi nhà giàn thường có cả chục cây đầy quả và cay khác thường. “Ngoài này sóng gió, được ăn trái ớt cay nồng vừa giữ ấm vừa nhớ hương vị quê nhà nên ớt được ưu tiên trồng nhiều nhất”, chiến sỹ Trần Minh Đại chia sẻ.
“Rau nhà giàn không thuốc, sạch 100% đó, chứ không giống rau muống tưới nhớt thải như ở Sài Gòn”, một chiến sĩ tếu táo.
“Ở đây ai cũng đau đáu nỗi nhớ nhà. Tìm đến mấy luống rau muống, dền tôi như thấy mẹ cha, vợ con đang ở cạnh mình”, trung úy Phạm Thái Đảm, nhà giàn DK 1-2 chia sẻ.
Đại tá Tô Văn Thư – Phó Tham mưu trưởng Vùng 2 Hải quân – cho biết, các nhà giàn DK1 đều trồng rau để cải thiện bữa ăn. Trung bình, mỗi nhà thu 500-600 kg một năm. “Giữa mênh mông biển trời, vườn rau xanh giúp các chiến sĩ coi nhà giàn như ngôi nhà của mình, vơi nỗi nhớ quê đồng thời có thêm nguồn thực phẩm”, ông Thư nói.
DK1 là cụm dịch vụ Kinh tế – Khoa học – Kỹ thuật được xây dựng dưới dạng các nhà giàn, trên thềm lục địa phía Nam tổ quốc, cách đất liền khoảng 250-350 hải lý. Nhà giàn DK1 thuộc Vùng 2 Hải quân, nằm trên thềm lục địa phía Nam tổ quốc.
Những người làm nhiệm vụ trên nhà giàn thường trải qua ít nhất 8-9 tháng mới trở về đất liền. Không ít chiến sỹ ở liên tục trên nhà giàn 2-3 năm.
Duy Trần
Theo VNE
Những ngôi nhà canh giữ chủ quyền biển Đông
Hơn chục nhà giàn nằm trên các bãi cạn, bãi ngầm ở thềm lục địa phía Nam như những ngôi nhà canh giữ vùng biển chủ quyền Việt Nam.
DK1 là cụm dịch vụ Kinh tế - Khoa học - Kỹ thuật được xây dựng dưới dạng các nhà giàn, trên thềm lục địa phía Nam tổ quốc, cách đất liền khoảng 250 - 350 hải lý.
DK là chữ cái đầu viết tắt của cụm từ Dịch vụ - Khoa học kỹ thuật, được hiểu như một công trình phục vụ mục đích dân sự trên biển. Số 1 chỉ những nhà giàn ở vòng ngoài cùng, xa nhất, so với phía gần đất liền hơn là hệ thống DK2 phục vụ dầu khí.
Trên khu vực Biển Đông, Việt Nam xây dựng 7 khu vực nhà giàn. Mỗi nhà giàn là một Trạm Dịch vụ Kinh tế - Khoa học kỹ thuật (DVKT - KHKT), giao Lữ đoàn 171 thuộc Vùng 2 Hải quân quản lý.
Trung úy Lê Văn Chiên, Chính trị viên nhà giàn DK1-2 cho biết, nhà giàn vừa canh giữ chủ quyền biển vừa là ngôi nhà chung của các chiến sĩ vốn quanh năm sống với sóng gió. "Trên nhà giàn, chúng tôi như anh em, cùng ăn ở, làm việc rồi động viên chia sẻ mọi khó khăn", sĩ quan trẻ nói.
Từ ngày 10 đến 15 tháng 6 năm 1989, Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh tiến hành xây dựng xong nhà giàn đầu tiên tại bãi đá ngầm Phúc Tần. Đây là nhà giàn được khảo sát ở vị trí số 3 nên còn được gọi là nhà giàn DK1/3.
Tại mỗi cụm nhà giàn luôn có các tàu Kiểm ngư túc trực, sẵn sàng hỗ trợ các nhà giàn xua đuổi những tàu nước ngoài đến quấy nhiễu.
Dù đối mặt với muôn vàng sóng gió, nằm cô đơn, chênh vênh giữa biển trời nhưng nhà giàn là điểm tựa cho các tàu thuyền ngư dân Việt Nam đánh bắt xa bờ.
Các chiến sĩ thay phiên nhau trực canh gác. Họ thức dậy từ rất sớm, tập thể dục, triển khai công việc trong ngày.
Những người làm nhiệm vụ trên nhà giàn thường trải qua ít nhất 8-9 tháng mới trở về đất liền. Không ít chiến sỹ ở liên tục trên nhà giàn 2-3 năm.
Chiến sĩ Trần Minh Đại, quê Bình Dương, ra nhà giàn thực hiện nhiệm vụ 6 tháng nay. Công việc của anh mỗi ngày là canh gác theo ca, kịp thời phát hiện tàu nước ngoài tiến sát nhà giàn, báo cáo về đất liền kịp thời xử lý tình huống. "Cuộc sống ở đây nhiều khó khăn nhưng đồng đội của tôi luôn đoàn kết. Sống giữa biển khơi canh giữ chủ quyền biển là nhiệm vụ thiêng liêng, đầy ý nghĩa trong quãng đời quân ngũ của tôi", Đại chia sẻ.
Vòng hoa tưởng niệm những người lính từng hy sinh khi bảo vệ nhà giàn được lãnh đạo Vùng 2 Hải quân tổ chức dịp Tết Bính Thân.
Trước đó, tháng 12 năm 1990, cơn bão lớn cấp 12 giật sập nhà giàn DK1/3 làm 3 chiến sĩ hy sinh. Năm 1998, cơn bão Faith có sức gió giật trên cấp 12 khiến nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị sóng cuốn trôi, đánh sập. Thêm ba chiến sỹ nữa hy sinh.
Sĩ quan nhà giàn thường thắp hương, nghiêm trang chào trước bàn thờ những người lính đã ngã xuống khi tham gia bảo vệ nhà giàn, chủ quyền biển.
Hiện, nhiều nhà giàn được cải tạo, nâng cấp nên có thể chống chịu được những trận bão lớn, điều kiện sinh hoạt cũng bớt khó khăn hơn.
Duy Trần - Phước Tuấn
Theo VNE
Bộ đội chia nước ngọt cho dân vùng thiên tai lịch sử Trong cơn hạn mặn lịch sử, nhiều ngày qua lực lượng quân đội chở nước ngọt đến vùng sâu, vùng xa chia sẻ khó khăn với đồng bào nghèo miền Tây. Lữ đoàn 167 - Vùng 2 Hải quân - tặng bồn nước cho người dân vùng bị nhiễm mặn gay gắt tỉnh Sóc Trăng, để họ trữ nước ngọt sinh hoạt hàng...