Những vụ gãy chân nổi tiếng nhất thế giới
Những ngày qua, bóng đá rúng động với chấn thương của tiền vệ Đỗ Hùng Dũng sau pha vào bóng của Ngô Hoàng Thịnh. Hãy cùng tìm hiểu trên thế giới đã có những cầu thủ gãy chân nào, và số phận của họ ra sao.
Andy Cole (1996)
Nếu hỏi bất kỳ một cầu thủ bóng đá nào, họ cũng sẽ nói rằng gãy chân là một trong những chấn thương kinh khủng nhất sự nghiệp. Điều duy nhất tồi tệ hơn một cái chân bị gãy là… gãy cả hai chân. Và Andy Cole, huyền thoại Man United đã đen đủi hứng chịu sự hy hữu đó, sau pha vào bóng của Neil Ruddock (Liverpool) trong một trận đấu dự bị.
Thật may cho Andy Cole và cả Man United, anh đã trở lại thần tốc chỉ sau vài tháng, hơn nữa còn đá như lên đồng. Còn về phía ‘thủ phạm’ Ruddock, sau này đã thẳng thừng thừa nhận đã chủ động “ăn” chân Cole, nhưng tiết lộ ông “chỉ” muốn khiến đối phương… gãy một chân mà thôi. Huyền thoại Liverpool cũng gây sốc với tuyên bố: “Tôi không nghĩ việc làm gãy chân Andy Cole là hay, nhưng giờ tôi muốn làm điều tương tự với Cristiano Ronaldo”.
Andy Cole gãy 2 chân một lúc sau pha phạm lỗi của Ruddock
Henrik Larsson (1999)
Huyền thoại bóng đá Thuỵ Điển ở đỉnh cao sự nghiệp (tuổi 28) cũng là nạn nhân của những pha bóng ác ý. Khi còn chơi cho Celtic, Henrik Larsson từng bị Serge Blanc phạm lỗi thô bạo từ phía sau, chân gãy 2 vị trí và mất 8 tháng để hoàn toàn bình phục. Dù vậy, Larsson đã có sự trở lại kỳ diệu, thậm chí còn chơi hay hơn với 35 bàn thắng trong 38 trận đấu sau đó, giúp Celtic giành cú ăn ba giải quốc nội.
Sau khi rời Celtic, Larsson gia nhập Barcelona, và sau này từng có khoảng thời gian ngắn ngủi khoác áo Man United. Larsson từng gây sốc khi tuyên bố, chấn thương kinh khủng đó đã khiến anh trở thành một cầu thủ tốt hơn.
Henrik Larsson gãy chân ở tuổi 28 nhưng vẫn trở lại đỉnh cao, thậm chí còn đá hay hơn
Djibril Cisse (2004/2006)
Dù không phải huyền thoại trong màu áo nào, nhưng Djibril Cisse xứng đáng được xem là huyền thoại trong làng phục hồi hậu gãy chân. Nếu ở trên, Andy Cole một lần gãy 2 chân, thì Cisse cũng ấn tượng không kém với… 2 lần gãy một chân và ở 2 bên khác nhau. Năm 2004, Cisse trong màu áo Liverpool đã gãy chân trái, nghỉ thi đấu 161 ngày. Năm 2006, Cisse gãy chân phải trong một trận giao hữu vô thưởng vô phạt ở Trung Quốc, lỡ luôn cơ hội dự World Cup năm đó với 182 ngày rời xa sân cỏ.
Nhưng kể từ đó (2006) tới khi giải nghệ vào năm 37 tuổi (năm 2019), cầu thủ này gần như miễn nhiễm với chấn thương và khoác lên mình hơn chục màu áo khác nhau, ra sân chơi bóng như chưa hề có cuộc chia ly. Đáng chú ý, trong cả 2 lần gãy xương, anh đều gãy đồng thời cả xương chày lẫn xương mác.
Cisse 2 lần gãy gập chân vào các năm 2004 và 2006
Alan Smith (2005)
Trong một trận đấu với đại kình địch Liverpool, ‘chiến binh’ Alan Smith của Man United đã dính chấn thương nặng nề. Đáng chú ý, đây không phải tình huống mà John Arne Riise chủ động gây ra, khi cú sút của anh quá mạnh và vô tình khiến Smith tiếp đất lỗi bằng chân trái. Phải đến gần một phút, bóng mới được đưa ra ngoài sân và tất cả mới nhận ra chấn thương của Smith nghiêm trọng đến mức nào.
Sau tai nạn này, Alan Smith mất hơn 200 ngày mới bình phục, nhưng đánh mất đi sự nghiệp đỉnh cao. Anh rời MU năm 2007 (tới Newcastle) và cũng chỉ 1 năm sau đó (2008), anh lại gãy chân do mỏi, và lần này lại mất thêm 131 ngày ngồi ngoài. Cả sự nghiệp, Smith chỉ có 2 chấn thương đó, nhưng tình huống gãy chân do chặn cú sút của Riise đã khiến anh không bao giờ trở lại sự nghiệp đỉnh cao.
Alan Smith của MU từng gãy chân sau pha đỡ cú sút của John Arne Riise
Eduardo da Silva (2008)
Tháng 2/2008, Arsenal nhận tổn thất cực lớn trong một trận đấu tại Premier League, khi Eduardo da Silva bị gãy chân sau cú tắc bóng của Martin Taylor (Birmingham). Chấn thương kinh dị này đã khiến cầu thủ người Croatia nghỉ thi đấu 300 ngày, và không bao giờ tìm lại phong độ vốn có.
Năm 2010, anh ngậm ngùi rời Arsenal để gia nhập Shakhtar Donetsk trong sự tiếc nuối của các CĐV, và kể từ đó liên tục chuyển CLB. Nếu không bị gãy chân, có lẽ sự nghiệp của Eduardo sẽ không lận đận đến vậy, bởi anh được đánh giá có triển vọng lớn trong màu áo Arsenal.
Eduardo da Silva sớm chia tay sự nghiệp đỉnh cao tại Arsenal và sau đó chỉ khoác áo những CLB trung bình
Aaron Ramsey (2010)
Gia nhập Arsenal năm 2008 với kỳ vọng trở thành một Cesc Fabregas mới, nhưng sự nghiệp của Aaron Ramsey đã sớm bị đặt dấu hỏi trong trận gặp Stoke vào đầu tháng 3/2010. Cụ thể, chân anh đã biến dạng sau cú tắc bóng của Ryan Shawcross, người thậm chí đã bật khóc ngay sau khi làm đồng nghiệp gãy chân.
Chấn thương này khiến Ramsey nghỉ cho tới tháng 11 cùng năm, bỏ lỡ 29 trận đấu cùng Arsenal. Nhưng khác với người đồng đội Eduardo da Silva 2 năm trước đó, Ramsey đã trở lại đỉnh cao và đóng vai trò quan trọng trong màu áo Pháo thủ những năm sau đó. Có thể nói, anh là một trong số ít những cầu thủ của làng bóng đá có thể tái xuất sau khi gãy cả xương chày lẫn xương mác.
Ramsey là nạn nhân sau pha tắc bóng kinh hoàng từ Shawcross
Hatem Ben Arfa (2010)
Tháng 10 cùng năm, Ben Arfa là nạn nhân tiếp bị gãy chân, và thủ phạm lần này là Nigel de Jong (Man City). Tiền vệ người Pháp đang khởi đầu đầy hứa hẹn tại Newcastle, nhưng lập tức phải nghỉ thi đấu hết mùa giải đó vì gãy chân, sau cú xoạc bóng ác ý của đồ tể người Hà Lan.
Đều đặn những năm sau đó, Ben Arfa đều nghỉ ít nhất 2 tháng mỗi mùa vì những vấn đề kác nhau, và không bao giờ thể hiện được tiềm năng cực lớn của mình như người đồng đội cùng trang lứa Karim Benzema. Hiện tại, Ben Arfa đang khoác áo Bordeaux ở tuổi 34, sau khi liên tục thay đổi CLB.
Ben Arfa là cầu thủ gãy chân sau cú vào bóng của đồ tể Nigel de Jong
Luke Shaw (2015)
Được đưa về Old Trafford với mức giá kỷ lục dành cho một hậu vệ cánh trái, Luke Shaw sớm chứng tỏ khả năng của mình và trở thành trụ cột của HLV Louis Van Gaal. Nhưng ngay đầu mùa giải thứ 2, anh đã không may gãy chân với cú cắt kéo nguy hiểm của Hector Moreno (PSV). Shaw phải thở oxy và rời sân bằng cáng, với cái chân phải bị gãy làm 3 khúc.
Cầu thủ này đã chật vật để trở lại sau những lần phẫu thuật, thậm chí suýt mất chân vì chứng máu đông, liên tục tái phát chấn thương. Cho dù đã bình phục sau 9 tháng, nhưng phải tới thời điểm hiện tại – 5 năm sau chấn thương kinh hoàng, Luke Shaw mới lấy lại phong độ đỉnh cao của mình và là hậu vệ cánh trái hàng đầu Premier League mùa giải này (2020/21).
Luke Shaw gãy chân năm 2015 và mất 5 năm để trở lại đỉnh cao phong độ
Hùng Dũng phục hồi thần kỳ sau ca chấn thương kinh hoàng
Tiền vệ Đỗ Hùng Dũng đã khiến người hâm mộ bất ngờ với hình ảnh tập luyện cùng nạng mới đây. Rõ ràng so với hình ảnh rợn người vào tối ngày 23/3, không nhiều người tin phép màu sẽ đến với Quả bóng Vàng 2019.
Tiền vệ Đỗ Hùng Dũng gặp chấn thương kinh hoàng ở trận đấu giữa CLB TP.HCM và Hà Nội FC trong khuôn khổ vòng 5 V.League 2021 trên sân Thống Nhất. Chấn thương của tiền vệ sinh năm 1993 khiến những người lạc quan nhất cũng nghĩ rằng anh có thể tự chống nạng đi lại 2 ngày sau phẫu thuật.
Theo hình ảnh mới nhất được câu lạc bộ Hà Nội đăng tải, Hùng Dũng đang tập đi lại với sự trợ giúp của đôi nạng và giám sát của bác sĩ. Trên thực tế, vào ngày hôm qua (25/3), Dũng đã được bác sĩ cho tập nhẹ trên giường, mức độ tập luyện sẽ tăng dần theo giáo án.
Đỗ Hùng Dũng tập luyện với nạng sau 2 ngày phẫu thuật (nguồn: Hanoi Football Club)
Vì phương pháp thực hiện là mổ kín, nên vết thương không lộ. Khi rạch da để khoan vào xương, trên da chỉ còn xuất hiện một lỗ nhỏ. Vì vậy, việc tập luyện sớm không ảnh hưởng nhiều đến vết thương.
Theo xác nhận của bác sĩ trực tiếp làm phẫu thuật cho Hùng Dũng, tiền vệ của Hà Nội FC có thể chạm chân nhẹ, tập nhẹ khoảng 30% sau 3-4 tuần nữa. Sau đó 2 tuần Dũng có thể chịu lực lên 50%-70%. Sau 2 tháng nữa, Hùng Dũng có thể bỏ nạng và tập chạy nhẹ. Nếu tập cơ tốt và cơ địa tốt, sau khoảng 5-6 tháng, Hùng Dũng có thể tập nặng hơn. Việc trở lại bóng đá còn phụ thuộc vào các bài tập ở thời gian đó.
Cũng theo tiết lộ của bác sĩ, Hùng Dũng có thể được xuất viện trong 1-2 ngày nữa. Bất cứ chấn thương nào cũng cần tập phục hồi.
Hùng Dũng phục hồi thần kỳ sau ca chấn thương kinh hoàng
Một chi tiết rất may mắn với chấn thương của Hùng Dũng là việc anh dính chấn thương ở khu vực dễ lành. Nếu Hùng Dũng gãy ở chính giữa của xương thì việc thi đấu đỉnh cao gặp rất nhiều khó khăn. Bởi đây là khu vực yếu nhất, dễ bị gãy lại. Thêm vào đó, Hùng Dũng bị gãy ở nửa dưới nhưng là phía trên, chứ không gần khu vực mặt cá. Vì nếu gãy quá sát mắt cá sẽ dẫn đến tổn thương điểm bám xương chày, xương mác hoặc các dây chằng cổ chân.
Vì vậy nếu không nói quá, có thể cho rằng ca chấn thương của Hùng Dũng là một điều thần kỳ. Theo lời hứa của anh với Park Hang Seo, Dũng sẽ trở lại đội hình tuyển Việt Nam nếu Những ngôi sao vàng vào vòng loại thứ hai vòng loại World Cup 2022.
Clip: Thực hư việc HLV Park Hang-seo đập nát điện thoại khi xem clip Đỗ Hùng Dũng gãy chân HLV Park Hang-seo dành sự quan tâm, lo lắng đặc biệt cho cầu học trò Đỗ Hùng Dũng sau pha gãy chân đầy ám ảnh. Tuy nhiên, nhà cầm quân người Hàn Quốc bác bỏ thông tin ông đập nát điện thoại khi xem clip HLV Park Hang-seo phản ứng thất vọng trong phòng VIP khi xem clip Đỗ Hùng Dũng bị gãy...