Những việc người dân cần làm khi đổi từ CMND sang CCCD gắn chip
Người dân khi đổi từ Chứng minh nhân dân (CMND) 9 số sang Căn cước công dân (CCCD) gắn chip bị đổi số cần chú ý thay đổi thông tin các loại giấy tờ liên quan để tránh gặp rắc rối khi làm thủ tục hành chính.
Sửa thông tin trên Hộ chiếu
Hiện nay, khi thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan một số nước sẽ yêu cầu công dân xuất trình thêm CMND hoặc CCCD để đối chiếu thông tin với Hộ chiếu.
Trên Hộ chiếu thể hiện thông tin số CMND/CCCD nên khi đổi từ CMND 9 số qua CCCD 12 số, người dân phải đi sửa đổi thông tin trên Hộ chiếu để sử dụng thống nhất. Việc này giúp người dân tránh bị hải quan làm khó khi thông tin giữa các giấy tờ không trùng khớp.
Tuy nhiên, với trường hợp làm hộ chiếu bằng thẻ CCCD 12 số, sau đó chuyển sang thẻ CCCD gắn chip thì mã số định danh vẫn được giữ nguyên nên không cần thay đổi.
Báo số CCCD mới cho Bảo hiểm xã hội
Theo Công văn 3835/BHXH-CST ngày 27/9/2013 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nếu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp có thay đổi số CMND thì không phải cấp lại sổ BHXH.
Video đang HOT
Tuy nhiên, để thực hiện các thủ tục liên quan như tra cứu quá trình tham gia BHXH, hạn sử dụng BHYT…, người dân cần làm thủ tục cập nhật thông tin hồ sơ BHXH, thẻ BHYT.
Thay đổi thông tin thuế
Theo khoản 2 Điều 36 Luật Quản lý thuế 2019, cá nhân đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế khi thay đổi thông tin đăng ký thuế (bao gồm thông tin về số CMND/CCCD) thì phải thực hiện thủ tục thông báo thay cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thay đổi.
Người nộp thuế có thể tự mình thực hiện thủ tục hoặc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức chi trả thu nhập thực hiện đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế. Người lao động có trách nhiệm thông báo cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi.
Sửa thông tin trên sổ đỏ
Theo Điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, Giấy chứng nhận phải thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Do đó, cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy CMND thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp thẻ CCCD thì ghi “CCCD số:…”; trường hợp chưa có Giấy CMND hoặc thẻ CCCD thì ghi “Giấy khai sinh số…”.
Thông tin số CMND/CCCD của người sử dụng, sở hữu đất đai gắn liền với đất được ghi tại trang 1 Giấy chứng nhận. Việc đổi từ CMND sang CCCD gắn chip không ảnh hưởng đến quyền sở hữu đất, người dân không bắt buộc phải thay đổi thông tin này. Tuy nhiên, để tránh rủi ro trong các giao dịch mua bán sau này (nếu có), người dân nên cân nhắc cập nhật thông tin để khớp với số trên thẻ CCCD gắn chip.
Cập thông tin tài khoản ngân hàng
CMND/CCCD là công cụ để ngân hàng xác minh chủ tài khoản khi giao dịch trực tiếp tại quầy ngân hàng. Khi số CMND thay đổi, thông tin các nhân trong hồ sơ tài khoản ngân hàng sẽ không trùng khớp.
Nếu các số bị sai lệch thì nhân viên không thể đối chiếu và xác nhận chủ tài khoản và ảnh hưởng đến giao dịch. Vì vậy, sau khi chuyển sang CCCD gắn chip và bị đổi số, người dân nên liên hệ với ngân hàng quản lý tài khoản để được hỗ trợ thay đổi thông tin cá nhân để đảm bảo mọi giao dịch diễn ra thông suốt.
Cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp
Khoản 3 Điều 28 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh; đối với chủ doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân.
Theo điểm a khoản 1 Điều 63 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp cập nhật, bổ sung các thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cần gửi thông báo đề nghị cập nhật, bổ sung thông tin đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Theo quy định trên, người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, chủ doanh nghiệp tư nhân cần phải làm thủ tục thông báo cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp.
Ai được quyền kiểm tra, giữ Căn cước công dân?
Nhiều bạn đọc nêu thắc mắc: Hiện nhiều cơ sở lưu trú qua đêm (khách sạn, nhà nghỉ) vẫn giữ lại Căn cước công dân (CCCD) của khách, chỉ trả lại sau khi khách rời đi. Như vậy có đúng không?
Về việc này, đại diện Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an cho biết: Theo quy định của Luật CCCD, thẻ CCCD là giấy tờ tùy thân, dùng để chứng minh nhân thân công dân của Việt Nam và sử dụng vào những thủ tục hành chính, giao dịch dân sự khác. Theo quy định, chỉ những cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam; cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mới có thẩm quyền tạm giữ thẻ CCCD.
Trong các giao dịch dân sự như xin việc làm, thuê phòng trọ, khách sạn, nhà nghỉ lưu trú qua đêm... thì không có quyền giữ CCCD của người đó, mà chỉ được phép yêu cầu xuất trình CCCD để kiểm tra thông tin. Trước đây, với Chứng minh nhân dân cũng quy định như vậy.
Bạn đọc cũng nêu thắc mắc: Liệu trong quá trình kiểm tra CCCD, ví dụ như lễ tân khách sạn, có thể dùng thiết bị công nghệ để quét, sao chép và làm giả CCCD, đánh cắp thông tin cá nhân của khách hàng hay không?
Vẫn theo C06, CCCD gắn chip hiện nay được tích hợp nhiều thông tin của công dân và có thể thay thế nhiều loại giấy tờ. Để bảo mật, công nghệ áp dụng trên CCCD gắn chip hiện nay tuân thủ theo tiêu chuẩn bảo mật của thế giới và của Việt Nam, đảm bảo thẻ không thể bị theo dõi ngầm, không bị đọc trộm thông tin trên thẻ nếu công dân không tự xuất trình thẻ CCCD để tiếp xúc với thiết bị đọc thẻ (thiết bị này được C06 trang cấp cho các cơ quan chức năng phục vụ quét thông tin trong CCCD để giải quyết các thủ tục hành chính).
Theo đó, chip trên CCCD chỉ hoạt động khi tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với các thiết bị đầu đọc chip trong phạm vi 10 cm. Trong quá trình trao đổi dữ liệu giữa đầu đọc và chip của thẻ CCCD, mọi thông tin đều được mã hóa nhằm chống lại việc nghe lén, lấy trộm thông tin của công dân.
Ngoài ra, dữ liệu công dân bên trong chip khó có thể làm giả và thay đổi được sau khi phát hành thẻ với các thuật toán mật mã tuân thủ theo tiêu chuẩn của Ban Cơ yếu Chính phủ, cũng như tiêu chuẩn bảo mật quốc tế. Đồng thời, nếu có tác động bất hợp pháp can thiệp, chip sẽ có cơ chế tự bảo vệ dữ liệu. Công nghệ phần cứng của chip cũng như các công nghệ phần mềm triển khai trên thẻ CCCD đảm bảo chống lại việc làm giả thẻ cũng như làm giả dữ liệu của công dân. Không những vậy, ảnh được in trên thẻ CCCD là ảnh được lưu trong chip trong quá trình sản xuất, do vậy hoàn toàn có thể phát hiện khi đối sánh sinh trắc, nên việc lấy trộm thẻ CCCD để sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp là không thể thực hiện.
Ví dụ, với thẻ CCCD gắn chip, khi đi rút tiền tại ngân hàng, công dân phải quét vân tay trực tiếp để so sánh với vân tay lưu trong thẻ CCCD để xác định chủ thẻ, nếu vân tay trùng khớp thì mới rút tiền được. Như vậy, nhân viên ngân hàng có thẻ cũng không thể tự rút được tiền của công dân.
Trong trường hợp các đối tượng cố tình làm giả CCCD thì cơ quan chức năng sẽ dễ dàng phân biệt, phát hiện khi sử dụng các thiết bị quét chuyên dụng
Cách sử dụng BHYT trên chính Căn Cước Công Dân gắn chip, tiết kiệm thời gian và tiện lợi Đây là bước chuyển mình trong thời đại chuyển sang công nghệ số tại Việt Nam, bằng Căn Cước Công Dân gắn chip giờ đây sẽ giúp bạn giảm bớt các thủ tục hành chính và thời gian, tránh các trường hợp quên giấy tờ khi đi khám hay điều trị bệnh. Trong năm 2021, các địa phương đã gấp rút triển khai...