Những ước tính về ảnh hưởng kinh tế của vụ sập cầu ở Mỹ
Theo hãng tin CNBC của Mỹ, đánh giá sơ bộ ban đầu cho thấy vụ sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore, bang Maryland (Mỹ) là một thảm họa hàng hải, nhưng không phải là một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Nhà kinh tế trưởng tập đoàn RSM, Joseph Brusuelas, nói: “Những gì đã xảy ra thực sự là một bi kịch… Nhưng về mặt kinh tế, vụ việc này hầu như không gây ra bất kỳ ‘gơn sóng’ nào cho nền kinh tế Mỹ”.
Hiện trường vụ sập cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore, bang Maryland (Mỹ), sau khi bị tàu chở hàng đâm trúng, ngày 27/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Con tàu container DALI treo cờ Singapore đã va chạm vào một trụ cầu Francis Scott Key rạng sáng ngày 26/3, khiến cây cầu bị sập ngay lập tức. Cho đến chiều muộn cùng ngày, các nhà chức trách kết hợp với các lực lượng cứu hộ, các tổ chức liên quan… đã tiến hành “giải cứu” con tàu. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã tuyên bố sẽ đến bang Maryland sớm nhất có thể.
Những ảnh hưởng có thể xảy ra đối với nền kinh tế Mỹ
Vụ sập cầu đã khiến cảng Baltimore thuộc thành phố Baltimore, bang Maryland phải đóng cửa cho đến khi có thông báo mới. Đây là cảng biển lớn thứ 11 của Mỹ và là cảng đóng vai trò điểm đến xuất khẩu hàng đầu của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Trong năm 2023, cảng Baltimore đã là nơi trung chuyển của 847.000 chiếc ô tô và xe tải hạng nhẹ, nhiều hơn bất kỳ cảng nào khác tại Mỹ.
Ông Brusuelas chia sẻ: “Cảng Baltimore không hấp dẫn như cảng của Los Angeles, nhưng đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của Mỹ”. Ông dẫn chứng các nhà sản xuất ô tô như BMW và Volkswagen có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào lúc này, do họ phụ thuộc khá nhiều vào cảng Baltimore. Người tiêu dùng đang tìm mua xe mới cũng có thể sẽ phải trì hoãn mua do tình trạng thiếu hụt tạm thời.
Ngoài ra, các nhà bán lẻ như Under Armour, Home Depot, IKEA và hãng vận chuyển FedEx cũng có thể cảm nhận được một số tác động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, người phát ngôn của Home Depot cho biết các trung tâm phân phối của công ty này ở khu vực Baltimore vẫn “mở cửa và hoạt động” bình thường.
Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của tổ chức Moody’s nói với CNBC: “Sẽ có rất nhiều điều chỉnh cần thực hiện. Nhưng tôi không nghĩ nó sẽ xuất hiện trong dữ liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ”.
Hôm 28/3, Thống đốc bang Maryland Wes Moore đã đề nghị Chính phủ Mỹ hỗ trợ 60 triệu USD để khắc phục hậu quả và xây dựng lại cây cầu. Chỉ vài giờ sau khi tiếp nhận đề nghị của Thống đốc Wes Moore, Cơ quan Quản lý đường cao tốc liên bang thuộc Bộ Giao thông vận tải Mỹ đã phê duyệt khoản kinh phí khẩn cấp ban đầu 60 triệu USD. Động thái này đánh dấu việc giải ngân kinh phí đặc biệt nhanh sau một thảm họa như vậy.
Video đang HOT
Ảnh hưởng tới kinh tế địa phương
Mặc dù đã nhận được khoản kinh phí “hào phóng” từ Chính phủ Mỹ để dùng cho việc khôi phục cầu Francis Scott Key, nhưng Thống đốc Moore đã cảnh báo rằng còn một “con đường rất dài phía trước”. Ông cho biết tác động kinh tế của vụ sập cầu sẽ là rất nặng nề và kéo dài đối với bang Maryland.
Cảng Baltimore là nơi làm việc của hơn 15.000 công nhân và gián tiếp hỗ trợ gần 140.000 việc làm thông qua các hoạt động khác tại cảng. Việc cảng này đóng cửa có nghĩa là toàn bộ số công nhân đang làm việc tại đây sẽ phải nghỉ tạm thời hoặc bị giảm giờ làm kéo dài.
Hơn nữa, không có cây cầu, hoạt động giao thông sẽ bị gián đoạn và ách tắc, trải rộng trên nhiều khu vực do cầu Francis Scott Key nằm ngang sông Patapsco có độ kết nối giao thông cao. Ông Moore lưu ý điều này sẽ ảnh hưởng tới năng suất lao động và sản lượng kinh tế địa phương.
Năng lực chuỗi cung ứng
Theo nhà kinh tế Brusuelas, sau nhiều năm đối phó với những khó khăn trong chuỗi cung ứng thời đại dịch COVID-19, các cảng biển trên khắp nước Mỹ đã tăng cường hiệu quả và năng lực để có khả năng giải quyết lượng hàng tồn đọng lớn. Năng lực vận chuyển bổ sung đó cung cấp mạng lưới an toàn trong trường hợp khẩn cấp về hậu cần.
Ông Chris Rogers, Giám đốc Nghiên cứu Chuỗi Cung ứng Toàn cầu của S&P, cho biết vụ sập cầu là thách thức mới nhất đối với chuỗi cung ứng ở khu vực Đông Bắc Mỹ”, sau những vấn đề khác, trong đó có hoạt động vận tải thương mại qua khu vực Biển Đỏ và Kênh đào Panama.
Nhìn chung, bất kỳ sự gián đoạn kinh tế nào từ vụ sập cầu Francis Scott Key ngày 26/3 cũng đều có thể sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ trong vài tuần tới, nhưng khó có khả năng kéo dài đến cuối tháng Tư. Tuy nhiên, sự cố này nhấn mạnh hơn về sự mong manh của cơ sở hạ tầng giao thông vận tải tại Mỹ.
Tiến sĩ Richard Clinch, chuyên gia phân tích kinh tế và tài chính, đồng thời là giám đốc điều hành của Viện Jacob France tại Đại học Baltimore, nhận định cảng Baltimore “có tầm quan trọng sống còn”. Ông cho biết tác động lâu dài từ vụ sập cầu phụ thuộc vào thời gian sửa chữa và xây dựng lại cây cầu.
Tiến sĩ Clinch nói: “Nếu mất sáu tháng sửa chữa, nó sẽ tác động không quá lớn, nhưng tôi không nghĩ nhanh như vậy. Nếu quá trình khôi phục cầu mất hai năm, tăng trưởng của lĩnh vực vận tải Mỹ sẽ bị ảnh hưởng lâu dài”.
Tàu đâm sập cầu ở Mỹ bằng lực ngang với phóng tên lửa
Làm thế nào một thứ gì đó di chuyển chậm hơn cả xe đạp lại có thể gây ra tác động tàn khốc, đánh sập cây cầu lớn nhất thành phố Baltimore của Mỹ?
Ngày 26/3/2024, tàu container Dali treo cờ Singapore đã bất ngờ chết máy khi đang ra khỏi bến cảng Baltimore và đâm thẳng vào cột trụ của cầu Francis Scott Key. Gần như toàn bộ cây cầu thép này đã đổ sập chỉ trong vài giây, khiến nhiều người và phương tiện đang lưu thông trên cầu rơi xuống sông. Ảnh: AFP/TTXVN
Tàu container Dali đã di chuyển chậm trước khi đâm vào cầu Francis Scott Key ở Baltimore hôm 26/3. Tuy nhiên, nó tạo ra một lực lớn đến mức có thể so sánh với một vụ phóng tên lửa.
Làm thế nào một thứ gì đó di chuyển chậm hơn một người đi xe đạp bình thường lại có thể gây ra tác động tàn khốc như vậy? Câu trả lời nằm ở khối lượng của nó: tàu Dali nặng tương đương với 1/3 đến một nửa tòa cao ốc Empire State.
Có thể phải mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm để các kỹ sư có thể mô phỏng rõ ràng về thảm họa này, có tính đến tất cả các biến số. Nhưng tờ New York Times (NYT) đã sử dụng dữ liệu hạn chế có sẵn để tìm hiểu vụ va chạm có thể mạnh đến mức nào. Và ngay cả những tính toán đơn giản nhất của họ cũng cho thấy lực tác động là rất lớn.
Ước tính thấp nhất của NYT về lượng lực cần thiết để làm chậm tàu Dali, nếu nó chở đủ tải trọng, là khoảng 12 triệu newton, tức khoảng 1/3 lực cần thiết để phóng tên lửa Saturn V cho các sứ mệnh Mặt trăng Apollo.
Và những ước tính sâu hơn của NYT, được xem xét bởi một số chuyên gia kỹ thuật dân dụng, cho thấy việc tàu đã tác động lên trụ cầu một lực lên tới 100 triệu newton là thực tế.
Ben Schafer, Giáo sư kỹ thuật hệ thống và dân dụng tại trường Đại học Johns Hopkins, cho biết: "Vụ đâm ở mức tiêu tốn nhiều năng lượng hơn mức bạn thực sự có thể suy nghĩ được".
Tuy nhiên, các chuyên gia còn bất đồng về việc liệu trụ cầu có thể chịu được va chạm trực tiếp với tàu container cỡ lớn hay không.
Nii Attoh-Okine, giáo sư kỹ thuật tại Đại học Maryland, cho biết: "Tùy thuộc vào kích thước của tàu container, cây cầu không có cơ hội nào [trụ được]". Ông nói rằng cầu Key của Baltimore đã hoạt động hoàn hảo trước khi vụ tai nạn này xảy ra và xác suất là 95 - 99% cây cầu sẽ bị hư hỏng nếu bị một tàu container như vậy đâm phải.
Nhưng Sherif El-Tawil, Giáo sư kỹ thuật tại Đại học Michigan, người đã xem xét các tính toán của NYT, cho biết việc thiết kế một trụ cầu có thể đứng vững sau một cú va chạm như vậy là khả thi: "Nếu cây cầu này được thiết kế theo tiêu chuẩn hiện hành, nó có thể sống sót."
Tàu container Dali đâm thẳng vào cột trụ của cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore thuộc bang Maryland (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN
Những cây cầu hiện đại, được thiết kế trong thời đại tàu vận chuyển container siêu lớn, thường được xây dựng với các trụ chắc chắn hơn hoặc hệ thống bảo vệ xung quanh các trụ có thể hấp thụ hoặc làm chệch hướng lực va chạm của tàu.
Nhưng cầu Key được hoàn thành vào năm 1977, khi các tiêu chuẩn còn khác biệt và tàu thuyền nhỏ hơn nhiều.
Trong nỗ lực tìm hiểu của mình, NYT đã ước tính khối lượng của tàu Dali nằm trong khoảng từ 195.000 tấn khi đầy tải và 78.000 tấn khi rỗng, dựa trên hồ sơ tàu và tiêu chuẩn hàng hải về trọng lượng mà một tàu container thông thường có thể đảm nhận. Trên thực tế con tàu chở một số hàng hóa, vì vậy ngay cả khi tải nhẹ, khối lượng của nó có lẽ ít nhất là 100.000 tấn.
Để ước tính con tàu đã bị khựng lại nhanh đến mức nào, họ lấy dữ liệu từ hai trang web theo dõi tàu, MarineTraffic và My Ship Tracking. Trước khi va chạm, dữ liệu cho thấy con tàu đang di chuyển với tốc độ khoảng 7,8 dặm/giờ. Điểm dữ liệu tiếp theo mà NYT có thể tìm thấy, là 38 giây sau, cho thấy nó di chuyển với tốc độ 2,5 dặm/giờ.
Cuối cùng dựa trên các phép tính, tờ NYT đi đến ước tính rằng lực trung bình cần thiết để làm chậm con tàu là từ 6 triệu đến 12 triệu newton, tương đương khoảng 1/3 lực cần thiết để phóng tên lửa Saturn V trong các sứ mạng Mặt trăng Apollo.
Một góc chụp khác về con tàu và cầu Key trong sự cố ngày 26/3. Ảnh: Quân đoàn Công binh Mỹ
Các kỹ sư cho biết, thay vì thiết kế một trụ tàu chịu được tác động của lực mạnh hàng chục hoặc hàng trăm triệu newton, người ta có thể giúp bảo vệ cây cầu bằng cách tạo ra các hệ thống bảo vệ - chẳng hạn như tấm chắn, đảo nhân tạo hoặc cấu trúc gọi là cá heo - có thể làm phân tán lực tác động, làm chậm tàu trước khi va chạm hoặc chuyển hướng tàu khỏi trụ cầu.
Các tiêu chuẩn an toàn cũng có thể được sửa đổi, yêu cầu phải có các tàu kéo hộ tống những con tàu hàng lớn trong thời gian dài hơn cho đến khi chúng rời xa khỏi cơ sở hạ tầng một cách an toàn.
Năm 1980, một vụ va chạm tàu đã khiến cầu Sunshine Skyway ở Vịnh Tampa, bang Florida bị sập và trong thập kỷ sau thảm họa đó, ngành công nghiệp đã thông qua các hướng dẫn rằng các cây cầu hoặc cấu trúc bảo vệ của chúng phải chịu được lực lớn hơn.
Giáo sư El-Tawil cho biết, các vụ va chạm giữa tàu và cầu gây ra mức độ thiệt hại như vậy là cực kỳ hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, El-Tawil nói rằng ông rất ngạc nhiên khi cầu Key không được bổ sung hệ thống bảo vệ.
"Hệ thống bảo vệ sẽ chuyển hướng con tàu ra khỏi trụ cầu, bảo vệ cây cầu, bảo vệ cộng đồng khỏi bị mất một cây cầu quan trọng và bảo vệ chính con tàu", ông nói.
Mỹ: Nỗ lực tìm kiếm khoảng 20 người rơi xuống sông trong vụ tàu hàng đâm sập cầu Ngày 26/3, lực lượng cứu hộ ở thành phố Baltimore, bang Maryland (Mỹ) đang khẩn trương tìm kiếm người sống sót trong vụ tàu chở hàng đâm sập một đoạn cầu khiến khoảng 20 người và nhiều phương tiện rơi xuống sông. Theo thông tin mới nhất, đã có 2 người được đưa lên khỏi mặt nước, trong đó một người bị thương...