Những ứng dụng biến smartphone thành thiết bị chăm sóc sức khỏe người dùng
Những ứng dụng miễn phí dưới đây sẽ biến chiếc smartphone thành một thiết bị để người dùng có thể tự chăm sóc sức khỏe cho chính mình.
Sức khỏe luôn là vốn quý giá nhất của con người, nhưng bạn đã biết cách để tự chăm sóc sức khỏe của mình một cách hiệu quả? Những ứng dụng miễn phí dưới đây sẽ cung cấp những tính năng hết sức hữu ích, để bạn có thể tự quản lý và chăm sóc sức khỏe của bản thân, như hướng dẫn tập luyện thể dục, quản lý nhịp tim, bảo vệ mắt khi dùng smartphone…
Biến smartphone thành huấn luyện viên để tự tập thể lực ngay tại nhà
Bạn là nhân viên văn phòng thường xuyên phải ngồi làm việc nên không có nhiều thời gian vận động? Hay bạn muốn giữ cho vóc dáng của mình luôn cân đối? Đến phòng gym là một giải pháp được nhiều người lựa chọn, nhưng không phải ai cũng có thể sắp xếp thời gian hoặc kinh phí để đến phòng tập gym.
Một giải pháp cũng đáng để lựa chọn, đó là tập luyện ngay tại nhà với sự giúp đỡ của ứng dụng có tên gọi Home workout no equipment.
Biến smartphone thành huấn luyện viên để tự tập thể lực ngay tại nhà
Home workout no equipment là ứng dụng được thiết kế để giúp mọi người có thể tập luyện thể dục và gìn giữ sức khỏe ngay tại nhà mà không cần phải sử dụng các thiết bị chuyên dụng tại các phòng tập thể hình.
Ưu điểm của ứng dụng đó là sẽ phân chia ra các bài tập theo từng cấp độ từ đơn giản đến nâng cao và chia ra các bài tập ra thành từng nhóm cơ riêng biệt để người dùng có thể dễ dàng lựa chọn các bài tập phù hợp với mục đích của mình, chẳng hạn những bài tập để tăng sức mạnh của phần thân trên, các bài tập để tăng sức mạnh của thân dưới, bài tập để tăng cơ ngực hay cơ tay…
Ứng dụng cũng cho phép người dùng đặt ra mục tiêu để tập luyện bằng số buổi tập trong tuần và sẽ theo dõi quá trình tập luyện của người dùng để xem có đáp ứng được mục tiêu đó hay không.
Các bài tập được minh họa của ứng dụng dưới dạng các hình ảnh động, rất đơn giản và dễ hiểu để người dùng có thể thực hiện theo. Ứng dụng cũng hướng dẫn người dùng thực hiện các bước khởi động và giãn cơ trước cũng như sau khi tập luyện để tránh chấn thương trong quá trình tập.
Ứng dụng di động giúp ngủ ngon và tỉnh táo hơn khi thức dậy
Chất lượng của giấc ngủ rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Có được một đêm ngủ ngon giấc có thể giúp bạn làm việc hiệu quả hơn vào ngày hôm sau. Bên cạnh đó, việc đặt báo thức sao cho hợp lý để không mệt mỏi khi thức dậy do chuông báo thức reo cũng là một điều quan trọng.
Sleep Better là công cụ rất hữu ích nếu bạn muốn có được một giấc ngủ ngon và tỉnh táo khi thức giấc.
Ứng dụng sẽ theo dõi nhịp thở, cử động trong giấc ngủ… từ đó đánh giá chất lượng giấc ngủ của người dùng. Dựa vào các yếu tố ngoại cảnh như uống cafe trước khi ngủ, ngủ ở giường lạ… người dùng sẽ biết được chất lượng giấc ngủ của mình bị ảnh hưởng như thế nào để có sự điều chỉnh ở những lần ngủ tiếp theo.
Đặc biệt, Sleep Better có chức năng báo thức thông minh, dựa vào chu kỳ sinh học của giấc ngủ để phát chuông báo thức vào thời điểm người dùng đang ở giấc ngủ nông, nghĩa là có thể tỉnh giấc dễ dàng hơn và ít mệt mỏi hơn khi thức giấc. Điều này sẽ giúp người dùng không quá bị mệt mỏi khi thức dậy vào mỗi buổi sáng.
Ứng dụng giúp bảo vệ sức khỏe đôi mắt khi sử dụng smartphone vào ban đêm
Màn hình trên thiết bị di động nói chung hay smartphone nói riêng đều phát ra luồng ánh sáng xanh với năng lượng cao giúp tăng khả năng hiển thị nội dung khi sử dụng ngoài trời. Tuy nhiên, khi bạn tiếp xúc với màn hình vào ban đêm thì ánh sáng xanh sẽ vô cùng nguy hại.
Về lâu dài, ánh sáng xanh từ màn hình smartphone sẽ gây mỏi mắt, đau đầu, nhìn mờ, căng mắt, khô mắt, mệt mỏi, khó tập trung và rối loạn giấc ngủ. Với trẻ em sẽ dễ bị hại mắt hơn bởi thủy tinh thể của các em kém hiệu quả hơn trong việc lọc ánh sáng xanh, tăng thêm nguy cơ thoái hóa điểm vàng theo lứa tuổi.
Ứng dụng giúp bảo vệ sức khỏe đôi mắt khi sử dụng smartphone vào ban đêm
Nhiều smartphone, máy tính bảng ngày nay được trang bị tính năng lọc ánh sáng xanh trên màn hình để không làm mỏi mắt người dùng khi sử dụng smartphone vào ban đêm. Tuy nhiên không phải smartphone nào cũng được trang bị tính năng này và nếu được trang bị thì cũng rất hạn chế và không cho phép người dùng tùy chỉnh nhiều về khả năng lọc ánh sáng xanh trên màn hình.
Blue Light Filter là ứng dụng miễn phí cho phép tạo bộ lọc ánh sáng xanh phát ra từ màn hình smartphone và chuyển màn hình sang ánh sáng với nhiệt độ màu thấp hơn, giúp không làm hại mắt và không ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ khi người dùng sử dụng smartphone vào buổi tối.
Bên cạnh việc bảo vệ mắt, việc giảm nhiệt độ màu trên màn hình smartphone cũng sẽ góp phần giúp giảm độ sáng màn hình, từ đó kéo dài hơn nữa thời lượng sử dụng pin trên thiết bị di động.
Biến smartphone thành máy đo nhịp tim
Đo nhịp tim là tính năng quen thuộc trên các loại đồng hồ và vòng đeo thông minh hiện nay. Cơ chế hoạt động của cảm biến đo nhịp tim trên smartwatch là ghi nhận sự thay đổi của mao mạch trên cổ tay của người đeo, từ đó thực hiện các biện pháp tính toán phù hợp để đưa ra nhịp tim của người dùng ở con số gần đúng nhất.
Biến smartphone thành máy đo nhịp tim
Trong trường hợp bạn không sở hữu một chiếc smartwatch hoặc vòng đeo thông minh nào, bạn có thể biến chiếc smartphone của mình thành thiết bị đo nhịp tim nhờ vào ứng dụng với tên gọi Instant Heart Rate.
Với ứng dụng này, người dùng chỉ việc đặt ngón tay của mình lên ống kính camera của smartphone, khi hoạt động đèn flash trên sản phẩm sẽ được bật sáng để ghi nhận sự thay đổi mao mạch của ngón tay, đồng thời thuật toán trên ứng dụng sẽ tính toán nhịp tim của người dùng dựa trên sự thay đổi của mao mạch ngón tay và đưa ra kết quả.
Ứng dụng này thực sự hữu dụng với những ai có vấn đề về bệnh tim mạch, đái tháo đường… và có biện pháp xử lý phù hợp nếu cảm thấy nhịp tim quá cao hoặc quá thấp.
Ứng dụng Việt cảnh báo người từng tiếp xúc F0
Ứng dụng Bluezone sử dụng công nghệ Bluetooth để xác định người dùng smartphone có từng tiếp xúc những người mới có kết quả dương tính Covid-19 hay không.
Ứng dụng Bluezone được giới thiệu trong sự kiện công bố các giải pháp công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 18/4.
Để kiểm soát tình hình dịch bệnh, một trong những biện pháp các chuyên gia y tế cộng đồng đang áp dụng là truy tìm ca nhiễm, rồi từ đó tiếp tục lần ra những người từng tiếp xúc với các bệnh nhân này trong vòng 14 ngày trước đó. Tuy nhiên, không phải người nhiễm Covid-19 nào cũng có thể nhớ hết được trong hai tuần họ đã đi những đâu, gặp gỡ những ai và trong khoảng thời gian cụ thể nào. Ngoài ra, khi số lượng ca nhiễm tăng sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nguồn tài nguyên và nhân lực dùng để tra soát lịch sử dịch dễ của từng ca nhiễm.
Để giải bài toán này, Bluezone - ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE - ra đời với mục tiêu hỗ trợ người dân bảo vệ chính họ và cộng đồng, góp phần kiểm soát sự lây lan của virus. Các smartphone cài Bluezone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách hai mét, ghi nhận sự tiếp xúc gần vào lúc nào và trong bao lâu. Khi có một ca nhiễm Covid-19 mới, cơ quan y tế nhập dữ liệu F0 này vào hệ thống. Hệ thống sau đó gửi dữ liệu F0 đến các smartphone khác cài Bluezone. Lịch sử tiếp xúc với F0 trong 14 ngày trước đó sẽ được phân tích, đối chiếu và nếu trùng khớp, Bluezone sẽ cảnh báo cho người dùng có nguy cơ lây nhiễm, đồng thời hướng dẫn họ liên hệ với cơ quan y tế để nhận trợ giúp.
Cơ chế hoạt động của Bluezone.
Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, cho biết nguyên tắc của Bluezone là bảo mật, ẩn danh và minh bạch. Hồ sơ về lịch sử tiếp xúc được mã hoá và lưu trữ cục bộ trên điện thoại, không chuyển lên hệ thống cũng như không đòi hỏi danh tính, không thu thập vị trí của người dùng.
Ý tưởng sử dụng Bluetooth để xác định các ca tiếp xúc gần ở Việt Nam được hình thành từ sớm, gần như cùng lúc với nhiều nước khác trên thế giới. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo bốn nhóm Memozone, VNPT, MobiFone và Bkav độc lập phát triển ứng dụng nhưng cùng nhau chia sẻ khó khăn, thách thức về kỹ thuật. Cuối cùng ứng dụng Bluezone của Bkav được đánh giá cao nhất.
"Bluezone là bước tiến mới, có tính đột phá trong việc sử dụng công nghệ để phòng chống dịch bệnh. Đột phá ở chỗ, chính quyền không thu thập thông tin người dân, thông tin chỉ lưu trên điện thoại cá nhân. Đột phá ở chỗ, ứng dụng chỉ đúng những người tiếp xúc gần và đủ lâu để có thể lây nhiễm, tránh việc một người bị nhiễm thì cả làng, cả khu bị cách ly. Đột phá ở chỗ, phần mềm mang tính toàn cầu khi sẽ để ở dạng nguồn mở để các quốc gia được chia sẻ và người dân có thể giám sát phần mềm mình đang dùng có an toàn không. Chúng ta không phải quốc gia đầu tiên dùng giải pháp này, nhưng phần mềm Việt Nam giải quyết được cơ bản các lỗi của các phần mềm trước đó", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông tuyên bố bảo trợ phần mềm Bluezone và khuyến khích người dân sử dụng để bảo vệ mình, người thân, cộng đồng. Bộ trưởng tin tưởng ứng dụng được cài rộng rãi sẽ phát huy hiệu quả, giúp kiểm soát các ổ dịch mới, nhất là khi người dân dần quay trở lại làm việc sau vài tuần ở nhà.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc phối hợp, thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực y tế, đồng thời nhận định: "Việc ra mắt ứng dụng giúp người dân xác định sự tiếp xúc gần, bảo vệ thông tin cá nhân, hết sức có ý nghĩa, kịp thời cung cấp cho người dân thêm một công cụ để tự bảo vệ mình cũng như bảo vệ cộng đồng. Đây cũng là xu hướng chung mà nhiều nước, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang thực hiện trong việc phòng chống dịch bệnh".
Bluezone giúp người dùng biết họ đã tiếp xúc gần bao nhiêu người trong ngày.
Ứng dụng sẽ được đưa lên App Store và Google Play trong vài ngày tới. Còn hiện người dùng có thể tải và trải nghiệm ứng dụng thông qua chương trình mời sử dụng tại bluezone.vn. Chiến lược triển khai thời gian tới là phát động chương trình "Mỗi người cài ứng dụng cho ba người khác" và nếu thành công, trong ba tuần, đa số người dùng smartphone tại Việt Nam sẽ cài Bluezone và được hệ thống bảo vệ.
Ứng dụng công nghệ trên thế giới
Cuối tháng 3, Cơ quan Công nghệ Chính phủ Singapore (GovTech) và Bộ Y tế nước này đã bắt đầu triển khai ứng dụng TraceTogether khai thác tín hiệu Bluetooth để đo khoảng cách tiếp xúc. Tuần trước, hai hãng công nghệ lớn Apple và Google cũng có động thái hiếm hoi là bắt tay nhau cùng phát triển ứng dụng tương tự với mục tiêu bù đắp thiếu sót của cách điều tra dịch tễ kiểu truyền thống.
Ứng dụng do Apple và Google phát triển hoạt động như sau: Alice và Bob vô tình ngồi nhau nơi công cộng và nói chuyện trong khoảng 10 phút. Smartphone của cả hai người đều cài ứng dụng và bật Bluetooth. Vài ngày sau, Bob được phát hiện dương tính với Covid-19 và nếu đồng ý, điện thoại của Bob sẽ tải nhật ký tiếp xúc mà Bluetooth ghi nhận 14 ngày qua lên ứng dụng. Lúc này, ứng dụng đối chiếu dữ liệu vị trí của Alice và sẽ gửi cảnh báo tới cô cùng những người khác từng tiếp xúc gần với Bob.
Cơ chế hoạt động theo mô tả của Google.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: "Hai lĩnh vực được đánh giá có những bước tiến quan trọng trong Covid-19 là y tế và công nghệ số. Covid-19 tạo ra cơ hội 'trăm năm' cho chuyển đổi số, cho các doanh nghiệp công nghệ số. Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tận dụng thời cơ và cùng chung tay, đồng hành cùng đất nước tạo ta các nền tảng và các ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng một Việt Nam số, đi đầu trong nhóm các nước xây dựng quốc gia số".
Châu An
Ba công ty smartphone bị nhái nhiều nhất tại Trung Quốc Ứng dụng điểm chuẩn của Trung Quốc Master Lu vừa công bố bảng xếp hạng những chiếc smartphone bị làm giả nhiều nhất trong quý 1/2020 tại nước này. Vì dữ liệu dựa trên sự xuất hiện của ứng dụng điểm chuẩn nên các dữ liệu được đưa ra dưới dạng tham khảo. Theo danh sách, hầu hết các mẫu smartphone giả mạo...