Những tọa độ thú vị ở Singapore cho chuyến đi đổi gió
Singapore không chỉ có những địa điểm check-in tuyệt đẹp mà đảo quốc này còn sở hữu nhiều công trình văn hóa có bề dày lịch sử.
Đừng tự bó chân mình trong những cung đường ai cũng đi. Chuyến đi đến Singapore sắp tới, hãy thử ghé những tòa nhà và khu phố di sản, khám phá các mảng màu mới mẻ ở đảo quốc Đông Nam Á.
Khu phố Tiong Bahru
Có lẽ bạn sẽ bất ngờ khi biết Tiong Bahru có nghĩa là “khu nghĩa địa mới”, vì nơi đây từng được quy hoạch như vậy. Tuy nhiên, ngày nay khu phố khoác màu áo mới, những dãy nhà thẳng tắp mang lối kiến trúc Art Deco, sở hữu vô số hàng quán lớn nhỏ, các phòng tranh nghệ thuật…
Khu phố Tiong Bahru khoác màu áo mới. Ảnh: Jason Knott/Alamy.
Đầu tiên, hãy ghé chợ trung tâm Tiong Bahru. Khu chợ là nơi buôn bán của nhiều gia đình qua các thế hệ, là điểm đến thường xuyên của người nội trợ trong vùng. Dù bên ngoài là phố thị hiện đại, bên trong chợ vẫn giữ nguyên nét văn hóa kampong, tức là chợ ở xóm làng. Đừng chỉ mua rau tươi, hãy thử ghé những khu ẩm thực được gọi là hawker, để thưởng thức các món đặc sản.
Bạn nên ghé thăm chợ trung tâm Tiong Bahr. Ảnh: TBM.
Tiếp theo, thử ghé nhà sách Books Actually. Không chỉ bán sách và đồ lưu niệm dễ thương, nơi đây còn có tủ bán sách tự động Mystery Books gây tò mò và thích thú. Hãy cho vào máy 10 SGD (khoảng 160.000 đồng), bạn sẽ nhận được một cuốn sách ngẫu nhiên rất ý nghĩa.
Nhà sách Books Actually. Ảnh: Snoopyholic’s Tealog.
Không chỉ thế, ở khu phố này còn có Curated Records – cửa tiệm bán đĩa than chuyên sưu tập những đĩa nhạc cổ hoặc bán giới hạn. Chủ cửa hàng là người rất sành nhạc, không ngần ngại trò chuyện cùng khách hàng về môn nghệ thuật này.
Cửa tiệm bán đĩa than chuyên sưu tập những đĩa nhạc cổ hoặc bán giới hạn. Ảnh: Curated Records.
Khu phố Joo Chiat và Katong
Nổi tiếng với các bức ảnh dãy shophouse nhiều màu sắc, khu phố Joo Chiat và Katong tự hào sở hữu văn hóa của người Peranakan, trộn lẫn giữa truyền thống và hiện đại. Từng là đồn điền thời thuộc địa, khu phố giờ đây sầm uất với khu mua sắm, không gian văn hóa đặc trưng.
Khu phố Joo Chiat và Katong mang vẻ vừa truyền thống vừa hiện đại. Ảnh: Visit SG.
Trước hết, hãy thử ghé The Intan – bảo tàng tôn vinh nền văn hóa độc đáo của người Peranakan. Chủ sở hữu nơi đây là người bản địa Peranakan, ông dành cả đời mình để thu thập các di vật của cộng đồng rồi tạo nên bộ sưu tập hoành tráng, chuyên nghiệp. Từ đồ dùng trong nhà đến trang sức đắt giá, tất cả hiện vật ở bảo tàng đều mang nhiều câu chuyện lịch sử hấp dẫn.
The Intan – bảo tàng tôn vinh nền văn hóa độc đáo của người Peranakan. Ảnh: Klook.
Sau đó, hãy đến cửa hàng di sản Rumah Bebe. Đây là nơi bán hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của người bản địa. Không chỉ thế, du khách còn có thể tham gia một khóa thực hiện, đóng vai người thợ thủ công.
Cửa hàng di sản Rumah Bebe. Ảnh: Rumah Bebe.
Đừng quên ghé Đền thờ Sri Senpaga Vinayagar, một ngôi đền Hindu giữa lòng khu phố Mã Lai. Ngôi đền có mái vòm dát vàng nguy nga, tương phản với những căn shophouse màu sắc ở sát bên. Du khách có thể sẽ không được tham dự các buổi cầu nguyện của người Hindu nhưng có thể đăng ký học múa Bharatanatyam, đây là điệu múa truyền thống của Ấn Độ.
Đền thờ Sri Senpaga Vinayagar có mái vòm dát vàng nguy nga. Ảnh: Tripadvisor.
Tiểu Ấn Độ trong lòng Singapore
Video đang HOT
Không ngoa khi nói Little India là khu phố lịch sử nhiều màu sắc nhất của Singapore. Trải qua chiều dài lịch sử đầy biến động, khu phố này ngày nay vẫn còn giữ được nét di sản độc đáo của mình. Tiểu Ấn Độ pha trộn giữa cái mới và cái cũ, nghệ thuật đường phố đương đại, các quán ăn ấn tượng nằm cạnh những đền chùa lâu đời, những sạp hàng bán gia vị, vải lụa…
Little India là khu phố nhiều màu sắc nhất của Singapore. Ảnh: Auscape International Pty Ltd/Alamy.
Để bắt đầu, hãy tìm đến khu mua sắm Little India Arcade. Chỉ với 5 phút đi bộ, tất cả cảnh quan, âm thanh và mùi vị đầy ắp tại trung tâm mua sắm này sẽ khiến bạn choáng váng. Tiểu thương chào khách và bày bán mọi thứ từ đồ trang sức, thảm lụa đến gia vị cay nồng, bánh kẹo ngọt.
Khu mua sắm Little India Arcad. Ảnh: Holidify.
Trung tâm Di sản Ấn Độ là điểm đến đáng cân nhắc. Cộng đồng người Ấn Độ nói riêng và Nam Á nói chung tại Singapore đã xây dựng được một bề dày lịch sử lâu đời, họ gìn giữ qua những câu chuyện kể. Trung tâm này không chỉ trưng bày những hiện vật, tổ chức tour tham qua bằng media, mà còn có các sự kiện văn hóa, triển lãm ấn tượng.
Trung tâm Di sản Ấn Độ là điểm đến đáng cân nhắc. Ảnh: Indian Heritage Centre.
Văn hóa Ấn Độ không thể thiếu đền thờ, vì vậy mời bạn ghé Đền Sri Veeramakaliamman, địa điểm lý tưởng cho một buổi sáng thảnh thơi. Công trình được xây dựng bởi những người Ấn Độ sống ở Singapore từ thế kỷ 19, địa điểm thờ phụng tuyệt đẹp này thờ nữ thần sức mạnh Kali, đây cũng là nơi tuyệt vời để tìm hiểu sâu hơn về Ấn Độ giáo.
Đền Sri Veeramakaliamman – địa điểm lý tưởng cho một buổi sáng thảnh thơi. Ảnh: URA Singapore.
Phố người Hoa ở Singapore
Từng là nơi tập trung đông người Hoa nhập cư vào Singapore, ngày nay Chinatown rất được yêu thích vì sự pha trộn giữa cái mới và cái cũ, những đền chùa cổ kính, những tiệm Đông y nằm kề bên các quán bar mới lạ, các cửa hiệu tân thời hiện đại gắn liền với lối sống thời thượng.
Chinatown rất được yêu thích vì sự pha trộn giữa cái mới và cái cũ. Ảnh: GOVSG.
Không thể đến phố Tàu Singapore mà không ngắm nghía những bức tranh tường hút mắt. Các họa sĩ đã biến văn hóa cổ truyền thành những sáng tạo nghệ thuật mới lạ, thu hút đông đảo du khách và đây cũng là cơ hội giúp Instagram của bạn trở nên “no nê” hơn.
Những bức tranh tường hút mắt tại phố Tàu Singapore. Ảnh: The Occasional Traveller.
Nằm trong ba căn shophouse trên đường Pagoda, Trung tâm Di sản Chinatown là nơi thời gian ngưng đọng, nơi khách tham quan có thể tìm hiểu về lịch sử của nhóm người này trong quá trình phát triển đảo quốc. Căn nhà xưa của người Hoa, cách họ kinh doanh, những món ăn truyền thống… được tái hiện chân thật nhất tại trung tâm.
Trung tâm Di sản Chinatown là nơi khách tham quan có thể tìm hiểu về lịch sử phát triển đảo quốc. Ảnh: Chinatown Heritage Centre.
Tất nhiên không thể không ghé chùa. Mời bạn đến Chùa Thian Hock Keng, ngôi chùa cổ kính được xây dựng từ thế kỷ 19, mang dáng dấp kiến trúc của miền Nam Trung Quốc.
Chùa Thian Hock Keng được xây dựng từ thế kỷ 19. Ảnh: Chinatown Singapore.
Hãy để ý những chi tiết chạm trổ tỉ mỉ, những bức tượng rồng phượng và các vị thần, cũng như những mảnh sứ vỡ nhiều màu trên gờ mái, đây chính là kỹ thuật trang trí đền chùa đặc trưng kiểu Phúc Kiến.
Chuyến đi "xuyên nửa Việt Nam" của một gia đình Hà Nội
Gia đình chị Lê Trang vừa có chuyến du lịch "xuyên nửa Việt Nam" kéo dài 11 ngày chi phí khoảng 40 triệu đồng thành công!
Vì mê "xê dịch" nên năm nào nhà chị Lê Trang (35 tuổi, sống và làm việc tại Hà Nội) cũng đi du lịch. Mỗi năm cả nhà xách vali đi nghỉ dưỡng 1-2 lần, chủ yếu bằng máy bay. Vì các con thích biển nên chị Trang ưu tiên chọn các điểm đến đều có biển, thường là Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Mũi Né...
Năm nay, mẹ Hà Nội muốn "đổi gió" một chút nên đã quyết định cùng cả nhà tự đi du lịch bằng ô tô riêng của gia đình. Mới đây, chị Trang đã chia sẻ những hình ảnh trong chuyến đi "xuyên nửa Việt Nam" của cả nhà lên mạng xã hội và nhận về nhiều lượt chú ý, yêu thích của dân mạng. Được biết chuyến du lịch này của gia đình chị kéo dài 11 ngày, chi phí gần 40 triệu đồng.
Một bức ảnh gia đình chị Trang hào hứng tại Lăng Cô (Huế).
Chị Trang chia sẻ: "Gia đình mình có 5 thành viên, 2 người lớn và 3 trẻ nhỏ. Con út mới chỉ 3,5 tuổi. Vì thế, khi đi du lịch mình phải chuẩn bị đồ đạc rất kĩ để đảm bảo sức khỏe và tinh thần cho cả nhà. Mỗi người trong gia đình mang quần áo vừa đủ (5-6 bộ/người, sau đó sử dụng dịch vụ giặt là ở điểm mình dừng chân). Bên cạnh đó là đồ dùng cá nhân của từng người. Tiếp đến mình mang theo thuốc dự phòng ốm sốt, đau bụng, xịt muỗi... cho cả nhà. Mọi người nhớ mang theo giấy tờ của mình và các con nhé, mang cả thẻ bảo hiểm y tế, thẻ bảo hiểm sức khỏe (nếu có) đề phòng...
Khách sạn không cần book trước, vì di chuyển tùy thuộc vào sức khỏe người cầm lái và các "sếp nhí" nên cảm thấy đi được đến đâu thì dừng ở đó và book phòng. Tuy nhiên mọi người nên xem review các khách sạn ở điểm mình sẽ đi qua, như thế lúc chọn phòng sẽ nhanh và thuận tiện hơn. Lưu ý: Muốn ở Bà Nà Hill thì phải book phòng trước nhé.
Đồ ăn thức uống không cần mang nhiều, vì nhà mình đi xe nên di chuyển mua rất tiện (chuẩn bị chủ yếu là đồ ăn vặt cho trẻ con để các bạn kiên trì ngồi xe đường dài thôi). Tiền mặt cũng không cần mang nhiều, tiền trong thẻ và tài khoản nhiều là được. Bởi vì bây giờ thanh toán đều chuyển khoản hoặc quẹt thẻ hết, kể cả đổ xăng. Việc này sẽ tránh được trường hợp đánh rơi hoặc bị kẻ gian móc tiền".
Cả nhà cùng chụp ảnh tại làng hương Thủy Xuân.
Lịch trình "xuyên nửa Việt Nam" khám phá miền Trung
Ngày 1: Hà Nội - Huế
Vì ngày đầu tiên cả nhà đều sung sức nên gia đình chạy xe thẳng từ Hà Nội đến Huế, xuất phát từ 4h và đến Huế lúc 17h. Chị Trang chuẩn bị bữa sáng cho mình và mọi người bằng bánh mì, sữa hộp. Buổi trưa gia đình chị chọn quán dọc đường, ăn xong nghỉ ngơi 1 chút rồi tiếp tục lên đường.
Khi đến Huế, gia đình chị ăn tối bún bò Huế bà Tuyết ở 47 Nguyễn Công Trứ và đặc sản bánh bèo, lọc nậm, nem lụi ở Me Mẹ, chọn luôn khách sạn giữa hai quán ăn này để nghỉ qua đêm. Giá phòng 500.000 - 800.000 đồng, có chỗ để ôtô. Sau đó, cả nhà đi xích lô khám phá thành phố về đêm.
Ngày thứ 2, 3: Khám phá Huế
Buổi sáng cả nhà ăn bún bà Tuyết rồi lên đường đi Lăng Cô, chùa Thiên Mụ, làng hương Thủy Xuân. Buổi trưa gia đình chị Trang dùng bữa tại quán cơm Su Su- 260 Lạc Long Quân, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Chị đánh giá đây là quán bình dân nhưng rất đông khách, đồ ăn hợp khẩu vị.
Trong khi các con vui đùa thì chị Trang đi mua bữa sáng hải sản tươi ngon cho cả nhà.
Ăn trưa xong gia đình di chuyển đến Paciano homestay. Homestay này là chồng chị search google tìm được, nhưng may mắn là các bé lại rất thích địa điểm này. Vì vậy chị quyết định cả nhà nghỉ lại ở đây hai đêm, phòng hai giường giá 500.000 đồng một đêm. Buổi sáng, hai vợ chồng dậy sớm ngắm bình minh và tranh thủ mua ghẹ tươi, nấu ăn sáng, hấp ngay tại bờ biển. Trải nghiệm trong hai ngày này ở Huế chủ yếu là tắm biển và cho các con nghịch cát.
Cả nhà cùng dùng bữa sáng với nhau và ngắm biển.
Ngày 4,5: Quảng Ngãi (Lý Sơn)
Gia đình chị đến Quảng Ngãi là lúc 11 giờ trưa. Cả nhà thưởng thức ram tôm ở Phan Đình Phùng, trà sữa ở Ocha House và di chuyển đến quán cơm gà ở Nguyễn Nghiêm để ăn trưa. Sau khi no nê và nghỉ ngơi hợp lý, vợ chồng chị Trang và các con đến đảo Lý Sơn.
"Bến cảng có chỗ gửi xe mái che nên cứ yên tâm gửi và ra tàu thôi. Vé tàu là 213.000 đồng/người, trẻ em ngồi cùng bố mẹ thì miễn phí. Theo lịch trình của cảng thì tàu cao tốc từ cảng Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn ngày thường có 06 chuyến. Bắt đầu từ sáng khoảng 07h30 và kết thúc chuyến chiều khoảng 15h00. Nhà mình khám phá được hầu hết các điểm ở đảo: ngọn Hải Đăng, cổng Tò Vò, Chùa Hang, Hang Câu, núi Thới Lới... Kinh nghiệm mọi người muốn vào đất liền đúng lịch thì nhớ đặt vé từ lúc ra đảo luôn cho chủ động nhé. Bởi khách du lịch đến đây rất đông" - chị Trang cho hay.
Ngày thứ 6: Đà Nẵng
Cả nhà đến Đà Nẵng và lưu trú ở Bà Nà Hills. Đây cũng là địa điểm tốn kém nhất trong hành trình của gia đình, với giá phòng 3 triệu một đêm.
Tại đây, chị cho các con trải nghiệm di cáp treo, ngắm cảnh, chơi các trò chơi và xem phim. "Thời tiết trên này sẽ có lúc nóng, lúc lạnh, có lúc mưa nữa nên mọi người nhớ mang theo áo khoác mỏng nhé. Có lẽ ăn chơi - ngủ - nghỉ ở Bà Nà là tốn nhiều chi phí nhất trong chuyến đi này của nhà mình, rơi vào tầm 8-9 triệu gì đó cho 1 ngày 1 đêm" - Mẹ trẻ Hà Nội chia sẻ.
Ngày 7: Hội An
Đến Hội An, gia đình nhà chị Trang chọn nghỉ ngơi ở khách sạn Rose Garden Hotel, phòng 2 giường giá 650.000 đồng/đêm. Tối ăn cơm gà bà Nga, dạo phố cổ, đúng hôm rằm nên có lễ thả hoa đăng trên sông... Buổi sáng đi thuyền thúng ở rừng dừa Bảy Mẫu, vé hai thuyền là 500.000 đồng.
Ngày 8,9: Quay lại Đà Nẵng
Quay lại Đà Nẵng, gia đình chị chọn Robin Hotel, đường Loseby, sạch sẽ, khá mới để nghỉ. Giá phòng 2 giường đôi 500.000 đồng/đêm không bao gồm ăn sáng. Do hải sản không phải món yêu thích của nhà, nên chị Trang cho các con ăn kiểu cơm nhà, chọn quán Mậu Dịch ở 149 Hải Phòng, một lần hết 600.000 đồng. Tối thì cả nhà ăn hải sản Tài ở 110 Chính Hữu. Hóa đơn chỉ hết 1 triệu mà cả nhà no nê.
Chị Trang cho biết: "Tiếp đến là đến tiết mục chè. Chè Liên, chè Hương ở Pasteur ở 2 đêm thì đều ăn cả, rất ngon".
Ngày 10: Quảng Bình
Cả nhà nghỉ ngơi tại Sunflower. Giá phòng khá rẻ nhưng theo chị Trang do dịch nên homestay ở đây xuống cấp, chỉ ngủ tạm thôi chứ không ưng. Bù lại, bãi biển ở đây rất đẹp. Ăn tối cạnh biển quả là 1 trải nghiệm đáng nhớ. Sau đó cả nhà đi chơi trượt cát ở cồn cát Quang Phú. Sáng hôm sau ngắm bình minh trên biển rồi cả nhà lên đường về Hà Nội.
Cả nhà đi chơi trượt cát ở cồn cát Quang Phú.
Ngày 11: Hà Nội
Buổi trưa gia đình dừng lại Nghệ An thưởng thức đặc sản lươn xào chuối. Mẹo của chị Trang là chọn quán nhiều xe công và xe đầu kéo dừng ăn, do "các bác chạy xe đường dài quen nên biết chỗ nào ăn đảm bảo và hợp vệ sinh, để có sức lái xe".
"Tổng chi phí của chuyến đi khoảng 40 triệu đồng, trong đó gồm 5 triệu tiền xăng, một triệu phí cầu đường (có dán thẻ thu phí không dừng nên tiện lợi). Trung bình một ngày ăn uống ngủ nghỉ khoảng 2 triệu đồng. Chi phí đắt nhất là ở Bà Nà Hills, hết khoảng 9 triệu đồng. Một số chi phí khác là thuê xe máy di chuyển ở Lý Sơn, chi phí mua đồ phát sinh trong chuyến đi... Số tiền này thực sự rẻ hơn nhiều so với đi máy bay. Mình thấy xứng đáng cho những trải nghiệm mà gia đình nhận được.
Kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến đi là bị mắc kẹt ở cánh đồng điện gió Quảng Trị. Vì mải mê chụp ảnh nên ôtô tiến vào chỗ bị lún cát, phải mất hơn một tiếng để gọi cứu trợ lấy xe ra. Mọi người lưu ý để không mắc phải sai lầm này nhé, cứ đi tiếp lên phía trên tha hồ chụp ảnh, chỗ dừng đỗ thoải mái rộng luôn.
Nhờ chuyến đi này, các thành viên trong gia đình mình thêm gắn kết. Mình thấy rất vui vì cả nhà đã có 1 chuyến trải nghiệm thành công tốt đẹp" - chị Trang bộc bạch.
Người trẻ 'đi trốn' dịp lễ, bỏ thành phố sau lưng, bỏ rạp phim vào túi Thật đặc biệt khi bạn được cắm trại, nướng thịt, uống bia, xem phim và ngủ giữa thiên nhiên. Càng thú vị hơn khi chuyến đi đến bất chợt, mọi kế hoạch đều là ngẫu hứng. Nếu ai đó nhắn tin vào dịp lễ này và rủ bạn đi cắm trại ngắn, kinh nghiệm của tôi là bạn hãy nhận lời ngay. Đó...