Những tình huống hài hước khi dạy học trực tuyến
Vừa bật máy tính kết nối với học sinh để dạy trực tuyến, cô M. hoảng hồn khi thấy qua màn hình ở đầu bên kia nguyên cả một… cái bàn thờ. Hỏi ra mới biết trò vào học ở phòng thờ để có không gian yên tĩnh.
Cô M. là giáo viên hiện đang công tác tại một trường ngoài công lập tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Là giáo viên trẻ nên việc tiếp cận và làm quen với những ứng dụng dạy học trực tuyến trong mùa dịch Covid-19 không quá khó khăn với bản thân cô. Thậm chí còn có những trải nghiệm có một không hai từ trước nay, dở khóc dở cười với học sinh không kém trên lớp.
Trong buổi học online mới đây theo thời khóa biểu của nhà trường, cô M. bật máy để kết nối với học trò như thường lệ. Thế nhưng, khi vừa bật máy tính lên, cô giáo trẻ khiếp vía khi thấy qua màn hình ở đầu bên kia là nguyên cả một bàn thờ.
Trấn tĩnh sau phen hú vía, cô gọi tên thì thấy cậu học trò lớp 3 đáp lời. Hỏi ra mới biết học sinh vào phòng thờ của nhà để có được không gian yên tĩnh.
Do đợt nghỉ học kéo dài, bố mẹ cậu quyết định đưa cả 3 anh em về nhà ông bà. Đến giờ học ngày hôm đó, anh học thì các em nhỏ nghịch quấy gây ồn ào. Qua điện thoại, mẹ cậu bảo tìm một phòng nào đó yên tĩnh mà học.
Kết quả, cậu bé lớp 3 hồn nhiên tìm chỗ và kết nối với cô giáo với hình ảnh đặt camera hướng về phía sau là bàn thờ. Cô giáo phải nhắn phụ huynh để tìm cách giúp con quay máy ra hướng khác để tiếp tục buổi học.
Đó là một trong rất nhiều tình huống khiến cô giáo không nhịn nổi cười mỗi khi nghĩ lại.
Học sinh học trực tuyến tại nhà. Ảnh minh họa: Thanh Hùng
Cô giáo Đ.T.C. (giáo viên một trường tiểu học tại Bình Dương) chia sẻ do đối tượng học sinh tiểu học còn nhỏ nên phải nhờ đến sự hỗ trợ của phụ huynh khi kết nối. Nhưng cũng vì điều này mà cô gặp một số tình huống khó xử. Có lần đang kiểm tra kết nối thì bên kia phụ huynh học sinh chăm chú nhìn rồi nói oang oang: “Thấy cô rồi, cô giáo của con trẻ và xinh gái quá. Thảo nào con về nhà toàn khoe cô xinh đẹp, đẹp hơn cả mẹ”.
“Lúc đó tôi rất ngại nhưng vẫn phải giả vờ không biết và tiếp tục công việc. Nhưng cũng thầm nhắc bản thân mỗi buổi dạy online ở nhà cũng cần chỉn chu đầu tóc, trang phục”, cô Đ.T.C kể.
Video đang HOT
Bản thân cô cũng xác định dạy trực tuyến không ở trên lớp nhưng cũng như có người dự giờ – là các phụ huynh. “Mình cũng chú ý giảng bài sao cho dễ nghe, dễ hiểu. Đây cũng là thử thách với giáo viên khi dạy mà phụ huynh học sinh cũng có thể nghe thấy”.
Thầy Vũ Hoàng Sơn (giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng gặp không ít tình huống bi hài từ ngày bắt đầu triển khai dạy học hình thức online.
“Khi mới bắt đầu dạy, mình phải làm clip hướng dẫn các phụ huynh tải và cài đặt phần mềm, tạo tài khoản, cài đặt trên máy tính hoặc điện thoại. Mà phải hướng dẫn rất chi tiết từng bước, gửi cho nhóm Zalo của lớp. Có phụ huynh xem xong một lần hiểu ngay và thực hiện được luôn, nhưng cũng có nhiều phụ huynh không làm được và cứ réo tên thầy liên tục trên nhóm. Có trường hợp, phụ huynh làm không được, mình hẹn đến nhà cài giúp. Nhưng hôm chạy xe đến thì phụ huynh ra bảo “Thầy ơi, tôi làm xong rồi mà quên nhắn lại”, thầy Sơn kể.
Khi dạy, thầy Sơn thường đặt chế độ quan sát nên khi học sinh rời khỏi vị trí sẽ có tín hiệu báo. Nhưng có lần một học sinh rời vị trí học lâu quá không quay lại, máy tính của thầy thông báo liên tục.
“Tôi đang định gọi cho phụ huynh nhắc nhở về ý thức của con thì em đó chạy vào. Hỏi đi đâu vậy, thì học trò nói đói quá ra đầu ngõ mua bánh mì mà ngoài đó đông quá nên phải chờ”.
Tuy nhiên, ngày một quen với phương thức, nên anh Sơn thấy việc dạy online thậm chí còn khỏe và vui hơn vì học sinh trao đổi với nhau và trao đổi với giáo viên tự nhiên và nhiều hơn.
Dạy học trực tuyến. Ảnh minh họa: Thanh Hùng
Chị Thanh Hoa (quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngày nào cũng phải kè kè ngồi bên cậu con trai lớp 2 để hỗ trợ và xử lý những trục trặc trong suốt quá trình học nên cũng chứng kiến đủ tình huống dở khóc dở cười.
“Có vài hôm bị lỗi thoát đường link, các con nháo nhào vì vào lớp học sao không thấy cô đâu. Hoặc khi các con đang học thì bên phía cô giáo bị lỗi thoát thì cả lớp lại nhao lên tìm cô. Học trực tuyến nhưng các con vẫn quen kiểu nói chuyện riêng nên đôi khi chat với nhau trong cửa sổ chung như nói chuyện trên lớp và bị cô nhắc nhở. Thỉnh thoảng, có bạn nào phát biểu buồn cười hoặc muốn nói gì, các bạn cũng chê nhau luôn trong đó”, chị Hoa kể.
Vì học sinh còn nhỏ nên cũng đủ trò nghịch ngợm. “Các bạn hay kích nhau ra khỏi lớp học và thỉnh thoảng lớp lại um sùm lên vì một bạn bị kích ra khỏi lớp”.
Cũng vì thế mà, theo chị Hoa, cô giáo ngoài dạy học còn liên tục nhiệm vụ nhắc học sinh không kích đẩy các bạn ra khỏi lớp học, và yêu cầu ai bị phát hiện sẽ không cho tham gia tiếp.
Nhà chỉ có một máy tính xách tay nhưng chồng vẫn phải làm việc, từ ngày trường yêu cầu học trực tuyến, chị Thúy Hằng (quận Hà Đông, Hà Nội) phải hỏi khắp nơi để mượn máy tính cho con. May mắn cho chị là trước khi nghĩ đến chuyện đi mua máy đã mượn được một laptop từ người em họ.
Con lớp 7 độ tuổi bắt đầu có những tò mò khám phá trên mạng, những ngày con học trực tuyến chị Hằng tâm sự lâm vào cảnh “con học thì mẹ cũng học”. Chị chia sẻ, cứ con học thì mẹ lại phải ngồi trông vì “cứ hở ra là dễ mò vào chơi game, nghe nhạc…”.
Bà mẹ này, cũng như bao phụ huynh khác, hy vọng dịch bệnh sớm qua đi, để con được quay trở lại trường học cùng thầy cô và các bạn một cách bình thường.
Thanh Hùng
Nở rộ ứng dụng trực tuyến làm việc online mùa dịch Covid-19
Nhiều ứng dụng làm việc, dạy học trực tuyến đã tăng mạnh về tỷ lệ người dùng từ đầu mùa dịch Covid-19 tới nay, đặc biệt trong những ngày cả nước thực hiện cách ly xã hội.
Làm việc, dạy học trực tuyến đang trở thành xu thế chung không chỉ trong mùa dịch
Khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu gia tăng vào đầu tháng 3, chị Nguyễn Thanh Huyền, giám đốc một công ty truyền thông tại Hà Nội, đã quyết định cho toàn bộ nhân viên làm việc online tại nhà.
Sau hơn 1 tháng áp dụng, công việc của chị vẫn trôi chảy, nhiều cuộc họp nhóm cũng như họp với các đối tác diễn ra thường xuyên, tất cả đều trên ứng dụng trực tuyến.
"Có những khó khăn nhất định khi phải làm việc tại nhà, nhưng đây là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người trong mùa dịch. Hiện mọi người đã quen với làm việc, kết nối online từ xa", chị Huyền nói.
Không chỉ công ty của chị Huyền, hàng nghìn doanh nghiệp và hàng trăm trường học đã phải "cầu viện" đến các ứng dụng làm việc, dạy học trực tuyến để không bị gián đoạn do nghỉ dài để phòng, chống Covid-19.
Theo thống kê, chỉ trong 3 tháng đầu năm, ứng dụng Zoom đã tăng 67% do các trường học, tổ chức và doanh nghiệp áp dụng nền tảng này cho làm việc, hội họp và đào tạo từ xa để đối phó với đại dịch Covid-19.
Zoom là phần mềm hội nghị trực tuyến đa điểm, cho phép người dùng triển khai các cuộc họp online do CMS (thành viên Tập đoàn CMC) là đối tác cung cấp bản quyền tại Việt Nam. Hiện ứng dụng này cho phép tải và sử dụng miễn phí, nhưng bản dùng miễn phí thường gặp một số trục trặc, gián đoạn. Tuy nhiên, các gói Pro, Business, Enterprise cho phép người dùng tổ chức hội họp, giảng dạy và học tập liên tục tới 24 giờ, không bị gián đoạn hay ảnh hưởng tới chất lượng hội nghị trực tuyến.
Đại diện CMS cho biết, với các tính năng mở rộng như Zoom Room, Zoom Connector hoặc Webinar, doanh nghiệp hay trường học có thể duy trì cuộc họp/lớp học ngay cả khi người khởi tạo mất kết nối internet, cho phép kết nối mạnh mẽ với các hệ thống hội nghị truyền hình khác hoặc tổ chức hội thảo lên tới 10.000 người xem và 100 người tham gia video tương tác...
Hiện, hàng nghìn trường học, trung tâm giáo dục cũng đã sử dụng Zoom để duy trì việc dạy và học cho giáo viên, học sinh sau hơn 2 tháng nghỉ dịch.
Nhiều ứng dụng trực tuyến khác cũng đã tăng mạnh về số lượng người dùng trong mùa dịch như VNPT iOffice và VNPT Meeting, bên cạnh các ứng dụng truyền thống như Skype...
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin - Truyền thông), lưu lượng dữ liệu tháng 3 tăng đột biến tới 90% so với tháng 2, tập trung chủ yếu từ các ứng dụng hội nghị, làm việc trực tuyến, dạy và học trực tuyến, giải trí trực tuyến...
Nhằm bảo đảm chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông, Cục Viễn thông đề nghị các nhà mạng tăng cường đầu tư, nâng cấp hạ tầng băng rộng, mở rộng dung lượng băng thông kết nối internet trong nước; mở rộng kết nối internet khu vực và quốc tế; tăng cường vùng phủ băng rộng tới cấp huyện, xã để đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ công trực tuyến...
Mai Hà
Bộ GD&ĐT công nhận kết quả học qua Internet, trên truyền hình của học sinh phổ thông Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, kết quả kiêm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua Internet, trên truyền hình đươc dùng thay cho các bài kiểm tra thương xuyên theo quy đinh của Bộ vê đanh gia, xêp loai hoc sinh Tiêu hoc, THCS, THPT. Thông tin nêu trên là một nội dung đáng chú ý trong hướng...