Những tiếng vỗ tay trong phiên xử bạo hành bé gái 8 tuổi ở TPHCM đến chết
Nghe tiếng đanh thép từ chủ tọa phiên tòa khi nói đến hành động thờ ơ của Nguyễn Kim Trung Thái (cha nạn nhân), bên ngoài sân tòa, nhiều người dân rào rào vỗ tay đồng tình.
Người dân bật khóc tại tòa khi nghe tội danh của “dì ghẻ”
Tờ mờ sáng, nhiều người có mặt ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, để mong được vào sân TAND TPHCM nghe xét xử cặp tình nhân Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái. Hai bị cáo này liên quan đến cái chết bé gái 8 tuổi (con của Thái).
Trong dòng người có bà Vũ Thị Thúy (bà ngoại của bé V.A – nạn nhân vụ án), từ thành phố Vũng Tàu đến.
Nhận ra bà Thúy, một vài người tiến lại gần, tặng bà một đóa cúc trắng tươi rói. Bà nâng niu, ôm vào lòng cùng di ảnh cháu ngoại. Dáng thất thểu, bà cố chen vào dòng người đang tiến về phía sân tòa.
Giữa lúc đó, nhiều người dân ở bên đường lặng lẽ chia nhau từng bông hoa, từng tấm ảnh nhỏ của bé V.A. với dòng chữ: “Hãy giúp con”. Họ chọn cách dán lên ngực trái để tưởng nhớ đứa trẻ xấu số.
Hàng trăm người có mặt trước cổng TAND TPHCM sáng 25/11 theo dõi phiên xử, họ tặng nhau những đóa cúc trắng để tưởng nhớ bé V.A. (Ảnh: Hải Long).
Nước mắt của người bà
Gần 7h, tiếng còi xe chở bị cáo Trang và Thái từ xa vọng lại khiến mọi người nhốn nháo. Sau khi cánh cổng tòa khép lại, tất cả ánh mắt đổ dồn vào sân, nơi có màn hình Led lớn chiếu trực tiếp phiên xét xử.
Hôm đó, chị N.T.H., mẹ của bé V.A. vắng mặt. Thay mặt mẹ nạn nhân đến dự buổi xét xử là bà ngoại và người cậu ruột. Trong khi người cậu được vào bên trong phiên tòa thì bà ngoại ngồi ngoài sân cùng hơn 100 người dân khác xem buổi xét xử qua màn hình.
Khi nắng bắt đầu trùm lên tấm bạt lớn che giữa sân cũng là lúc tòa bắt đầu vào xét hỏi bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang.
Khác với lần hầu tòa hồi cuối tháng 7, lần này, bị cáo Trang xõa tóc, mặc bộ đồ đen, chân đi dép lê trắng. Bị cáo cúi gằm mặt trong suốt quá trình xét hỏi.
Khi được hỏi đến tên mẹ cha của mình, Trang bắt đầu nghẹn giọng và khóc. Mặc dù xác nhận cáo trạng truy tố đúng nhưng khi tòa yêu cầu thuật lại hành vi, Trang lại nói: “Bị cáo không nhớ rõ”. Sau đó, HĐXX nhắc lại nội dung vụ án, bị cáo xác nhận những hành vi của mình bằng câu trả lời: “Dạ thưa đúng!”.
Tuy nhận hết những hành vi của mình, nhưng khi HĐXX hỏi lý do tại sao lại làm như thế, bị cáo lại không trả lời được. Trang chỉ nói: “Bị cáo thấy hành vi của mình quá tàn nhẫn. Bị cáo xin lỗi gia đình của bé V.A.”.
Câu trả lời “dạ thưa đúng” của Trang như từng vết dao cứa liên tục vào tim bà Thúy đang ngồi bên ngoài sân. Ghế không có chỗ dựa, cũng chẳng có ai để tựa vào, bà Thúy chỉ biết khum người, ngực tì vào di ảnh của cháu để có thể tiếp tục ngồi vững. Nước mắt bà lúc này bắt đầu chảy thành dòng trên gương mặt khắc khổ.
Bà Thúy khóc nghẹn khi nghe bị cáo Trang, Thái xác nhận những hành vi của mình trước HĐXX (Ảnh: Diệp Phan).
Đến phần thẩm vấn bị cáo Thái, cha nạn nhân trả lời HĐXX về hành vi không can ngăn Trang đánh con mình. Bị cáo thừa nhận bản thân là nhu nhược, không muốn can thiệp vào việc dạy con của bạn gái như đã thỏa thuận trước đó.
Ngoài ra, hành vi xóa hết dữ liệu 4 camera trong nhà ngay sau khi đưa con gái nhập viện được Thái cho rằng là do “bấn loạn nhất thời”. Ngay lập tức, HĐXX cắt lời và cho rằng hành vi của một người cha như anh là không có trách nhiệm bảo vệ con, quá vô tâm và khi xảy ra chuyện thì sợ bị liên lụy.
Nghe những tiếng đanh thép từ chủ tọa phiên tòa khi nói đến hành động của Thái, bên ngoài sân tòa, nhiều người dân rào rào vỗ tay đồng tình.
Ông Nguyễn Thế Đính, 70 tuổi ngụ TP Thủ Đức, lặn lội hơn 20km đến dự phiên tòa sau khi nghe lời giải thích của hai bị cáo thì cho rằng: “Đó là những lý do không thể chấp nhận được. Con bé biết trả lời ‘dạ thưa’ đàng hoàng, chứng tỏ cũng được học hành, đâu phải là người ‘không bình thường’ mà không biết mình đang làm gì”.
Trong khi đó, bà Thúy vẫn không ngừng lấy khăn lau nước mắt vì quá thương xót cho cháu gái đoản mệnh phải chịu những màn tra tấn “chẳng khác nào thời trung cổ”.
Nghe tiếng Thái trả lời HĐXX rằng nếu sau này con trai bị cáo (em của nạn nhân) biết được sự việc này thì chắc sẽ rất đau lòng, người bà uất nghẹn nói vọng qua màn hình: “Thôi đi, con mày không cần mày đâu!”.
Người dân bên ngoài sân tòa vỗ tay đồng tình khi những vị luật sư bảo vệ quyền và lợi hợp pháp cho bị hại tranh luận, đưa ra các luận cứ chứng minh Thái phạm tội Giết người với vai trò đồng phạm, giúp sức vào buổi chiều (Ảnh: Hải Long).
Tội ác được chắp tay bởi “người cha nhu nhược”
Hơn 12h, sau khi kết thúc phần xét hỏi, bà Thúy được một số người dìu ra ghế đá nghỉ ngơi. Bà từ chối ra ngoài ăn trưa cùng con trai. Tay vẫn ôm di ảnh và bông cúc trắng vào lòng, bà ngồi bệt xuống chiếc ghế đá, lục tìm bánh trái mang theo từ sáng lót dạ.
“Sáng nay đi sớm, lòng nôn nao quá đã kịp ăn gì đâu”, bà nói giọng thều thào, mệt mỏi.
Vừa ăn được mẩu bánh nhỏ, cơn mưa phùn giữa trưa phủ lên mái đầu muối tiêu của bà. Lật đật cất di ảnh cháu vào túi xách, bà Thúy đi vào mái hiên của tòa trú mưa. Lúc này, một vài người dân thương cảm đến chỗ bà ngồi an ủi.
Những câu chuyện, những lời bình luận xung quanh một mối tình đẹp, một đám cưới lớn 10 năm trước giữa con gái bà Thúy và Thái được kể lại. Thế nhưng, người mẹ dường như chẳng còn đủ sức lực để tiếp thêm lời nào.
“Phải tử hình cả hai!”, bà Thúy bất giác thốt ra, xen vào câu chuyện của mọi người ngồi xung quanh.
Bà khẳng định: “Nếu thằng Thái biết can ngăn, không cho phép Trang đánh cháu tôi thì chắc chắn Trang sẽ không dám làm. Nếu Trang có lỗi 1 phần thì lỗi của Thái phải đến 3 -4 phần vì nó là cha con bé mà”.
Nói rồi, bà đứng dậy đi bộ rảo quanh sân tòa, từ chối khi có người ngỏ ý đi cùng.
Đầu giờ chiều, vẫn dáng vẻ mệt mỏi bà Thúy chẳng còn đủ sức ngồi vững trên ghế. Người phụ nữ tìm đến chiếc cột dựng bạt để tựa đầu vào, những sợi tóc rũ lòa xòa chẳng buồn búi lại.
Cơn mưa buổi trưa nặng hạt khiến hơi ẩm dưới đất bốc lên khó chịu. Chẳng riêng gì bà Thúy, cả trăm người dân vẫn ở lại, dõi mắt về phía màn hình theo dõi phiên tranh tụng gay gắt giữa cơ quan công tố và các luật sư bảo vệ quyền lợi ích và hợp pháp cho bị hại.
Bà Thúy không ngừng khóc sau khi tòa kết thúc phần luận tội, chiều 25/11 (Ảnh: Hải Long).
Sau khi luận tội, VKS đề nghị tuyên Trang mức án tử hình, còn bị cáo Thái là 2-3 năm tù về tội Hành hạ người khác, 4-5 năm tù về tội Che giấu tội phạm.
Đến phần tự bào chữa, mặc dù Trang tự cho rằng mình đáng phải bị tử hình nhưng bị cáo vẫn mong muốn được tòa xem xét giảm nhẹ để còn có cơ hội về với gia đình. Còn Thái, bị cáo cho rằng đây là một biến cố, mất mát lớn nhất trong đời mình, mong HĐXX xem xét cho một mức án nhẹ để có cơ hội về chăm sóc gia đình.
Lúc này, những người ngồi bên ngoài, trong đó không trừ bà Thúy xua tay, lên tiếng cười cợt, bĩu môi tỏ rõ thái độ không đồng tình tha thứ cho tội lỗi của cặp tình nhân.
Không khí bên ngoài sân tòa bắt đầu chùng xuống khi nắng đã tắt. Lúc này, hình ảnh cặp tình nhân trên màn hình Led khi đứng trước bục nghe tòa tuyên án trở nên rõ ràng hơn.
Mọi người ngoài sân thấy Trang vén tóc qua tai, mặt ngẩng nhìn về phía HĐXX, nghe đọc bản tuyên án tử hình với mình. Cũng giống nữ bị cáo, Thái ngẩng mặt đón nhận tổng mức án cho hai tội là 8 năm tù.
Khi 2 bản án vừa được công bố, cảnh sát làm nhiệm vụ lần lượt tra tay 2 bị cáo vào còng số 8. Họ lần lượt được cảnh sát hỗ trợ tư pháp dẫn giải ra xe thùng khi trời nhá nhem tối.
Bà Thúy ôm di ảnh cháu gái suốt 12 tiếng không rời (Ảnh: Hải Long).
Tuyên án tử hình bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang ( Video: Cao Bách).
Gần 18h, người dân bắt đầu rời ghế ra về. Một số người cho rằng Nguyễn Kim Trung Thái đáng lẽ phải nhận một mức án cao hơn. Còn bà ngoại nạn nhân bằng chút sức lực của mình gào lớn vào không trung: “Tôi không chấp nhận!”.
Dưới ánh sáng len lỏi từ ánh đèn đường, những người cuối cùng rời tòa vẫn thấy bóng dáng người phụ nữ lớn tuổi ôm di ảnh bé V.A đang cười hiền. Lúc này, những bông cúc trắng hồi sáng đã héo rũ từ bao giờ.
Tháng 12/2021, dư luận cả nước xôn xao bé gái V.A. đã chết oan ức vì bị “dì ghẻ” hành hạ tàn độc, trước sự vô cảm của cha ruột, trong căn hộ chung cư sang trọng ở quận Bình Thạnh, TPHCM. Sự việc được lan truyền rất nhanh qua mạng xã hội, báo chí. Hàng loạt hội nhóm xuất hiện nhằm kêu gọi mọi người cùng lên tiếng vạch trần, nghiêm trị kẻ gây ra tội ác.
Trải qua hơn 300 ngày điều tra, truy tố, hôm 25/11, TAND TPHCM đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Phiên tòa được thắt chặt về an ninh. Hơn 100 người dân được tòa bố trí ngồi xem phiên xử qua màn hình lớn.
Sau phán quyết về vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết: Ai có quyền kháng cáo?
Sau phiên xét xử vụ án bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong, cho rằng tội danh và mức án dành cho người cha còn nhẹ, nhiều người đặt câu hỏi: Ai có quyền kháng cáo phán quyết toà đã tuyên? Thời hạn kháng cáo là bao lâu?
Chiều 25-11, Tòa gia đình và người chưa thành niên (TAND TP.HCM) đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, ở Gia Lai, sống chung như vợ chồng với cha ruột bé V.A) án tử hình về Tội giết người, 3 năm tù về Tội hành hạ người khác. Tổng hợp hình phạt là tử hình.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi) - bố bé V.A mức án 3 năm tù về Tội hành hạ người khác, 5 năm tù về Tội che giấu tội phạm, tổng hợp hình phạt chung là 8 năm tù.
Trước mức án mà HĐXX đã tuyên, một số người theo dõi phiên toà và luật sư bảo vệ quyền lợi bị hại cho rằng, phán quyết này là thoả đáng đối với hành vi phạm tội mà bị cáo Trang đã thực hiện đối với cháu bé.
Song với bị cáo Thái, mức án 8 năm tù chưa tương xứng với hậu quả vô cùng nghiêm trọng là cái chết thương tâm, đau đớn của cháu bé. Do đó, cần xử lý bị cáo này về Tội giết người.
Hai bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái tại phiên xét xử
Về thời hạn kháng cáo, theo Điều 333 Bộ luật TTHS 2015, thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
Đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo là ngày theo dấu bưu chính nơi gửi. Trường hợp nộp đơn kháng cáo trực tiếp tại Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhận đơn. Nếu người kháng cáo trình bày trực tiếp với Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án lập biên bản về việc kháng cáo.
Việc kháng cáo quá thời hạn được chấp nhận nếu có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn luật định.
Như vậy, nếu không đồng ý với phán quyết của toà án, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại (trong đó có Luật sư bảo vệ bị hại), đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh
Tuyên tử hình 'dì ghẻ' Nguyễn Võ Quỳnh Trang, phạt Nguyễn Kim Trung Thái 8 năm tù Chiều tối 25-11, TAND TP.HCM đã tuyên tử hình 'dì ghẻ' Nguyễn Võ Quỳnh Trang. Theo tòa, hành vi của Trang quá tàn nhẫn, không còn nhân tính nên cần loại bỏ khỏi đời sống. Hội đồng xét xử tuyên án - Ảnh: T.T.D. Cụ thể, hội đồng xét xử cho rằng tại phiên tòa, lời khai của các bị cáo phù hợp...