Những tiếc nuối từ ‘Ròm’
Tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Trần Thanh Huy có nhiều điểm đáng khen, nhưng đồng thời để lại cảm giác chơi vơi, đôi phần tiếc nuối.
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung bộ phim Ròm.
Năm 2012, Trần Thanh Huy trình làng phim ngắn 16:30 kể về những đứa trẻ bụi đời kiếm sống bằng việc bán giấy dò số đề. Cùng năm, tác phẩm đoạt bốn giải tại Liên hoan phim Yxineff. Tới 2013, 16:30 được trình chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Cannes lần thứ 66.
Trờ về từ nước Pháp, Trần Thanh Huy bắt tay phát triển cốt truyện và nhân vật chính trong 16:30 thành phim dài Thằng Ròm, sau đổi tên chính thức thành Ròm. Năm 2019, Ròm giành chiến thắng tại nhánh chính New Currents của Liên hoan phim Busan. Trong bản chiếu rạp chính thức của Ròm, khán giả vẫn có thể thấy dấu vết những cảnh phim trong 16:30.
Phim điện ảnh làm rõ chân dung các nhân vật trong 16:30
Nhân vật chính trong 16:30 là một em bé lang thang ( Trần Anh Khoa) mưu sinh bằng nghề bán giấy dò số đề. Dù khôn khéo và mau lẹ, không ít lần nhân vật của Khoa phải ấm ức chịu thua nhóm trẻ đối thủ đầy manh động và liều lĩnh.
Hai diễn viên Anh Tú Wilson và Anh Khoa đều diễn tròn vai dù lần đầu tiên đóng phim dài. Ảnh: CJ.
Cuộc sống của Khoa dần dà trở thành cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành địa bàn và khách mua hàng với nhóm đối thủ. Cậu và thủ lĩnh nhóm trẻ kia coi nhau như kẻ thù. Tuy nhiên, khi thấy đối thủ cạnh tranh gặp nạn, nhân vật của Khoa vẫn ra tay cứu giúp. Nhờ vậy, trong một khoảnh khắc ấm áp cuối phim, cả hai đã từ thù hóa thành bạn.
Ròm diễn ra nhiều năm sau 16:30. Trong phim, nhân vật của Khoa được giới thiệu bằng cái tên Ròm. Giờ cậu đã bước vào tuổi thiếu niên, không chỉ kiếm tiền từ việc bán giấy dò, mà còn kiêm luôn nghề “cò đề”.
Nhờ mách đúng số đề cho một người phụ nữ, Ròm kiếm được khoản tiền lớn đầu tiên trong đời và được cho một chỗ ở tạm. Tuy nhiên, vận may của Ròm đang bỏ rơi cậu khi suốt thời gian dài chàng thiếu niên không đoán trúng con số nào. Ước mơ của Ròm lúc này là tìm lại gia đình thất lạc, còn tham vọng lớn nhất của cậu là gây dựng lại danh tiếng “cò đề” đoán đâu trúng đấy.
Bộ phim dài đầu tay của đạo diễn Trần Thanh Huy tiếp tục đi sâu vào những góc khuất nhọc nhằn u tối của đô thị Sài Gòn từng chớm được hé lộ trong 16:30. Cổ nhân nói “đồng thanh tướng ứng, đồng khí tương cầu”. Ròm mang đến cho khán giả một “hệ sinh thái” nho nhỏ xoay quanh trò may rủi đỏ đen.
Trái tim của Ròm là một khu nhà ổ chuột sắp bị giải tỏa. Sống trong đó là những người lao động nghèo với giấc mộng thắng đề. Từ “trái tim” mê muội ấy, thế giới trong phim mở rộng ra khu nhà lụp xụp bên kia sông nơi Ghi (Cát Phượng) làm nghề ghi đề, tới quán bi-a có gã đại ca cầm đầu băng cho vay nặng lãi (Wowy), và Phúc – kẻ thù không đội trời chung của Ròm.
Nếu ví von 16:30 là một bức ký họa nhanh và phóng khoáng về thế giới của những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, những người lao động nghèo bị tha hóa vì nạn lô đề, thì Ròm chính là tác phẩm tỉ mỉ và công phu dựng lên từ phác thảo ban đầu ấy.
Giống như cậu bé nhân vật chính giờ đã mang tên Ròm, những cuộc đời u mê vì đề đóm từng xuất hiện trong 16:30 đã có tên tuổi và số phận cụ thể: ông lão mất vợ, bà lão bán nước, gia đình khánh kiệt vì người vợ mê lô đề…, thay vì mang cùng một khuôn mặt mờ nhạt không tiếng nói nơi hậu cảnh.
Nhân vật có số phận nhưng vẫn còn lấn cấn
Khán giả xem Ròm, nhất là những ai từng có quãng thời gian khó khăn, dễ dàng xây dựng mối liên hệ về cảm xúc với nhân vật trên màn ảnh. Họ hồi hộp, lo lắng, vui sướng rồi xót xa, đau đớn theo từng biến cố trong cuộc đời các nhân vật trên màn ảnh.
Đây là cái duyên của đạo diễn Trần Thanh Huy trong việc đưa lên màn ảnh những nhân vật tuy mang tính đại diện nhưng vẫn có nét đặc trưng riêng. Dù cư dân trong khu nhà cũ đều là dân chơi lô đề “chuyên nghiệp”, từng người trong số họ mang số phận và câu chuyện riêng, đôi khi hé lộ cho khán giả động cơ khiến bản thân sa ngã.
Vai của Cát Phượng trong Ròm ẩn chứa nhiều nét tâm lý phức tạp. Ảnh: Ảnh: CJ.
Lòng thương cảm cùng đôi phần trách giận của khán giả trước những bi kịch có thật của con nợ lô đề vẫn xuất hiện trên mặt báo, mạng xã hội hay những lời kể truyền tai. Tất cả khiến họ có cảm giác mình gắn bó và hiểu câu chuyện được kể trong Ròm. Cảm giác quen thuộc giúp bộ phim trở nên dễ xem và dễ được yêu mến.
Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào từng nhân vật, khán giả kỹ tính vẫn dễ dàng chỉ ít nhiều thiếu sót. Ví như nhân vật ông Khắc (Mai Trần). Ông Khắc mất vợ mất con, hàng tối đều chui vào trong quan tài để khấn xin số đề. Chiếc quan tài cũng là nơi ông hay nằm ngủ.
Dù Phong và Ròm hết lần này đến lần khác mời mọc đánh đề, người đàn ông luôn đưa ra một điều kiện: hai đứa phải tìm cho ra vị trí ngôi mộ mà vợ con ông từng được an táng. Dù sợ hãi, nửa đêm canh ba Ròm vẫn lọ mọ đi tìm. Cậu rốt cuộc tìm thấy bia mộ của người đã khuất trong một đêm mưa gió.
Xuyên suốt bộ phim, khán giả chưa được giải thích rõ ràng tại sao ông Khắc phải tìm mộ của vợ và con gái. Liệu là ông không biết họ được chôn ở đâu, hay ông đã biết rõ, nhưng vì một sự mê tín nào đó của dân cờ bạc, ông cần lũ trẻ đi tìm? Cuối phim, khi khu chung cư bị cháy, khán giả thấy ông chạy ra khỏi nhà và bê theo hai hũ cốt.
Chi tiết này, cùng chiếc huyệt rỗng mà Ròm ngã xuống, dẫn khán giả đến suy luận thứ hai. Tuy nhiên, suy luận của khán giả sẽ mãi chỉ là phỏng đoán khi bộ phim không chủ động giải thích rõ ràng trên màn ảnh.
So với nhân vật ông Khắc, tuyến truyện của Ghi là một tổn thất đối với bộ phim. Giữa cao trào cuối phim, câu chuyện của người phụ nữ ghi đề cũng đột ngột bị cắt ngang đầy nuối tiếc. Cảnh cuối cùng Ghi xuất hiện trên phim là khi cô ăn trộm số tiền mà Ròm tích cóp bấy lâu để đi tìm cha mẹ.
Trong Ròm, Ghi là biểu tượng của tình mẫu tử, sự quan tâm chăm sóc từ đồng loại mà Ròm chưa bao giờ nhận được. Cậu hồn nhiên tin tưởng, yêu thương và nghe theo cô mà không mảy may nghi ngờ những điều còn ẩn giấu đằng sau hàng loạt cử chỉ dịu dàng ấy.
Tương tự ông Khắc, khán giả có thể tự suy luận Ghi cưu mang Ròm vì cậu khiến cô nhớ tới người con trai đang chết dần trong bệnh viện. Và cô phản bội tình cảm của cậu vì sau cùng, họ vẫn chỉ là người dưng nước lã.
Song, giá như đạo diễn của Ròm tìm được một cách dịu dàng và tường minh hơn để truyền tải toàn bộ chuyển biến nội tâm phức tạp ấy. Sau tất cả, phim mang đến hình ảnh mang đậm tính biểu tượng: Ghi thổi tắt ngọn đèn dầu đang cầm trên tay, gián tiếp nhấn chìm tương lai của Ròm vào vùng tăm tối thêm một lần nữa.
Cao trào rời rạc, thiếu thông tin
Dù chỉ mới lấn sân diễn xuất, rapper Wowy đã hoàn thành khá trọn vẹn vai diễn tay anh chị chuyên nghề cho vay nặng lãi. Dường như bằng vai diễn, anh đang hồi tưởng tất cả ký ức về phần đời nhọc nhằn, cay đắng mình từng trải qua giống như Ròm.
Vai trò quan trọng nhất của nhân vật mà Wowy thủ vai trong phim nằm ở cao trào cuối tác phẩm, gắn liền với kế hoạch giải tỏa khu chung cư mà nhóm người của Hải Triều ở đầu phim âm mưu thực hiện.
Theo đó, vụ đốt phá của nhóm giang hồ ở cuối phim không chỉ là chiêu dằn mặt với các con nợ vừa thắng đề. Đó còn là âm mưu của công ty bất động sản nhằm giải tán đám người dân không chịu dời đi.
Rapper Wowy có màn “lấn sân” điện ảnh khá tròn trịa. Ảnh: CJ.
Trong trường đoạn này, cảnh Ròm tới gặp Wowy cũng bị đánh giá là xuất hiện nhiều lỗ hổng. Do thiếu tiền, Ròm muốn cầm chiếc đồng hồ. Cậu tới tìm gặp gã giang hồ do Wowy thủ vai lần đầu tiên. Dù mới gặp, hắn dễ dàng “nắm thóp” Ròm.
Tay anh chị chỉ trả Ròm 5.000 đồng vì chiếc đồng hồ của cậu đã quá cũ. Rồi hắn đưa ra khoản tiền 200.000 đồng kèm một lời gợi ý. Bằng cách này, hắn đã lừa được Ròm trở thành đồng phạm phá hoại khu chung cư.
Về tổng thể, cảnh phim tỏ ra khiên cưỡng cả về logic trong tình tiết cũng như diễn biến tâm lý nhân vật Ròm. Tại sao Ròm phải tiếp tay cho đám xã hội đen đốt phá khu chung cư đang hết mực cưng chiều và tín nhiệm cậu sau lần “cò đề” thành công?
Việc phải chỉnh sửa quá nhiều những nội dung xung quanh chuyện giải tỏa khu chung cư cũ nát khiến trường đoạn trở nên lộn xộn, nhân vật hành động thiếu động cơ, thiếu thuyết phục. Cùng lúc, trường đoạn phí phạm nhân vật của Wowy, và khiến Ròm vuột mất một cảnh cao trào đắt giá.
Nếu được thể hiện rõ ràng và trơn tru hơn, chắc chắn vụ cháy chung cư sẽ thể hiện rõ nét sự phũ phàng và bạc bẽo của thế giới trong phim, đồng thời cho thấy trong thế giới của Ròm, nắm đấm không chỉ để giải phóng cơn cuồng nộ mà còn là cách ẻ mạnh thể hiện sức mạnh áp đảo với những kẻ thấp cổ bé họng.
Cốt truyện chưa vượt ra khỏi nguyên tác phim ngắn
Trở lại 16:30, phim xoay quanh mối quan hệ bạn – thù phức tạp giữa hai chú bé lang thang. Sang tới Ròm, trọng tâm câu chuyện tiếp tục là mối quan hệ giữa Ròm và Phúc. Hai thiếu niên cùng tuổi, cùng xuất thân là trẻ lang thang, lại là những kẻ không đội trời chung trong cuộc mưu sinh bằng nghề đỏ đen.
Bộ phim ngắn của Trần Thanh Huy kết thúc bằng khoảnh khắc hòa giải giữa cơn mưa. Còn trong Ròm, quan hệ giữa Ròm và Phúc liên tục giao động giữa hai thái cực bạn – thù.
Dù mang lại góc nhìn mới mẻ cho điện ảnh Việt nói chung, bản thân Ròm vẫn chưa có bước đột phá đáng kể so với phim ngắn 16:30. Ảnh: CJ.
Phúc là thằng nhóc lọc lõi, hiểu cuộc chơi và sẵn sàng chà đạp kẻ khác để đạt mục đích. Trong khi đó, Ròm ở phía ngược lại của cán cân. Dù sớm phải lăn lộn với đời, bị vùi dập, bị lừa lọc, cậu vẫn là một đứa trẻ ngây thơ với trái tim nhân hậu và tâm hồn nghệ sĩ mộng mơ.
Ròm khác với Phúc. Cậu chưa học được cách thích nghi với cộng đồng nhỏ với bao nhiễu nhương và rối ren xung quanh mình. Ròm chỉ coi đó là nơi ở tạm để chờ đợi một lời hứa trở thành sự thật.
Sự ngây thơ của Ròm giống như một con dao hai lưỡi đối với cả câu chuyện. Mặt tích cực, đây là điểm cộng thắp sáng bầu không khí đen tối và ngột ngạt của bộ phim, duy trì niềm tin của khán giả vào giá trị của cái thiện, chính nghĩa, và niềm tin vẫn còn một tương lai tươi sáng dành cho nhân vật.
Hết lần này qua lần khác, Ròm bị Phúc lừa, phải nhận về mình phần thua thiệt oan ức. Nhưng cũng hết lần này tới lần khác, cậu cứ lặp lại sai lầm cũ, vẫn cứ đau đớn khổ sở vì những điều đáng lẽ đã có thể tránh được ngay từ đầu.
Tới một thời điểm, việc Ròm cứ mãi ngây thơ và non nớt đã khiến cốt truyên thiếu đi không gian để phát triển – trong quy mô hẹp là bản thân bộ phim, và suy rộng ra là những thay đổi của Ròm so với 16:30.
Về tổng thể, Ròm chưa kể được một câu chuyện trọn vẹn hay mang đến cho khán giả góc nhìn mới về những cuộc đời lam lũ từng được giới thiệu trong 16:30. Bộ phim dài 79 phút vẫn luẩn quẩn giữa những lát cắt nhỏ trong cuộc đời triền miên bi kịch của cậu bé Ròm.
Thêm vào đó, bộ phim loay hoay tìm cách chắp nối những cảnh xưa chuyện cũ trong 16:30 vào câu chuyện của Ròm mới, khiến mạch phim tại nhiều thời điểm trở nên khó nắm bắt với nhóm khán giả chưa xem qua phim ngắn hay không biết chuyện hậu trường về nguồn gốc ra đời của Ròm.
Phim 'Ròm' thu hơn 10 tỷ đồng trong ngày khởi chiếu
Trong ngày 25/9, bộ phim của đạo diễn Trần Thanh Huy đạt con số doanh thu khả quan tại phòng vé khi chính thức ra mắt khán giả Việt Nam.
Theo nhà phát hành, Ròm bán được hơn 100.000 vé và cán mốc doanh thu 10 tỷ đồng trong ngày khởi chiếu 25/9. Đây là bộ phim của đạo diễn Trần Thanh Huy kể về cuộc đời nhân vật "cò đề" tên Ròm (Trần Anh Khoa) tại một khu chung cư sắp bị giải tỏa.
Doanh thu trong ngày 25/9 của Ròm hoàn toàn vượt trội so với các tác phẩm khác. Bộ phim nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ các cụm rạp chiếu phim với số lượng suất chiếu đông đảo giữa bối cảnh không có phim bom tấn nước ngoài ra mắt cùng thời điểm.
Phim Ròm thu hơn 10 tỷ đồng trong ngày khởi chiếu 25/9. Ảnh: CJ.
Anh Nguyễn Hoàng Phương - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD - nhận định: "Đây là tín hiệu đáng mừng dành cho phim độc lập nói riêng và thị trường điện ảnh Việt Nam nói chung. Khán giả rõ ràng vẫn có nhu cầu ra rạp xem phim, và nhà rạp cần những bộ phim có thể gây nhiều sự tò mò cho công chúng".
"Thông thường, thời điểm tháng 9, tháng 10 hàng năm bị coi là mùa thấp điểm đối với phim chiếu rạp. Khi khán giả Việt còn chưa thực sự lấy lại thói quen ra rạp, thành tích của Ròm là rất đáng khích lệ", anh nói thêm.
Ròm là tác phẩm lận đận của điện ảnh Việt. Được phát triển từ phim ngắn 16:30 (2012), bộ phim sau đó giành giải New Currents tại Liên hoan phim Busan 2019. Song, do tham dự sự kiện khi chưa được cấp phép trình chiếu tại quê hương, đoàn phim bị phạt 40 triệu đồng.
Sau khi chỉnh sửa một số tình tiết theo yêu cầu của Cục Điện ảnh, Ròm được phép ra mắt khán giả và đặt lịch khởi chiếu từ 31/7. Song, làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 khiến kế hoạch đổ bể và phim bị hoãn chiếu tới 25/9.
Trên mạng xã hội, Ròm hiện nhận nhiều lời khen chê trái ngược. Sau buổi công chiếu hôm 23/9, phim được nhiều người nổi tiếng và báo chí ủng hộ nhờ câu chuyện gai góc và kỹ thuật làm phim chất lượng. Đa số cho rằng hành trình 8 năm của Ròm đã có cái kết viên mãn.
Tuy nhiên, một bộ phận khán giả hiện tỏ ra không hài lòng với nội dung bộ phim, đặc biệt là trước cái kết bị cho là còn chơi vơi.
Trailer Ròm
Trước doanh thu ngày khởi chiếu hơn 10 tỷ đồng của Ròm, một số người trong giới nhận định với Zing bộ phim hoàn toàn có khả năng cán mốc 20 tỷ đồng sau ba ngày đầu trình chiếu. Trước đó, tác phẩm được cho đã tiêu tốn hơn 11,5 tỷ đồng để thực hiện.
Chưa chính thức: RÒM vừa cán mốc doanh thu 10 tỷ đồng Ròm tiếp tục càn quét phòng vé Việt với thành tích khiến ai nấy phải trầm trồ. Chỉ mới công chiếu vào ngày hôm nay (25/9) nhưng tuyệt phẩm Ròm lại vừa ghi thêm một thành tích ấn tượng mới. Phim đã chính thức cán mốc doanh thu 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số chính thức được nhà...