Những thách thức chờ đợi Apple tại thị trường châu Á
Nhiều khó khăn đang đến với Apple dưới thời Tim Cook khi thị trường Trung Quốc ngày càng bão hòa và bị kiểm soát, còn Ấn Độ cũng không phải “miếng bánh ngọt”.
Doanh số iPhone tại Trung Quốc suy giảm buộc Apple phải có những bước đi nghiêm túc hơn tại thị trường Ấn Độ. Tuy nhiên, sau chuyến thăm Ấn Độ của Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, tình hình kinh doanh của công ty không thể khởi sắc trong chớp nhoáng, bởi còn nhiều thách thức chờ đợi Apple ở phía trước.
Chuyến công tác của Tim Cook đến thị trường smartphone lớn thứ ba thế giới diễn ra vào thời điểm thị trường lớn thứ hai là Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Theo Ville-Petteri Ukonaho, nhà phân tích cao cấp của Strategy Analytics, “Trung Quốc đang bão hòa, tất cả không còn lựa chọn nào khác ngoài Ấn Độ và đối thủ của Apple đã tăng cường tại đây trong hai năm qua. Apple đang bị tụt hậu”.
Tim Cook gặp gỡ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: MacRumors.
Ấn Độ cho thấy đây là mảnh đất màu mỡ cho ngành smartphone: chưa đến 1/5 trong tổng số 1,3 tỷ dân tại đây sở hữu điện thoại thông minh. Tuy nhiên, thị trường lớn với mức tăng trưởng bậc nhất thế giới lại hoạt động khác với những thị trường trước kia, nơi mà Apple đã đặt mức tăng trưởng xuất sắc và lợi nhuận cao.
Cụ thể, phương thức kinh doanh truyền thống của Apple là bán hàng cho các hãng viễn thông, những đơn vị này sẽ giảm giá và bán máy đến người tiêu dùng với mức giá thấp hơn, nhưng kèm hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông trong nhiều tháng. Tuy nhiên, tại Ấn Độ không phải vậy.
“Ở Ấn Độ, các nhà mạng nói chung không bán điện thoại mà nó được phân phối qua các cửa hàng bán lẻ và có rất nhiều cửa hàng nhỏ trên khắp cả nước”, Cook chia sẻ với các nhà phân tích. “Điện thoại thông minh ở đây hầu hết là dòng thấp cấp, chủ yếu do mạng lưới và nền kinh tế, tiềm năng thị trường không quá tuyệt vời”, người đứng đầu Apple nói thêm và cho rằng thị trường Ấn Độ giống với Trung Quốc cách đây 7 đến 10 năm.
Trong cuộc họp với hai hãng viễn thông hàng đầu Ấn Độ là Bharti Airtel và Vodafone, người đứng đầu Apple đã thảo luận cách để bán được nhiều iPhone, trong đó có đề cập đến giải pháp bán hàng kèm hợp đồng nhà mạng. Ông cho biết Apple nhìn thấy thị trường mở rộng khi các nhà khai thác tại đây tung ra dịch vụ mạng 4G.
“Chuyến đi không chỉ giúp hãng hiểu thêm về thị trường Ấn Độ mà còn là lời tuyên bố với thế giới rằng Apple đã có mặt tại Ấn Độ”, Vishal Tripathi, giám đốc nghiên cứu của Gartner cho biết.
Video đang HOT
Khó khăn về giá
Thách thức đặt ra với Apple là làm thế nào để bán được các sản phẩm cao cấp tại một thị trường có thu nhập thấp. “Ở Ấn Độ, mức thu nhập rất thấp nên không nhiều khách hàng đánh giá cao giá trị hệ sinh thái đầy đủ mà Apple đem lại và sẽ tốn nhiều công sức để hãng bán được Mac hay iPad tại đây, so với ở Trung Quốc”, nhà phân tích Ukonaho của Strategy Analytics cho biết.
Giá bán cao là rào cản không nhỏ của iPhone tại Ấn Độ. Ảnh minh họa: BI.
Ấn Độ nhạy cảm về giá hơn và iPhone là sản phẩm tương đối đắt tiền, nó nằm ngoài tầm với của hầu hết người Ấn Độ. Theo dữ liệu năm 2014 từ Ngân hàng Thế giới, người dân ở đây trung bình một ngày sống với 3,1 USD, thu nhập bình quân theo đầu người đạt khoảng 1.570 USD.
Giá bán smartphone tại Ấn Độ trung bình ở mức 90 USD, bằng một phần ba so với trung bình toàn cầu. Rõ ràng, thị trường Ấn Độ tăng trưởng chủ yếu nhờ điện thoại giá rẻ; dòng di động cao cấp, giá từ 300 USD trở lên, chỉ chiếm khoảng 6 triệu chiếc, tương đương với 6% tại đây.
Apple đã xin phép chính phủ Ấn Độ được nhập khẩu và bán các mẫu iPhone đã qua sử dụng, hàng tân trang (refurbished) nhưng bị từ chối do lo ngại về vấn đề rác thải điện tử. Bởi thế, Apple sẽ khó có thể tăng trưởng nhanh khi thị trường bị chi phối bởi Samsung và các thương hiệu Trung Quốc.
Vấn đề này tiếp tục không được giải quyết trong cuộc hội đàm giữa Tim Cook và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, dù phụ tá của ông Modi cho rằng nó đã “cực kỳ thành công”. Các quan chức chính phủ yêu cầu Apple thành lập cơ sở sản xuất ở Ấn Độ, tạo ra nhiều việc làm cho các lao động địa phương và thúc đẩy sáng kiến “Made in India” mà chính phủ khởi xướng.
Tiếp thị nhiều hơn
Mức độ nhận biết thương hiệu của Apple chỉ xếp thứ 10 ở Ấn Độ, đứng sau Samsung, Sony, BlackBerry và một số đối thủ trong nước. Theo khảo sát của Morgan Stanley, gần một nửa trong số những người được hỏi nói họ không biết Apple. Nếu muốn cải thiện tình hình, công ty công nghệ Mỹ cần mở nhiều cửa hàng tại đây.
Tim Cook trong một chuyến thăm Trung Quốc. Ảnh: MacRumors.
Tuy nhiên, sớm nhất thì cửa hàng bán lẻ đầu tiên của Apple tại đây phải đến năm sau mới đi vào hoạt động. Trong cuộc họp nội bộ, Cook nhấn mạnh muốn tăng hoạt động bán lẻ ở nước này để các sản phẩm của công ty trở nên phổ biến hơn. Apple đã thuê nhiều cửa hàng bán lẻ và phân phối của địa phương trong vài tháng qua và sẽ nỗ lực gấp đôi.
Tại Trung Quốc, nơi mà doanh số iPhone giảm mạnh trong quý I/2016, đồng thời một số dịch vụ giải trí trực tuyến của Apple đã bị cấm, Cook đã không đưa ra lời cổ vũ đáng kể cho các nhà đầu tư.
Trong cuộc họp với các quan chức Trung Quốc, nhà lãnh đạo Apple nhấn mạnh về những đóng góp của công ty cho nền kinh tế Trung Quốc: tạo việc làm, tạo thu nhập và đóng thuế. Chuyến thăm của CEO này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Apple công bố đầu tư 1 tỷ USD vào Didi, một dịch vụ được ví như Uber của Trung Quốc.
Song khi được hỏi về việc đóng cửa iTunes và iBook, đồng thời công ty nhấn mạnh rằng Apple đã tuân thủ các quy định của địa phương trong việc thiết lập dịch vụ, Tim Cook chỉ nói rằng Trung Quốc sẽ xem xét vấn đề.
Theo Reuters
Apple thừa nhận giá iPhone quá cao tại Ấn Độ
CEO Tim Cook nói rằng giá iPhone có thể quá cao tại Ấn Độ và muốn điều chỉnh dần theo thời gian.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh NDTV của Ấn Độ, Giám đốc điều hành Apple đã nhận được một câu hỏi thú vị liên quan đến giá iPhone. Smartphone của Apple được bán ở mức 600 USD tại Mỹ, nhưng lại đắt hơn tại hầu hết các nơi khác trên thế giới.
Tim Cook gặp gỡ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: narendramodi.
"Nó đắt (iPhone). Ngay cả khi tính bằng USD thì cũng đắt bởi nó tính thêm thuế ở Ấn Độ nhưng không có tất cả các tính năng như ở Mỹ. Vì vậy, người dân ở đây có một chiếc iPhone đắt hơn ở Mỹ nhưng chức năng lại ít hơn, tại một thị trường mà sức mua chỉ bằng một phần nhỏ của Mỹ", người dẫn chương trình nói.
Trả lời câu hỏi, Tim Cook nói rằng ông nghĩ iPhone có thể được định giá quá cao ở Ấn Độ và công ty sẽ xem xét thay đổi. "Chúng tôi muốn giảm giá theo thời gian, đến giới hạn mà công ty có thể làm được".
Tuy nhiên người đứng đầu Apple cũng khéo léo giải thích: "Thách thức ở đây là thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt cao, khiến cho giá càng cao hơn. Điều này khiến lợi nhuận của chúng tôi ở Ấn Độ ít hơn. Nhưng tôi cũng thừa nhận rằng giá ở đây cao".
Apple luôn khẳng định vị trí của mình bằng việc đưa ra các sản phẩm tốt thay vì cạnh tranh về giá cả. Nhờ vậy, công ty liên tục duy trì mức lợi nhuận khổng lồ. Tuy nhiên với câu trả lời vừa rồi của Tim Cook, Apple có thể thay đổi chiến lược trong tương lai để phát triển mạnh hơn tại các thị trường mới, trong đó có Ấn Độ.
Tình hình kinh doanh iPhone đang xấu đi khi doanh số smartphone của Apple giảm 16% trong quý vừa qua. Tại hầu hết các thị trường, iPhone đánh mất thị phần vào tay Android và các nhà phân tích tin rằng chiều hướng này sẽ khó thay đổi đến hết năm 2016.
Hồi đầu năm nay, Tim Cook từng "bóng gió" về mức giá quá cao đã khiến doanh số iPhone giảm sút.
Đình Nam
Theo VNE
Tim Cook sắp đến Trung Quốc để 'giải cứu' Apple Trước những khó khăn tại thị trường đông dân nhất thế giới, CEO Apple được cho là sẽ tới Trung Quốc cuối tháng này để gặp gỡ các quan chức chính phủ. Apple đang phải đối mặt với một loạt khó khăn khi doanh số iPhone giảm lần đầu tiên trong lịch sử. Riêng tại Trung Quốc, thị trường được coi là quan...