Những thắc mắc thường gặp về nam khoa
Hai bác sĩ Nguyễn Thành Như, Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân và Phùng Như Toàn, Trưởng khoa Di truyền Bệnh viện Từ Dũ TP HCM sẽ giải đáp những thắc mắc.
- Con trai tôi 4 tuổi, từ lúc sinh ra chỉ có một bên tinh hoàn, dương vật hơi nhỏ, đi siêu âm không tìm thấy tinh hoàn còn lại. Vậy cháu chỉ có một hay tinh hoàn lạc chỗ ? Cháu có thể làm cha không?
- Cứ 500 trẻ ra đời sẽ có 1 trẻ không tìm thấy một tinh hoàn. Có lẽ nó đã bị xoắn và teo mất trong thời kỳ bào thai. Cách đáng tin cậy nhất để biết cháu có tinh hoàn bên kia không là mổ nội soi thám sát (nếu thấy, bác sĩ sẽ hạ xuống bìu cho cháu luôn). Nếu không sờ thấy, siêu âm vài lần cũng không thấy thì có thể xem như cháu chỉ có một tinh hoàn thôi. Chị có thể cho cháu siêu âm lại khi dậy thì và trưởng thành.
Với một tinh hoàn, khả năng phát triển sinh lý, sinh dục của cháu không bị ảnh hưởng, nhưng khả năng sinh sản có thể giảm do cấu trúc mô học của tinh hoàn này có thể không hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, chỉ có thể khẳng định điều này khi cháu lập gia đình. Hiện tại, chị không nên quá lo lắng.
- Tôi 50 tuổi, vợ tôi 40, còn con gái đã 16 tuổi nên muốn có thêm bé nữa. Nhưng mỗi lần tôi xuất tinh, hầu như chỉ có tinh dịch loãng, màu trắng đục. Tôi nên làm gì? Cách ăn uống có ảnh hưởng đến tinh trùng không?
- Ở nữ sau 35 và nam sau 45 tuổi, khả năng sinh sản đều giảm rõ. Cách tốt nhất để biết khả năng sinh sản của ông bà hiện như thế nào là đi khám và xét nghiệm (tối thiểu là làm tinh dịch đồ). Cách ăn uống không ảnh hưởng tới tinh trùng. Ông cần bỏ thuốc lá nếu đang hút, quan hệ vợ chồng 2-3 lần mỗi tuần để tăng khả năng thụ thai. Kính chúc vợ chồng ông sớm có tin vui.
- Anh trai tôi 35 tuổi, đã lập gia đình và mong có con. Trước đây anh mắc quai bị nên bộ phận sinh dục không được bình thường, hòn trên hòn dưới. Cách đây 10 năm anh có khám ở Hà Nội và được khuyên mổ nhưng không có điều kiện. Nay đi khám lại, bác sĩ bảo cơ hội rất ít vì để muộn quá. Tôi có nghe nói về ca thụ thai nhờ kỹ thuật hổ trợ phôi bằng laser. Vậy anh trai tôi có hy vọng không?
- Để thực hiện được các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (thụ tinh trong ống nghiệm), anh trai bạn cần có tinh trùng. Muốn biết trong tinh hoàn của anh ấy ấy có tinh trùng hay không, cần sinh thiết. Tôi từng gặp nhiều bệnh nhân cứ tưởng mình vô sinh do quai bị nhưng thực ra không phải. Nhiều người ctinh hoàn hòn trên hòn dưới vẫn có con bình thường.
- Tôi 23 tuổi, dương vật chưa cương chỉ dài khoảng 2- 3 cm, khi cương lên chỉ dài 8-9 cm. Chiều cao của em là 1m73. Tại sao nó nhỏ vậy, và có ảnh hưởng đến quá trình sinh sản sau này không? Khi em xuất tinh thì chỉ có vài giọt, có sao không?
- Tuyến sinh dục ngoài của bạn không phát triển. Đây là dị tật của cơ quan sinh dục trong quá trình hình thành và phát triển giới tính. Bạn cần xét nghiệm nhiễm sắc thể (ở nam bình thường phải là 46XY). Các bất thường hay gặp có thể là 47XXY, 47XYY hoặc 46XY nhưng nhiễm sắc thể Y rối loạn về cấu trúc. Nơi có thể thực hiện xét nghiệm đó là phòng di truyền Bệnh viện Từ Dũ hoặc là bộ môn Mô phôi di truyền của Đại học Y Dược TP HCM.
Video đang HOT
Bạn chỉ xuất tinh vài giọt thì nên xét nghiệm tinh dịch đồ để xem số lượng tinh trùng có ổn không.
- Dưới 2 hòn của tôi thường ngứa dù mới tắm xong. Xin cho biết nguyên do và cách điều trị.
- Hai tinh hoàn nằm trong bìu nên nguyên nhân gây ngứa không phải do nó. Bạn tắm xong vẫn ngứa thì bạn nên đi bác sĩ da liễu để tìm nguyên nhân (có thể do nấm).
- Con trai tôi 1 tuổi, bị lỗ tiểu thấp, nước tiểu cứ chảy xuống chân bé. Chim của bé ngắn hơn so với các bé trai cùng lứa tuổi. Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 hẹn khi bé được 2 tuổi sẽ khám, hội chẩn. Tôi muốn biết khi mổ có những tai biến gì không?
- Ở bé bị tật lỗ tiểu thấp, lỗ tiểu thường nằm ở thân dương vật hoặc thậm chí dưới bìu. Ngoài ra, dương vật thường bị cong xuống dưới. Đây là phẫu thuật tạo hình phức tạp, có mục đích làm dương vật thẳng ra và đưa lỗ tiểu đưa ra càng gần đỉnh dương vật càng tốt. Khi mổ, bác sĩ sẽ đặt ông thông trong niệu đạo, sau 7-10 ngày ống thông sẽ được rút ra và bé có thể tiểu được bình thường. Biến chứng thường gặp trong phẫu thuật này là nhiễm trùng vết mổ và rò niệu đạo. Phẫu thuật nên được thực hiện sớm, ở độ tuổi 2-5.
- Tôi 30 tuổi, chưa có vợ, bị đau ở 2 tinh hoàn mỗi khi làm việc gì hơi nặng hoặc chơi thể thao. Tôi đi khám thì bác sĩ siêu âm nói bị giãn mạch tinh hoàn trái và có 2 nang ở tinh hoàn bên phải. Tôi rất sợ không thể sinh con. Tôi muốn đến Bệnh viện Bình Dân để mổ, vậy việc này có ảnh hưởng đến khả năng quan hệ tình dục không?
- Không phải cứ đau tức tinh hoàn, siêu âm có giãn tĩnh mạch tinh là phải phẫu thuật. Trong nhiều trường hợp, dùng các thuốc kháng viêm giảm đau là đủ, thậm chí chỉ cần nghỉ ngơi, tránh lao động hay thể thao nặng vài hôm là tự khỏi. Chỉ mổ khi đau tái diễn nhiều lần, gây trở ngại cho cuộc sống, tĩnh mạch tinh giãn rõ, chất lượng tinh trùng giảm thấp.
Khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân tôi áp dụng kỹ thuật riêng trong phẫu thuật bệnh này, đó là cột tĩnh mạch tinh giãn hai bên vi phẫu bẹn – bìu. Phẫu thuật không ảnh hưởng đến chức năng sinh dục, bệnh nhân xuất viện sau mổ 1 ngày, chi phí toàn bộ vào khoảng 2-3 triệu đồng.
- Con trai 6 tuổi , “súng” bị tụt vào trong, bình thường chỉ có phần da, sáng thức dậy thì “súng” cũng vươn ra tương đối. Bé to ngang, hơi tròn nhưng không phải béo phì. Vậy tình trạng của bé có bất thường không?
- Trường hợp con của bạn trước hết phải xác định có kèm theo béo phì quá mức hay không. Bạn nên cho con đi xét nghiệm để xác định bộ nhiễm sắc thể (chú ý nhiễm sắc thể số 15) xem có bị tổn thương về cấu trúc hay không.
- Khi tôi giao hợp, tinh hoàn thường không còn nằm trong bìu mà ẩn phía trong. Lúc dương vật xìu xuống nó mới trở xuống bìu. Đó có phải là bệnh không ạ?
- Trường hợp của bạn, y học gọi là tinh hoàn di động. Khi quan hệ, do sự co rút của cơ bìu, tinh hoàn bị rút lên bụng, sau đó cơ bìu giãn ra, nó lại chạy xuống dưới. Tinh hoàn di động vẫn sinh tinh bình thường nên không cần chữa trị. Tuy nhiên, nếu bạn lo lắng nhiều thì bác sĩ có thể làm tiểu phẫu cố định tinh hoàn trong bìu, nó sẽ không thoắt ẩn thoắt hiện nữa.
- Tôi 33 tuổi, lập gia đình cách đây 6 năm và đã có con nhưng gần đây ở bìu có một cục nhỏ bằng hạt đỗ, hơi cứng và có vẻ to ra một chút, sờ và bóp không đau. Việc sinh hoạt tình dục vẫn bình thường. Đó có phải là u không?
- Tôi không nghĩ đó là một u ác tính (ung thư). Nó có lẽ là một u nang bã đậu dưới da bìu hay u nang mào tinh lành tính. Bạn cứ tiếp tục sinh hoạt bình thường. Nếu có dịp đi khám sức khỏe định kỳ, nên báo bác sĩ biết. Qua thăm khám cụ thể, bác sĩ sẽ cho bạn biết rõ bản chất u này.
- Tôi 30 tuổi, lỗ tiểu có một vết loét bằng đầu đũa, có mụn li ti, khi vệ sinh bộ phận sinh dục bằng xà phòng thì thấy rát ở vết loét. Vậy tôi bị bệnh gì?
- Trường hợp của bạn có thể do bệnh da liễu, nhiễm virus Herpes đường sinh dục hay virus HPV. Bạn có thể đến Bệnh viện da liễu hoặc các phòng khám nam khoa để làm xét nghiệm tìm kiếm nguyên nhân.
– Tôi 34 tuổi, mỗi tuần quan hệ 3-4 lần, mỗi lần khoảng 4-5 phút thì có ảnh hưởng đến sức khoẻ hai vợ chồng không? Hồi nhỏ tôi mặc quần short hơi chật, trong khi ngồi xuống chơi, tôi bị kẹp chặt tinh hoàn phải và vài ngày sau nó sưng lên to bằng quả trứng vịt. Bây giờ lâu lâu tôi cảm thấy đau lại. Có phải như vậy tôi sẽ khó sinh con trai ?
- Số lần quan hệ của bạn là bình thường. Sức khỏe của bạn phụ thuộc vào vấn đề dinh dưỡng, stress trong công việc. Chuyện sinh trai hay gái không phụ thuộc vào tình trạng tinh hoàn của bạn, mà do khi thụ tinh, nhiễm sắc thể X hay Y sẽ kết hợp với trứng.
- Tôi 34 tuổi, da quy đầu dài hơn thân dương vật, trông như của trẻ con, mặc dù lúc cương cứng vẫn có thể tuột lên được, nếu không rửa thường xuyên trong ngày thì sẽ rất hôi. Vậy tôi có cần đi cắt không?
- Bạn bị da quy đầu dài, nên đi cắt để giữ vệ sinh. Đây là tiểu phẫu, có thể đến bệnh viện tuyến quận huyện thực hiện. Phẫu thuật kéo dài khoảng 15-20 phút, bệnh nhân có thể về nhà ngay, chi phí dưới 500.000 đồng.
- Tôi 24 tuổi, đã quan hệ tình dục thương xuyên đươc 2 năm, trươc đo hay thu dâm, tinh dich co khi đong cuc, cac cuc đo trong veo. Tư năm hoc lơp 12 đên nay, luc ơ gân bên ban gai va chi khi măc quân lot, bi kich thich lâu thì tôi đau một bên bên tinh hoan, phai cơi bo quân lot ra va nghi ngơi vai tiêng mơi hêt. Triêu chưng trên co nguy hiêm không?
- Mỗi khi có kích thích tình dục, máu sẽ dồn tới dương vật và hai tinh hoàn. Nếu không có xuất tinh thì sự ứ máu ở tinh hoàn có thể gây đau tức. Tình trạng này không nguy hiểm. Tuy nhiên, ở những người bị giãn tĩnh mạch tinh, tình trạng ứ máu tinh hoàn có thể nặng hơn, dễ bị đau tức hơn. Vì vậy, bạn cũng nên đến bác sĩ khám.
- Cha tôi 70 tuổi. Gần đây ông có biểu hiện rất lạ. Mỗi lần nhà vắng người, nếu nhìn thấy các cô gái hàng xóm là ông đưa “nó” ra ngoài để gây sự chú ý. Ba tôi bản tính hiền lành và không có tính trăng hoa. Đây có phải là bệnh hay không và cách chữa như thế nào?
- Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp những trường hợp như của ba chị, người lớn tuổi, đứng đắn bỗng dưng có nhu cầu quan hệ tình dục mạnh trở lại, không kiểm soát được hành vi. Chị nên khuyên ba đến khám ở các bác sĩ tâm lý, tâm thần. Khi tình trạng tâm lý ổn định, nếu bệnh nhân vẫn còn nhu cầu sinh lý cao, các bác sĩ có thể cho dùng một số loại thuốc.
– Trước đây tôi có quan hệ với gái mại dâm, nhưng chỉ đưa ở ngoài âm đạo. Sau đó khoảng một tuần, ở khấc giữa đầu dương vật và dương vật có nổi một lớp màu trắng, ngày nào vệ sinh sạch sẽ không thấy. Đó là bệnh gì?
- Có thể bạn đã mắc phải một trong những số bệnh lây qua đường tình dục (giang mai, lậu, …). Bạn nên mạnh dạn đến khám tại bệnh viện da liễu để sớm trị dứt khoát, tránh ảnh hưởng đến việc sinh sản sau này.
- Con trai tôi 9 tuổi nhưng chiều dài và độ lớn của dương vật chỉ bằng cháu bé 4-5 tuổi. Có nên mang cháu đi khám không?
- Trong đa số trường hợp như con chị, theo kinh nghiệm của tôi, cha mẹ thường lo lắng nhiều nhưng thật ra kích thước dương vật của con trẻ vẫn bình thường. Một số ít trường hợp có thể bị bệnh nội tiết hay di truyền. Bạn nên đưa cháu đến khám ở các bệnh viện nhi hay bệnh viện có chuyên khoa tiết niệu – nam học để biết chắc chắn.
- Con trai tôi 6 tháng tuổi, từ lúc mới sinh đến giờ hai tinh hoàn chảy xệ, bên to bên nhỏ. Xin hỏi như thế có bình thường không?
- Hai tinh hoàn của cháu không chảy xệ, chỉ có bìu bị chảy thôi. Lúc con bạn đi tiểu hoặc đi cầu mà bìu săn lại thì bình thường, nếu vẫn chảy thì có vấn đề. Con bạn mới 6 tháng tuổi, tinh hoàn không đều thì nên cho đi khám.
- Tôi có một bé trai 2 tuổi, đi khám thì được chẩn đoán hẹp bao quy đầu, nhưng một bệnh viện khác lại nói là vùi dương vật. Xin bác sĩ tư vấn giúp. Hiện cháu cao 87 cm và nặng 13 kg.
- Trẻ nhỏ dễ bị dương vật vùi do nhiều mỡ vùng bụng dưới. Tình trạng này không ảnh hưởng đến sinh sản và sinh dục. Khi cháu trưởng thành, lớp mỡ ở vùng bụng tan đi, dương vật sẽ hết bị vùi. Mặt khác, trẻ dưới 4 tuổi thường bị dính bao quy đầu sinh lý, chứ không phải hẹp. Bao sẽ tự tụt xuống khi cháu 4-6 tuổi. Do vậy, nếu bé vẫn tiểu bình thường, phát triển khỏe mạnh, chị không cần quá lo lắng. Khi cháu lên 6 tuổi, nên cho đi tái khám nếu bao chưa tụt xuống được.
Hiện, khuynh hướng điều trị dính bao quy đầu sinh lý là bôi thuốc kháng viêm (được bác sĩ kê toa) chứ không phải nong hay phẫu thuật.
Theo VNE