Những tay sai kỳ quái của mafia Ý
Hổ, rắn, trăn, cá sấu hay vẹt đã trở thành những trợ thủ đắc lực của các bố già Ý trong việc moi tiền bảo kê và đe dọa đối thủ.
Con vẹt xám hung dữ mà cảnh sát tịch thu từ bọn xã hội đen – Ảnh: Daily Mail
Thay vì súng đạn hay dao, mafia Ý hiện nay lại ưa chuộng sử dụng các con vật nguy hiểm, quý hiếm để uy hiếp đối thủ, bảo vệ bản thân lẫn để khoe mẽ. Theo tờ Corriere della Sera, tập đoàn tội phạm Camorra, một trong 3 nhóm mafia quyền lực nhất nước Ý và hoạt động chủ yếu ở miền nam, đã mở ra trào lưu dùng hổ, cá sấu và trăn, rắn độc để khủng bố các doanh nghiệp địa phương và đòi tiền bảo kê. “Thú dữ trở thành công cụ mới của bọn chúng, vừa đạt hiệu quả cao vừa có giá trị thể hiện sức mạnh. Các ông trùm muốn tỏ ra là họ có thể làm mọi điều mình muốn, kể cả thuần phục những con vật hung dữ mà đa số đều khiếp sợ. Động vật càng quý hiếm, bố già càng cảm thấy quyền uy đầy mình. Một tác dụng khác là các băng nhóm đối thủ cũng sẽ e ngại khi tấn công nhà của một ông trùm có đầy cọp beo hay những con trăn khổng lồ”, người đứng đầu Lực lượng cảnh sát môi trường và chống buôn bán thú quý quốc gia Marco Trapuzzano, cho biết.
“Muốn ăn đạn hả ?”
“Mày muốn ăn đạn hả? Tao bắn vỡ sọ bây giờ!”. Có lẽ ít ai ngờ câu hăm dọa đầy sát khí này lại phát ra từ mỏ một con vẹt xám châu Phi. Tên “tội phạm có cánh” này hiện đang được nuôi trong một vườn thú ở thành phố Naples sau khi cảnh sát triệt phá một chi nhánh của Camorra tại khu Traiano thuộc Naples. Theo tờ Daily Mail, các ông chủ trước đây của chú vẹt đã cố công dạy nó những câu dọa dẫm dữ tợn không kém một tay anh chị thứ thiệt nào để mang đi đòi nợ. Công phu hơn nữa, một con vẹt khác thì được giao nhiệm vụ “chào mừng khách hàng” mỗi khi có người gọi đến để mua ma túy. Trong mấy ngày đầu được đưa về vườn thú, con vẹt luôn miệng nói rành rọt với người chăm sóc câu: “Xin chào, các anh muốn lấy bao nhiêu hàng?”.
Ghê rợn hơn là thủ đoạn cho con cọp cưng ăn thịt đối thủ của bố già Lucio Vetrugno, trùm băng Sacra Corona Unita ở vùng Campania. Có biệt danh “Lucio mãnh hổ”, Vetrugno cột con cọp cái 16 tuổi thuộc giống cọp Siberia cực kỳ quý hiếm ngay cổng tòa biệt thự của mình ở thị trấn Mugnano. “Một con cọp cỡ này ăn khoảng 50 kg thịt mỗi ngày và Vetrugno thường khoe khoang là hắn ta có “nguồn thịt dồi dào” cho nó. Nhiều đối thủ của băng Unita đã biến mất không để lại dấu vết và có lẽ chúng ta đã biết được lý do”, trang tin Croatiatimes dẫn lời một điều tra viên nói. Vetrugno bị bắn hạ hồi tháng 11 trong một vụ thanh toán và hiện con cọp đang được chăm sóc tại một khu bảo tồn thú quý hiếm.
Video đang HOT
Cá sấu trở thành “nhân viên thu tiền” đắc lực của mafia – Ảnh: Daily Mail
Nộp tiền hoặc bị cá sấu ăn
Trong một vụ khác, khi ập vào dinh thự của một bố già khét tiếng gần thị trấn Caserta, các nhân viên cảnh sát giật mình khi thấy một con cá sấu khổng lồ chễm chệ trên bãi cỏ. Corriere della Sera dẫn lời ông Trapuzzano giải thích đây là công cụ “thuyết phục” doanh nghiệp địa phương và chủ cửa hàng cống nạp tiền bảo kê. “Khi có người không chịu tuân phục, họ sẽ bị chở đến nhà bố già và đối mặt với câu hỏi “Nộp tiền hay trở thành bữa ăn của nó?”. Cách này hầu như hiệu quả 100% vì không ai có thể giữ bình tĩnh trước hàm răng lởm chởm của con vật”, ông nói. Ở thị trấn Villa Literno gần đó trong thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ xã hội đen ném trăn hay rắn đuôi chuông vào xe của các chủ doanh nghiệp nộp tiền trễ hạn. “Nếu đứng trước họng súng hay bị kề dao vào cổ thì ít ra bạn vẫn còn có thể thương lượng chứ làm sao nói chuyện phải quấy với bọn thú dữ này”, ông Trapuzzano giải thích.
Lợi nhuận “khủng”
Theo Daily Mail, kết quả điều tra cho thấy bọn tội phạm không chỉ dùng các loài vật hoang dã để củng cố quyền lực mà còn kiếm được hàng triệu USD mỗi năm từ việc nhập lậu, buôn bán chúng, đồng thời làm giả giấy chứng nhận từ Công ước CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật nguy cấp – NV). “Các ông trùm ma túy đang dần chuyển sang thị trường buôn bán động vật quý hiếm hoặc nguy hiểm”, một sĩ quan cảnh sát cấp cao của Ý cho biết. Một con cọp con có giá tới 30.000 euro (793 triệu đồng) trong khi giá một con trăn là 500 euro. Những loài vẹt, rùa quý hiếm có nguồn gốc từ Bắc Phi cũng được các băng nhóm nhập lậu và bán lại cho những người giàu có muốn chơi trội. Lực lượng cảnh sát môi trường và chống buôn bán thú quý quốc gia cảnh báo việc nuôi dưỡng, mua bán trái phép động vật không những là hành vi phạm pháp nghiêm trọng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khôn lường. “Các bố già không hiểu là rất khó kiểm soát bọn thú dữ và chúng còn có thể lây truyền nhiều loại bệnh chết người”, chỉ huy Trapuzzano nói với Corriere della Sera.
Danh Toại
Theo Thanhnien
Mafia bành trướng khắp châu Âu
Các chuyên gia chống mafia trong một báo cáo mới đây cho biết các băng đảng mafia Ý đang bành trướng ra khắp châu Âu.
Cảnh sát Ý bắt giữ Michele Zagaria, trùm băng đảng mafia Casalesi - Ảnh: Reuters
Bà Paola Severino, luật sư hàng đầu về luật hình sự, cựu Bộ trưởng Tư pháp Ý, cho biết các băng đảng mafia Ý xem những nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) là "những mục tiêu mềm", dễ xâm nhập và bành trướng vì những nước EU không có các biện pháp chống tội phạm có tổ chức, chống rửa tiền nghiêm khắc như Ý, theo tờ The Independent (Anh) ngày 30.11.
Các băng đảng mafia xuất phát từ vùng Sicily, thành phố Naples và Calabria (Ý) vẫn tiếp tục bành trướng xâm nhập sâu vào miền bắc nước Ý và các nước EU, theo báo cáo của bà Severino cùng 20 chuyên gia chống mafia thuộc đơn vị theo dõi mafia của Đại học Luiss (Ý).
Ông Luca Tritto, một trong số tác giả bản báo cáo, cho hay: "Điều đáng ngạc nhiên là những biện pháp chống rửa tiền của Ý có thể ngăn chặn các hoạt động tội phạm có tổ chức".
Thị trường mở EU đã mang đến nhiều cơ hội cho các băng đảng mafia "đầu tư" vào những hoạt động trái phép và 'Ndrangheta là băng đảng mafia khét tiếng của Ý đứng đầu trong việc bành trướng ở EU, theo ông Tritto.
Cơ quan Cảnh sát quốc gia Đức ước tính có 900 nhánh của 'Ndrangheta vẫn đang hoạt động ở Ý. Chính phủ Ý đã trình một báo cáo về mafia lên EU trong năm nay, cho thấy ngoài Ý, 'Ndrangheta hoạt động mạnh ở Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Đức.
"Tuy nhiên, luật pháp các nước EU khác không nghiêm khắc bằng Ý. Đến nay, không quốc gia EU nào áp dụng những luật chống tội phạm có tổ chức tương tự như Ý", ngoại trừ Ireland bày tỏ quan tâm đến việc học hỏi kinh nghiệm chống mafia của Ý, ông Tritto cho hay.
Bà Paola Severino, cựu nữ Bộ trưởng Tư pháp Ý - Ảnh: Reuters
Bà Severino và các chuyên gia chống mafia, trong bản báo cáo mang tựa đề "Các băng đảng mafia trục lợi từ toàn cầu hóa", kêu gọi EU tăng cường các biện pháp pháp lý, như siết chặt luật chống rửa tiền, nhằm ngăn chặn sự bành trướng của những băng đảng mafia.
Nhưng một người phát ngôn của Cơ quan Cảnh sát châu Âu Europol đã từ chối bình luận liệu rằng siết chặt luật chống rửa tiền ở tất cả các nước thành viên EU có thật sự cần thiết hay không để chống mafia.
Bà Severino lưu ý tình hình có thể trở nên phức tạp khi các nhóm mafia mới được thành lập có mối liên hệ quốc tế. Chẳng hạn, một băng đảng mafia mới thành lập ở thành phố Rome (Ý) không chỉ giới hạn phạm vi hoạt động ở Ý, EU mà còn ở nhiều nơi trên thế giới, theo bà Severino.
"Điều này cho thấy không có khu vực nào trên thế giới thoát khỏi mafia. Mọi người nên ý thức rằng chúng ta đang phải đối mặt với một hiện tượng mafia quốc tế", bà Severino nhấn mạnh.
Mafia Ý tiến hành nhiều hoạt động kinh doanh như sòng bạc, ma túy, mại dâm, cho vay nặng lãi, bảo kê hoặc ẩn mình dưới những hình thức kinh doanh hợp pháp khác, theo AFP.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Mafia ngày càng liều lĩnh Mức án được cho là nhẹ đối với các "ông trùm" mafia đứng đằng sau vụ đánh bom sát hại vợ chồng thẩm phán Giovanni Falcone cùng hàng loạt vụ đánh bom chấn động đất nước Italia những năm 1992-1993 cho thấy cuộc chiến chống lại mafia ở nước này còn hết sức gian nan. Tổng thống Giorgio Napolitano xác nhận Chính phủ...