Những tàu ngầm tệ nhất mọi thời đại
Căn cứ vào những tiêu chí: thiết kế cơ bản, chất lượng phục vụ, kinh phí chế tạo, các sự cố gặp phải cũng như việc ảnh hưởng tới uy tín của lực lượng hải quân, trang mạng Nation Interest đã xếp các tàu ngầm dưới đây vào danh sách những tàu ngầm tồi tệ nhất mọi thời đại.
Tàu ngầm Thresher, Scorpion và Kursk
Đây là những chiếc tàu ngầm bị chìm trong những hoàn cảnh khó hiểu, gây tổn hại đến danh tiếng của lực lượng hải quân mà nó phục vụ. Rất khó để có thể xác định chắc chắn những gì đã xảy ra, dù là do lỗi thiết bị hay sự bất cẩn của con người thì chúng cũng được xếp vào danh sách những chiếc tàu ngầm tồi tệ nhất mọi thời đại.
Thresher (Mỹ): Tàu ngầm hạt nhân USS Thresher được đóng tại Nhà máy đóng tàu hải quân Portsmouth vào tháng 1/1958 và được hạ thủy vào tháng 7/1960. Về thiết kế kỹ thuật, USS Thresher có tổng trọng tải lặn 3.770 tấn, dài 85m, ngang 9,7m và cao 8,7m, được trang bị một động cơ Westinghouse chạy năng lượng hạt nhân có thể đẩy tàu chạy với vận tốc tối đa 37km/giờ dưới mặt nước cùng với thủy thủ đoàn 112 người. Nhiệm vụ của USS Thresher là tuần tra bảo vệ an ninh, phòng chống sự thâm nhập của tàu ngầm đối phương, tại vùng biển phía đông nước Mỹ kéo dài từ bang Maine ở phía bắc xuống tận bang Florida ở phía nam. Cứ 9 tháng một lần, USS Thresher lại quay về quân cảng Portsmouth để được kiểm tra, bảo trì, duy tu cũng như lắp đặt thêm thiết bị và vũ khí mới.
Ngày 10/4/1963, tàu USS Thresher thực hiện chuyến lặn sâu thử nghiệm đầu tiên ở vùng biển phía đông mũi Cape Cod, bang Massachusetts, dưới sự giám sát của tàu USS Skylark. Chỉ 20 phút sau, tàu USS Skylark bỗng mất tín hiệu liên lạc với tàu USS Thresher sau khi từ dưới biển sâu phát ra những âm thanh và rung động kỳ lạ giống như sự pha trộn tiếng rào rào của nước biển bị khuấy động cùng tiếng hú của không khí khi bị hút và tiếng nổ mạnh.
Vào thời điểm đó, tàu USS Skylark cũng bị gián đoạn liên lạc thông tin một cách khó hiểu với Bộ Chỉ huy tàu ngầm của Hạm đội Đại Tây Dương (COMSUBLANT) trong vòng vài phút. Sau khi thông tin được nối lại, COMSUBLANT tức tốc điều động một đội tàu cứu hộ, trong đó có tàu lặn nghiên cứu đáy biển Trieste, có thể lặn đến độ sâu 4.000m, đến hiện trường để tổ chức cứu nạn cho tàu USS Thresher. Tuy nhiên, mọi cố gắng đều không mang lại kết quả. Bị chìm ngay trong chuyến lặn thử nghiệm đầu tiên, tàu USS Thresher bị vỡ thành nhiều phần, nằm rải rác trên một diện tích 134.000m2 ở độ sâu 2.500m dưới đáy biển. Không ai trong số 129 người có mặt trên tàu vào thời điểm xảy ra tai nạn còn sống sót.
Scorpion (Mỹ): Được hạ thủy năm 1959, tàu Scorpion là loại tàu ngầm được thiết kế với nhiệm vụ chống lại các hạm đội tàu ngầm của Liên Xô trong trường hợp xảy ra xung đột. Trên tàu có cả một nhóm các nhà ngôn ngữ chuyên nghiên cứu tiếng Nga để nghe trộm các đường truyền thông tin của Hải quân Liên Xô và các đơn vị quân đội khác. Sau 3 tháng hoạt động tại biển Địa Trung Hải cùng hạm đội 6 của Mỹ, tháng 5/1968, tàu Scorpion được điều động trở lại căn cứ tại Norfolk. Ngày 17/5/1968, USS Scorpion nổi lên mặt nước tại căn cứ tàu ngầm Mỹ đặt tại Rota, Tây Ban Nha để trả hai người lên đất liền. Và đó cũng là lần cuối cùng người ta nhìn thấy nó. 5 ngày sau, các nhà chức trách thông báo tàu USS Scorpion bị đắm.
Hơn 5 tháng sau, xác của con tàu ngầm USS Scorpion được phát hiện dưới đáy Đại Tây Dương, nằm sâu dưới mặt nước hơn 3.000m. Tất cả 99 thuỷ thủ trên tàu đều thiệt mạng. Ngay sau khi nhận được tin tàu bị đắm, Bộ Hải quân Mỹ đã cho thành lập một ủy ban điều tra – từ mùa hè năm 1968 tới tận tháng 1/1969 mới hoàn thành bản báo cáo cuối cùng về vụ đắm tàu này. Tuy nhiên, bản báo cáo cuối cùng được giữ bí mật suốt 24 năm sau đó vì lý do an ninh quốc gia. Trong suốt khoảng thời gian đó, Bộ Hải quân Mỹ trả lời rằng, họ không xác định được nguyên nhân chính xác tàu USS Scorpion bị đắm và từ chối công bố kết luận của ủy ban.
Đến cuối năm 1993, Hải quân Mỹ cho giải mật gần như toàn bộ kết luận điều tra. Trong bản báo cáo cuối cùng dày 1.345 trang, ủy ban điều tra đã phản bác lại khả năng tàu bị đắm là do trục trặc kỹ thuật khiến nước tràn vào trong tàu và họ cho rằng, tàu đắm do một nguyên nhân khác. Bernard Austin, người đứng đầu uỷ ban này kết luận: Chứng cứ rõ ràng nhất khiến tàu bị đắm là do một quả ngư lôi Mark 37 vô tình phát nổ và làm vỡ vỏ tàu.
Video đang HOT
Kursk (Nga): Được chế tạo sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, với chiều dài 154m và cao bốn tầng, nó là chiếc tàu ngầm tấn công lớn nhất từng được chế tạo. Vỏ ngoài, được làm bằng thép không rỉ có thành phần nickel, chrome, dày 8,5 mm, có khả năng chống rỉ tuyệt vời và mức phát xạ từ trường thấp giúp giảm nguy cơ bị phát hiện bởi các hệ thống Thám sát Bất thường Từ trường (MAD). Tàu ngầm hạt nhân Kursk chìm ngày 12/8/2000 trong một cuộc tập trận của Hạm đội Biển Bắc. Sau đó tàu Kursk được tìm thấy vào ngày 13/8 ở độ sâu 108 mét dưới mặt biển, cách căn cứ chính của Hạm đội Biển Bắc là Severomorsk 80 km. Một tuần sau khi thảm họa xảy ra, khi các thợ lặn vào được bên trong thân tàu, toàn bộ các thủy thủ đã hy sinh, hầu hết là các quân nhân ở tuổi dưới 30.
Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân khiến tàu Kursk chìm, như nó đụng với tàu ngầm của Mỹ cũng hoạt động trong khu vực, hay va phải mìn còn sót lại từ thời Chiến tranh Thế giới II. Nhưng dù nguyên nhân là gì thì tổn thất về sinh mạng trong vụ tàu Kursk là điều gây đau đớn khôn nguôi cho thân nhân những người đã mất.
Tàu ngầm Kiểu 092 (Lớp Hạ)
Đây là tàu ngầm hạt nhân chiến lược đầu tiên của Trung Quốc cũng là đầu tiên của khu vực châu Á. Nó được đóng vào năm 1970. Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Kiểu 092 mang tên Trường Chinh 6 được đưa vào biên chế Hải quân Trung Quốc năm 1987. Trong suốt quá trình phục vụ, nó mới chỉ tham gia tuần tra chiến đấu 1 lần, còn chủ yếu là tham gia các hoạt động huấn luyện ngắn ngày của hải quân nước này.
Tàu ngầm này được Mỹ định danh là lớp Hạ, có lượng giãn nước khi lặn 7.000 tấn, dài 120m, rộng 10m, thủy thủ đoàn 100 người. Tàu trang bị một lò phản ứng áp lực nước 58MW và 2 động cơ tuốc bin khí cho tốc độ 22 hải lý/h, lặn sâu 300m. Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm và mang được 12 tên lửa đạn đạo tầm trung JL-1 phóng theo phương thẳng đứng.
“Những quả tên lửa JL-1 với tầm bắn lên tới 1.700 km có thể tạo thành mối đe dọa đáng kể với đối phương. Tuy nhiên Trường Chinh 6 vẫn tồn tại những lỗi cơ bản về kỹ thuật, một khi gặp phải sự tấn công hạt nhân của đối phương thì nó rất dễ bị phá hủy”, tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc thừa nhận. Chiếc thứ 2 thuộc Kiểu 092 đã hoàn thành phần thân tàu vào năm 1982 nhưng không rõ vì sao lại không phiên chế. Theo một số nguồn tin, thì chiếc tàu Kiểu 092 đã bị chìm sau vụ tai nạn năm 1985.
Ngay cả khi tàu ngầm Kiểu 092 được báo cáo là ở trạng thái hoạt động đầy đủ thì nó vẫn gặp rất nhiều vấn đề do lỗi thiết kế. Trong những năm 1990, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Kiểu 092 không bao giờ được phép hoạt động vượt ra ngoài vùng biển Trung Quốc. Với tầm bắn khoảng 2500km của tên lửa JL-1, khả năng răn đe hạt nhân của tàu ngầm này chỉ tồn tại trên lý thuyết. William Murray, một chỉ huy tàu ngầm đã nghỉ hưu của Hải quân Mỹ, đã mô tả lớp tàu ngầm này của Trung Quốc là “lão hóa, ồn ào và lỗi thời”.
Tàu ngầm K- class
Khi những chiếc tàu ngầm mới xuất hiện, các lực lượng hải quân thường có thói quen triển khai chúng như là sự bổ trợ cho các hạm đội tàu chiến trên mặt nước và tàu ngầm lớp K của Hải quân Hoàng gia Anh cũng không là ngoại lệ. Tàu ngầm lớp K được thiết kế vào năm 1913, được Hải quân Hoàng gia Anh sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Dự tính ban đầu chế tạo những tàu ngầm này là để nó tuần tra trước hạm đội mặt nước, bảo vệ hạm đội tránh bị tàu chiến, ngư lôi đối phương tấn công, hoặc đưa vào chiến đấu trước để quấy rối tàu địch.
Tuy nhiên, đây lại là một trường hợp thất bại điển hình trong chiến thuật trên. Đã là đi cùng hạm đội chủ lực và tham chiến trước thì phải có tốc độ nhanh hơn hạm đội chủ lực. Nghĩa là cần phải cơ động với tốc độ khoảng 40km/giờ trên mặt nước. Động cơ dầu diesel sẽ không cho phép tàu này có tốc độ nhanh như vậy, vì thế cần sử dụng động cơ hơi nước. Nhưng, trang bị động cơ hơi nước cho tàu ngầm lớp K là một ý tưởng tồi. Bởi vì, bất kỳ một kỹ sư hàng hải nào cũng đều biết động cơ hơi nước sẽ hút không khí và tạo ra một lượng nhiệt khổng lồ cùng với lượng khí thải lớn, dẫn đến việc ống xả khói phá hoại kết cấu chịu áp của tàu. Kết quả là, tàu ngầm lớp K khi hoạt động bị rò rỉ, cuối cùng bị chìm. 18 tàu ngầm lớp K không có chiếc nào tổn thất vì bị đối phương tấn công, nhưng lại có 6 chiếc thiệt hại vì sự cố.
Tàu ngầm K-219
Tàu ngầm K-219 lớp Yankee của Liên Xô đã phát nổ và bốc cháy trong khi tuần tra ở khu vực cách Bermuda- một lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm trong bắc Đại Tây Dương hay còn gọi là Tam Giác Quỷ – hơn 1.000km về phía đông. Nguyên nhân chiếc tàu này xếp thứ 2 trong danh sách 5 chiếc tàu ngầm tồi tệ nhất mọi thời đại là ở chỗ, vụ tai nạn của một chiếc tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo đã gây ảnh hưởng xấu tới danh tiếng của Hải quân Liên Xô. Ngoài ra, tai nạn này vốn có thể tránh được. Trách nhiệm thuộc về sự chậm chạp và khó hiểu của lãnh đạo cấp cao Liên Xô lúc bấy giờ.
Các chuyên gia Igor Kurdin và Wayne Grasdock đã giải thích nguyên nhân của vụ việc này như sau: Trước hết, giới lãnh đạo Liên Xô đã giao thêm nhiệm vụ tuần tra cho lực lượng tàu ngầm hạt nhân trên nhằm sẵn sàng đáp trả sau khi Mỹ triển khai tên lửa Pershing II và một số tên lửa hành trình ở châu Âu. Nhiệm vụ này khiến nó trở nên “lúng túng” vì việc huấn luyện và tuần tra răn đe của tàu ngầm này đã tăng lên 2 -3 lần/năm so với tần suất bình thường trước đó. Thứ hai, vấn đề an toàn không được Hải quân Liên Xô thực sự coi trọng như Hải quân Mỹ. Theo hai nhà bình luận trên, vụ tai nạn có thể không xảy ra “nếu có thêm một thủy thủ nữa kiểm tra lại ống phóng tên lửa số 6″.
Lực lượng tàu ngầm Hải quân Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới Thứ II
Có vẻ như là không công bằng khi xếp lực lượng tàu ngầm của Đế quốc Nhật ở vị trí số 1 trong danh sách này. Nhưng trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II, Hải quân Nhật Bản thể hiện năng lực rất bình thường trong các cuộc đối đầu với Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Sự thể hiện không tốt này không phải là do Hải quân Nhật Bản thiếu những chiếc tàu ngầm có tính năng cao hoặc thủy thủ thành thạo kỹ thuật và ý chí kiên định, mà là do thiếu linh hoạt và kỹ năng chỉ huy tác chiến của sĩ quan chỉ huy cấp cao.
Như đã nói ở trên, vào thời điểm này, những chiếc tàu ngầm chỉ thực hiện nhiệm vụ bổ trợ cho các tàu chiến trên mặt nước. Ngoài việc để tàu ngầm cung cấp hỗ trợ cho tàu chiến mặt nước, lực lượng hải quân Nhật Bản lúc bấy giờ không biết phát huy những tính năng khác của nó. Kết quả, một lực lượng tàu ngầm mạnh chẳng có ý nghĩa đối với cuộc chiến là bao trong khi lại lãng phí nguồn lực to lớn.
Mặc dù Hải quân đế quốc Nhật Bản khá mạnh và các tàu ngầm của họ cũng có thể sánh ngang với tàu ngầm lớp Gato của Mỹ vào thời điểm đó, nhưng với tính bảo thủ của chỉ huy cấp cao: chỉ tập trung vào các tàu chiến nổi với khẩu pháo cỡ lớn, Hải quân Mỹ lúc bấy giờ đã may mắn khi đụng độ với các các tàu ngầm tổi tệ nhất trong lịch sử ở mặt trận Thái Bình Dương.
Theo Báo Tin Tức
Ấn Độ sắp biên chế tàu ngầm hạt nhân quốc nội "INS Arihant"
Chiếc tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo "INS Arihant" do Ấn Độ tự chế tạo sẽ sẵn sàng để tham gia thành phần lực lượng hải quân vào năm 2015.
Tàu ngầm hạt nhân quốc nội INS Arihant và tên lửa đạn đạo tầm ngắn K-15 của Ấn Độ
Ngày 9-2, bên lề triển lãm quốc tế về vũ khí bộ binh và hải quân "Defexpo-2014", người đứng đầu Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) của Bộ Quốc phòng Ấn Độ là ông Avinash Chander đã tuyên bố với các nhà báo là tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ là "INS Arihant" sẽ được biên chế chính thức vào năm 2015.
Theo lời ông, hiện giờ Ấn Độ đang tiếp tục tăng dần công suất của lò phản ứng năng lượng hạt nhân trên tàu ngầm, và trong vòng hai đến ba tháng tới con tàu sẽ bắt đầu thử nghiệm trên biển kèm theo cuộc phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn K- 15 (có tầm phóng 700 km). Sau khi hoàn thành, tàu ngầm sẽ sẵn sàng để đưa vào vận hành.
Theo tin từ các phương tiện truyền thông Ấn Độ, tàu ngầm INS Arihant được hạ thủy hồi tháng 7-2009 và bắt đầu giai đoạn chạy thử từ tháng 2-2010. Tàu ngầm thứ 2 thuộc lớp này là INS Arhidaiman bắt đầu đóng mới từ năm 2011 với nhiều cải tiến so tàu ngầm đầu tiên cùng lớp. Dự kiến, Arhidaiman sẽ được chuyển giao cho hải quân Ấn Độ vào năm 2015.
Một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn K-15
Tàu ngầm INS Arihant có chiều dài dài 110m, lượng giãn nước 6.000 tấn, tối đa là 7.000 tấn. Lò phản ứng hạt nhân với công suất 85MW giúp tàu đạt tới vận tốc 30 hải lý/h (54km), biên chế chính thức là 95 thủy thủ. Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm và 12 ống phóng thẳng đứng chứa 12 quả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Hiện tại, vũ khí trang bị cho lớp tàu ngầm này vẫn còn đang phát triển, nhưng nhiều khả năng tàu sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo K-15 Sagarika (hiện đã phóng thử vài lần thành công), có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Ngoài ra, sau này có thể nó sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ tàu ngầm, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân K-5, có tầm bắn 1.500km, đã thử nghiệm thành công đầu năm 2013.
Theo ANTĐ
Tàu ngầm Đông Nam Á: Là cuộc đua hay buộc phải có? Các nước thuộc Hiệp hội Đông Nam Á đang tìm cách tăng cường sức mạnh tàu ngầm. Liệu đó là một cuộc chạy đua vũ khí trong khu vực, hay là thứ vũ khí cần phải có trong lực lượng quân sự mỗi quốc gia? Đầu năm 2014, Việt Nam chính thức gia nhập "câu lạc bộ tàu ngầm" của các quốc gia...