Những sai lầm khi bày mâm ngũ quả ngày Tết nhiều người mắc khiến “mất dông” cả năm
Bày mâm ngũ quả là việc Tết năm nào các gia đình vẫn làm nhưng có một số sai lầm khi thực hiện điều này không phải ai cũng biết.
Trong ngày Tết, một trong những lễ vật không thể thiếu trên ban thờ chính là mâm ngũ quả. Con số 5 – “ngũ” – tương ứng với ngũ hành, là một con số rất tốt trong quan niệm phong thủy thể hiện sự phát triển bền vững, mạnh mẽ. Vì thế, mâm ngũ quả trên ban thờ nhằm thể hiện mong muốn âm dương hòa hợp, sinh sôi nảy nở, phát triển.
Mâm ngũ quả về cơ bản sẽ có đủ năm loại quả nhưng tùy theo quan niệm của từng vùng, từng địa phương và mùa màng khác nhau, nên mâm ngũ quả cũng khác nhau như: chuối, bưởi, phật thủ, dưa hấu, cam, quýt, dừa, na, hồng xiêm, táo…
Khi bày mâm ngũ quả, gia chủ tránh những sai lầm dưới đây để năm mới thêm may mắn và ý nghĩa:
1. Bày hoa quả giả
Ngày nay, hoa quả giả được bày bán rất nhiều lại đẹp mắt, nhìn thoáng qua trông giống thật vô cùng. Vì thế một số người mua những loại hoa quả giả này về bày biện trên ban thờ cho đẹp, vừa để được lâu lại tiết kiệm chi phí. Nhưng dù thành tâm là chính song gia chủ tuyệt đối không nên đặt hoa quả giả lên thờ cúng.
Theo quan niệm tâm linh của người Việt, việc bày hoa quả giả trên bàn thờ trong những ngày này vừa không tôn trọng thần linh, gia tiên, vừa không có lợi cho phong thủy. Do đó, gia chủ nên chọn những loại hoa quả thật mang ý nghĩa tốt lành, đủ màu sắc để đặt lên mâm ngũ quả.
Bày hoa quả gia lên mâm ngũ quả được coi là không tôn trọng thần linh, gia tiên (Ảnh: Internet)
2. Bày hoa quả bị ướt
Do tính cẩn thận, nhiều người thường rửa sạch sẽ hoa quả rồi mới bày lên mâm ngũ quả. Tuy nhiên, nếu rửa xong mà hoa quả còn ướt sẽ khiến chúng nhanh bị thối, hỏng. Vì thế, rửa hoa quả xong cần thấm khô hoàn toàn rồi mới bày biện, chỉ cần một chỗ còn đọng nước cũng khiến quả hỏng.
Do đó, tốt nhất, hoa quả mua về có thể dùng khăn giấy mềm lau nhẹ nhàng hết lớp bụi bẩn bên ngoài là được. Với những quả bưởi mà vỏ bị ố vàng hay mốc xanh, có thể hòa chút nước vôi sạch, thấm vào khăn lau đều sẽ cho vỏ bưởi vàng mà không lo đọng nước, héo bưởi.
3. Bày quả có gai, nặng mùi
Thực tế, bày mâm ngũ quả quan trọng nhất là thành tâm và mang đúng ý nghĩa may mắn trong ngày Tết. Tuy nhiên, cần phải tránh những loại quả có gai nhọn như mít, sầu riêng, dứa… là những loại quả kiêng kỵ đặt trên mâm ngũ quả ngày Tết.
Hơn thế, mít, sầu riêng lại rất nặng mùi. Theo quan niệm của người xưa, ban thờ là nơi thiêng liêng không nên để những gì quá nặng mùi, sắc nhọn. Vì vậy, khi chuẩn bị mâm ngũ quả, bạn nên chọn những trái cây có mùi thơm nhẹ nhàng, thanh mát là được.
Video đang HOT
Theo quan niệm của người xưa, ban thờ là nơi thiêng liêng không nên để những gì quá nặng mùi, sắc nhọn vì thế, mít, sầu riêng… không nên đem thờ (Ảnh: Internet)
4. Bày quả đã chín già
Những trái cây đã chín thường có màu rất đẹp vì thế nhiều người chưa có kinh nghiệm sẽ chọn chúng để bày mâm ngũ quả. Nhưng điều này lại hoàn toàn sai lầm.
Thông thường các gia đình sẽ bày mâm ngũ quả từ 27, 28 Tết. Nếu chọn quả đã chín để bày thì chắc chắn chúng sẽ bị hỏng trong thời gian 1 tuần Tết. Không những thế, với sức nóng của hương nhang khi thắp càng khiến những loại quả này chín hơn và nhanh hỏng. Do đó, chỉ nên chọn những quả đã già nhưng chưa chín, như vậy mới đảm bảo chúng không bị thối, héo.
5. Bày thêm các thực phẩm khác lên mâm ngũ quả
Về cơ bản, mâm ngũ quả sẽ gồm 5 loại quả với những ý nghĩa đem lại sự may mắn, sum vầy, hạnh phúc cho gia chủ. Tùy theo quan niệm của từng vùng, từng địa phương và do mùa xuân hoa trái khác nhau, nên mâm ngũ quả cũng khác nhau như: chuối, bưởi, phật thủ, dưa hấu, cam, quýt, dừa, na, trứng gà, lê, lựu… Người ta cũng có thể đặt nhiều hơn 5 loại quả trên mâm ngũ quả.
Không nên bày chung hoa và bánh kẹo lên mâm ngũ quả (Ảnh: Internet)
Song, có điều đặc biệt là không nên bày hoa hay bánh kẹo chung lên mâm ngũ quả bởi như vậy được coi là phạm úy, đắc tội với bề trên, thánh thần. Hoa, bánh kẹo chỉ nên bày bên cạnh mâm ngũ quả mà thôi.
Ý nghĩa tượng trưng của từng loại trong mâm ngũ quả
- Chuối xanh: Nải chuối có số quả lẻ tượng trưng sự sinh sôi. Hình quả cong vút như bàn tay bao bọc, chở che, sum vầy đông con nhiều cháu đón nhiều phúc lộc.
- Bưởi: To tròn căng mọng thể hiện sự an khang thịnh vượng
- Cam, quýt, quất: Loại quả màu vàng rực tượng trưng cho quyền lực, công danh thành đạt.
- Táo: Màu đỏ của táo tượng trưng cho may mắn, phú quý an khang.
- Đu đủ: Cái tên đã nói lên được mong muốn sự đủ đầy, ấm no của gia chủ
- Phật thủ: Những nếp quả ôm vào nhau như bàn tay phật che chở cho cả gia đình
- Dưa hấu: Hình tròn căng dồi dào năng lượng, tinh thần, sắc đỏ của dưa tượng trưng cho may mắn, sự sinh sôi, nguồn năng lượng vô tận.
- Xoài: Phát âm giống từ “tiêu xài” ý mong muốn tiêu xài thoải mái không lo thiếu thốn
- Thanh Long: Rồng múa phượng bay, phát tài phát lộc
- Lựu: Nhiều hạt, vị ngọt tức của cải lúc nào cũng đầy nhà
- Lê: Ngọt thanh, công việc làm ăn thuận lợi ít gặp biến cố
- Sung: Biểu trưng cho sự sung túc, con đàn cháu đống
- Đào: Mang lại sức khỏe, giàu có
- Quả trứng gà: Lộc ban phước trời cho, công thành danh toại
- Na: Mắt sáng tinh thông minh sáng suốt, con cháu học giỏi
- Mãng cầu xiêm: “Cầu” tức là cầu chúc cho năm mới vạn sự như ý
- Dừa: Trái dừa ngọt như đong đầy tình mẹ, gắn kết gia đình con cháu hạnh phúc
- Dứa (thơm): Thơm tho – Đa phúc thọ, sự may mắn an lành. Lá dứa sum suê tươi tốt ngụ ý công việc phát triển thuận lợi.
Theo Khám phá
Bánh chưng 'chuẩn Lang Liêu' chấm mật mía, ai mà cưỡng nỗi
Mẹ hì hục cả chiều mới xay hết chục cây mía. Trong quá trình xay phải có tấm lọc để được nước mía tinh khiết, và cho thêm quả quất (trái tắc) để hạn chế bọt.
Bánh chưng chấm mật mía của nhà tôi
Bánh chưng là lễ vật không thể thiếu trong ngày Tết ở mọi miền quê. Nhưng đối với quê tôi, bánh chưng phải chấm mật mía mới đúng vị và trọn "mùi tết'.
Từ nhỏ, những ngày gần tết, tôi đã thấy mẹ mua rất nhiều mía. Nếu để dựng hai bên bàn thờ thì chỉ cần hai cây, nhưng mẹ thường mua cả bó, mục đích là để làm mật mía chấm bánh chưng.
Bánh chưng - như bao nơi khác - khoảng 28 tết, nhà tôi mới làm cũng với công thức mà Lang Liêu để lại, còn mật mía thì có nơi chấm nơi không nên không phải lúc nào cũng chuẩn bị. Mía có thể được chọn là mía xanh hoặc mía tím. Sau khi bỏ gốc và ngọn, mía được rửa sạch và cạo qua lớp vỏ bên ngoài.
Ngày xưa, chưa có máy xay mía như bây giờ mà là máy xay bằng tay. Mẹ hì hục cả chiều mới xay hết chục cây mía. Trong quá trình xay phải có tấm lọc để được nước mía tinh khiết, và cho thêm quả quất (trái tắc) để hạn chế bọt. Bao giờ được cả thùng nước mía trong vắt, ít bọt thì mới đem đi nấu được.
Ngày xưa có một dạo đun rơm, cay xè mắt, có khi phải đun trong mấy tiếng rồi sau đó ủ trấu đến nửa ngày, nước mía mới cô lại thành mật đặc quánh. Nhớ hồi đó, ngày tết trời lạnh, anh em tôi cứ sán vào đun để được sưởi ấm rồi ăn vụng. Mẹ luôn lo lắng chúng tôi mở nồi ra và để khói xông vào làm oi khói, mật mía sẽ mất ngon.
Về sau, nhà chuyển sang đun củi, nồi mật mía cũng vơi đi và nhanh cô hơn. Ngồi đun mà chốc chốc lại lấy đũa cả để "thử", thực ra là thèm của ngọt quá nên thử đến cả chục lần.
Mật mía cô lại có màu nâu, sền sệt, một ít bọt nổi lên. Sau khi để nguội, mẹ múc ra liễn và đậy nắp kín rồi dặn chúng tôi: "Không được ăn vụng đâu. Mật mía này để mấy bữa nữa chấm bánh chưng, ăn vụng mẹ đánh đòn nghe chưa".
Mật mía rất thu hút kiến, vì vậy mẹ phải để cách thủy không cho kiến đi vào. Mấy ngày sau, cả làng nô nức nấu bánh chưng. Ngồi đun bánh thâu đêm, anh em tôi xin mẹ ít mật mía "chấm chấm mút mút" cả đêm không biết chán, đến nỗi ngọt khé họng, nóng rừng rực nhưng không thể nào vơi được cơn nghiện mật mía.
Đến những ngày tết, sau khi làm cơm cúng, cả nhà cùng ăn cơm. Món đầu tiên tôi ăn chính là bánh chưng lăn đều trong mật mía. Cả mẹ và bố chỉ chấm chấm, nhưng tôi thì lăn kín miếng bánh trong mật, rồi đưa cả miếng bánh to đùng vào mồm. Vị ngấy của bánh chưng cộng với độ ngọt khé của mật mía quyện vào nhau, bù trừ nhau tạo ra một sự cân bằng tuyệt vời mà chẳng ai cưỡng nổi.
Bây giờ, hàng hóa tiện lợi hơn, mẹ thường mua mật mía sẵn ở chợ chuẩn bị cho ngày tết, có chút gì đó không ấm áp như xưa nhưng dẫu sao vẫn còn nguyên vị, và mẹ vẫn nhớ tôi kết nhất món bánh chứng chấm mật mía cho dù đã đi làm xa nhiều năm.
Khách nơi khác đến, thấy dân làng tôi bóc bánh chưng có bát nước chấm bên cạnh mà không biết để làm gì, ăn thử thì mê ngay lập tức.
Ngoài ra, những ngày tết thường lạnh, mẹ thường lấy ít mật mía hòa với nước ấm để cả gia đình uống cho ấm bụng mỗi sáng. Mẹ bảo như vậy tốt cho dạ dày, tất nhiên nước để uống pha khá nhạt chứ không "khé họng".
Tết lại về. Tôi lại chuẩn bị được ăn bánh chưng chấm mật mía, món mà hằng ngày chẳng mấy khi có, món mà đã gắn bó với tuổi thơ của tôi, tượng trưng cho tình cảm gia đình ngọt ngào, ấm cúng.
Theo Tuoitre
Cách làm món trứng trộn phô mai chiên cho bữa ăn giàu năng lượng Trứng chiên là một món ăn đã quá đỗi quen thuộc đối với người Việt nam bởi lẽ là một món ăn vô cùng dễ làm mà lại còn đặc biệt bổ dưỡng, chưa kể còn dễ ăn nữa. Nhưng có bao giờ bạn cảm thấy chán ngán với món trứng quanh năm suốt tháng được chiên với hành lá và muốn tìm...