Những quy định mới về thuế ảnh hưởng đến hàng triệu người có hiệu lực từ hôm nay
Hôm nay (5/12), Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 chính thức có hiệu lực. Trước nhiều tranh luận, thắc mắc về những chính sách thuế mới, Bộ Tài chính cho biết sẽ sớm ban hành thông tư hướng dẫn.
Nghị định 126/2020/NĐ-CP cụ thể hoá một số điều của Luật Quản lý thuế (ngoại trừ nội dung về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, áp dụng hoá đơn, chứng từ, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và hoá đơn, hải quan) gồm 9 chương, 44 điều.
Một số điểm mới, như:
1. Về việc khai thuế GTGT đối với doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh giữa tổ chức và cá nhân
Tại điểm c khoản 5 Điều 7 Nghị định số 126 quy định: Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh. Trường hợp tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế, mà cá nhân có ngành nghề đang hoạt động cùng với ngành nghề hợp tác kinh doanh với tổ chức thì tổ chức và cá nhân tự thực hiện khai thuế tương ứng với kết quả thực tế hợp tác kinh doanh theo quy định.
2. Về khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán
Tại điểm d khoản 5 Điều 7 Nghị định số 126 quy định: Tổ chức khai thuế thay và nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán; cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán; cá nhân được ghi nhận phần vốn tăng thêm do lợi tức ghi tăng vốn; cá nhân góp vốn bằng bất động sản, phần vốn góp, chứng khoán. Thời điểm khai thuế thay và nộp thuế thay được thực hiện khi cá nhân phát sinh chuyển nhượng chứng khoán cùng loại, chuyển nhượng vốn, rút vốn.
Cụ thể như sau: Đối với cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán; cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán thì tổ chức có trách nhiệm khai thuế thay và nộp thuế thay cho cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn khi cá nhân chuyển nhượng chứng khoán cùng loại…
Như vậy, Nghị định số 126 quy định chỉ thay đổi chủ thể khai, và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn). Thay vì cá nhân tự khai thì quy định tổ chức có trách nhiệm khai thay, nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán; cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán, cá nhân được ghi nhận phần vốn tăng thêm do lợi tức ghi tăng vốn.
3. Về tạm nộp thuế TNDN 3 quý
Video đang HOT
Luật Quản lý thuế số 38 có quy định đối với thuế TNDN, doanh nghiệp thực hiện tạm nộp theo quý và quyết toán thuế theo năm.
Nghị định số 126 sửa đổi quy định về nghĩa vụ tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý, cụ thể tại điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126 quy định: Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.
4. Về phân bổ nghĩa vụ thuế đối với trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính nhưng có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính
Khoản 3 Điều 42 Luật quản lý thuế số 38 quy định: Người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế tại cơ quan thuế địa phương có thẩm quyền nơi có trụ sở. Trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính, có đơn vị phụ thuộc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính thì người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp theo từng địa phương nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết khoản này.
Để đảm bảo cơ sở cho việc thực hiện phân bổ nghĩa vụ thuế theo quy định tại khoản 3 Điêu 42 Luật Quản lý thuế số 38, Nghị định số 126 quy định về khai thuế trong trường hợp này như sau: Người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp theo từng địa phương nơi được hưởng nguồn thu NSNN (Khoản 2 Điều 11). Tuy nhiên, Nghị định số 126 có quy định nội dung khai thuế này sẽ được thực hiện cho năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo kể từ khi Luật quản lý thuế số 38 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực thi hành (khoản 3 Điều 43).
5. Về trách nhiệm của ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của người nộp thuế (NNT) và khấu trừ nộp thay nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam
Luật Quản lý thuế số 38 (khoản 2, khoản 3 Điều 27) có quy định về trách nhiệm của NTHM, trong việc cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản và khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam.
Căn cứ theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126 (Khoản 2, Khoản 3 Điều 30) có quy định: Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế… Khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam…
Về quy định này, Tổng cục Thuế cho biết, việc cung cấp thông tin không gây ảnh hưởng cho khách hàng, hay lo ngại làm khó cho ngân hàng. Vì Tổng cục Thuế có thông tư hướng dẫn theo cơ sở dữ liệu cho ngân hàng, đồng thời hoàn toàn bảo mật thông tin NNT và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Việc yêu cầu cung cấp tài khoản ngân hàng chủ yếu nhằm quản lý các giao dịch qua mạng từ Facebook, Google, Youtube không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân trong nước…
Nghị định 126: Nhiều quy định cần làm rõ
Ngày mai 5-12, Nghị định 126/2020/NĐ-CP (NĐ 126) của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế có hiệu lực. Một trong những nội dung khiến người dân lo lắng, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) băn khoăn là quy định NHTM có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng khi được ngành thuế yêu cầu.
Giao dịch tại Ngân hàng BIDV. Ảnh: CAO THĂNG
Mâu thuẫn với Luật Các tổ chức tín dụng?
Theo NĐ 126, NHTM có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế khi được yêu cầu, bao gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế được cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản. Việc cung cấp thông tin kể trên được thực hiện lần đầu trong 90 ngày kể từ ngày 5-12 và cập nhật các thông tin về tài khoản hàng tháng.
Bên cạnh đó, các NHTM phải cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thuế để phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra, xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định của pháp luật. Thời gian cung cấp là 10 ngày đầu mỗi tháng. NĐ 126 cũng nêu rõ, cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin kể trên theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, các NHTM cho biết, quy định trên mâu thuẫn với quy định bảo mật thông tin khách hàng tại Luật Các tổ chức tín dụng. Theo luật này, không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng tại đơn vị mình cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và phải được sự chấp thuận của khách hàng.
Lãnh đạo một NHTM tại TPHCM cho biết, hiện ngân hàng này vẫn cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho một số cơ quan như công an, cảnh sát, tòa án nhằm phục vụ việc thanh tra, kiểm tra khi các cơ quan này yêu cầu. Tuy nhiên, NĐ 126 lại quy định việc cung cấp thông tin đại trà cho cơ quan thuế thì cơ quan chức năng cần phải hướng dẫn cụ thể và phải làm rõ thông tin: cơ quan thuế có thuộc nhóm cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật để yêu cầu ngân hàng cung cấp các thông tin của khách hàng hay không.
"Trong khi chưa có hướng dẫn chi tiết, chúng tôi sẽ từ chối cung cấp thông tin vì theo nguyên tắc, chúng tôi phải làm đúng theo quy định của luật chuyên ngành (Luật Các tổ chức tín dụng - PV). Hơn nữa, nghị định nằm dưới luật nên chúng tôi thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật cao nhất" - vị này cho hay.
Theo đại diện VietinBank, để thực hiện cụ thể các quy định mới theo NĐ 126 thì ngân hàng vẫn chờ cơ quan có thẩm quyền ban hành thông tư hướng dẫn. Vị này cho rằng, cần có cơ chế liên thông giữa cơ quan thuế và hệ thống ngân hàng để việc trao đổi thông tin dữ liệu được thuận lợi hơn. Cả hai bên cần xác định rõ đối tượng, tiêu chí khách hàng nào phải cung cấp thông tin, từ đó xác định phương thức cung cấp cũng như chuyện cam kết bảo mật thông tin phải được thực hiện như thế nào...
Đại diện Agribank cho biết, ngân hàng này vẫn cung cấp thông tin liên quan khi có yêu cầu của cơ quan thuế nhưng không phải là công việc thường xuyên, liên tục với số lượng khách hàng lớn. Vị này cho rằng, việc cung cấp thông tin nên quy về một đầu mối, chẳng hạn như mã định danh cá nhân và kết nối với hệ thống quản lý của các cơ quan nhà nước, tương tự hình thức truy cập dữ liệu thông tin tín dụng của khách hàng trên Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC). Bởi lẽ, các ngân hàng khó có đủ nhân lực để đáp ứng việc cung cấp số liệu theo yêu cầu của cơ quan thuế một cách đại trà.
Ngân hàng không làm thay cơ quan thuế
Ngoài ra, NĐ 216 cũng quy định NHTM có nghĩa vụ khấu trừ thuế thu nhập tại nguồn với các giao dịch điện tử, phát sinh của người nộp thuế liên quan các kênh thương mại điện tử hoặc các trang mạng xã hội mà nhà cung cấp ở nước ngoài như Amazon, Facebook, Google, YouTube... Trong đó, nếu nhà cung cấp nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế thì ngân hàng, trung gian thanh toán khấu trừ, nộp thay với từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán.
Trường hợp cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài thanh toán bằng thẻ hoặc các hình thức khác mà ngân hàng, trung gian thanh toán không thực hiện khấu trừ, nộp thay thì ngân hàng, trung gian thanh toán phải theo dõi số tiền giao dịch và định kỳ hàng tháng gửi về Tổng cục Thuế.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nam Á
Ảnh: CAO THĂNG
đại diện Vietcombank cho rằng, NHTM chỉ là trung gian thực hiện các giao dịch giữa người nộp thuế và cơ quan thuế, nếu có. NHTM không có thẩm quyền và tư cách pháp lý đại diện cho cơ quan thuế để làm những công việc của cơ quan thuế là tự động khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế... trừ khi được cơ quan thuế yêu cầu bằng văn bản đề nghị ngân hàng hỗ trợ.
Các NHTM cũng cho biết, để thực hiện những quy định trên, ngân hàng phải có nguồn lực để theo dõi, xử lý công việc này nên sẽ tăng chi phí cho ngân hàng. Đó là chưa kể nếu ngân hàng khấu trừ, nộp thay thuế sai đối tượng, sai mức độ hoặc không được sự đồng ý của chủ tài khoản sẽ dẫn đến việc khiếu nại, kiện tụng sau này, gây nhiều phí tổn cho xã hội.
Ngân hàng sẽ báo cáo với NHNN hoặc thông báo với cơ quan thuế những trường hợp có các giao dịch đáng ngờ, bất thường hoặc những đối tượng mà ngành thuế đang theo dõi, khi ngành thuế yêu cầu phòng tránh việc trốn, gian lận thuế chứ không thể cập nhật thông tin định kỳ hàng tháng. Bởi lẽ, không thể vì sự tiện lợi cho ngành thuế mà yêu cầu ngân hàng làm thay.
Ở góc độ khác, có ý kiến cho rằng, chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ đã thực hiện từ rất lâu nhưng đến nay, vẫn còn đến 80% người dân có thói quen sử dụng tiền mặt để chi tiêu hàng ngày. Việc quy định mới trong NĐ 126 nhằm chống thất thu thuế của những cá nhân kinh doanh qua mạng là hoàn toàn đúng nhưng chưa chắc ngành thuế có thể thu đúng, thu đủ mà có khi sẽ dẫn đến tình trạng những người kinh doanh trực tuyến sẽ chuyển qua giao dịch và thanh toán bằng tiền mặt theo hình thức COD (cash on delivery - giao hàng thu tiền).
Những trường hợp này thì cơ quan thuế cũng chịu thua vì không có cơ sở để thu thuế. Và như vậy, việc chống thất thu thuế thông qua NĐ 126 vẫn chưa thể giải quyết triệt để mà còn ảnh hưởng đến chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt của Chính phủ. Thay vào đó, cần có một chính sách hỗ trợ giảm thuế cho các cá nhân kinh doanh trực tuyến và thực hiện 100% thanh toán qua ngân hàng thì việc thu thuế mới thực sự đạt hiệu quả.
Ngày mai, nhiều quy định thuế mới gây tranh cãi có hiệu lực Dù có hiệu lực từ ngày mai (5-12) nhưng Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế vẫn còn những vướng mắc, bất cập gây khó cho doanh nghiệp chưa giải quyết. Nhiều quy định mới và nóng tại Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế bắt đầu...