Những quan to Trung Quốc ‘ngã ngựa’ ba thập kỷ qua
Theo Thời báo Phố Wall (WSJ), hôm 29/7, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang, đã chính thức trở thành nhân vật cấp cao nhất của Trung Quốc bị điều tra trong 3 thập kỉ qua.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc, ông Chu Vĩnh Khang bị điều tra về tội “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.
WSJ cho rằng, cuộc điều tra cũng đã phá vỡ một quy luật bất thành văn từ lâu ở Trung Quốc là không điều tra các cựu thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan có quyền lực cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
WSJ cũng liệt kê những quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bị “ngã ngựa” trong hơn 30 năm qua, sau khi Cuộc cách mạng Văn hóa:
Tứ nhân bang (1980)
Tứ nhân bang bao gồm vợ của cựu Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông là Giang Thanh cùng 3 thành viên khác là Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn (Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị). Những người này đã bị bắt giữ ngay sau khi ông Mao Trạch Đông qua đời.
Bà Giang Thanh, vợ của cựu Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông trong phiên xử năm 1980.
Họ bị buộc phải chịu trách nhiệm về những hậu quả tồi tệ trong cuộc Cách mạng Văn hóa và bị cho là đã cố nắm bắt quyền lực trong những ngày cuối đời của Mao Trạch Đông. Thời gian xét xử diễn ra trong 6 tuần, kéo dài từ năm 1980 đến 1981. Cuối cùng tất cả họ bị kết tội có những hành vi chống lại đảng.
Sau khi bị kết án tử hình, bà Giang Thanh liên tục kháng án, cuối cùng bà được giảm xuống tù chung thân. Bà được cho là đã tự sát trong tù vào năm 1991. Ba người còn lại bị kết án từ 20 năm tù tới chung thân.
Triệu Tử Dương, bị thanh trừng 1989
Ông Triệu Tử Dương bị thanh trừng khỏi vị trí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản sau khi có tranh cãi với những người bảo thủ về cách thức xử lý các cuộc biểu tình năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Ông được cho là có phần ủng hộ những sinh viên tham gia cuộc biểu tình này.
Ông Triệu Tử Dương (cầm loa) nói chuyện với các sinh viên đang biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Video đang HOT
Ông bị quản thúc tại gia suốt đời. Ông chỉ được ra khỏi nhà để tham dự các lễ tang và thi thoảng được đi chơi golf. Ông bị cáo buộc vi phạm kỉ luật đảng nhưng không bị kết án. Ông qua đời vào năm 2005.
Chen Xitong, bị kết án năm 1998
Ông Chen Xitong là cựu Thị trưởng thành phố Bắc Kinh. Năm 1989, ông được thăng chức lên làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh sau các cuộc đàn áp biểu tình ở Thiên An Môn.
Ông Chen Xitong trong phiên xử năm 1998.
Năm 1995, ông bị lật đổ vì bị cáo buộc tội danh tham nhũng và 3 năm sau đó bị kết án 16 năm tù giam. Trong một cuốn sách xuất bản sau khi ra tù, ông gọi cuộc đàn áp năm 1989 là một “bi kịch đáng ra có thể tránh được” và ông khẳng định không hề biển thủ công quỹ dù chỉ là một xu.
Trần Lương Vũ, bị xét xử năm 2008
Khi bị tước chức vị vào năm 2006, ông Trần Lương Vũ đang là Bí thư Thành ủy Thượng Hải và là Ủy viên Bộ Chính trị. Ông bị cáo buộc biển thủ quỹ an sinh xã hội và một loạt các hành vi vi phạm kỷ luật khác.
Ông Trần Lương Vũ.
Ông Chen là một học trò của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân. Sau phiên xét xử vào tháng 3/2008, ông Trần Lương Vũ bị kết án 18 năm tù giam và tài sản cá nhân của ông cũng bị tịch thu.
Bạc Hy Lai, bị xét xử năm 2013
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Trùng Khánh (bên trái)
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Trùng Khánh bị kết tội hối lộ, tham ô và lạm dụng quyền lực. Ông bị kết án tù chung thân vào năm 2013. Ngoài ra, vợ của ông là bà Cốc Khai Lai cũng đã bị kết án tử hình treo vì tội giết một doanh nhân người Anh.
Từ Tài Hậu, bị điều tra năm 2014
Một nhân vật quân sự hàng đầu, tướng Từ Tài Hậu đã về hưu năm 2012 nhưng vẫn bị khơi ra vì tội tham nhũng. Đầu năm 2014, ông Từ, một cựu Ủy viên Bộ Chính trị, đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng Sản và bị buộc tội nhận hối lộ, sử dụng vị trí của mình để thăng chức cho những người khác.
Tướng Từ Tài Hậu của Trung Quốc.
Một thời gian sau đó, ông đã phải nhập viện để điều trị chứng ung thư bàng quang. Ông là nhân vật quân sự cấp cao nhất bị công khai điều tra về tham nhũng trong 35 năm qua.
Chu Vĩnh Khang, chính thức bị điều tra hôm 29/7/2014
Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang
Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang nghỉ hưu vào năm 2012 và đã chính thức bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” hôm 29/7. Ông Chu là nhân vật cấp cao nhất của Trung Quốc đối mặt với những cáo buộc hình sự kể từ khi ông Vương Hồng Văn, thành viên của Tứ nhân bang, đồng thời là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, bị kết án năm 1981.
Theo Infonet
Chưa đầy 30 tuổi 'nhảy phóc' quan to, nhờ đâu?
Người ta đưa hậu duệ lên đầu bảng tổng sắp là rất có lý. Hậu duệ ở đây, dân gian thường gọi là lớp người thuộc "4c": "con, cháu các cụ".
Dấu ấn 'con ông cháu cha' của nguyên thủ
Nhiều năm nay, nói về hiện tượng tiêu cực trong công tác đề bạt, bổ nhiệm, tuyển chọn cán bộ của ta trong xã hội đã lưu truyền câu vè: "Thứ nhất quan hệ/ Thứ nhì tiền tệ/ Thứ ba hậu duệ/ Thứ tư trí tuệ". Thật ra, câu vè này còn có tới mấy dị bản. Thí dụ: Dị bản 1, "Thứ nhất tiền tệ/ Thứ nhì hậu duệ/ Thứ ba đồ đệ/ Thứ tư trí tuệ". Dị bản 2, "Thứ nhất hậu duệ/ Thứ nhì quan hệ/ Thứ ba tiền tệ/ Thứ tư trí tuệ". Điều đáng chú ý là ở tất cả các dị bản đó, trí tuệ đều bị xếp ở cuối bảng tổng sắp.
Với các dị bản nêu trên, theo tôi, dị bản 2 xem ra là phù hợp nhất với những hiện tượng có trong thực tế của nước ta hiện nay. Bởi vì, dù có quan hệ rộng rãi hay có nhiều tiền bạc đến mấy thì những cán bộ trẻ chưa đầy 30 tuổi, rất thiếu vốn kiến thức chuyên ngành và thiếu cả kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, không thể bỗng chốc nhảy phóc lên tới chức vụ trưởng, cục trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch cấp huyện, cấp tỉnh hay tổng giám đốc một tổng công ty cực lớn có tới mấy nghìn cán bộ, công nhân viên nếu không phải là "con, cháu các cụ". Vì thế, người ta đưa hậu duệ lên đầu bảng tổng sắp là rất có lý. Hậu duệ ở đây, dân gian thường gọi là lớp người thuộc "4c": "con, cháu các cụ".
Ảnh minh họa
Người Nhật có câu: "Quan hệ tốt coi như đã hoàn thành tới 70% công việc". Vì thế, quan hệ được xếp ở vị trí thứ hai. Khái niệm quan hệ mà người Nhật nói chủ yếu là quan hệ giao tiếp, ứng xử; nhưng ở Việt Nam chủ yếu lại là quan hệ bà con, họ hàng hay bạn bè thân thiết, thậm chí là quan hệ theo nhóm lợi ích.
Dù giao tiếp, ứng xử giỏi đến mấy; dù có là quan hệ bà con, họ hàng hay bạn bè thân thiết với những cán bộ "cốp" mà thiếu tiền thì nhiều khi cũng không được việc. Vì thế, trong bảng tổng sắp, tiền tệ được xếp ở vị trí thứ ba.
Còn trí tuệ? Xin mời xuống cuối bảng. Tôi biết, có không ít sinh viên học rất giỏi ở các trường đại học danh tiếng tại Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a,... nhưng không phải là "con, cháu các cụ"; tiền không nhiều; quan hệ lại không rộng rãi, không khôn khéo, hoặc không được những người thân, quen có địa vị cao trong xã hội giới thiệu thì vẫn cứ lang thang, thất nghiệp. Tài năng và trí tuệ của các em chẳng có nghĩa lý gì.
Từ một số hiện tượng nêu trên, tôi xin nêu ra ba trường hợp với mong muốn cùng độc giả trao đổi.
Một là, nếu "con, cháu các cụ" thật sự có năng lực và phẩm chất tốt thì cho dù họ còn rất trẻ cũng xứng đáng được giao những chức vụ quan trọng, và chúng ta phải mừng vì đó cũng là hiện tượng "hổ phụ sinh hổ tử".
Hai là, nếu "các cụ" đặt con, cháu mình vào những chiếc ghế đầy quyền lực, nhưng thấy họ không đủ năng lực và phẩm chất để đảm đương công việc, "các cụ" lại tỉnh táo động viên, khuyên bảo họ từ chức để người khác làm thay. Trường hợp này đương nhiên không thể khen, song cũng không đáng trách.
Ba là, "các cụ" bế con, cháu mình lên đặt vào những chiếc ghế đầy quyền lực, nhưng khi thấy con, cháu không đủ năng lực và phẩm chất đảm đương công việc mà "các cụ" vẫn "cố đấm ăn xôi", quyết dùng ảnh hưởng của mình để giữ ghế cho họ. Trường hợp này chẳng những đáng phê phán mà còn phải có hình thức kỷ luật thích hợp; bởi vì, như vậy rõ ràng là "các cụ" đã vi phạm nghiêm trọng Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng "Về những điều đảng viên không được làm".
Các cụ ta từ xưa đã tổng kết: "cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm". Thâm thúy quá!
Tiến Hải (theo Tạp chí Cộng sản)
* Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt lại
Theo_VietNamNet