Những quan ngại về các tác động sau khi châu Âu áp thuế xe điện Trung Quốc
Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức (VDA) ngày 3/7 kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) hủy bỏ kế hoạch áp thuế đối với ô tô điện do Trung Quốc sản xuất trong nỗ lực cuối cùng nhằm tác động đến các cuộc đàm phán trước khi thuế quan có hiệu lực vào ngày 4/7 tới.
Ô tô điện được sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Theo VDA, những biện pháp thuế quan của Liên minh châu Âu (EU) sẽ gây tổn hại cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu và Mỹ có hoạt động sản xuất hoặc lắp ráp xe tại Trung Quốc và xuất khẩu ra các thị trường khác trên toàn cầu.
Tuyên bố cũng cho rằng, với việc áp thuế đối với ô tô điện nhập khẩu của Trung Quốc, EU có nguy cơ đối mặt với biện pháp đáp trả bằng thuế quan từ Bắc Kinh. VDA cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất ô tô của Đức do nước này xuất khẩu một lượng lớn ô tô sang thị trường Trung Quốc.
VDA khuyến nghị EC tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô quan trọng cho ngành sản xuất ô tô điện của châu Âu, giảm rào cản tiếp cận thị trường và tạo sự minh bạch về chính sách thương mại. Hiệp hội này cũng đề xuất EC thành lập một hội đồng để thảo luận những vấn đề liên quan.
Dự kiến, từ ngày 4/7, EU sẽ áp thuế tạm thời lên tới 38,1% đối với ô tô điện Trung Quốc, trong khi những cuộc điều tra sẽ kéo dài đến ngày 2/11 để đánh giá liệu các doanh nghiệp Trung Quốc có được hưởng trợ cấp không công bằng hay không. Đến thời điểm đó, EU có thể áp đặt mức thuế chính thức, và thường có hiệu lực trong 5 năm.
Trung Quốc và EC đã có một số cuộc đàm phán và dự kiến trong tuần này sẽ diễn ra các cuộc đàm phán kỹ thuật nhằm giải quyết vấn đề trợ cấp cho xe ô tô điện.
Trong khi đó, chuyên gia Josep Maria Gomes, nhà phát triển kinh doanh quốc tế tại Phòng Thương mại Barcelona (Tây Ban Nha), đã cảnh báo rằng người tiêu dùng sẽ là đối tượng hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất từ bất đồng thương mại gia tăng.
Chuyên gia này cho rằng động thái của EU sẽ không giúp thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế của khối. Theo ông, người tiêu dùng sẽ bị tổn thương nhiều nhất. Ông nói: “Trong nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy chủ nghĩa bảo hộ đã không mang lại một nền kinh tế cạnh tranh hơn và nó cũng không bảo vệ việc làm. Cho dù đó là ô tô điện, pin hay các loại hình đầu tư khác của Trung Quốc, nếu gây khó khăn cho các nhà đầu tư thông qua việc áp đặt thuế quan hoặc các rào cản bảo hộ khác, thì chúng tôi (châu Âu) sẽ chỉ tự làm tổn thương chính mình”.
Video đang HOT
Trước đó, EC ngày 12/6 tiết lộ danh sách thuế bảo hộ sẽ đánh vào xe điện chạy pin nhập khẩu từ Trung Quốc, làm dấy lên sự phản đối và lo ngại từ các chính phủ và doanh nghiệp trên khắp châu Âu.
Mức thuế tạm thời mà EC dự tính áp dụng đối với việc nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc sẽ dao động từ 17,4% đến 38,1% tùy thuộc vào mức độ hợp tác của mỗi nhà sản xuất ô tô với cuộc điều tra chống trợ cấp của EC.
Không giống như việc Chính phủ Mỹ công bố tăng gấp bốn lần mức thuế hải quan áp dụng với xe điện Trung Quốc vào tháng trước (tác động của nó rất nhỏ do ít xe điện do Trung Quốc sản xuất được bán ở Mỹ), các mức thuế mới của EU có thể sẽ gây ra một số tổn thất.
Trong những năm gần đây, EU dần nổi lên là một thị trường tiêu thụ chính của xe điện Trung Quốc.
Theo dự báo của ngân hàng UBS vào năm 2023, 27 nước thành viên EU với dân số 450 triệu người sẽ trở thành điểm đến xuất khẩu ô tô lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2030. Một báo cáo của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Ratings cho thấy, ô tô chạy điện thuần túy của Trung Quốc chiếm 1/5 số xe điện được bán ở EU vào năm 2023.
Moody’s cho biết: “Bản thân các mức thuế này có quy mô và mức độ nhỏ hơn nhiều so với mức thuế mà Mỹ đánh vào xe điện của Trung Quốc một tháng trước. Tuy nhiên, chúng sẽ có tác động dây chuyền lớn hơn do mối liên kết chặt chẽ hơn và khối lượng giao dịch lớn hơn giữa nền kinh tế Trung Quốc và EU”.
Theo Moody’s, các mức thuế bổ sung của EU sẽ gây áp lực lên các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc trong thời gian ngắn, nhưng cuối cùng chỉ có tác động nhất định vì các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chủ yếu phục vụ cho thị trường nội địa và các mức thuế chỉ nhắm vào xe điện thuần túy.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc và số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, xuất khẩu chỉ chiếm 16% tổng doanh số bán xe của Trung Quốc vào năm 2023 và 3/4 số xe xuất khẩu ra nước ngoài chạy bằng xăng.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể chuyển hướng sang các thị trường khác để bù đắp tổn thất do thuế quan gây ra. Tuy nhiên, xét đến tỷ lệ giá/lợi nhuận tại thị trường EU, các biện pháp hạn chế về thuế quan vẫn khó có thể ngăn cản xe điện của Trung Quốc mở rộng sang thị trường khối này.
Trong khi đó, thuế quan có thể sẽ mang lại cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu một chút lợi thế trong thời gian tới, vì khoảng cách về giá giữa xe điện sản xuất trong nước và ô tô Trung Quốc sẽ thu hẹp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp như Renault (vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường EU).
Các nhà sản xuất ô tô EU có dây chuyền lắp ráp ô tô chạy điện hoàn toàn ở Trung Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng, vì họ có thể phải đối mặt với mức thuế cao hơn nếu muốn xuất khẩu ô tô do các hãng xe liên doanh lắp ráp sang thị trường châu Âu.
Ngoài ra, các thương hiệu như VW và Mercedes-Benz (có doanh số bán hàng tại Trung Quốc chiếm 36% tổng doanh số toàn cầu) có thể bị ảnh hưởng lớn nhất, bởi khả năng đáp trả thương mại của Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho biết có thể tăng thuế đối với ô tô động cơ đốt trong cỡ lớn của châu Âu từ 15% lên 25%.
Các hãng xe điện Trung Quốc để mắt đến thị trường Đông Nam Á
Chịu hạn chế bởi thuế quan ở châu Âu và Mỹ, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang sẵn sàng thâm nhập sâu hơn vào Đông Nam Á, nơi giá trị thị trường cho ô tô thân thiện môi trường đang lên tới 100 tỷ USD.
Mẫu xe điện của BYD tại triển lãm ô tô ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 16/6/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Các nhà phân tích cho biết, trong khi khách hàng khá giả tại Đông Nam Á đã mua được xe BYD hoặc Ora EV, hầu hết người lái xe ở khu vực này có ngân sách thấp và việc thu hút họ chắc chắn sẽ gây ra cuộc chiến về giá giữa các nhà sản xuất ô tô.
Vào tháng 5, Mỹ áp đặt thuế 100% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và bán xe điện.
Liên minh châu Âu (EU) cũng tiếp bước Mỹ bằng cách áp thuế lên tới 38% từ ngày 4/7 đối với ba nhà sản xuất xe điện Trung Quốc là SAIC, Geely và BYD. Quyết định này được đưa ra sau khi một cuộc điều tra chống cạnh tranh với kết luận các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc được hưởng lợi từ "trợ cấp không công bằng" của Bắc Kinh, đe dọa làm suy yếu lĩnh vực sản xuất xe điện ở châu Âu. Xe điện sản xuất tại châu Âu rẻ nhất cũng có thể mang giá gấp ba lần xe Trung Quốc.
Trong bối cảnh gặp nhiều trở ngại ở các thị trường phương Tây, nhiều nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc hướng tới triển vọng tăng trưởng dài hạn đầy hứa hẹn ở Đông Nam Á, nơi tầng lớp trung lưu đang phát triển đang nhanh chóng chuyển sang sử dụng xe điện.
Ngoài ra, doanh số bán xe điện toàn cầu đã tăng 18% trong quý đầu tiên của năm 2024, nhờ nhu cầu của Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, doanh số bán hàng tại Trung Quốc dự kiến sẽ đi ngang, điều này càng làm tăng thêm tính cấp bách cho các nhà sản xuất xe điện nước này tập trung nhiều hơn vào các thị trường khác như Đông Nam Á.
Nhà kinh tế học Gary Ng tại Ngân hàng Natixis Corporate & Investment (Hong Kong, Trung Quốc) nói với This Week in Asia: "Lập trường địa chính trị tương đối trung lập của Đông Nam Á mang cơ hội cho các công ty Trung Quốc mở rộng. Trung Quốc sẽ tăng cường hiện diện của xe điện nước này từ góc độ cung và cầu, nghĩa là doanh số bán ô tô và sản xuất trong nước sẽ tăng lên". Ông Gary Ng bổ sung rằng Indonesia và Thái Lan sẽ là mục tiêu đầu tiên của các hãng xe Trung Quốc.
BYD, Xpeng và Geely đang bơm hàng tỷ USD vào Indonesia, Thái Lan và Malaysia, nhằm chiếm được thị phần lớn hơn trong thị trường Đông Nam Á. Theo báo cáo tháng 1 của EY-Parthenon thuộc Ernst & Young, doanh số bán xe điện ở Đông Nam Á dự kiến đến năm 2035 sẽ đạt từ 80 tỷ USD đến 100 tỷ USD, từ mức khoảng 2 tỷ USD vào năm 2021.
Ô tô điện được sản xuất tại nhà máy ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Counterpoint Research, một công ty nghiên cứu công nghệ có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), doanh số bán xe điện ở Đông Nam Á đã tăng hơn gấp đôi trong quý đầu tiên, so với mức giảm 7% của ô tô chạy bằng động cơ diesel và xăng. Báo cáo nhấn mạnh: "Trong số này, Indonesia dự kiến sẽ là thị trường lớn nhất khu vực tính theo số lượng, với doanh số ước tính 4,5 triệu chiếc trong tổng số 8,5 triệu chiếc vào năm 2035". Đây là thông tin khiến các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chú ý.
Tại triển lãm ô tô ở Jakarta vào tháng 5, các hãng ô tô điện Trung Quốc cho biết sẽ ra mắt thêm nhiều mẫu xe hấp dẫn người tiêu dùng Indonesia.
BYD chuẩn bị xây dựng một nhà máy trị giá 1 tỷ USD ở Tây Java, dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2026. Neta đã ký thỏa thuận với công ty lắp ráp ô tô địa phương Handal Indonesia Motor để sản xuất các mẫu xe điện cho thị trường quốc gia vạn đảo.
Đại diện bán hàng của Neta ở Jakarta - Herman Tri Putra nói với This Week in Asia: "Người dân Indonesia rất quan tâm đến ô tô giá cả phải chăng nhưng có công nghệ tiên tiến và tinh vi". Ông Herman Tri Putra cũng cho biết nhu cầu ô tô điện tại Indonesia dự kiến tăng trưởng ổn định.
Indonesia đang có kế hoạch tăng cường sản xuất xe điện trong nước lên khoảng 600.000 chiếc vào năm 2030, với mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất xe điện và pin qua việc tận dụng trữ lượng nickel đáng kể của nước này. Theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Indonesia, khoảng 17.000 xe điện đã được bán ở Indonesia năm 2023.
EU có thể áp thuế có mục tiêu đối với xe điện của Trung Quốc Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 21/5 cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp thuế có mục tiêu vào xe điện của Trung Quốc nếu điều tra cho thấy các khoản hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc cho lĩnh vực này là trái quy định. Mẫu xe điện của BYD được trưng bày tại...