Những quán đắt khách trên 20 năm tuổi ở Hà Nội (P1)
Cà phê Lâm, phở Thìn, chè Trần Hưng Đạo… đều là những quán mà hiếm người Hà Nội không biết.
1. Cà phê Lâm phố Nguyễn Hữu Huân
Là một trong những quán cà phê truyền thống lâu đời nhất Hà Nội, Lâm thậm chí đã bước vào giai đoạn “trung niên ngũ tuần” chứ không phải chỉ trên 20 năm tuổi.
Nhắc đến Lâm, nhiều người nghĩ ngay đến ngôi nhà giản dị, cũ kỹ nhưng như một căn phòng trưng bày rất nhiều các bức tranh của các danh họa nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên, Võ Tư Nghiêm… Cộng thêm với hương vị cà phê nồng nàn rất riêng, không biết tự bao giờ Lâm đã trở thành quán cà phê không thể không biết với người Hà Nội.
Quán cà phê Lâm như một căn phòng trưng bày tranh. Ảnh: Ghiền Cà Phê.
2. Chè thập cẩm cũ 1976 phố Trần Hưng Đạo
Nghe tên thôi bạn đã hình dung ra bề dày lịch sử của quán. Không chỉ lâu đời, tiệm chè 1976 còn nổi tiếng về… độ “chặt chém”.
“Luôn đắt ngang một bát phở cùng thời”, đó là phép so sánh rất chuẩn về món chè ở đây. Mặc dù cốc chè lớn, ngon miệng có thể dùng trừ bữa nhưng với mức giá hơn 40.000 đồng/cốc thì chỉ chè 1976 mới dám “chém” khách phũ phàng vậy. Đắt đỏ xong bao năm nay quán không chịu “giảm cái tôi” xuống bởi ngày ngày vẫn có một lượng khách quen đông đảo, rất chịu chi thường xuyên đến ủng hộ.
3. Chè Mười Sáu phố Ngô Thì Nhậm
Nằm ở đúng ngã tư Ngô Thì Nhậm và Lê Văn Hưu, quán chè cổ truyền này bình dị, mộc mạc đúng như tên gọi của nó – Chè Mười Sáu.
Quán đã có thâm niên trên 30 năm và nổi tiếng nhờ những món dân dã quen thuộc như: chè đỗ đen, đỗ xanh, sen, chè kho, bánh trôi, bánh chay… rất được lòng những khách hoài cổ. Các món chế biến đều tay, vừa miệng, giá trung bình chỉ khoảng 10.000 – 15.000 đồng song thứ nào cũng nhỏ nhỏ, ít ít, khiến người ăn không bị ớn mà luôn có cảm giác phải thòm thèm. Đó là bí quyết khiến quán đắt khách bốn mùa.
Video đang HOT
4. Mỳ vằn thắn phố Nguyễn Biểu
Hơn 20 năm nay, dù có lượng khách ủng hộ rất lớn nhưng quán mỳ vằn thắn này vẫn chỉ bán buổi sáng mà thôi. Chủ quán “lười biếng” không lạ bởi cứ mở hàng thì khách đến ngồi xếp dài chầu trực, đôi khi phục vụ không xuể. Quán nghĩ ra chiêu xếp số với thu tiền trước nhưng khách không tự ái, bởi họ nghiện sợi mỳ tươi mềm, nước canh thơm ngọt hay tôm tươi, sủi cảo, há cảo cực ngon cùng thịt xíu đặc biệt của nơi này. Bát mỳ 30.000 đồng, chỉ lưng lưng dạ càng khiến người ăn thòm thèm và không thể không quay lại.
5. Phở gia truyền Bát Đàn
Đây là thương hiệu “phở xếp hàng” nổi tiếng 50 năm nay. Tuy nhiên, bạn cũng đừng kỳ vọng tìm đến nơi này sẽ được thưởng thức tô phở “tuyệt thế giai nhân” hay “có một không hai”. Phở Bát Đàn ngon, đặc trưng cổ truyền với nước dùng trong veo, thơm phức, miếng thịt bò tươi hồng, mềm mịn. Song thực tế ở Hà Nội, tìm được hương vị như vậy không quá khó khăn. Chuyện xếp hàng có lẽ cũng là cái lộc, cái duyên thường gặp ở những tiệm phố cổ, nhất là một quán gia truyền đã có thâm niên cả nửa thế kỷ như phở Bát Đàn.
Cảnh xếp hàng ở phở Bát Đàn. Ảnh: Gia Đình.
6. Phở Thìn phố Lò Đúc
Nhắc đến phở mà không nói đến phở Thìn thì quả thiếu sót. Với tuổi đời hơn 30 năm, phở Thìn khẳng định tên tuổi của mình bằng món duy nhất – phở bò tái lăn. Nước dùng béo ngậy đậm đà, thịt bò xào tái vừa ngọt vừa thơm mùi gừng, tỏi, đó là những đặc trưng riêng tưởng như đơn giản nhưng chỉ phở Thìn mới khéo léo chế biến để gây nghiện cho khách.
Tất nhiên, không phải ai cũng khoái món phở “mỡ màng” này nhưng thực tế, tuổi thọ và lượng khách đông đảo mỗi ngày cũng đã đủ chứng minh về chất lượng của tiệm phở nổi tiếng nhất nhì Hà Nội này.
Quán phở Thìn. Ảnh: Người Việt Blog.
Theo MNMN
6 món ngon chống ngấy đắt khách sau tết
Các hàng bún cá, miến lươn, bánh đa cua... ở Hà Nội sẽ là lưa chon hơp ly cho những bữa ăn sau tết đầy ắp thịt, mỡ dễ gây chán và ngấy.
1. Bún cá ngõ Trung Yên
Quán nhỏ nằm sâu trong ngõ Trung Yên gần Đinh Liệt phục vụ món bún cá rô đồng chiên giòn với nước dùng chua ngọt thanh dịu của cà chua và dứa nên rất dễ ăn, có tác dụng giải ngấy rất hữu hiệu sau những bữa cỗ linh đình đầy ắp các loại thịt. Bún cá ăn cùng rau cần hoặc rau cải và giá đỗ nên rất đưa miệng và tôn lên hương vị đặc biệt của bát cá rô đồng.
Bún cá ở đây có giá 30.000 - 35.000 đồng/bát. Ảnh:quanngonngon
Ngoài bún cá, bạn có thể gọi ăn kèm chả cá hoặc cá cuốn thịt do quán tự làm để đổi vị do rất lạ miệng. Chá cá giòn, vàng ruộm; cá cuốn thịt thơm và ngọt đượm vị cá bao quanh. Dù cả hai cùng được chiên cho cảm giác béo ngậy nhưng không hề ngấy. Quán thường là khách quen tìm đến và nếu đã thưởng thức một lần chắc chắn sẽ quay lại lần sau.
2. Miến lươn Hàng Điếu
Ngày tết miến măng đã quá quen thuộc nhưng với miến lươn, thực khách hoàn toàn không có cảm giác chán ngán và trùng lặp. Miến làm từ bột củ dong, thịt lươn khô giòn, nước dùng ninh từ xương lươn, tất cả làm nên hương vị đậm đà, thanh mát rất riêng cho bát miến lươn.
Ngoài miến nước, đến đây bạn cũng có thể chọn miến xào hoặc miến trộn. Tuy miến được xào với hành phi thơm nhưng không ngấy mỡ; miến trộn cùng nước sốt chua ngọt nên cũng rất đậm vị và dễ ăn. Tất cả ăn kèm rau răm và giá đỗ mang đến hương vị khác lạ cho những ngày sau tết.
3. Bún ốc Khương Thượng
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ trên đường Khương Thượng, quán bún ốc ở đây không chỉ nổi tiếng vì đã có tuổi đời hơn 40 năm mà hơn cả là hương vị đặc trưng với thực đơn phong phú. Đầu tiên phải kể đến là bún ốc chuối đậu. So với các món giò, chả, bánh chưng trong những ngày tết, bún ốc chuối đậu rất lạ miệng nhờ nước dùng sánh đậm đà, chua dịu và vị sần sật của những con ốc to tròn, béo ngậy.
Ngoài ra, bạn có thể gọi bún ốc với bò, giò tai và đậu rán, ăn kèm chả ốc, nem ốc, chạo ốc hoặc nồi lẩu ốc cho cả gia đình. Giá ở đây tuy hơi cao so với mặt bằng chung nhưng là lựa chọn không tồi cho một bữa đầu năm giải ngấy.
4. Phở Bát Đàn
Phở có giá trung bình 40.000 đồng/bát. Ảnh: edu.net
So với các hàng phở đủ loại mở cửa đầu năm ở Hà Nội, phở Bát Đàn luôn có chỗ đứng riêng dù phải xếp hàng chờ đến lượt. Trong sự thong thả của những ngày đầu xuân, người ta đủng đỉnh bưng bát phở bò thơm phức tìm chỗ ngồi, rồi chậm rãi thưởng thức hương vị gia truyền chất chứa trong hàng chục năm qua.
Vốn dĩ chẳng thiếu trong tủ lạnh mỗi gia đình nhưng với bí quyết riêng, thịt bò trong bát phở ở vừa mềm vừa ngọt, hòa quyện cùng bánh phở trắng tinh thơm mùi gạo nếp và nước dùng trong veo, thanh ngọt. Phở Bát Đàn đã ngon lại càng tuyệt hơn khi ăn trong những ngày sau tết. Không chỉ là chống ngấy, phở Bát Đàn còn đưa thực khách trở về với những ký ức xa xưa của Hà Nội.
5. Bún riêu cua Hòa Mã
Bún riêu cua lấy lòng thực khách dịp đầu năm nhờ có vị ngọt thanh và phảng phất hương vị cua đồng, pha chút chua của vị cà chua, me, cùng hương thơm man mác của các loại rau thơm... khi ăn sẽ có cảm giác dễ chịu. Điểm cộng của bún riêu cua là ăn kèm với rau sống, rất mát ruột đặc biệt là sau những bữa ăn toàn thịt cá.
Ngay khi ra tết, nhiều hàng quán bún riêu cua đã xuất hiện trên vỉa hè khắp các tuyến phố Hà Nội nhưng uy tín hơn cả là địa chỉ ở Hòa Mã. Với chỗ ngồi lịch sự, thoáng đãng, giá cả phải chăng, thực khách có thể thoải mái tận hưởng hương vị đồng quê hiếm có trong bát bún riêu cua thơm hương nóng hổi.
6. Bánh đa cua Trấn Vũ
Lạ miệng, dễ ăn và hút khách không kém là món bánh đa cua bể Hải Phòng ở phố Trấn Vũ (chuyển về từ phố Phan Huy Ích). Bát bánh đa ở đây với tôm sú to thơm béo, ruốc cua nhỏ bùi bùi, cộng thêm bát nước dùng được chế biến đặc biệt từ nước luộc tôm nên có vị ngọt thanh, dễ chịu.
Bát bánh đa cua ở đây có giá từ 35.000 đến 40.000 đồng. Ảnh: giadinh.net
Ngoài bánh đa nước, người dùng cũng có thể chọn bánh đa trộn để đổi vị và hương thơm hải sản vẫn vẹn nguyên. Ngoài tôm, chua, rau ăn kèm là giá đỗ cùng mộc nhĩ vừa giòn vừa mát khiến người ăn không bị ngấy. Vắt thêm chút chanh tươi là bạn đã có một bát bánh đa cua giải ngấy tuyệt vời sau ngày tết.
Theo VNE
Tết - Thời điểm căng thẳng nhất với người độc thân Một phụ nữ Trung Quốc đã mua nguyên một trang quảng cáo đầu trên một tờ báo tiếng Trung được ưa chuộng ở Melbourne để đăng thư gọi đứa con trai mất tích khi đang học ở Australia liên lạc với gia đình. Trong thư, bà nài nỉ cậu con trai, tên là Peng về nhà vào dịp Tết và hứa sẽ không...