Những phụ nữ có cách sống khác người
Có người sống trong lồng phổi nhân tạo suốt 61 năm, có phụ nữ lại sống như người bị liệt dù hoàn toàn khỏe mạnh…
1. Sống trong lồng phổi nhân tạo suốt 61 năm
Martha Mason là một phụ nữ phi thường, bà đã sống bất động 61 năm trong lồng phổi nhân tạo (“Phổi nhân tạo” là một thiết bị y tế giúp những người bị bại liệt thở được bằng cách tăng và giảm áp suất không khí bên trong một lồng sắt to, đóng kín).
Martha sinh ngày 31/5/1937 tại Lattimore, một thị trấn nhỏ cách Charlotte (phía Bắc Carolina, Hoa Kỳ) 90km. Martha bị bại liệt năm lên 11 tuổi do bị nhiễm khuẩn, không lâu sau khi em trai bà qua đời do căn bệnh này. Sau khi chôn chất người em trai, Martha phát hiện mình cũng bị mắc bệnh nhưng không nói ra vì sợ làm bố mẹ buồn.
Video đang HOT
Chẳng bao lâu sau, bà không cử động được và phải sống trong một lồng phổi nhân tạo. Bà Martha sống toàn bộ phần đời còn lại trong chiếc lồng này, chiếc lồng giúp phổi của bà co giãn khi những khối cơ không thực hiện được chức năng của nó nữa. Các bác sĩ khuyên bố mẹ Martha nên đưa bà về nhà chăm sóc tử tế bởi bà chỉ có thể sống thêm 1 năm nữa thôi. Vậy mà bà đã sống lâu hơn cả bố mẹ nhờ có lòng khao khát, sự tò mò và ham muốn được tìm hiểu thế giới.
Mặc dù sống trong hoàn cảnh có vẻ như tuyệt vọng, Martha vẫn tốt nghiệp trung học và đại học với xếp loại cao nhất. Bà còn tổ chức nhiều buổi tiệc tối, thậm chí còn viết một cuốn sách mang tên “Hơi thở: nhịp sống của người sống trong lồng phổi nhân tạo”. Trong cuốn sách, bà đã mô tả những khó khăn và niềm vui trong cuộc đời mình. Martha mất năm 2009.
2. Sống như người bị liệt dù hoàn toàn khỏe mạnh
Chloe Jennings-White, một nhà hóa học 57 tuổi sống ở thành phố Salt Lake, Utah, Hoa Kỳ, có một ước nguyện khác người, bà muốn trở thành người bị liệt nửa thân dưới. Chloe chọn cách sống như người tàn tật. Bà đi lại bằng xe lăn, đeo nẹp chân khóa gối và dùng nạng để đi lại.
Khi nào cần lên xuống thang gác, bà lại bỏ nẹp và đi bộ như người bình thường. Bà thích các hoạt động ngoài trời như mọi người khuyết tật khác, chỉ có điều thay vì dùng các thiết bị đặc biệt để tham gia các hoạt động này, bà đi bộ 12 tiếng trong rừng, trượt tuyết và leo núi như người thường.
Bà không bị khiếm khuyết nào về thể chất mà chỉ thích cảm giác bị khuyết tật. Năm 2008, bác sĩ chẩn đoán bà bị chứng rối loại nhận dạng toàn vẹn cơ thể (BIID), một chứng bệnh rối loạn tâm lý nghiêm trọng làm cho bệnh nhân nghĩ rằng mình sống như người tàn tật chân hay liệt thân dưới sẽ sướng hơn.
Để giúp Chlore chống lại mong muốn phá hoại cột sống và thành người liệt, bác sĩ khuyên bà dùng xe lăn và nẹp chân. Được dành hầu hết thời gian sống như người liệt thật sự giúp Chlore được giải thoát. Tuy nhiên, đôi khi Chlore thừa nhận bà vẫn tưởng tượng ra cảnh bị tai nạn hay đâm xe khiến đôi chân mình thật sự trở nên tàn phế.
Chlore nói bà bị nhiều người tỏ thái độ tức giận vì cho bà là kẻ lừa đảo, nhưng họ không hiểu hoàn cảnh của bà. Được dùng xe lăn để đi lại mặc dù bà có khả năng đi lại chẳng thua gì người thường – đã cứu cuộc đời bà.
3. Sống chung với 700 chú mèo
Ngay từ khi còn nhỏ, bà Lynea Lattanzio đã yêu thích những chú mèo nhưng không được mẹ bà cho phép nuôi. Hiện giờ, Lynea sống một mình với hàng trăm chú mèo ở Parlier, Carlifornia, Hoa Kỳ. Bà bắt đầu hoạt động cứu hộ mèo từ khi ly dị chồng năm 1981 và đã cứu được gần 19.000 chú mèo.
Bà Lynea sống nhờ tiền trợ cấp của chính phủ và tiền tài trợ từ các tổ chức từ thiện. Ngôi nhà của bà là nơi trú ẩn của loài mèo. Bà cho biết sứ mệnh của nơi này giúp những chú mèo tìm được một nơi sinh sống lâu dài. Hiện, bà Lynea đang chăm sóc ít nhất 700 chú mèo cùng với 15 chú chó.
Theo Ngoisao.vn