Những phong tục Tết độc nhất vô nhị chốn Hà thành xưa
Có những phong tục Tết độc nhất vô nhị chốn Hà thành xưa nay đã dần mai một, thậm chí không còn lưu giữ.
Những phong tục Tết của người Hà Thành xưa ít nhiều đã phai nhạt, thậm chí không được lưu giữ nữa.
” Không thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”
Người Tràng An nổi tiếng thanh lịch và tinh tế, biết lựa chọn những nét đặc sắc và lắng đọng nhất của tất cả các vùng miền trên cả nước để kết tinh lại những giá trị văn hóa riêng cho xứ Kinh Kỳ. Những phong tục, tập quán Tết của người Hà Thành xưa thể hiện đậm nét những nét tinh hoa ấy, tuy vậy giờ đây trước những đổi thay của thời cuộc, những dấu ấn đó ít nhiều đã phai nhạt và không được lưu giữ nữa.
Đầu năm bói kịch
Xưa kia, cứ mỗi độ tết đến xuân về, người Hà Thành lại nô nức kéo nhau đến sân khấu để xem nghệ thuật truyền thống tuồng, chèo… và cũng để “bói” vui một quẻ đầu năm, đoán tài lộc của bản thân và gia đình trong năm mới. Bắt đầu từ chiều ngày mùng 1 Tết đến hết rằm tháng giêng, các rạp hát luôn tấp nập kẻ vào người ra, ai nấy cũng đều mang một tâm trạng phấn khởi và tươi vui. Trong những ngày đó, các rạp không đề tên vở diễn, diễn viên, thời gian diễn… mọi việc đều để rất tự nhiên. Khách vào rạp ngẫu nhiên mới biết đang diễn vở gì, có người vào lúc giữa vở, gặp phân cảnh nào rồi theo đó mà tự luận bàn bản thân trong năm mới sẽ gặp những điều như thế. Có người cầu kỳ hơn chờ đến cuối vở, lên cánh gà sân khấu nhờ những thầy tướng số xem tuổi tác và từ những điều đã xem đã gặp trong vở diễn luận ra việc hung cát trong năm cho gia chủ.
Nắm bắt được tâm lý của người xem, nên trong dịp Tết các rạp chỉ diễn những vở, trích đoạn mang nội dung đầm ấm hạnh phúc, đoàn viên. Chủ yếu diễn những trích đoạn với nội dung vui tươi, hài hước, có hậu của ba vở: Quan Âm Thị Kính, Phân Trần, Kiều. Nên các thầy bói luôn nói đến những điều tốt đẹp, hạnh phúc, hỷ sự cho các gia chủ, họ trao đổi với nhau thoải mái, vui vẻ. Tất cả khách khi ra khỏi rạp đều mang một tâm trạng phấn khởi, tràn đầy hy vọng vào một năm mới tốt đẹp đang chờ đợi phía trước.
Ảnh minh họa. Nguồn: VTV.
Có thể thấy rằng tục bói tuồng, chèo đầu xuân là nét đẹp mang dấu ấn riêng trong văn hóa Tết của người Hà Thành xưa. Nó vừa góp phần lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật, những giá trị văn hóa đặc trưng của mảnh đất Kinh Kỳ. Tiếc rằng, trước những xu thế hội nhập, các loại hình nghệ thuật đa dạng, phong phú hơn, khiến cho người dân dần thay đổi thị hiếu của mình. Đặc biệt lớp trẻ bây giờ, những thế hệ đi sau đã không còn dành sự quan tâm, yêu thích cho nghệ thuật truyền thống: Tuồng, chèo, cải lương… nên những loại hình này đã mai một đi rất nhiều. Chính vì thế, đến nay tục xem bói tuồng hầu như đã không còn phổ biên trong dịp đầu xuân.
Tháng Giêng sắm muối, tháng Chạp mua vôi
Người Hà Thành luôn giữ một lệ là mua muối vào ngày đầu tiên của năm mới. Khi trời còn tờ mờ chưa rõ mặt người, nghe tiếng rao của người bán muối rong, mọi người dù đang bận rộn chuẩn bị cho mâm cỗ cúng gia tiên đầu năm, hay con trẻ đang ấm áp trong chăn cũng sẽ dậy theo cha mẹ ra ngoài mua một bát muối cầu may. Người ta quan niệm rằng vị của muối là sự mặn mà, gắn kết, màu của muối trắng trong là sự tinh khiết, thanh cao.
Video đang HOT
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Mua muối là mua sự may mắn, mang muối vào nhà mang những điều thanh cao, tốt đẹp, rước lộc tài vào cho cả nhà và tràn đầy hy vọng rằng tình cảm của đại gia đình, anh em, bạn bè cũng gắn bó khăng khít, keo sơn, mặn mà với nhau như thế. Bởi lẽ thường có yêu quý nhau mới mong sự mặn mà, trong đời không gì mặn mà bằng muối. Chính vì vậy, nên bát muối không bao giờ gạt miệng, lúc nào cũng đong đầy ngọn với ý nghĩa những người đón nhận nó sẽ luôn nhận được đầy ắp yêu thương và nồng ấm.
Mua muối với ý nghĩa mua sự may mắn, nên cả người bán và người mua đều không ra giá và mặc cả, người mua luôn trả xông xênh, và thềm một phần như mừng tuổi cho người được coi là đi làm sớm nhất của năm. Cả người bán và người mua đều vui vẻ, hồ hởi và không quên dành tặng nhau những lời chúc tốt đẹp nhất đầu xuân.
Người Hà Thành xưa quan niệm, đầu năm mua muối cho mặn nồng thì cuối năm mua vôi để thu hết những điều không may, xui xẻo của năm cũ vào cho xong. Người ta cho rằng vôi là sự bạc bẽo, là những điều không may mắn, là sự đổ vỡ, nên mua vôi coi như mua những gì không tốt vào cho xong, để chuẩn bị một năm mới đón những điều tốt đẹp vào nhà. Việc mua vôi cuối năm cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế trong sinh hoạt của người dân. Mua vôi để quét lại nhà cửa, cây cối cho đỡ sâu mọc… Mua vôi để tiếp cho “ông bình vôi” trong nhà, bởi người Hà Thành xưa kia từ nam thanh nữ tú đến những người già đều ăn trầu nên mọi nhà đều để trong nhà một bình vôi, mọi người gọi là “Ông bình vôi”. Người ta cũng chỉ cho “ông” ăn vào cuối năm, khi cho “ông ăn” họ hy vọng là “ông” đã thu hết những rủi ro của cả gia đình trong năm qua vào mình. Do đó, có “Ông bình vôi” trong nhà, mọi người đều nghĩ rằng ông là vật thiêng và xua đi những tà ma cho gia chủ.
Giờ đây, xứ Kinh Kỳ đổi thay sầm uất hơn rất nhiều, nhà cửa san sát nhau, cũng không còn không gian vườn tược, phần vì người Hà Thành cũng không còn ăn trầu như trước nên trong nhà không còn ông bình vôi vì thế nên không còn tục mua vôi cuối năm nữa. Tiếng rao của người bán vôi dạo giờ chỉ con trong ký ức. Có một thủa, nó từng như là tiếng rao của thời gian.
Người Hà Thành xưa kia, chỉ 13 tuổi đã biết ăn trầu. Dù nam thanh nữ tú hay người trung tuổi, đến những người già đều ăn trầu đầu xuân. Họ quan niệm rằng, ăn miếng trầu đầu xuân cho môi thắm, má hồng để cả năm đều “đỏ”, mọi việc đều suôn sẻ, may mắn. Buổi sớm đầu năm, đạp xe ra ngõ hay đi thăm viếng nhau người ta đều bỏ những miếng trầu têm cánh phượng thật đẹp, thật ngon dắt vào nải ở lưng, để mở. Khi gặp nhau chào hỏi rồi mỗi người tự lấy trong túi nhau 1 miếng trầu thay cho lời chúc đầu năm, việc này có ý nghĩa thể hiện mối thân tình, hào sảng của bạn bè, bằng hữu dành cho nhau và hy vọng rằng một năm mới làm ăn đều gặp “vận đỏ”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Đầu năm, bất cứ một gia đình nào cũng chuẩn bị sẵn một cơi trầu cánh phượng được têm thật công phu và đẹp mắt. Khách đến nhà đầu năm được dành tặng những miếng trầu ngon nhất, họ cùng nhau thưởng thức miếng trầu với hy vọng tình cảm sẽ luôn nồng thắm, khăng khít, công việc sẽ gặp may.
Đặc biệt thiếu nữ Hà Thành xưa kia, được bố mẹ, ông bà trong nhà luôn dặn dò, dạy bảo cách têm trầu một cách tỉ mỉ, khéo léo sao cho đẹp mắt nhất. Bởi xưa kia, có lệ gia đình nào muốn chọn con dâu, đều muốn được xem cô gái têm trầu. Qua đó, người ta sẽ phán đoán tính nết của nàng dâu tương lai. Nếu cô gái bổ cau đều, quyệt vôi vừa miếng là người khéo thu vén gia đình, vừa khéo chiều chồng lại khéo chăm con. Miếng trầu được têm tỉ mỉ, đẹp mắt là cô gái giỏi nội trợ, quán xuyến việc nhà. Nếu trầu được têm vội vàng, vôi nhiều là người vụng về, hoang phí… Có thể thấy rằng, người Hà Thành xưa kia vừa kín đáo, vừa tinh tế, trong cách ứng xử với những người xung quanh.
Giờ đây trầu cau vẫn là thứ không thể thiếu trong bất cứ một lễ cưới hỏi nào không chỉ ở Hà Thành mà với cả người dân Việt Nam. Nhưng tục ăn trầu đầu năm hầu như đã không còn được lưu giữ nữa. Âu cũng là những đổi thay trong văn hóa của thời cuộc. Dù rằng, miếng trầu không thể hiện sang hèn, đói no nhưng nó là một nét văn hóa,là tình cảm dành cho nhau. Tiếc rằng, đã mai một dần, đến một lúc nào đó, có lẽ tục ăn trầu chỉ còn là dĩ vãng.
Bùi Luyện
Theo_Kiến Thức
Những kiểu cầu hôn "độc nhất vô nhị" vùng Tây Bắc
Vùng núi Tây Bắc có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống với bản sắc văn hóa độc đáo, hấp dẫn. Nhân ngày lễ tình yêu 14/2, xin giới thiệu tới độc giả những kiểu cầu hôn "độc nhất vô nhị" của các bạn trẻ người dân tộc thiểu số nơi đây.
Cùng nhau chùm kín chăn để hát giao duyên
Người dân tộc Hà Nhì đen nằm trong số các dân tộc ít người nhất Việt Nam sinh sống ở vùng núi cao Ý Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, và một số nơi của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Trai gái dân tộc này có phong tục rất đặc biệt là thường trùm kín chăn (vốn mang theo để chống rét) khi đi hát giao duyên với nhau mỗi khi có lễ hội. Trùm chung chăn kín nhưng họ vẫn giữ ranh giới nam nữ vì luật tục của người dân tộc Hà Nhì rất khắt khe về đức hạnh của những cô gái chưa chồng.
Đôi vợ chồng người Hà Nhì cùng vui đàn hát dân ca. (Ảnh: Phạm Ngọc Bằng)
Con trai người Hà Nhì được tự do tìm vợ trong số các cô gái mình biết. Người con gái nào đồng ý sẽ được chàng trai dẫn về nhà, thưa chuyện với cha mẹ xin cưới làm vợ. Cả nhà đồng ý thì làm lễ trước bàn thờ kính cáo với tổ tiên. Sau đó nhà chú rể làm cỗ mời cả họ hàng và dân bản tới cùng vui. Nếu có điều kiện thì nhà trai mang lễ sang nhà cô dâu gồm mấy đồng bạc trắng (mấy năm gần đây thường là tiền mặt), một con lợn khoảng 50 - 60 kg, 50 lít rượu trắng, đôi gà sống cùng xôi nếp và vài chục quả trứng chia đều làm hai gói...
Cô dâu từ ngày cưới trở đi phải mang họ của chú rể. Khi họ đã có con hoặc kinh tế khá giả, người chồng phải tổ chức lại đám cưới lần thứ hai với chính vợ mình.
Ăn hỏi 2 lần mới được cưới
ó là phong tục cưới hỏi của bà con người dân tộc Dao ỏ ở vùng Sa Pa, Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Sau khi để ý từ phiên chợ hay lễ hội của bản làng, nếu thích cô gái nào, chàng trai về nói với bố mẹ mình tới nhà bạn gái xin hỏi tuổi con dâu tương lai. Nếu thấy hợp tuổi nhau, bố mẹ chàng trai trao tặng nhà cô gái đồng bạc trắng. Nhà gái dù ưng bụng muốn gả con gái lắm rồi nhưng lần xin hỏi đầu tiên họ phải từ chối nhận đồng bạc trắng xin hỏi đó.
Lễ đón dâu trong ngày cưới của người dân tộc Dao Đỏ Sa Pa (Ảnh: Phạm Ngọc Bằng)
Một thời gian sau, nhà trai lại tới xin ăn hỏi lần hai. Nếu ba ngày sau đó mà không thấy nhà gái đem trả lại đồng bạc trắng xin cầu hôn thì nhà trai biết rằng nhà gái đã đồng ý gả con cho con trai nhà mình.
Gia đình chàng trai chọn ngày lành tháng tốt mang lễ vật tới nhà cô gái đính hôn. Sau lễ ăn hỏi chính thức, cô dâu tương lai được gia đình tạo điều kiện thời gian nhàn rỗi để dệt may, thêu thùa hai bộ quần áo cưới từ số vải và chỉ thêu do nhà trai đưa tới hôm tổ chức lễ ăn hỏi chính thức.
Nổi bật nhất trong đám cưới của người dân tộc Dao ỏ là bộ trang phục của cô dâu với chiếc khăn đỏ lớn trùm lên chiếc mũ đỏ tươi, đính nhiều nụ hoa tết từ len đỏ, cài xen những chiếc lắc đồng xinh xinh.
Riêng bộ mũ và áo của cô dâu người dân tộc Dao ỏ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo về sắc màu sắc và sự tinh xảo trong từng đường thêu hoa văn thổ cẩm truyền thống.
Ngoài ra phong tục mời cưới của họ, thay vì thiếp mời hồng họ lại dùng hai đồng tiền xu bằng kẽm cổ truyền (là biểu tượng gắn bó cả đời giữa cô dâu và chú rể). Người được mời dự cưới khi tới dự đại hỷ phải "trả lại" hai đồng tiền xu mời cưới trên bằng cách mừng tiền giấy (tương đương về giá trị với đồng tiền xu họ đã nhận được.
Giúp nhau... kéo vợ về nhà
Người dân tộc Mông ở vùng núi Tây Bắc, dù là người dân tộc Mông hoa, Mông trắng hay Mông đen, dù mang họ gì (họ Giàng, họ Tráng, họ Thào, họ Cư, họ Má, họ Lừu...), khi trai gái yêu nhau mà phát hiện ra ngẫu nhiên có họ giống nhau thì tuyệt đối không được phép cưới nhau.
Theo quan niệm truyền thống của người dân tộc Mông, đã cùng mang tên họ giống nhau thì đều coi là có chung tổ tiên, coi nhau như anh em cùng họ hàng, dòng tộc.
Đôi bạn người dân tộc Mông gặp nhau trong đêm chợ tình Sa Pa (Ảnh: Phạm Ngọc Triển)
Ngoài ra, ở nhiều nơi, chú rể người Mông còn thực hiện một phong tục đặc biệt: sáng mồng một Tết Nguyên đán phải tự làm tất cả mọi việc trong nhà, từ nấu cỗ, trông con cho đến rửa bát, dọn nhà...
Khi nhà có khách quý đến chơi ngày Tết, người vợ chủ động làm cơm mời khách, còn người chồng cùng khách "thả ga" ngồi uống rượu. Nếu uống rượu càng say thì người vợ càng vui vì được coi là người hiếu khách, yêu chồng.
Thế mới có chuyện có ông chồng đêm đến lấy váy thổ cẩm mới mua của vợ đắp cho khách quý là người bạn đang ngủ say sau tiệc rượu khuya, mà người vợ vẫn vui... như Tết.
Người dân tộc Mông còn có tục lệ cầu hôn có một không hai đó là tục "kéo vợ". Khi một chàng trai nào đó chấm được cô gái mình thích sẽ nhờ các bạn trai tổ chức "kéo vợ" và cô gái ấy sẽ bị kéo về nhà chàng trai ở vài ngày.
Sau 3 ngày bị "nhốt" trong nhà chàng trai, nếu cô gái không trốn khỏi nơi đó có nghĩa là cô đã đồng ý làm sẽ làm vợ chàng trai.
Vài hôm sau cha mẹ chàng trai nhờ ông mai, bà mối tới nhà gái xin phép cho đôi bạn trẻ tổ chức đám cưới theo phong tục người Mông.
Phạm Ngoc Triển
Theo Dantri
Chiếc ghế đá "cổ" bị vỡ bên Hồ Gươm không phải thời Lê Phó Giáo sư, tiến sĩ Hà Đình Đức khẳng định: "Nói ghế đó từ thời Lê là không có căn cứ, nhưng có thể nói nó là chiếc ghế độc nhất vô nhị ở Hà Nội và nó có tuổi đời lâu". Trước đó, vào sáng ngày 6/2, nhiều người dân đi qua khu vực phố Lê Thái Tổ không khỏi bất ngờ...