Những phiên bản đời thực của ‘Sống chung với mẹ chồng’
Mặc quần lửng ở nhà ngắn trên gối, chị Hoài bị mẹ chồng nhắc “nhà này toàn đàn ông, con đừng mặc trơ trẽn thế kia”.
Vừa cưới, chưa kịp tận hưởng mật ngọt đầu hôn nhân, Hoài (Mỹ Đình, Hà Nội) đã nếm vị nước mắt khi ở chung với nhà chồng. Cưới được một tuần, Hoài đỏ mặt khi mẹ chồng gọi riêng ra nhắc: “Mẹ thấy thằng Tuấn trông không khỏe lắm, con liệu mà tiết chế chuyện vợ chồng đi, đừng có khiến nó lao lực”.
Tất cả nhất cử nhất động của Hoài đều được mẹ chồng chỉnh: “Chân cong thế kia mà cũng diện váy được”, “Con cắt tóc à, thằng Tuấn nó chúa ghét con gái để tóc ngắn thế này”, “Đi làm về không xuống nấu cơm luôn còn làm gì trên đó”…
Hoài kể rằng mẹ chồng thường xuyên vào phòng cô kiểm tra rồi rồi phàn nàn: “Lười quá, có cái phòng bé tí mà không chịu dọn” rồi “ sao sắm nhiều quần áo thế, phí tiền”… Có lần, thấy có vỉ thuốc đặt phụ khoa của cô, bà nói: “Con làm sao mà phải dùng thuốc này, bị từ bao giờ, có ảnh hưởng tới thằng Tuấn không…”.
Cảm thấy khó chịu với những can thiệp này, Hoài tâm sự với chồng thì anh gạt đi: “Mẹ quan tâm thì mới thế, em cứ nghĩ linh tinh”.
Chuyện Hoài khó chấp nhận nhất là bà muốn giữ tiền lương của cả hai vợ chồng cô. “Trước nay anh đi làm đều đưa tiền mẹ giữ hộ. Em cứ đưa mẹ cầm cho, khi nào có món gì lớn mình cần thì lại lấy, mất đi đâu mà sợ”, chồng thuyết phục nhưng cô không đồng ý. “Mình đi làm thêm, tự lo chi tiêu từ thời sinh viên nên không thể hiểu nổi sao gần 30 tuổi đầu lại đưa mẹ cầm tiền rồi cần gì lại phải hỏi ý kiến”, Hoài nói. Vì điều này mà Hoài bị cả mẹ chồng lẫn chồng giận.
Video đang HOT
Bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” đang thu hút vì đề cập tới mối quan hệ dễ căng thẳng giữa mẹ chồng và nàng dâu, thực tế ngoài đời có không ít cảnh mâu thuẫn tương tự, dù mỗi gia đình chỉ là vài lát cắt trong đó. Ảnh: VTV.
Vì đòi ở riêng để tránh sự can thiệp quá mức của mẹ chồng mà vợ chồng chị Trà ở Hoài Đức, Hà Nội đang đứng trước nguy cơ tan vỡ.
“Kể ra ít người tin nhưng thời nay mà cứ 5h sáng là mẹ chồng gọi dậy để dọn dẹp, đi chợ, về nấu sáng cho chồng ăn rồi mới đi làm. Mình nói để tuần đi chợ 2 lần, trữ tủ lạnh nấu dần thì bà không nghe, nói như vậy không ngon, độc hại”, chị Trà kể. Chị là giáo viên cấp hai, khá bận, nhiều khi tối phải thức tới khuya, sáng ngủ quên thì mẹ chồng mở toang cửa phòng chị rồi ừ hữ, bóng gió.
Cố nhịn theo ý chồng nhưng chị Hoài muốn nổ tung sau khi sinh con, bởi bất cứ việc nào liên quan tới chăm sóc, dạy bé bà đều chê bai và muốn chị làm theo ý mình. “Bà bảo mình toàn học theo những thứ vớ vẩn trên mạng, rồi cô giáo mà không biết chăm, để con còi cọc. Mình muốn cho con bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu thì bà bắt chồng mình mua sữa bột về cho cháu uống. Con ốm mình bảo chồng chở đi khám thì bà lầm bầm ‘mẹ vụng làm khổ con khổ chồng, tốn tiền’”, chị Hoài tâm sự.
Ngột ngạt với cuộc sống không được làm gì theo ý mình, chị Hoài muốn ra ở riêng nhưng chồng không chấp nhận. Anh nói mình là con trai duy nhất trong nhà nên nếu chị Hoài dọn đi thì không có đường về nữa. “Tôi đã tìm nhà thuê gần chỗ làm rồi, còn chồng có theo không thì tùy”, chị nói.
Một nghiên cứu lâu năm với hàng trăm gia đình tại Anh cho thấy gần 2/3 số phụ nữ phàn nàn rằng họ phải chịu đựng mối quan hệ bất hạnh và căng thẳng lâu dài vì xích mích với mẹ chồng. Trong nghiên cứu kéo dài hơn hai thập kỷ này, chị em trách mẹ chồng đã thể hiện tình yêu vô lý với con trai. Ngược lại, các bà mẹ chồng lại phàn nàn rằng họ bị con dâu đẩy ra khỏi cuộc đời con mình.
Tiến sĩ Terri Apter, một nhà tâm lý tại Cambridge, Anh, giải thích: “Xung đột thường phát sinh từ mặc định của cả mẹ chồng lẫn nàng dâu, rằng người kia đang chỉ trích hay cố hạ thấp mình. Cả hai người đều chật vật giành lấy cùng một vị trí trong gia đình – người phụ nữ quan trọng nhất. Mỗi người đều cố thiết lập hay bảo vệ vị trí của mình và cảm thấy bị đe dọa bởi người kia”.
Theo chuyên gia tâm lý, mâu thuẫn lên đỉnh cao nhất ở những nơi mà theo văn hóa truyền thống, cặp vợ chồng son sẽ ở chung với bố mẹ chồng và nàng dâu được mong đợi phải thích nghi ngay với gia đình mới.
Điều này rất rõ nét ở Việt Nam. Bà Trần Thị Hồng Hà, chuyên gia tư vấn tâm lý Trung tâm tư vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, cho biết, trong xã hội hiện đại, các ông bố bà mẹ chồng ngày càng có quan điểm tiến bộ và đối xử công bằng, văn minh với con dâu. Tuy vậy, không ít gia đình giữ quan niệm cũ, cho rằng, nàng dâu là phải nhất mực theo nề nếp nhà chồng, phục vụ chồng và gia đình anh ta.
Nhiều người mẹ muốn uốn nắn con dâu phải làm mọi điều theo ý mình, nếu không được như ý thì khó chịu, cáu giận. Họ kiểm soát luôn con trai vì sợ con bị vợ chi phối. Nếu con trai có cuộc sống riêng, họ cảm thấy mình mất hết quyền lực.
Theo nhà tâm lý, trong mối quan hệ nhạy cảm này, người cần thay đổi đầu tiên chính là bà mẹ. Hãy xác định khi lấy vợ là con trai đã có cuộc sống độc lập, phải chăm lo cho gia đình riêng của mình. Hãy để con được tách mẹ và trở thành người đàn ông trưởng thành. Càng muốn kiểm soát con cái, bắt nẹt con dâu thì không chỉ khiến đôi trẻ ngột ngạt mà bản thân họ cũng khổ sở, phiền muộn.
Ngoài ra, nhiều người quá tập trung vào mẹ chồng và nàng dâu mà quên đi người có vai trò quan trọng nhất để cởi nút thắt trong mối quan hệ này chính là anh chồng. Chỉ người chồng mới có khả năng dừng được cuộc chiến giữa mẹ và vợ. Anh là người hiểu rõ nhất cả hai người phụ nữ nên là người duy nhất có thể làm cầu nối và phá bức rào giữa họ.
Nếu anh ta chọn cách đứng ngoài cuộc hoặc chỉ biết bênh một người sẽ “thêm dầu vào lửa”. Chồng phải là người khách quan, có quan điểm riêng, biết đúng, sai và lúc nào cần nói riêng, khi nào cần nói trước mặt hai người phụ nữ. Có như vậy, cả hai càng thêm quý trọng, nể phục anh ta và có thể vì thế mà nhường nhịn và cảm thông với nhau hơn.
Theo bà, trong tình huống không thể dung hòa, nên chọn ra ở riêng. Nếu ở chung, cần có những thỏa thuận ban đầu về các sinh hoạt, phân công công việc trong gia đình để có sự tôn trọng và riêng tư nhất định. Bản thân đôi bạn trẻ phải tự lập được cuộc sống của mình thì mới mong được quyền tự quyết.
Các nàng dâu cũng đừng mang thành kiến về mẹ chồng khi về gia đình mới, mà hãy đối xử bằng sự thiện chí, bình tĩnh. Điều quan trọng nữa là cần tìm hiểu kỹ trước khi kết hôn để biết hai người có thể dung hòa, chấp nhận được gia đình, lối sống của nhau hay không.
Theo VNE