Nhung nhớ cá dìa
Nhớ có lần một vị cao niên xa Huế vài mươi năm rủ rê: “Về Tam Giang – Cầu Hai ăn cá dìa với mình hí, mới đặt được mấy con…”.
Cá dìa hấp hành ăn ngậm mà nghe
Vùng biển Việt Nam có hai loại cá dìa thường thấy là cá dìa bông và cá dìa vân sọc. Cá dìa là loài di cư, cá cái đẻ ở vùng nước lợ, cá bột và cá con sống quanh quẩn ở vùng đầm phá cửa sông, khi trưởng thành chúng bơi ra biển và tìm các ghềnh đá, bãi san hô, quanh bờ đá của hải đảo để sinh sống. Thức ăn chính của cá dìa là rong tảo cho nên chúng còn được gọi là tảo ngư. Không giống như các loại cùng họ, chúng hoạt động và kiếm mồi vào ban đêm, lúc các cọng tảo cũng bắt đầu những giấc mơ trong sóng nước.
Cá dìa ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai chủ yếu là dìa bông, là một đặc sản “trưởng thượng” trong các món hải sản của ẩm thực Huế. Cá ngon là nhờ hệ rong tảo ở đây rất phong phú, đa dạng và phì nhiêu. Đến mức, khi cá dìa lớn, chúng vẫn còn quanh quẩn ở trong đầm phá, không vội ra biển, như thể bị níu vi vây bởi các loài rong tảo bao giờ cũng hào phóng với chúng.
Video đang HOT
Phá Tam Giang – Cầu Hai thì dài, chảy qua nhiều làng xã, nhưng ngày xưa chỉ có cá dìa ở hai vùng Quảng Thái, An Truyền mới được tiến cung. Là bởi phía bắc Quảng Thái là hai con sông màu mỡ phù sa có tên Ô Lâu và sông Nịu. Cá dìa ở Quảng Thái cũng là giống đặc hữu, thân hoa nâu đen, hình như lá mít, các điểm lấm tấm trên thân có kích thước lớn hơn. Cá dìa ở vùng An Truyền ngon là bởi ở đó có đầm Sam mênh mông mọc rất nhiều rong tảo… Nhưng cá dìa đầm phá thơm ngon hơn cá dìa biển lại là chuyện khác nữa. Có lẽ là bởi hương vị rong tảo mọc lên được nuôi dưỡng từ phù sa nguồn sông, mùa này sang mùa khác đắp bồi.
Con cá dìa ngon thì đến cái vi cái vây cũng ngon. Nhưng mà người sành ăn thì khoái nhất là bộ lòng con cá dìa. Kể tiếp chuyện vị cao niên mời về ăn cá dìa. Hôm đó đứa cháu là sinh viên nơi khác về Huế học, lanh chanh làm cá dìa mà bỏ ruột. May mà vị cao niên lòng dạ nôn nao sao đó tự nhiên đi xuống bếp bắt gặp, ngay lập tức không cho làm nữa, kêu bà vợ xuống làm. Người vợ hiểu chồng tủm tỉm cười, nhớ lại: “Cũng năm trước, khi về có đứa làm cá dìa hắn vứt ruột cá của ông đi, lúc dọn lên không có ruột cá dìa ông ngồi ông… khóc…”.
Cá dìa làm được nhiều món ngon: nướng, hấp nấm, hấp mồng tơi, hấp bún tàu, kho nước, nấu cháo, hấp hành… Nhưng có vẻ món hấp hành là giữ được cái ngọt của cá, cái thơm lừng của ruột, như sở thích của vị cao niên sành ăn kia.
Cá dìa mua về có người không cần làm vây vi, là để cho đẹp con cá. Làm ruột cá nhớ chỉ vứt đoạn ruột già gần hậu môn, còn bộ lòng giữ nguyên, dùng dao khứa xiên thân cá. Tiêu hột rang thơm bỏ vào cối giã với hành hoa đập dập, cho thêm chút vị tinh rồi hòa thêm vài muỗng nước mắm ngon. Rưới nước mắm tiêu hành lên khắp mình cá, để riêng cho cá thấm, sắp lên trên vài trái ớt đỏ điểm xuyết. Lấy cái nồi lớn cho dĩa cá vào hấp cách thủy, khi cá vừa chín tới, cho ít đầu hành lá vào hấp thêm một lúc. Bày đĩa cá ra bàn, cho thêm ít hành ngò, vài lát ớt đỏ lên trên…
Món này phải nói là món “ăn ngậm mà nghe”. Cái thơm ngọt của cá, cái mặn mòi của nước mắm tiêu hành, chút cay của ớt khiến lòng thực khách say sưa. Trong cái mênh mông gió Tam Giang, cái hương vị cá dìa không hề bay đi mới lạ, nó vẫn thơm trên đĩa, thơm trong lòng, đeo mãi hàng bao nhiêu năm.
Người vợ vị thực khách cao niên kể, nhiều lần ông trở về kiếm con cá dìa sống trong đầm phá, hấp hành lên như thế này, chỉ ăn một bộ lòng rồi thôi, kiên quyết không phẻ thêm tí thịt cá nào. Chiều đó cũng vậy, ông cũng chỉ ăn bộ lòng cá rồi ngồi yên nhẹ nhàng đưa chuyện, khuôn mặt phúc hậu với chòm râu trắng như tạc thêm nhiều câu chuyện lạ lùng vào sông nước Tam Giang…
Cháo trìa Tam Giang
Ngoài tác dụng bồi bổ sức khỏe, trìa còn được xem là một loại Viagra thiên nhiên dành cho các quý ông...
Phá Tam Giang được xem là một kho báu thủy sản nước lợ phong phú và đa dạng bậc nhất Đông Nam Á. Và trong đó, phải kể đến một loài nhuyễn thể: trìa. Trìa phá Tam Giang sống ở tầng đáy nước lợ - nơi có hệ sinh thái trong sạch, chưa bị ô nhiễm. Thức ăn cho loài nhuyễn thể này rất phong phú.
Cháo trìa ăn ngon khi còn nóng
Dưới bàn tay khéo léo của các chị, các mẹ, trìa có thể chế biến nhiều món ăn đơn giản nhưng rất hấp dẫn như: Trìa hấp chấm muối tiêu, trìa xào hành tây cà chua xúc ăn với bánh tráng mè đen, trìa nấu canh chua, lẩu trìa... Nhưng đặc sắc nhất phải kể đến món cháo trìa "nóng hổi vừa thổi vừa ăn".
Để có một nồi cháo trìa thơm ngon cách chế biến cũng rất đơn giản. Trìa mua về loại bỏ những con đã chết, ngâm trong nước vo gạo hoặc nước lạnh pha thêm tí ớt bột khoảng 3 tiếng cho trìa há miệng, thải hết chất bẩn. Sau đó chà và rửa sạch rồi cho nồi vào luộc vừa chín. Nước luộc trìa được chắt ra để một bên chờ lắng cặn. Thịt trìa sau khi tách vỏ sẽ được ướp gia vị gồm hạt tiêu xay, củ hành tím giã nát và một chút nước mắm ruốc (loại nước mắm nhỉ ra từ những chum ruốc của biển Thuận An). Ướp khoảng 15 phút cho trìa thấm gia vị rồi xào nhanh trìa trong chảo dầu đã nóng già, nếu xào lâu thịt trìa sẽ dai mất ngon.
Gạo dùng để nấu cháo trìa thường dùng là gạo "Tám thơm". Gạo vo sạch nấu cùng với nước luộc trìa cho đến lúc nở nhừ thì cho trìa đã xào vào, nêm nếm cho vừa miệng rồi tắt bếp. Múc cháo ra tô, thêm chút hành lá, ngò ri, hành tây thái sợi thêm vài lát ớt đỏ lừ, bạn sẽ cảm nhận được "mùi" của phá, vị của thịt trìa trắng sữa ngọt thanh, giòn dai trong nồng nàn của tiêu, của ớt, của nắng gió Tam Giang.
Theo tài liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trìa (ngao) là thực phẩm khuyến khích được sử dụng vì chứa nhiều Vitamin B12, Vitamin C, sắt, kali, canxi, đạm, Omega-3... có tác dụng tốt trong chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho người bị chứng huyết áp cao, người bị bệnh về xương khớp, tăng cường sức khỏe cho mắt và ngăn chặn bệnh thiếu máu...Ngoài ra, trìa còn được xem là một loại Viagra thiên nhiên dành cho các quý ông.
Về phá Tam Giang những ngày nắng gió, sau thời gian rong ruồi cùng sóng nước mênh mông và thưởng thức món cháo trìa thơm ngon bổ dưỡng quả là một trải nghiệm thú vị.
Thừa Thiên Huế: Thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang Cầu Hai Lễ công bố thành lập khu bảo tồn vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức vào ngày 5/6/2020. Vùng đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai. Vùng đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế là...