Những nhà vô địch AFF Cup 2018: Trọng Hoàng – người thế vai hoàn hảo
4 tháng trước AFF Cup 2018, Văn Thanh bị chấn thương nặng. Ông Parkhỏi loạn lên: ‘Ai, ai thay thế cậu ấy bây giờ’. Sau khi nhờ sự tư vấncủa trợ lý Lee, cuối cùng ông đã đưa Trọng Hoàng vào vai thành công ở vịtrí hậu vệ phải.
Trọng Hoàng (trái) đã thay thế hoàn hảo vị trí Văn Thanh để lại – Ảnh: Độc Lập
“Cậu cứ đá đi để chúng tôi xem”
Nguyễn Trọng Hoàng sinh ngày 14.4.1989 tại Nghệ An. Hoàng chơi cho CLB SLNA từ năm 2007 – 2013 và chuyển sang CLB Becamex Bình Dương từ năm 2013 – 2016. Hiện Hoàng đang đầu quân cho CLB FLC Thanh Hóa. Hoàng lần đầu khoác áo đội tuyển năm 2007. Cũng trong năm này, Hoàng cùng đội U.21 VN giành chức vô địch giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên. Anh là một trong số ít cầu thủ liên tục được triệu tập vào tuyển VN năm 2009, 2010, 2011
Gặp gỡ truyền thông sau một tuần tập luyện đầu tiên của tuyển VN, ông Park tuyên bố: “Các bạn yên tâm, tôi đã có trong tay cầu thủ chơi được hậu vệ phải hay gần như Văn Thanh. Tôi đã có cách”. Giới báo chí quan sát bên ngoài, Phan Văn Đức có vẻ không hợp vì khéo nhưng lại hơi yếu trong tranh chấp, Phạm Văn Thành thì khó đáp ứng, Dương Thanh Hào hay Lục Xuân Hưng cũng không thể hiện được sự khôn ngoan chững chạc ở cánh này. Cuối cùng chỉ còn Trọng Hoàng khỏe hơn nhưng lại chăm chăm tấn công, cứ để hở khoảng trống sau lưng.
Vậy mà chỉ sau vài ngày, thầy Park khẳng định: “Chúng tôi đã quyết định chọn Trọng Hoàng thay Văn Thanh. Tôi tin tưởng vào cậu ấy. Tôi đã có cách để Hoàng đá tốt như Thanh”. Cách nào thế?
Hãy nghe Trọng Hoàng tường thuật lại sự việc: “Vị trí sở trường của tôi là tiền vệ phải, còn đợt này lên tuyển được bố trí đá hậu vệ phải. Cùng cánh nhưng mà nhiệm vụ khác nhau nhiều lắm. Tôi băn khoăn khi trước buổi tập đầu tiên, thầy Park và trợ lý Lee chẳng nói gì, chỉ bảo cậu cứ tập đi để chúng tôi xem. Run bắn cả người. Mọi người cứ hay gọi tôi là Hoàng “bò” vì nghĩ tôi lì và khỏe nhưng kỳ thật có ai biết mức độ run của tôi cỡ nào đâu. Vào sân, chân tay tôi cứ như thừa. Chẳng biết tập tành như thế nào, mình sẽ đá ra sao để không bị “ghét”. Mấy hôm sau, thầy Park và ông Lee cũng chẳng nói gì, cứ để tôi tập theo ý thích. Nhưng hóa ra không phải, dần dà cứ mỗi hôm một chút, thầy lại đẩy tôi xuống. Thầy không muốn tôi bị “sốc” vị trí nên không bắt tôi phải đá ngay cái chỗ mà Văn Thanh để lại. Thầy khi thấy tôi dần bắt nhịp, mới chỉ bảo cụ thể hậu vệ phải cần làm gì”.
Video đang HOT
Hoàng chia sẻ thêm: “Thiên hướng của tôi là tấn công nhưng giờ phải đặt sự an toàn lên trước. Có an toàn rồi mới tìm cách leo biên. Đá bóng bao nhiêu năm mà khi đặt sang “địa chỉ” mới, cũng phải thích ứng mãi mới quen. Ấy là chỉ nói lúc tập thôi nhé. Khi thi đấu lại còn nặng thêm một cấp độ nữa vì lúc đó phải đối mặt với đối thủ. Mấy trận đầu vì chưa quen với không gian của vị trí mới nên tôi chưa biết cách điều tiết, đá xong mệt bã người. Nhưng dần dà mọi thứ vào phom nên tôi đã biết làm chủ không gian, sau trận không vừa đi vừa thở dốc nữa”.
May mắn nhờ lấy vợ !
Hoàng còn kể thêm: “Tôi và Duy Mạnh cùng được giao nhiệm vụ quản lý cánh phải. Tôi cao 1,69 m. Mạnh cao 1,8 m. Lúc đi với nhau, nhìn rất buồn cười. Nhưng lúc tập, hai anh em rất ăn ý. Mạnh kém tôi 7 tuổi nhưng là… chỉ đạo viên của tôi đấy. Cậu ấy nhắc nhở tôi suốt, anh phải thế này, anh phải thế kia. Rồi khi thi đấu, hét tôi, anh Hoàng, nó lên bóng, nó lên bóng, anh bó vào ngay. Được một lúc, lại đến tôi hét, có khoảng trống, có khoảng trống, Mạnh về lót cho anh. Cứ thế mà liên lạc với nhau”.
Được giao nhiệm vụ phòng thủ là chủ yếu nhưng hai bàn thắng của VN lại có công rất lớn của Hoàng. Được yêu cầu kể lại, Hoàng gãi đầu: “À, thì là thế này. Ở trận thắng Campuchia 3-0, tôi và Hải chồng biên cánh phải cho nhau rồi bóng đến chân tôi. Tôi cứa bóng bằng chân phải, lật vào cho Tiến Linh ghi bàn mở tỷ số phút 39. Còn ở trận bán kết lượt đi thắng Philippines 2-1 trên sân khách, tình huống tấn công cũng ở cánh phải, tôi giữ được bóng và quan sát thấy Văn Đức cắt mặt hậu vệ đối phương lướt lên, tôi bấm bóng bằng chân trái sang cho cậu ấy ghi bàn. Tiếc là giải này mình không có riêng bàn thắng nào. Nhưng vẫn vui vô cùng vì đội đã đoạt cúp vô địch. Sướng ơi là sướng”.
Hoàng năm nay công thành danh toại nhỉ, lấy vợ rõ xinh, sự nghiệp thì thăng hoa! Hoàng cười cười: “Vâng, lấy vợ vào thấy mình may mắn thế cơ chứ”.
Theo Báo Mới
Hai điều ước của ông Park Hang-seo
Ngày đặt bút ký hợp đồng huấn luyện các đội tuyển Việt Nam, ông Park Hang-seo có hai ao ước giúp các học trò lọt vào tốp 100 thế giới và đoạt vé chơi Olympic Tokyo 2020.
Ngày 11-10-2017, HLV Park Hang-seo ra mắt công chúng với bản hợp đồng hai năm hai tháng dẫn dắt các đội tuyển bóng đá Việt Nam. Ông thầy người Hàn Quốc có gương mặt ngộ nghĩnh và hài hước rất khác với các đồng nghiệp ngoại tiền nhiệm muốn vô địch Đông Nam Á hoặc đặt ra tham vọng lấy suất chơi World Cup.
Ông Park chỉ tự đặt ra chỉ tiêu đưa bóng đá Việt Nam vào tốp 100 thế giới và giành vé tham dự Olympic Tokyo 2020. Khi ấy, đội tuyển Việt Nam đứng thứ 121 trên bảng xếp hạng FIFA.
Bây giờ nhìn lại điều ước của ông Park mới thấy gần gũi và thiết thực, thậm chí ông còn đặt kỳ vọng vào các sân chơi như vòng chung kết U-23 châu Á, Asiad 18 hơn cả AFF Cup, mặc dù VFF khi ấy luôn nhắc nhở ông phải suy nghĩ ngược lại.
Tuy nhiên, cuộc chinh phục của HLV Park Hang-seo không đơn giản chút nào. Nhớ ngày đầu cầm quân tuyển Việt Nam hòa hú hồn Afghanistan ở vòng loại Asian Cup 2019 trên sân nhà Mỹ Đình, ông Park bị phán xét dữ dội lắm. Nhiều người nhìn vào cách chơi phòng ngự đổ bêtông để không thua của học trò ông trước đối thủ mạnh hơn để suy đoán sẽ hại chết vẻ đẹp của bóng đá tấn công.
Thầy Park đã hoàn thành điều ước tốp 100 và vô địch AFF Cup, giờ ông lại hướng đến Olympic Tokyo. Ảnh: CTV
Thế nhưng sự thực dụng và hiệu quả của HLV Park Hang-seo ở các giải đấu giao hữu lẫn chính thức đã mang về cho bóng đá Việt Nam nhiều quả ngọt. Chỉ tính riêng đội tuyển quốc gia suốt 11 trận liên tiếp dưới thời ông Park bất bại và đỉnh điểm là chức vô địch AFF Cup 2018 đã đưa làng bóng lên một tầm cao mới.
Tháng 11-2018, đội tuyển Việt Nam đã đứng tốp 100 thế giới khi giải vô địch Đông Nam Á chưa diễn ra. Và với tám trận bất bại ở AFF Cup, thầy trò ông Park chắc chắn sẽ xuống dưới hai con số.
Một điều ước của HLV Park Hang-seo đã sớm thành hiện thực trước một năm trong bản hợp đồng!
Điều ước còn lại là giúp đội tuyển Olympic Việt Nam tham dự thế vận hội Tokyo 2020, ông Park đang chạy đua với thời gian để hoàn tất.
Đầu tiên là vòng loại giải vô địch U-23 châu Á sẽ diễn ra vào tháng 3-2019, giải đấu mà thầy trò ông Park đã giành ngôi á quân vào đầu năm 2018 nhưng không tính vé tham dự Olympic - để chọn ra các đội bóng mạnh dự vòng chung kết. Đây cũng là nơi để tuyển trẻ Việt Nam chính thức tranh suất chơi Olympic Tokyo 2020 với tư cách đương kim á quân.
Ở sân chơi này, châu Á có bốn đại diện, tính cả nước chủ nhà Nhật Bản. Thầy trò ông Park phải vào đến vòng chung kết U-23 châu Á và bắt buộc phải nằm trong tốp 3 chung cuộc mới có suất dự Olympic 2020. Đấu trường này là một thách thức rất lớn cho ông Park thực hiện điều ước còn lại của mình. Cũng có chút tiếc nuối cho Việt Nam khi cùng Úc và Malaysia xin đăng cai vòng chung kết U-23 châu Á 2020 để tạo ưu thế nhất định cho cuộc đua nhưng cuối cùng nó thuộc về Thái Lan.
Cuộc chơi vẫn còn dài cho HLV Park Hang-seo thể hiện tầm vóc của mình!
Trẻ hóa cho tương lai
Ngày 20-12, đội tuyển Việt Nam sẽ hội quân chuẩn bị cho vòng chung kết Asian Cup 2019 khai mạc tại UAE vào ngày 5-1-2019. Như vậy, thầy trò Park Hang-seo chỉ có hơn bốn ngày nghỉ sau chức vô địch AFF Cup 2018. Ở sân chơi tầm châu lục này, thầy trò ông Park sẽ gặp nhiều thách thức và khó khăn hơn, bởi nhiều đối thủ không còn xem bóng đá Việt Nam như kẻ lót đường đáng yêu nữa.
Danh sách đội tuyển không có nhiều xáo trộn khi ông Park vẫn giữ lại hầu hết trụ cột đã chơi giải Đông Nam Á, trừ hai lão tướng Văn Quyết và Anh Đức cùng trung vệ Đình Trọng bị chấn thương. Còn lại 20 cầu thủ, cộng với bảy gương mặt trẻ mới bổ sung đều dưới 23 tuổi nằm trong đội tuyển quốc gia cho thấy ông Park đang tính xa hơn cho những cái đích khác. Đầu tiên là vòng loại U-23 châu Á diễn ra vào tháng 3-2019 và tiếp đến là đấu trường SEA Games cuối năm tại Philippines. Cả hai sân chơi này đều quan trọng, giữa một giải là đương kim á quân và SEA Games cho lứa U-23 mà ông Park rất muốn tái khẳng định vị thế của mình với tư cách là vua Đông Nam Á.
Theo Báo Mới
1 bức ảnh, 3 số phận khác nhau trên sân cỏ của Công Vinh, Văn Quyến và Anh Đức Hơn 10 năm trước, Công Vinh - Văn Quyến - Anh Đức đã cùng nhau chụp chung một tấm ảnh để rồi đến hiện tại, khi Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 người hâm mộ mới đoán và biết được hết số phận của từng người. 1.Công Vinh - Người hùng tỏa sáng trong AFF Cup 2008 Trong trận chung kết AFF...