Những nhà tù chật ních ở Honduras giữa đại dịch
Hàng trăm tù nhân chen chúc trong những căn phòng vốn chỉ dành cho 70 người, họ chỉ được lấy nước vài lần một tuần và phải chia sẻ một phòng tắm.
Đối với Yerbin Estrada (trong ảnh), thời điểm tồi tệ nhất là khi Mặt Trời bắt đầu lặn. Hàng trăm tù nhân trong nhà tù La Esperanza ở miền Trung Honduras phải rời khỏi sân để trở về phòng giam chật chội, đông đúc của họ, “Đó là khi địa ngục thực sự bắt đầu”, chàng trai 25 tuổi khỏe khoắn nói. Anh không quên liếc nhìn những người bảo vệ được trang bị vũ trang ở trên sân thượng, như bóng đen che phủ bầu trời của mình.
Suốt đêm, 130 người đàn ông chui rúc trong căn phòng giam chật chội, tù túng. Estrada lại nghe thấy những tiếng chuột chút chít, khó chịu chạy qua, Reuters.
Anh đang thụ án năm thứ 4 trong bản án 6 năm tù vì tội tàng trữ cần sa ở La Esperanza, nhà tù an ninh cấp thấp lọt thỏm giữa rừng thông, rặng sồi và những ngọn núi. Tên của nhà tù trong tiếng Tây Ban Nha nghĩa là “hy vọng”, theo Reuters.
Sau song sắt, họ phải tuân theo điều luật tối thượng: quan sát, lắng nghe và im lặng. “Cách tốt nhất để ra ngoài bình an vô sự là luôn cúi đầu”, Estrada nói. Trong ảnh, Gerson Ramos, 24 tuổi, chờ đợi các nhân viên nhà tù hoàn tất một số giấy tờ trước khi được thả ra.
Ở lối vào có một tấm bảng trắng để điểm danh hàng ngày. Dòng trên cố định một nội dung: “Sức chứa của nhà tù: 70 tù nhân”. Nhưng dòng dưới là những con số lúc lên lúc xuống. Trong ngày 14/5, nó đề 454 người. Trong ảnh, anh Israel Miranda, 35 tuổi, ôm hôn mẹ, bà Camilla, khi bà đến thăm.
Vấn đề của La Esperanza là vấn đề chung của các nhà tù trên khắp Mỹ Latin, Giám đốc Jose López Cerrato cho biết. Những bản án nghiêm khắc với các tội trạng nhỏ, quá trình điều tra thiếu sót và nhiều người bị giam giữ mà không bị buộc tội trong vài năm là nguyên nhân khiến cho dân số nhà tù đông đúc. Trong ảnh, một tù nhân có vấn đề về hô hấp được bác sĩ kiểm tra.
Đặc ân duy nhất đối với họ là những ngày thăm thân, khi người nhà của họ được bước vào trong sân của nhà tù, hay họ được tiếp quản nhà bếp, chơi bóng và cầu nguyện.
Video đang HOT
Nhưng khi virus corona bùng lên ở Honduras, chính quyền đã cấm các chuyến thăm. Các tù nhân phải trả khoản tiền đắt đỏ để được gọi điện từ nhà tù. Giờ đây, họ bị cắt đứt liên hệ với thế giới bên ngoài. Trong ảnh, các tù nhân mang theo xô đứng xếp hàng chờ lấy nước tắm và giặt từ một bể nước bê tông lớn trong sân nhà tù.
Ngoài rủi ro về sức khỏe do số tù nhân quá tải, các nhân viên nhà tù còn lo lắng các tù nhân có thể bị tổn thương tinh thần. “Chấm dứt các chuyến thăm thân là điều tồi tệ nhất. Đó là những gì họ cần nhất vì nó mang lại hy vọng”, Jacinto Hernández, nhà tâm lý học của nhà tù La Esperanza nói. “Tôi sợ nó có thể gây ra làn sóng bạo lực nếu virus lây lan và sự lo lắng gia tăng. Cuộc tấn công của virus đã mạnh hơn, khiến cho họ gần như không có không gian để thở”.
Ông Hernández ước tính khoảng 1/5 số tù nhân nam đã ra khỏi tù với chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương mà họ không mắc phải khi đến đây.
Honduras đã có hơn 2.000 ca nhiễm và 120 người chết vì virus corona. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng những con số này thấp hơn thực tế.
Đến nay, hầu hết 29 nhà tù của nước này chưa có ca nhiễm, nhưng nếu virus lây lan ở những nơi ngột ngạt, tù túng này, hậu quả sẽ rất thảm khốc. Các nhà tù của Honduras được thiết kế dành cho khoảng 10.000 tù nhân, nay phải căng mình chứa gần 22.000 người.
Các tù nhân chỉ có thể lấy nước vài lần một tuần. Họ phải chia sẻ một phòng tắm. Đặc biệt, nam giới phải tắm bằng nước lạnh từ các xô nước đã dùng để giặt quần áo. Bệnh về hô hấp thường gặp ở đây khi các tù nhân phải ngủ dưới nền đất trong vùng không khí lạnh của vùng núi.
Giãn cách xã hội bất khả thi tại nơi 250 người chung một nhà vệ sinh
Giãn cách xã hội trở nên bất khả thi tại tòa nhà ở Jakarta - nơi hơn 250 người tị nạn chung sống trong cảnh chật chội, nước sạch hạn chế, và chỉ có một nhà vệ sinh.
Từng là giáo viên tiếng Anh, Zakir Hussain nay đã từ bỏ hy vọng có một tương lai tươi sáng. Gia đình Hussain cùng 250 người khác, tất cả là người nhập cư, đang sống chui rúc tại một tòa nhà ở Kalideres, phía Tây thủ đô Jakarta của Indonesia, trong hơn 10 tháng qua, theo Channel NewsAsia.
Tòa nhà nơi hơn 250 người sinh sống chỉ có duy nhất một nhà vệ sinh, nước sạch chỉ được cung cấp từ 6h-9h và từ 16h-21h. Tòa nhà chỉ đôi khi có điện.
Zakir cho biết luôn lo lắng về điều kiện sống, bởi anh cùng những người sống tại tòa nhà không thể thường xuyên rửa tay cũng như giữ vệ sinh phù hợp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành ở Indonesia.
Giãn cách xã hội là bất khả thi
Tòa nhà nơi Zakir và gia đình hiện sinh sống được chính quyền thủ đô Jakarta bố trí cho người tị nạn, chủ yếu đến từ Afghanistan, Somalia và Myanmar. Những người tị nạn phần lớn nộp đơn lên Liên Hợp Quốc xin tái định cư ở các nước phát triển như Mỹ, Australia và Canada.
Ban đầu, chính phủ cung cấp lương thực cho hơn 1.100 người tị nạn sống tại tòa nhà. Tuy nhiên, nhà chức trách yêu cầu người tị nạn rời khỏi cơ sở này từ 31/8/2019, mỗi gia đình được nhận khoản hỗ trợ trị giá 67USD.
Nhiều gia đình chấp nhận đề nghị của chính phủ, nhận tiền và rời đi. Tuy nhiên, hàng trăm người vẫn tiếp tục bám trụ lại tòa nhà, trong đó có Zakir, cho rằng khoản hỗ trợ 67USD không thể giúp họ trụ lại trên đường phố.
Gia đình Zakir chung sống cùng hơn 250 người tại tòa nhà ở phía Tây Jakarta. Ảnh: Channel NewsAsia.
Chính quyền Jakarta đã tới thăm và cung cấp nước rửa tay cho người tị nạn tại Kalideres vào cuối tháng 3, khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng ở Indonesia. Zakir cho biết người tị nạn tại đây hiểu rõ giữ gìn vệ sinh là tối quan trọng để tránh nhiễm dịch, tuy nhiên điều này không dễ dàng trong điều kiện sinh sống tồi tàn tại tòa nhà.
Zakir cho biết cuộc sống tại tòa nhà ở Kalideres hết sức thiếu thốn. Trong khi có một số phòng tắm riêng, tất cả nam giới và phụ nữ phải dùng chung một nhà vệ sinh. Gần đây, người tị nạn đã tự làm một nhà vệ sinh tạm phủ bằng vải bạt ở sân cạnh tòa nhà.
"Mọi người đều bị suy sụp, đặc biệt trong tháng lễ Ramadan. Chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong thời gian làm lễ cầu nguyện. Hơn 200 người có nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh cùng lúc", Zakir nói. Thông thường, người Hồi giáo phải tắm rửa bằng nước trước khi cầu nguyện.
Gặp hạn chế trong sử dụng nhà vệ sinh và nước sạch, người tị nạn tại tòa nhà thường phải đi tới siêu thị gần đó để sử dụng nhà vệ sinh. Tuy nhiên, điều này buộc họ phải ra bên ngoài, vi phạm lệnh ở trong nhà khi chính quyền Jakarta ban bố lệnh phong tỏa diện rộng để đối phó với dịch bệnh.
Một số người tị nạn cũng gặp khủng hoảng khi thường xuyên phải tiếp xúc với người khác ở khoảng cách gần và không thể hít thở không khí trong lành.
"Mọi người đã đầu hàng về tinh thần bởi họ biết phải làm gì để tránh nhiễm bệnh nhưng không thể làm theo. Họ (chính phủ) yêu cầu ở trong nhà, nhưng chúng tôi không có nhà", Zakir nói.
Trong hơn 250 người tị nạn, nhiều người ra ngoài và đi tới thánh đường Hồi giáo gần đó để thực hiện nghi lễ cầu nguyện vào ban đêm.
"Nếu có một người bị nhiễm bệnh, những người khác sẽ mau chóng bị lây bởi không có giãn cách xã hội ở đây, chúng tôi không có cách nào giữ khoảng cách với người khác. Có hơn 200 người ở đây, nếu chúng tôi nhiễm bệnh, sẽ có nguy hiểm cho người dân địa phương bởi chúng tôi vẫn ra ngoài đi tới siêu thị", Zakir cho biết.
Không còn sức vì thiếu ăn
Đồ ăn của Zakir và những người tị nạn chủ yếu phụ thuộc vào lòng hảo tâm của người dân địa phương sống gần tòa nhà. Theo luật pháp Indonesia, người tị nạn bị từ chối cho phép lao động.
Zakir cho biết người tị nạn tại đây chủ yếu nhận được nước lọc và bánh mì. Mì ăn liền được những người tị nạn coi là "thức ăn xa xỉ". Do đồ ăn có hạn, những người tị nạn ở Kalideres bỏ qua bữa sáng, chỉ ăn vào trưa và tối.
Nhà vệ sinh dựng tạm tại khuôn viên gần tòa nhà người tị nạn sinh sống. Ảnh: Channel NewsAsia.
Zakir tin rằng những người tị nạn tại tòa nhà gia đình anh sinh sống không có được hệ miễn dịch tốt nhất để chống chọi với Covid-19, nếu nhìn vào cuộc sống và đồ ăn của họ trong 10 tháng đã qua.
"Và bây giờ, trong tháng Ramadan, chúng tôi không được uống nước từ sáng sớm cho tới tối. Chúng tôi hiện rất yếu", Zakir cho biết.
Hiện tại, chưa có người nào trong tòa nhà ở Kalideres bị nhiễm virus corona. Tuy nhiên, lo lắng là điều không tránh khỏi, trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh ở Jakarta tăng lên từng ngày.
"Với người lớn thì không sao, họ sẽ sống sót. Nhưng còn trẻ em thì sao? Chúng không có sữa, chúng thậm chí không được tới bác sĩ để kiểm tra sức khỏe thường xuyên, mọi thứ rất khó khăn", Zakir cho biết.
Tất cả người tị nạn sống tại tòa nhà ở Kalideres là tín đồ Hồi giáo, tuy nhiên nhiều người trong số này không thể hoàn thành nghi lễ cầu nguyện Taraweh vào ban đêm do không đủ sức khỏe, Zakir cho biết.
Dịch bệnh phá hỏng kế hoạch tái định cư người tị nạn
Taufan Bakri, quan chức phụ trách vấn đề của thủ đô Jakarta, cho biết chính quyền nắm được tình hình về điều kiện sinh sống của người tị nạn ở Kalideres.
Ông Bakri khẳng định nhà chức trách Malaysia đã phối hợp với Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền để hỗ trợ người tị nạn, tuy nhiên kế hoạch tái định cư người tị nạn bị tạm dừng do đại dịch Covid-19 bùng phát.
"Thực ra chúng tôi rất lo ngại về họ, tuy nhiên tình hình hiện tại không cho phép chúng tôi làm được gì nhiều", ông Bakri nói, cho biết Jakarta có tới 1,2 triệu người nghèo cần chăm sóc.
Quan chức này cho biết chính quyền thành phố không thể cung cấp nước sạch 24 giờ mỗi ngày bởi điều này sẽ tạo ra khoản gánh nặng tài chính hàng nghìn USD mỗi tháng nằm ngoài ngân sách.
Nhiều người tị nạn ngủ trong lều bạt tại tòa nhà. Ảnh: Channel NewsAsia.
"Chúng tôi thực ra không có nghĩa vụ chăm sóc họ bởi họ là người tị nạn tự do. Chúng tôi rất lấy làm tiếc về tình cảnh của họ nhưng không thể làm gì nhiều. Chúng tôi vẫn cố gắng tạo điều kiện tiếp cận điện và nước ở mức tối thiểu", ông Bakri cho biết.
Ông Bakri nói nhà chức trách Jakarta đã tới nơi cư trú của người tị nạn để phát nước rửa tay và khẩu trang, cũng như khử trùng tòa nhà. Dự kiến, nhà chức trách sẽ tiếp tục tiến hành khử trùng tòa nhà nơi người tị nạn sinh sống vào cuối tháng 5.
Khi đại dịch qua đi, nhà chức trách Indonesia sẽ thảo luận với các tổ chức có liên quan về việc tái định cư người tị nạn, ông Bakri nói. Tuy nhiên, quan chức Indonesia cảnh báo có khả năng không quốc gia nào chấp nhân mở cửa cho người tị nạn ở thời điểm hiện tại do tình trạng dịch bệnh toàn cầu.
Mỹ nguy cơ trả giá vì nôn nóng mở cửa Sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng, dân Mỹ tràn ra các bãi biển và công viên, dù nCoV vẫn có thể âm thầm lây lan giữa đám đông. Mỹ hiện ghi nhận gần 82.000 người chết vì nCoV, cao hơn nhiều so với con số 60.000 từng được dự đoán hồi tháng 8. Tổng thống Donald Trump cho rằng số ca...