Những người Trung Quốc đối mặt Tết cô độc
Pang Qingguo, tiểu thương ở Hà Bắc, luôn về quê đoàn tụ gia đình mỗi dịp năm mới, nhưng giờ đây đối mặt nguy cơ đón Tết một mình.
Thông thường, hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ đi máy bay, tàu hỏa, ô tô để về đoàn tụ với gia đình trong Tết Nguyên đán, cùng nhau quây quần bên mâm cỗ và ngắm pháo hoa đón năm mới. Đối với nhiều người lao động xa quê, kỳ nghỉ lễ lớn nhất năm này là khoảng thời gian duy nhất họ được gặp người thân.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước Tết Nguyên đán năm ngoái, giới chức quyết định áp đặt lệnh phong tỏa trên diện rộng, đình chỉ các chuyến tàu và chuyến bay khắp đất nước. Trong chớp mắt, hàng chục triệu người tại thành phố Vũ Hán, nơi nCoV khởi phát, và các thành phố lân cận được yêu cầu ở nhà.
Trung Quốc sau đó nhanh chóng kiểm soát đại dịch, cuộc sống cũng gần như đã trở lại bình thường ở nhiều nơi. Tuy nhiên, vài tuần gần đây, khi Tết Nguyên đán đã cận kề, các ổ dịch mới lại xuất hiện ở một số tỉnh thành, dẫn đến các lệnh phong tỏa và xét nghiệm diện rộng.
Trung Quốc hôm nay ghi nhận 52 ca nhiễm mới, thấp hơn rất nhiều so với các vùng dịch lớn trên thế giới. Tuy nhiên, giới chức tỏ ra lo ngại khi dòng người đông đúc dự kiến di chuyển trong dịp Tết Nguyên đán, thúc đẩy một số địa phương thắt chặt hạn chế đi lại và tăng cường biện pháp phòng dịch.
Người dân xem đồ trang trí dịp Tết Nguyên đán tại một khu chợ ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, hôm 25/1. Ảnh: AFP .
Giới chức yêu cầu những người về quê dịp Tết phải cách ly hai tuần và tự trả tiền xét nghiệm nCoV. Nhiều lao động xa quê, phải làm việc nặng lương thấp tại các thành phố lớn như Pang Qingguo, cho biết quy tắc phòng dịch này khiến họ không thể đi đâu.
Pang, người mắc kẹt ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, sau khi Covid-19 bùng phát năm ngoái, mô tả quê nhà của anh ở phía đông bắc tỉnh Hắc Long Giang, cách Đường Sơn gần 1.300 km, là “nơi hạnh phúc nhất”. Do đó, viễn cảnh đón Tết một mình khiến Pang vô cùng đau khổ. Vài ngày gần đây, anh đăng ảnh con gái 7 tuổi lên mạng xã hội và bày tỏ nỗi tuyệt vọng.
“Xã hội thật tàn nhẫn. Tôi thực sự nhớ con gái mình, nhưng chẳng thể làm gì được”, người đàn ông 31 tuổi cho hay.
Nhiều người trong số khoảng 300 triệu lao động di cư của Trung Quốc cũng đối mặt thực tế tương tự và chuẩn bị tâm thế nghỉ lễ một mình. Zhu Xiaomei, nhân viên một cửa hàng vải tại thành phố Hàng Châu, thường đi chuyến tàu 30 giờ để về quê ở tỉnh Tứ Xuyên với gia đình. Năm nay sẽ là lần đầu tiên cô ở lại bên trong căn phòng ký túc rộng 12 m2 không có bếp.
“Đương nhiên là tôi khá buồn. Tôi chưa bao giờ phải trải qua cảm giác này”, người phụ nữ 40 tuổi chia sẻ.
Trước nỗi ấm ức của những người lao động xa quê, chính quyền đã cố gắng xoa dịu bằng các chính sách như tặng giỏ quà Tết, cung cấp voucher giảm giá mua sắm và nhiều hoạt động khuyến khích họ ở lại thành phố.
Tại Thượng Hải, giới chức có kế hoạch thanh toán tiền điện thoại và hóa đơn y tế cho những người không về quê. Trong khi đó, chính quyền thủ đô Bắc Kinh khuyến khích các công ty trả lương cho nhân viên làm thêm giờ. Những người làm nghề giúp việc được thông báo họ sẽ nhận khoảng 60 USD/ngày nếu làm việc dịp Tết. Tại thành phố Thiên Tân, chính quyền cũng cam kết trợ cấp cho doanh nghiệp có lao động ở lại qua Tết.
Một số địa phương thậm chí cam kết tăng cường quyền tiếp cận các phúc lợi xã hội, như giáo dục đào tạo và y tế. Vài quan chức còn đề nghị tạo điều kiện hơn trong việc đăng ký hộ khẩu thành phố cho người di cư từ nông thôn không về nhà đón Tết năm nay.
“Thông qua những biện pháp ấm lòng này, hãy tạo điều kiện để người lao động xa nhà ở nguyên tại chỗ và đón Tết vô lo nghĩ”, Chen Yongjia, một quan chức Trung Quốc, phát biểu tuần trước tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh do Quốc vụ viện chủ trì.
Trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang đến gần, những biểu ngữ lớn nhằm thuyết phục người dân tránh di chuyển xa cũng bắt đầu xuất hiện, truyền đi các thông điệp như “Khẩu trang hay máy thở? Chọn một trong hai”, “Mang virus về nhà là bất hiếu”, “Bạn hoàn toàn bất lương nếu lây bệnh cho cha mẹ”.
Loạt nỗ lực này của giới chức Trung Quốc hướng đến ngăn chặn đại dịch bùng phát mạnh, có thể gây tổn hại đà phục hồi kinh tế của đất nước. Đợt phong tỏa năm ngoái khiến kinh tế Trung Quốc bị suy giảm lần đầu tiên trong gần nửa thế kỷ, nhưng tình hình tươi sáng hơn khi giới chức yêu cầu các ngân hàng nhà nước cho vay và mở cửa lại các nhà máy. Hồi đầu tháng, Trung Quốc báo cáo mức tăng trưởng 2,3% trong năm 2020, nhiều khả năng sẽ vượt xa những nước lớn khác, bao gồm Mỹ.
Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế trong dịp nghỉ lễ khiến nỗi khổ của những lao động di cư Trung Quốc thêm chồng chất. Nhiều người đã không có việc làm suốt nhiều tháng trong năm ngoái do nền kinh tế đình trệ giữa loạt lệnh hạn chế và phong tỏa, một số khác vật lộn mưu sinh vì số giờ làm và lương bị cắt giảm.
Shi Baolian, công nhân một nhà máy hóa chất ở thành phố Tô Châu, cho biết cô luôn mong ngóng ngày được về nhà gặp cha và giúp ông dọn dẹp nhà cửa đón Tết. Tuy nhiên, kế hoạch tan vỡ sau khi xuất hiện một ổ dịch ở quê nhà tại tỉnh Hà Bắc.
Giờ đây, Shi dự định đón Tết cùng chồng tại Tô Châu. Nhưng đối với cô, thành phố này “không có chút không khí năm mới nào”. Shi nhớ pháo hoa và những câu đối vàng đỏ ở quê hương.
“Tôi không thể về nhà, nên sẽ chỉ làm việc. Sau khi đại dịch chấm dứt, chúng tôi sẽ trở về”, người phụ nữ 47 tuổi nói.
Trung Quốc xây bệnh viện Covid-19 1.500 phòng trong 5 ngày
Trung Quốc ngày 16/1 hoàn thành bệnh viện dã chiến 1.500 phòng sau 5 ngày xây dựng để đối phó với đợt bùng phát dịch mới ở Hà Bắc.
Bệnh viện được xây dựng theo kỹ thuật tiền chế (lắp ghép các khối đúc sẵn) trong khuôn viên của một nhà máy bên ngoài thành phố Nam Cung ở tỉnh Hà Bắc, đông bắc Trung Quốc. Mỗi phòng rộng 18 m2, được trang bị giường, sưởi điện, bồn rửa, toilet và kết nối Internet.
Bệnh viện dã chiến ở Hà Bắc. Video: kankanews.
Đây là một trong 6 bệnh viện dã chiến được xây dựng ở Nam Cung với tổng số 6.500 phòng. 645 người đang được điều trị tại Nam Cung và Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc. Một bệnh viện dã chiến 3.000 phòng cũng đang được xây dựng ở Thạch Gia Trang.
Đầu năm ngoái, Trung Quốc đã thần tốc xây dựng các bệnh viện dã chiến và cải hoán nhà thi đấu thành trung tâm cách ly để đối phó với đợt bùng phát tại Vũ Hán. Trung Quốc sau đó gần như kiểm soát được virus nhưng các ổ dịch mới bắt đầu xuất hiện kể từ tháng 12/2020.
Thành phố Thạch Gia Trang, Hình Đài và Lang Phường ở tỉnh Hà Bắc, một số khu vực của thủ đô Bắc Kinh và các thành phố khác ở đông bắc Trung Quốc đã áp lệnh hạn chế đi lại. Các tuyến giao thông bị chặn, 20 triệu người được yêu cầu ở nhà trong những ngày tới.
Công nhân xây dựng bệnh viện dã chiến tại Hà Bắc ngày 14/1. Ảnh: Reuters .
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc nhận xét tình trạng lây lan diễn ra nhanh bất thường. "Tình hình khó xử lý hơn", một tuyên bố của Ủy ban cho biết. "Việc lây lan trong cộng đồng đã xảy ra trước khi bị phát hiện nên rất khó ngăn chặn".
Ủy ban cho rằng ca nhiễm mới xuất phát từ người hoặc hàng hóa đến từ nước ngoài. Trung Quốc nhiều lần tuyên bố phát hiện nCoV trên bao bì hải sản đông lạnh nhập khẩu, mặc dù các nhà khoa học nước ngoài bày tỏ nghi ngờ.
Trung Quốc ngày 17/1 ghi nhận 109 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 88.000, trong đó hơn 4.600 người chết.
Nguồn gốc của virus tại ổ dịch Covid-19 ở Hà Bắc Tính đến ngày 11/1, 364 trường hợp mắc Covid-19 đã được phát hiện ở Thạch Gia Trang và Hình Đài (Hà Bắc, Trung Quốc). Theo Xinhua , sau khi giải trình tự gene trên các mẫu bệnh phẩm của người mắc Covid-19, Trung tâm Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Hà Bắc phát hiện chủng virus SARS-CoV-2 của ổ dịch mới có nguồn gốc...