Những người Nga cố gắng cứu những tòa nhà lịch sử của Kaliningrad
Doanh nhân Viktor Saltanovsky hy vọng phục hồi tòa nhà đổ nát có từ thế kỷ 19 mà ông đã mua ở thị trấn Zalesye, thành phố Kaliningrad, Nga.
Với một chìa khóa kim loại lớn, Viktor Saltanovsky mở các cánh cửa gỗ to của một tòa nhà gạch bị bỏ hoang trong ngôi làng Zalesye cách thành phố Kaliningrad 70km về phía đông bắc – trước đây là Koenigsberg.
Trụ sở cảnh sát và nhà tù cũ của Zalesye
Cầu thang bằng đá rất tối, đầy bụi và dẫn đến một hành lang nhỏ trên lầu 2. Bước qua những cánh cửa, người ta có thể thấy những căn phòng nhỏ, trống, mỗi phòng được chiếu sáng bởi một cửa sổ hình vòm được che chắn bởi những thanh sắt vững chắc. Các cánh cửa có các con số và lỗ nhòm. Một vài cái bếp lò gốm nguội lạnh và bong ra từng mảng trong hành lang.
“Những người Đức đến và gặp tôi”, Saltanovsky kể, “những người ở trong nhà tù ở đây – trong 1 hoặc 2 tháng, vì nhiều chuyện khác nhau. Một người ăn cắp một con bò hoặc một con ngựa, những người khác vi phạm một số tội nhỏ nhặt khác”.
Saltanovsky, một doanh nhân sở hữu hai cửa hàng ở Zalesye và một nhà nghỉ ở một khu dân cư bên ngoài thị trấn, giờ đây cũng làm chủ tòa nhà gạch to lớn có từ thế kỷ 19 này – trụ sở cảnh sát và nhà tù khi Zalesye là thị trấn của Liebenfelde, Đông Phổ. Ông mua tòa nhà vào cuối năm ngoái.
“Bạn có thể tưởng tượng cách vợ tôi phản ứng”, ông cười. “Hãy thử hình dung ông chồng bạn bước vào nhà và nói, ‘Em yêu, anh mua cho em một ngôi nhà đổ nát’”.
Doanh nhân Viktor Saltanovsky hy vọng khôi phục tòa nhà xiêu vẹo có từ thế kỷ 19 mà ông mua ở thị trấn Zalesye, thành phố Kaliningrad, Nga
Phía trước, nhà tù của Saltanovsky dường như không trong tình trạng hư hỏng nặng như thế, nếu người ta không nhìn chăm chú những cây bạch dương mọc lởm chởm giữa những mái ngói. Nhưng khi đi vòng ra đằng sau, bức tranh kinh khủng hơn. Một nửa mái ngói đổ sập trong tòa nhà và mặt chiếu đứng xuống cấp khủng khiếp.
Mất khoảng 4 đến 5 triệu rúp (65.000 đến 80.000 USD) để gia cố cấu trúc, Saltanovsky ước tính.
“Rõ ràng, mọi thứ đã bị phá hủy, trong đó có sự góp phần của thế hệ chúng tôi”, ông giải thích. “Các cửa sổ bị vỡ. May mắn thay, các thanh sắt vẫn chưa bị lấy làm phế liệu. Mái nhà bị sập. Tòa nhà là một tòa nhà tốt, nhưng cần sửa chữa nhiều. Mục đích của tôi là cố gắng cứu được phần nào thì cứu”.
Di sản phong phú
Nhà tù Liebenfelde có lẽ là một ví dụ may mắn của sự phong phú về mặt di sản kiến trúc đá và gạch mà Liên Xô bỗng dưng có được khi sáp nhập Đông Phổ sau Thế chiến thứ 2 và tạo nên Kaliningrad Oblast, một khu vực có kích thước bằng với Montenegro nằm giữa Ba Lan và Lithuania bên bờ biển Baltic.
Khi nó là một phần của Đông Phổ, khoảng 5.000 người sống ở Liebenfelde. Nó có một ga xe lửa lớn, một nhà thờ đẹp, một ngân hàng, một tòa án, và, dĩ nhiên, một nhà tù. Nhưng các tòa nhà xiêu vẹo và những con đường ổ gà đem đến một bức tranh khác về ngôi làng này với khoảng 1.000 cư dân.
“Có một lần, một vị giáo sư Đức nói với tôi: ‘Tôi hiểu rằng các anh thắng trận và nơi này là của các anh. Nhưng tại sao các anh lại phá hủy nó?’” Saltanovsky nhớ lại. “Và một người Đức khác nói với tôi câu này làm tôi nhớ mãi: ‘Khi tôi đến đây, cứ như ai cầm cây đâm vào mắt tôi’. Đó là điều đau đớn đối với ông ấy”.
Zalesye ngày nay
Từ nhà tù của Saltanovsky bước ra đường một chút là đến khu phức hợp các tòa nhà thế kỷ 19 mà giờ đây thuộc về nhà thờ Chính thống giáo Nga.
“Cách đây 30 năm, nhà thờ đó khá đẹp”, Saltanovsky trần tình. “Ở thời điểm đó, tốn khoảng 50.000 mác Đức (28.000 USD) để khôi phục nhà thờ, và những người Đức sẵn sàng chi tiền. Nhưng chúng tôi từ chối. Người ta nói chúng tôi – những người không có đức tin vào Chính thống giáo Nga – không cần đến đây”.
“Vì thế, chúng tôi hỏi linh mục rằng nhà thờ sẽ làm gì với các tòa nhà”, ông kết luận. “Và linh mục đáp, ‘Nói thật, chúng ta sẽ đập để lấy gạch’”.
Số phận buồn đối với những tòa nhà như thế rất phổ biến, Oleg Li, điều phối viên Tổ chức phi chính phủ Di sản Văn hóa Phổ, cho biết.
“Những mất mát rất lớn”, Li tâm sự. “Nhưng vẫn có những nơi với những con người như thế. Đập các tòa nhà để lấy gạch được thực hiện trên một quy mô to lớn ở những vùng đông và nam của khu vực, nơi nền kinh tế rất tệ. Ở các thành phố biển, và đặc biệt ở Kaliningrad, họ chỉ phá hủy để lấy đất xây công trình mới”.
Tổ chức của Li kể 35 tòa nhà, một cây cầu, và một cái hầm dưới lòng đất đã bị phá hủy chỉ tính riêng trong năm 2019. Tất cả những công trình kiến trúc này không thuộc tình trạng cần được bảo vệ. Không có danh sách chính thức cho những công trình như thế.
Ước tính khoảng 30% các tòa nhà của khu vực trong điều kiện không còn sử dụng được nữa khi Liên Xô sáp nhập khu vực vào năm 1945.
“Chiến tranh đã chấm dứt (từ lâu), nhưng chúng tôi vẫn mất mát nhiều thứ từ năm này sang năm khác”, Li trần tình.
Những câu chuyện thành công
Tuy nhiên, xã hội nhận thấy một số câu chuyện thành công.
Cách Kaliningrad 120km, tại thành phố Neman, một doanh nhân tên Ivan Artyukh, người miêu tả bản thân là “một nhà mạo hiểm lãng mạn”, đã thuê lâu đài Ragnit thuộc Nhà thờ Chính thống giáo Nga trong 20 năm.
Ông không có kế hoạch gì, dù ông hy vọng gìn giữ ít nhất một số bức tường còn lại.
Bên ngoài Kaliningrad, một cặp vợ chồng từ Belgorod tên Nadezhda và Sergei Sorokin đang làm việc để khôi phục lâu đài Valdau, lâu đài từng đón tiếp Napoleon.
“Chúng tôi cần nơi này”, Nadezhda Sorokina bộc bạch. “Lâu đài này là một nhân chứng sống trong 12 thế kỷ lịch sử. Napoleon đã ở đây”.
“Chúng cần nó”, cô nói thêm, khi chỉ 2 đứa con trai của cô, Savely và Pasha.
Công việc sửa chữa sẽ tốn nhiều triệu rúp.
“Không có nhiều ví dụ như thế, nhưng chúng tồn tại”, Li trình bày. “ Lâu đài Langdorf được trùng tu và giờ đây rất đẹp và được dùng như một khu nghỉ dưỡng”.
“Điều chúng tôi cần là sự quyết tâm của nhà nước”, Viktoria Korneva, giám đốc Công ty du lịch Khobbi-tur tâm sự. “Những cá nhân không thể giải quyết các vấn đề này. Chính sách nhà nước cần kiên quyết. Chúng ta hoặc muốn gìn giữ lịch sử, hoặc không. Cho rằng đây là hình thức du lịch chính (trong khu vực), thật buồn khi đánh mất tất cả những địa điểm như thế này”.
Viktor Saltanovsky hy vọng biến chỗ đầu tư của mình thành quán cà phê, bảo tàng và nhà trọ
Viktor Saltanovsky là một ví dụ hoàn hảo về doanh nhân mơ mộng.
“Tôi ngạc nhiên khi thấy tòa nhà rất đẹp”, ông nói, khi ngước nhìn nhà tù của mình. “Mọi thứ được xây dựng mới đẹp làm sao! Ngay từ đầu, đây là một dự án liều lĩnh. Thành thật mà nói, tôi không có một kế hoạch nào cả. Tôi sống trong một ngôi nhà Đức và tôi là người gốc Đức. Tôi muốn bỏ lại mọi hận thù phía sau. Và phải thừa nhận, sở hữu một nhà tù khá là thú vị”.
Giờ đây, ông hy vọng biến lầu trệt thành quán cà phê và một bảo tàng nhỏ. Ông lên kế hoạch biến các phòng giam ở lầu trên thành nhà trọ.
“Tôi có thể cho thuê các phòng với giá 200 rúp (3.25 USD)/ngày cho những người công nhân nông nghiệp địa phương”, ông trình bày. “Trong làng này, không có nhiều nơi để ở”.
Giờ đây, ông dọn dẹp sân tập thể dục của nhà tù cũ và lên kế hoạch mở một cửa hàng nhỏ và một nhà hàng bia ngoài trời ở đó.
“Tòa nhà này giống như một đứa con nuôi hoặc một bệnh nhân nằm liệt giường”, ông chia sẻ. “Có thể đó không phải là vật thể sống, nhưng nó cũng muốn sống như những con người kia”.
Mê Linh
Theo motthegioi.vn
Thành cổ hàng nghìn năm ẩn mình trong đá
Thành cổ Petra (Jordan) là một trong những thành phố lâu đời nhất thế giới. Năm 1985, Petra được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Ngọc Lệ
Theo news.zing.vn/BBC
Vạn Lý Trường Thành và sự liên kết của 5 thời vua Theo sách "Lịch sử văn minh thế giới", Vạn Lý Trường Thành là công trình được xây dựng hơn 2.000 năm xuyên suốt lịch sử Trung Quốc. Trong đó có 5 giai đoạn hình thành chính dưới các triều đại khác nhau. Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc là một trong những công trình kiến trúc vĩ đại của nhân loại. Theo...