Những người cuối cùng nhuộm răng bằng… khói bếp
Khi được hỏi về cách nhuộm răng, bà Lò Thị Bằm (bản Ngàm hạ) miệng bỏm bẻm nhai trầu, tay mân mê mấy bó vỏ gia, thủng thẳng đáp: “Ăn khói bếp!”.
Hình ảnh “Những cô hàng xén răng đen. Cười như mùa thu tỏa nắng” (Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm) dường như chỉ còn là một bức tranh cổ điển trong những tháng năm xưa cũ và sẽ không bao giờ còn xuất hiện trở lại trong thời đại ngày nay.
Thế nhưng, trong một lần đến bản Ngàm thuộc xã Yên Thắng, vùng đất phía Tây huyện miền núi giáp biên Lang Chánh (Thanh Hóa), nơi mà mọi sự thay đổi đều diễn ra khá chậm chạp, tôi đã bắt gặp những nụ cười đen nhánh của một thế hệ người Thái cuối cùng vẫn còn giữ tục nhuộm răng bằng khói bếp.
Những người bán vỏ gia ở chợ Ngàm và nụ cười đen nhánh nhờ nhuộm răng.
Video đang HOT
Muốn răng đen phải “ăn khói bếp”
Buổi sáng vùng cao, trời đất khi nào cũng đủ lạnh để xui khiến con người tìm đến những nơi đông vui nhất, nhộn nhịp nhất và nơi đó không gì hơn là một buổi chợ phiên họp vào ngày Chủ nhật của mỗi tuần. Không giống như người thành phố đi chợ để mua bán qua quít những thứ cần thiết trong ngày, ở đây, người ta đi chợ chủ yếu để gặp gỡ, để được chơi, được nói, được cười, cho nên dù có phải qua dăm con suối, chục ngọn đồi, họ vẫn cứ thích đi. Nhưng thiết nghĩ, trong số những người đến chợ phiên ngày hôm ấy, tôi vẫn là người đi xa nhất khi phải vượt qua hơn 300 cây số từ Hà Nội mới đến được chốn heo hút này.
Chợ Ngàm không nhiều hàng hóa như ở các chợ vùng cao khác, chủ yếu là các loại rau quả và những món vật dụng của địa phương. Và thứ được bày bán nhiều nhất ở phiên chợ vùng cao này lạ thay không phải là những nhu yếu phẩm hàng ngày mà lại là vỏ cây gia, một loại “gia vị” dùng cho việc ăn trầu, trong khi cả khu chợ không hề thấy bóng dáng của một người bán trầu cau.
Bà Lò Thị Xoan (bản Ngàm thượng), một người bán vỏ gia cho biết: “Cau, trầu thì nhà ai mà chẳng có, nhà nào không có thì nhà khác cho chứ làm gì có ai bán mà mua, làm gì có ai mua mà bán. Nhưng mà cây gia này, nó chỉ mọc trên rừng thôi, phải mất công đi lấy về cho nên mới bán”. Vỏ gia được bó thành từng bó nhỏ, mỗi bó giá 10 nghìn đồng, mua về dùng cả tháng mới hết. Lúc này, tôi mới để ý tất cả những người bán vỏ gia trong chợ, người nào người nấy đều có hàm răng đen nhánh, đều như những hạt na. Và bởi vì họ rất hay cười cho nên những nụ cười càng thêm đen nhánh khiến tôi ngỡ như mình đang lạc vào một thế giới khác, một thế giới cổ xưa đầy huyền ảo phía sau những cánh cửa thời gian.
Có lẽ, đây là nơi duy nhất ở Việt Nam vẫn còn có nhiều người nhuộm răng đen đến vậy. Điều đặc biệt là cách nhuộm răng của họ hoàn toàn khác biệt so với những cách thông thường đã từng được ghi chép trong các tài liệu lịch sử. Người Thái ở đây không nhuộm răng bằng thuốc mà dùng một cách rất đơn giản là “ăn khói bếp”.
Theo truyền thuyết Việt Nam thì tục nhuộm răng là tục cổ xưa của dân tộc Việt, có từ thời các vua Hùng cùng với tục xăm mình và ăn trầu. ở mỗi vùng, mỗi giai cấp, người ta lại có cách nhuộm răng khác nhau, đơn giản hoặc cầu kỳ tùy theo điều kiện của mỗi người nhưng hầu hết đều phải dùng đến thuốc nhuộm. Đầu tiên, người ta dùng các cánh kiến tán nhỏ, vắt nước chanh để kín 7 ngày. Công việc nhuộm răng thường được tiến hành vào các buổi tối, trước lúc đi ngủ bằng cách phết thuốc vào hai mảnh lá dừa hoặc mo cau rồi ấp vào hai hàm răng. Trong khi nhuộm, người nhuộm răng phải kiêng nhai. Sau khi nhuộm như thế từ 5-7 ngày cho răng đỏ già ra màu cánh gián, người ta bắt đầu bôi thuốc răng đen. Thuốc răng đen làm bằng phèn đen trộn với cánh kiến, chỉ cần nhuộm khoảng 1 – 2 miếng là răng sẽ có màu đen nhánh. Để màu không bị phai, người ta tiếp tục lấy sọ dừa đốt cho chảy nhựa ra, lấy nhựa ấy phết vào răng như một lớp men bóng tráng lên trên. Người nhuộm răng thường kết hợp với việc ăn trầu để giữ cho màu đen của răng được bền và đẹp. Thế mới biết, người xưa đã phải mất không ít công phu cho việc làm đẹp của mình, nhất là để có được một hàm răng đen đúng tiêu chuẩn.
Khi được hỏi về cách nhuộm răng, bà Lò Thị Bằm (bản Ngàm hạ) miệng bỏm bẻm nhai trầu, tay mân mê mấy bó vỏ gia, thủng thẳng đáp: “ăn khói bếp”. Tò mò về việc “ăn khói bếp” của những người Thái răng đen ở bản Ngàm, tôi cố nài nỉ, bà Bằm đưa về nhà “ăn” thử một lần cho biết. Mấy bà cụ đang xúm quanh gùi vỏ gia của bà Bằm nghe thấy thế cứ úp mặt vào lưng nhau cười khúc khích. Họ bảo người trẻ bây giờ không ăn khói bếp mà chỉ nhai kẹo cao su thôi. Nhưng cuối cùng, bà Bằm vẫn đồng ý đưa tôi về nhà với điều kiện đội giúp bà bó rau cải vừa mua ở chợ. Mặc dù có thể xách bó rau trên tay nhưng chiều theo ý bà, tôi vẫn đội nó lên đầu để rồi cứ dăm bước lại đánh rơi một lần.
Bà Lò Thị Bằm đang nhuộm răng bằng khói bếp.
Mỗi chiếc lồ là một cuộc đời
Bước vào căn nhà sàn nằm cheo leo trên một đỉnh đồi cao, bà Bằm trịnh trọng lôi ra một miếng kim loại trên gác bếp. Miếng kim loại ấy được bà Bằm gọi tên là cái lồ. Đó là vật bất ly thân của những người phụ nữ ở bản Ngàm. Theo lời kể của bà Bằm thì mỗi cô gái Thái trong vùng khi bắt đầu đến tuổi dậy thì, khoảng 12, 13 tuổi đều được mẹ tặng cho một chiếc lồ dùng để nhuộm răng và họ sẽ giữ chiếc lồ ấy trong cả quãng đời của mình như một kỷ vật linh thiêng. Mặc dù đã nhìn thấy hình dáng của chiếc lồ và lời hướng dẫn của bà Bằm nhưng tôi vẫn không thể nào hình dung ra quá trình có vẻ kỳ quặc đó. Chỉ sau khi bà Bằm bắt đầu thực hiện các thao tác, tôi mới hiểu công việc đó đơn giản hơn rất nhiều so với trên lý thuyết.
Trong khi người miền xuôi thuở trước muốn có được hàm răng đen như ý phải trải qua hàng tuần, thậm chí cả tháng để thực hiện đầy đủ các công đoạn nhuộm với thuốc thì người Thái ở đây thực hiện điều đó chỉ với một cái lồ và một ống nứa hơ trên ngọn lửa. Bà bảo trước khi nhuộm răng, thông thường người ta phải ngậm lá chua vài tiếng đồng hồ để làm sạch răng.
Trong những tia nắng sớm xiên ngang qua khe cửa, bà Bằm khéo léo hơ một đầu ống nứa trên bếp lửa sao cho có thật nhiều khói phun ra ở đầu còn lại, rồi dùng chiếc lồ hứng lấy cột khói đấy. Khói bếp sau khi chui ra ống nứa, liền tích tụ lại ở chiếc lồ thành một lớp muội đen dày. Sau cùng, bà lấy ra một chiếc gương nhỏ, dùng ngón tay quệt lớp muội đó bôi lên răng. Hàm răng vốn dĩ đã đen nhánh của bà càng lúc càng sáng lên như ngọc. Tuy đã già nhưng khi soi mình trong gương với hàm răng đen nhánh, bà Bằm như đang trở lại thời son trẻ, bỗng trở nên điệu đà như một thiếu nữ học làm duyên. Nhìn bà mỉm cười trong gương, tôi chợt nhận thấy mình chưa từng được thấy một nụ cười nào lại đẹp và bí ẩn đến vậy. Trong giây phút ấy, tôi bỗng thèm được “ăn” món khói bếp của bà Bằm!
Ngày xưa, người Việt ai cũng thích nhuộm răng. Để có được hàm răng đen đối với người xưa là tối quan trọng. Ai không nhuộm răng thì bị dư luận cho là người không đứng đắn. Bởi vậy, hầu như tất cả người dân Việt từ kẻ nghèo đến người giàu, từ nông dân đến quan lại, điền chủ, hoàng thân quốc thích ai cũng nhuộm răng. Đầu thế kỷ XX, khi nền văn minh Tây phương xâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, tục này giảm dần rồi mất hẳn. Bởi vậy, khi gặp những người phụ nữ răng đen ở chợ Ngàm, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một tập tục cổ xưa tưởng như đã hoàn toàn biến mất vẫn còn tồn tại ở nơi đây. Tuy nhiên, có lẽ đây sẽ là những người cuối cùng còn yêu thích vẻ đẹp cổ xưa này.
Nụ cười đen nhánh về đâu? Nói về tục nhuộm răng cổ xưa của phụ nữ Thái ở bản Ngàm, bà Lò Thị Bằm tâm sự: “Bây giờ, ngoài những người già trong bản, không ai còn nhuộm răng nữa. Cháu gái bà không biết cái lồ dùng để làm gì, không thích trồng cau chăm trầu, không thích lên rừng lấy vỏ gia. Nó chê bà răng đen xấu xí, bã trầu làm bẩn nhà. Người già chết đi rồi, người trẻ sẽ chặt cau, bỏ trầu để trồng cây khác mà thôi”.
Theo Dương Dung (Đời sống & Pháp luật)