Những ngôi nhà bị bỏ hoang ở ngoại ô Tokyo
Từ khi người hàng xóm lớn tuổi chuyển đi khoảng 10 năm trước, Yoriko Haneda đã làm tất cả những gì có thể để ngôi nhà bị bỏ lại không trở thành một thứ chướng mắt. Bà cắt tỉa bụi cây, xén cỏ, cố duy trì vẻ gọn gàng của ngôi nhà nhìn ra biển.
Một ngôi nhà hoang đổ sập được phủ bạt xanh ở Yokosuka. Ảnh: New York Times
Cách Tokyo một giờ lái xe, có rất nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang tại khu phố sát sườn đồi này, gần hết đều trong tình trạng cây cối mọc um tùm. “Những căn nhà bỏ hoang có khắp mọi nơi, những người chủ thường ở không quá 20 năm, và tiếp sau chắc sẽ còn nhiều căn nhà lại rơi vào tình trạng như thế này”, bà Haneda, 77 tuổi cho biết. Bà cũng phàn nàn rằng những tên trộm đã đột nhập vào nhà hàng xóm hai lần và một cơn bão đã làm hư hại mái của căn nhà cạnh đó.
Tình trạng các căn nhà bị bỏ hoang đang tiếp tục gia tăng. Nhật có khoảng 8 triệu căn nhà bị bỏ hoang, theo thống kê của chính phủ. Khoảng một nửa trong số đó là bị bỏ hoang hoàn toàn – không bán cũng không cho thuê, chỉ để ở đó mặc cho cây cối, thiên nhiên dần dần tàn phá.
Đây là kết quả của tình trạng dân số già ở Nhật Bản, khi tỷ lệ người cao tuổi tăng lên trong khi số trẻ được sinh ra lại giảm. Điều này đã gây ra một cuộc tranh cãi xoay quanh vấn đề dài hạn nhằm tăng tỷ lệ hôn nhân và khuyến khích phụ nữ có nhiều con hơn.
Nhiều người được thừa hưởng những căn nhà, tuy nhiên, họ không thể bán hay cho thuê bởi không ai có hứng thú với chúng. Nhưng việc phá dỡ những căn nhà như thế này có những khó khăn liên quan đến ai là chủ sở hữu, ai sẽ chi trả số tiền phá dỡ.
Chính phủ đã đưa ra quyết định về việc phá dỡ những căn nhà tồi tàn nhất, nhưng những chuyên gia cho rằng làn sóng bỏ hoang nhà như thế này rất khó để có thể kìm lại được. Trước kia, khi mà những khu nhà bỏ hoang chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, ngoại thành thì đến bây giờ ở ngay cả những thành phố nhộn nhịp, tỷ lệ nhà hoang cũng gia tăng.
Cây cối che phủ lối vào một ngôi nhà hoang ở Yokosuka. Ảnh: New York Times
Video đang HOT
Thành phố Yokosuka là một ví dụ. Nằm gần thủ đô Tokyo và có các căn cứ hải quân Nhật và các nhà máy ô tô, nơi đây đã thu hút hàng ngàn thanh niên tìm việc trong thời đại tăng trưởng kinh tế sau Thế Chiến II. Do đất đai khan hiếm và đắt đỏ, những người đến đây xây những ngôi nhà nhỏ, những ngôi nhà được xây lên bất cứ nơi nào có thể. Đến bây giờ, tình thế xoay chuyển. Các công nhân của những năm sau chiến tranh hiện đã về hưu, và rất ít con cái của họ muốn sinh sống tại nơi đó. “Con cái của họ muốn ở tại những khu chung cư cao tầng hiện đại ở trung tâm Tokyo”, ông Makino nói. “Đối với họ, căn nhà của cha ông để lại là một gánh nặng, không phải là một tài sản”.
Tỷ lệ sinh của Nhật Bản đã xuống dưới mức đủ để duy trì dân số kể từ năm 1970, khi những người trẻ trì hoãn kết hôn và nhiều phụ nữ trì hoãn việc có con khi họ bước vào độ tuổi lao động.
Thành phố Yokosuka đang cố gắng để giảm thiểu tình trạng này, chính quyền khuyến khích chủ sở hữu dọn dẹp những căn nhà và đăng ký thông tin lên trang web của “ngân hàng nhà hoang” nhằm bán chúng. Giá đất ở Yokosuka đã giảm 70% so với mức đỉnh điểm ở cuối những năm 1980.
Các nơi khác cũng đã những giải pháp riêng, bao gồm cả việc tặng một khoản tiền mặt cho người mua nhà và chuyển vào ở. Một vài nơi đã thành công trong việc thu hút các nghệ sĩ và lao động tự do.
Thậm chí còn có một dự án nghệ thuật đầy sắc màu rực rỡ của công ty Echigo-Tsumari Art Field nhằm tô điểm các tòa nhà bỏ hoang trong một cụm đô thị phía tây bắc Tokyo và biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật đương đại. Du khách có thể nghỉ qua đêm trong một “Dream House” được thiết kế bởi nghệ sĩ nội thất Marina Abramovic, với giường và đèn được thiết kế để gợi ra những giấc mơ, hoặc tham quan các tòa nhà khác đã được chạm khắc tinh xảo, sơn hoặc chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc.
“Chúng có thể không được sử dụng cho mục đích ban đầu nữa, nhưng tái sử dụng chúng mới quan trọng”, Fram Kitagawa, người sáng lập dự án, nói. “Điều quan trọng là sử dụng chúng một cách tích cực”.
Một mảnh đất đã được bán ở Yokosuka. Ảnh: New York Times
Cũng có những cách giải quyết nạn bỏ hoang nhà: phá huỷ chúng trước khi chúng trở thành những mối nguy hiểm cho mọi người. Tuy nhiên, điều khó khăn là việc tìm xem ai đang sở hữu của chúng và họ thường rất e dè trong việc trả khoản tiền phá dỡ.
Ngôi nhà mà bà Haneda đang trông nom thuộc sở hữu của gia đình bà Mioko Utagawa, 74 tuổi, cách độ 10 phút đi bộ. Chồng bà Utagawa đã mua căn nhà này cho một người cô khi bà ấy ly dị chồng và chuyển xuống đây sống. Bây giờ, người cô ấy sống trong nhà dưỡng lão. Những gì còn lại của căn nhà chỉ là những thứ ẩm mốc, xuống cấp.
“Thậm chí chúng tôi có muốn bán cũng sẽ chẳng có ai muốn mua”, bà Utagawa nói.
Gia đình bà Utagawa đã đồng ý với việc phá dỡ căn nhà, sau khi chính quyền thành phố chi trả số tiền 3 triệu yên cho công việc này, theo một chương trình nhằm giải quyết những căn nhà xuống cấp gây nguy hiểm. Việc phá dỡ sẽ diễn ra vào mùa thu.
Các ngôi nhà ở Nhật Bản được xây dựng để sử dụng chỉ khoảng 30 năm, sau đó chủ sở hữu sẽ phá bỏ và xây dựng lại. Tuy chất lượng xây dựng được cải thiện, nhưng thị trường mua bán những ngôi nhà cũ vẫn rất hạn chế. Các nhà đầu tư vẫn đang xây dựng hơn 800.000 ngôi nhà mới và chung cư cao tầng mỗi năm, bất chấp sự dư thừa các căn nhà không người ở.
“Trong thời đại phát triển, cuộc sống hối hả. Mọi người đều hài lòng với những quyết định, sắp xếp của mình” ông Hidetaka Yoneyama, cố vấn về các vấn đề nhà ở tại Viện nghiên cứu Fujitsu cho biết. Nhưng trong 20 năm tới, ông tính rằng hơn một phần tư số nhà tại Nhật Bản sẽ bị bỏ hoang.
“Bây giờ, thời thế đã thay đổi. Dân số đang suy giảm và không ai muốn sống trong những ngôi nhà cũ”.
Trọng Nghĩa
Theo VNE
Số 'nhà ma' ở Nhật Bản tăng cao
Nhật Bản hiện có 8 triệu căn nhà bị bỏ hoang. Thực trạng dân số giảm sẽ khiến không đầy 20 năm nữa, nhiều nơi ở nước này trở thành "thành phố ma", theo Bloomberg.
Một căn nhà bỏ hoang tại phường Kita, thành phố Tokyo (Nhật Bản) - Ảnh: Bloomberg
Bloomberg hôm 10.7 đưa tin tình trạng dân số Nhật Bản hạ thấp đang nghiêm trọng đến mức nước này đã có 8 triệu căn nhà bỏ hoang.
Theo dự báo của Viện Nomura, đến năm 2033, Nhật Bản sẽ có đến 21,5 triệu căn nhà không có người ở. Con số trên tương đương 1/3 số nhà trong thị trường bất động sản của quốc gia châu Á.
Hiện chính phủ Nhật Bản đang cố gắng giảm số lượng "nhà ma" ở nước này bằng cách yêu cầu chủ sở hữu dỡ bỏ các căn nhà không có người ở. Nếu một ngôi nhà trống được xác định là làm tổn hại đến môi trường địa phương, cơ quan quản lý đất sẽ tăng các loại thuế của căn nhà đó lên gấp 6 lần.
Ngoài ra, hoạt động xây dựng nhà ở và mong muốn sở hữu bất động sản mới tại Nhật Bản cũng là một trong những vấn đề hình thành từ tình trạng dân số đang ngày càng già đi.
Cơ quan thuế Nhật Bản cũng thường hạ giá trị của nhà ở về mức bằng 0 trong khoảng 20 năm. Vì thế, nhiều căn hộ không được xây dựng để đứng kiên cố trong khoảng thời gian dài.
Nhà gỗ chiếm hơn 50% trong thị trường bất động sản Nhật Bản. Theo Cơ quan quản lý thuế quốc gia, số nhà này sẽ mất giá sau 22 năm. Căn hộ bê tông thì sụt xuống mức vô giá trị sau 47 năm.
Trong những thập niên tới, số nhà mới được xây dựng sẽ giảm dần, dù không giảm nhanh như số lượng các hộ gia đình. Đến năm 2030, chỉ còn có khoảng hơn 500.000 căn hộ được xây mới ở Nhật Bản.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Thanh niên Trung Quốc long đong tìm tình yêu Để thoát khỏi những áp lực từ xã hội và gia đình về vấn đề hôn nhân, hàng nghìn người độc thân Trung Quốc tìm đến những phương pháp kết duyên lạ lùng. 30 cặp đôi thi hôn, nhân dịp lễ Thất tịch, ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc hôm qua. Ảnh: Xinhua Với người Trung Quốc, ngày lễ Thất Tịch - lễ...