Những món ăn làm nên thương hiệu ẩm thực ở miền đất võ Bình Định
Bún chả cá, bánh xèo tôm nhảy hay bún nem là những món ăn dân dã được lòng thực khách khi tới thăm miền đất võ Bình Định.
Bún chả cá
Bún chả cá Quy Nhơn góp phần tạo nên thương hiệu của món ăn miền Trung nổi tiếng cả nước. Bún chả cá ở đây không dùng nước nấu từ xương heo mà nước dùng được nấu từ xương cá tươi, thường là xương hoặc đầu cá thu, cá cờ, tạo cho nước dùng có vị ngọt tự nhiên, đậm đà và không tanh.
Bát bún chả cả hấp dẫn với màu sắc bắt mắt. Ảnh: Chaca.vn
Chả cá là thành phần ngon nhất của tô bún. Để có chả ngon, người ta lóc thịt cá, trộn với tỏi ớt, tiêu, bột ngọt, dầu ăn, chút muối cùng da lợn xay nhuyễn, sau đó khuấy thật đều tay. Chả cá miền Trung hoàn toàn không có thì là như ở miền Bắc nhưng miếng chả cá vẫn thơm ngon. Sau khi được đánh nhuyễn, cá xay được chia thành từng mảnh nhỏ, mỏng hoặc từng viên tròn, vừa miệng cho vào chảo dầu chiên vàng. Một phần khác đem cho vào khuôn để hấp cách thủy, khi ăn sẽ cắt nhỏ thành từng miếng. Khi thưởng thức tô bún chả cá Quy Nhơn, bạn sẽ cảm nhận đầy đủ vị mềm, mịn, ngọt của chả cá viên, chả cá hấp và vị dai của chả cá chiên.
Bún chả cá sẽ không hoàn hảo nếu thiếu các loại gia vị, rau sống ăn kèm. Rau sống là sự phối hợp hoàn hảo giữa màu xanh của xà lách, màu trắng của bắp cải bào mỏng, màu sậm của vài sợi bắp chuối, vài cọng giá, lá bạc hà tươi xanh. Khi ăn, chấm miếng chả cá vào chén tương ớt đặc trưng, kèm củ hành tím ngâm, kèm một ít rau, húp một tý nước dùng, bạn sẽ nghe vị thơm ngon của đồng quê và biển cả tan trên đầu lưỡi. Bạn có thể đến quán bún cá nổi tiếng trên đường Nguyễn Huệ, mỗi phần có giá từ 25.000 đồng.
Bánh xèo tôm nhảy
Tên đầy đủ của món này là bánh xèo tôm nhảy rau mầm. Thành phần chính là những con tôm màu cam đỏ trên nền bánh vàng ươm. Tôm phải là những con tôm nước ngọt, nhỏ nhưng chắc thịt. Khi chín, tôm đổi màu đỏ au kèm vị ngọt.
Video đang HOT
Mỗi phần ăn giá từ 30.000 đồng. Ảnh: I.T
Món ăn không cầu kỳ, chỉ một lớp bột mỏng bên dưới, bên trên là tôm, giá, vài sợi hành. Sự thành công của món ăn không thể thiếu chén nước chấm được làm từ nước mắm nguyên chất và các gia vị. Khi ăn bánh xèo, bạn có thể gói kèm rau mầm, dưa leo, khế chua… Mỗi phần ăn giá từ 30.000 đồng.
Bún nem
Thực khách dễ dàng tìm thấy món bún nem ở trung tâm thành phố. Món ăn gồm bún tươi, nem chua, chả cá nướng và rau sống, thêm chút đậu phộng, cải chua và rau ngò tạo mùi thơm. Độ ngon của món ăn phụ thuộc vào nước chấm đi kèm, mỗi quán lại có một bí quyết riêng. Chén nước chấm chuẩn phải có vị chua cay, mặn ngọt cân bằng. Mỗi tô bún có giá từ 20.000 đồng.
Bạn sẽ không thể cưỡng lại nổi độ sánh dẻo, độ giòn, độ ngọt, độ bùi của một tô Lagu trứ danh ở Quy Nhơn. Ảnh: VNE
Lagu bánh mì – một trong những món ăn được ưa chuộng lâu đời ở Quy Nhơn. “ Nóng hổi vừa thổi vừa ăn” chính là ấn tượng đầu tiên về món ăn này. Nếu đã “trót lỡ” thưởng thức rồi thì chắc chắn không thể cưỡng lại nổi độ sánh dẻo, độ giòn, độ ngọt, độ bùi của một tô Lagu trứ danh ở Quy Nhơn. Quán ăn nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Huệ. Thực khách sẽ mê mẩn miếng thịt heo to nằm ngay giữa tô súp kèm theo đó là mùi thơm, vị ngọt và độ mềm của thịt vừa phải. Giá cho một suất ăn là 35.000 đồng, bánh mì ăn thêm có giá 3.000 đồng.
Món ăn thích hợp cho bữa sáng nếu bạn đang ở trung tâm thành phố Quy Nhơn. Bạn có thể tìm đến quán phở, hủ tiếu, hoành thánh “cha truyền con nối” gốc Hoa nằm trên đường Ngô Thời Nhiệm với thâm niên gần 50 năm. Quán có ba món chính là phở, hủ tiếu và hoành thánh. Tô hủ tiếu mì hoành thánh có giá 70.000 đồng.
Theo Dân Việt
Món gié bò Bình Định thơm ngon ăn một lần nhớ mãi
Huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định không chỉ là điểm đến nổi tiếng với Bảo tàng Quang Trung - nơi lưu giữ các hiện vật về những chiến tích của vua Quang Trung, mà còn là nơi để du khách được thưởng thức món ăn đặc sản của địa phương mang tên gié bò.
Gié bò là món ăn béo bổ, bình dân, rất hợp với túi tiền của mọi người. Dù là người sang hay kẻ nghèo khó vẫn có thể thưởng thức bởi giá một tô gié bò hiện chỉ vài chục nghìn đồng.
Món gié bò sau khi được ướp xào
Trước đây, gié bò là món ăn của đồng bào Ba Na ở Tây Sơn Thượng Đạo (nay là thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) và được lưu truyền đến ngày nay. Hàng năm, khi vào dịp lễ hội Đống Đa hay ngày Tết, các quán ăn ở huyện Tây Sơn đều có món gié bò để phục vụ khách hành hương thăm quê của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Tuy nhiên, gié bò không phải là món dễ ăn, thường chỉ người sành ăn mới khoái khẩu. Những ai mới dùng lần đầu đều cảm thấy khó nuốt bởi lẽ món gié nấu hoàn toàn bằng ruột non của bò nên có vị đắng và hôi.
Gié bò là món ăn đặc sản của người dân huyện Tây Sơn
Để làm món gié bò, khi mổ bò, người ta chọn khúc ruột non ngon nhất, còn tươi, bên trong ruột còn chất nhầy trong xanh có vị đắng và hôi nên gọi là gié. Xổ phần gié trong ruột non ra, ruột để riêng. Sau đó, ướp muối, tiêu, hành, tỏi băm nhỏ vào gié trong 10 phút cho thấm. Tiếp theo, lấy các đoạn ruột non, gan bò cắt miếng nhỏ ướp với hành, tỏi, muối, tiêu rồi xào.
Phần huyết bò khi mới cắt tiết đem luộc chín cắt miếng. Tất cả các nguyên liệu trên được cho vào nồi nấu chung để thành món gié. Để khử vị đắng, mùi hăng của gié khi nấu cần phải bỏ thêm sả, gừng, lá giang rừng và ớt chín bão hoà với chua cay.
Gié bò phải ăn khi nóng mới ngon. Ai lần đầu khi mới ăn sẽ có cảm giác chưa quen miệng bởi có vị đắng. Nhưng sau đó, ăn quen sẽ thấy ngon. Mùi thơm của rau, vị đắng cồn cào của nước gié với vị chua chua của lá giang, vị cay bỏng của ớt khiến ai ăn rồi sẽ nhớ mãi. Theo kinh nghiệm người địa phương, ăn gié đúng điệu phải cho thêm vài giọt mật bò vào nồi để có vị hơi nhân nhẫn, đắng đậm mới ngon.
Người Bình Định thường thưởng thưc món gié bò với rượu Bầu Đá và bánh tráng
Món gié bò đạt chuẩn là khi ăn không quá mặn mà cũng chẳng nhạt, vừa phải đậm đà, ăn tuy béo nhưng cái béo không ngậy. Nước gié tuy đắng nhưng không chát, nếu không đắng thì chẳng còn gọi là gié bò nữa.
Khi thưởng thức, gié bò được múc vào tô. Múc gié ra tô, trên mặt có vài lát củ hành, rau thơm. Dọn thêm bún tươi, rau sống và bánh tráng. Tô gié nóng nghi ngút khói, nước gié màu nâu hơi có chút ánh xanh. Món này dù mùa đông hay mùa hè thì ăn vẫn ngon, bởi món gié bò đã hội tụ hết những vị nhân nhẩn, béo béo, cay nồng. Khi thưởng thức gié bò, ta nhâm nhi với ly rượu Bầu Đá đặc sản Bình Định thì tuyệt không gì bằng.
Theo Người lao động
Chả cá là món nước nào cũng có, ăn vị cũng tương tự nhưng hình dáng thì lại "mỗi người mỗi vẻ" như thế này đây Đến bây giờ mới nhận ra chả cá quanh ta đúng là có muôn hình vạn trạng, không chỗ nào giống chỗ nào. Chả cá là một món ăn phổ biến ở các nước châu Á, là một món ăn tiện lợi và dễ chế biến từ cá tươi. Đối với người Việt Nam, chỉ cần một miếng chả cá đơn giản cũng...