Những lưu ý quan trọng khi đi du lịch miền Tây
Để có một chuyến du lịch miền Tây thực sự ý nghĩa, ấn tượng và trọn vẹn, du khách nên lưu tâm đến những chú ý về địa điểm tham quan, phương tiện đi lại, hành lý…
Miền Tây như một thiên đường sông nước hút hồn khách du lịch khắp nơi trên thế giới, và bất kể ai đã từng ghé thăm thiên đường này chắc chắn sẽ không thể nào quên được vẻ đẹp của thiên nhiên cũng như vẻ đẹp của văn hóa, con người nơi đây.
Nét đặc biệt của miền Tây khắc sâu trong tâm trí khách du lịch chính là những con đường làng yên bình với những cánh đồng bát ngát, những vùng sông nước lênh đênh và những câu hò vang vọng lòng người.
Du khách thích thú khi du lịch miền Tây trên những con thuyền lênh đênh trên sông nước.
Đặc biệt, những miệt vườn nơi đây còn ghi lại dấu ấn trong lòng khách du lịch bởi những loại trái cây nổi tiếng như sầu riêng, mít, nho, mận…
Tuy nhiên, để có một chuyến du lịch thực sự ý nghĩa, ấn tượng và trọn vẹn nơi miền Tây sông nước này, du khách cũng cần lưu tâm một vài điều như về phương tiện di chuyển, hành lý, những địa điểm không thể bỏ qua ở miền Tây.
Những địa điểm nên ghé thăm khi du lịch miền Tây
Mỗi tỉnh ở miền Tây đều có những nét đặc trưng riêng, thỏa sức cho du khách đến thăm và khám phá. Nếu đi du lịch miền Tây thì du khách không nên bỏ qua những địa điểm sau.
An Giang: nơi đây nổi tiếng với nhiều địa danh du lịch nổi tiếng như núi Sam, núi Cấm cùng nhiều lễ hội đặc sắc trong năm.
Bạc Liêu: nơi có nhà của công tử Bạc Liêu, vườn nhãn cổ trăm tuổi, đền thờ Bác Hồ hay vườn chim Bạc Liêu…
Bến Tre: hay còn được gọi là “xứ dừa” nổi tiếng với những vườn dừa bạt ngàn, ngoài ra còn có nhiều vườn trái cây trải dài khắp huyện.
Bến Tre – xứ sở dừa là một trong những địa điểm tuyệt vời nhất nên đến khi đi du lịch miền Tây.
Cà Mau được biết đến với thiên nhiên hoang dã, cảnh quan nguyên sơ và nền văn hóa lâu đời. Đất mũi Cà Mau cột mốc ghi dấu điểm cực Nam của Tổ Quốc. Cà Mau được xem là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất ở miền Tây.
Cần Thơ: nơi được ví như “đô thị miền sông nước”, do hệ thống sông ngòi chằng chịt, vườn cây ăn trái bạt ngàn, đồng ruộng mênh mông.
Đồng Tháp: với cội nguồn thiên nhiên bởi bầu không khí trong lành, mát mẻ của những cánh đồng lúa phì nhiêu, đi trên những chiếc xuồng ba lá trên sông rạch để đến với khu di tích cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, khu di tích Gò Tháp…
Hậu Giang: với những địa điểm du lịch nổi tiếng như là chợ nổi Phụng Hiệp, di tích Long Mỹ.
Video đang HOT
Vĩnh Long: là nơi du khách được trải nghiệm cảm giác ngồi trên những con thuyền lênh đênh trên từng con nước, đi giữa màu xanh thiên nhiên với những vườn cây trái xanh mướt, trĩu quả… xen với những hàng dừa và thuỷ liễu xanh mướt một màu. Khung cảnh thanh bình yên ả ở đât sẽ khiến cho những lo lắng đời thường của du khách chợt tan biến.
Tiền Giang: nơi đây có vùng cây trái ven sông Tiền, vùng Đồng Tháp Mười và vùng ven biển Gò Công với các địa điểm du lịch nổi tiếng như Cồn Thới Sơn, miệt vườn Cái Bè, chợ nổi Cái Bè…
Long An: nơi có nhiều di tích tiền sử và gần 100 di chỉ văn hóa Óc Eo được phát hiện, các di tích nổi tiếng như là Bình Tả, nhà Trăm Cột, chùa Tôn Thạnh.
Những món ngon nên thử khi du lịch miền Tây
Ngoài việc thưởng thức các loại trái cây tươi ngay tại các miệt vườn, du khách cũng không nên bỏ qua những món ngon tại các địa danh nổi tiếng của miền Tây.
Khi đến với An Giang, du khách nên thử món gỏi sầu đâu, cá lóc đồng, tung lò mò, bánh phồng Phú Mỹ, lẩu mắm,…
Ở Bạc Liêu có các món ngon như bánh củ cải, bún bò cay, bánh tằm bì, rượu nhãn…
Khi đến Bến Tre, du khách không nên bỏ qua món dừa dứa, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, đuông dừa, rượu Phú Lễ,…
Món đuông dừa là món không thể bỏ qua khi đi du lịch miền Tây.
Bánh tét lá cẩm, nem nướng Cái Răng, bánh cống, lẩu bần,… ở Cần Thơ cũng sẽ khiến gây ấn tượng đặc biệt cho những du khách lần đầu tiên được thưởng thức.
Ngoài ra còn một số món khác nữa như rượu sim Phú Quốc, bánh canh ghẹ, xôi Hà Tiên, hủ tiếu hấp, bún nước kèn, bún nhâm tôm khô ở Kiên Giang; rượu đế Gò Đen, lạp xưởng tươi, đậu phộng, lẩu mắm ở Long An.
Hành lý nên mang khi du lịch miền Tây
Nếu đi du lịch vùng sông nước như miền Tây, du khách không nên đem quá nhiều hành trang và đồ đạc vì sẽ rất khó cho việc di chuyển, chưa kể trong những trường hợp du khách muốn mua thêm các loại hoa quả và đặc sản về.
Hành lý nên gọn nhẹ hết sức có thể và du khách nên hạn chế đem theo đồ tư trang đắt tiền. Những đồ dùng công nghệ, điện tử như máy quay, máy chụp hình, điện thoại, máy nghe nhạc v.v.. nên để ở nơi an toàn nhất của ngăn kéo, nên bọc thêm một lớp bọc ni lông để đề phòng trường hợp bị rơi xuống nước.
Miền Tây có nhiều nơi có trụ ATM để rút tiền, nên nếu đi du lịch nên mang theo tiền mặt đủ dùng, không nên mang theo quá nhiều phòng trộm cắp.
Nhiệt độ miền Tây tương đối dễ chịu nên cũng không cần mang quá nhiều đồ ấm và quá dày, chỉ cần áo dài tay hoặc áo khoác mỏng, tránh mang đồ màu trắng hoặc vải sáng màu, khó giặt.
Du khách cũng nên chọn loại giày dép dễ đi, thoải mái để dễ di chuyển lên xuống tàu, ghe, thuyền, ví dụ như dép cao su, dép lê, giày không thấm nước v.v..
Và một phụ kiện khác không thể thiếu khi du lịch miền Tây, lênh đênh trên sông nước là mũ, nón cùng khẩu trang để tránh nắng.
Lưu ý nhất là du khách cần phải mang theo thuốc chống muỗi, vì miền Tây nổi tiếng là nơi có rất nhiều muỗi. Du khách nên trang bị kem thoa hay thuốc xịt chống muỗi khi đi thăm thú các địa danh của miền Tây.
Đặc biệt những chị em có làn da nhạy cảm, dễ bị sưng tấy lên khi bị muỗi cắn, nhớ mang theo thuốc bôi chống độc, thuốc trị nhiễm trùng.
Phương tiện đi lại khi du lịch miền Tây
Miền Tây cách thành phố Hồ Chí Minh không xa nên du khách có thể đi bằng xe máy nếu muốn du lịch bụi từ trung tâm thành phố.
Du khách xuất phát từ khu vực miền Trung, miền Bắc có thể di chuyển bằng máy bay đến thành phố Hồ Chí Minh, rồi sau đó có lựa chọn đi bằng xe du lịch chất lượng cao hoặc bằng xe máy như trên.
Khi tham quan, du lịch miền Tây, do đa số là đường sông nên du khách nên mặc áo phao khi ngồi trên các phương tiện như xuồng, ghe, thuyền, cano, tàu thủy…
Trong quá trình di chuyển, nếu đông người, du khách nên ngồi đều hai bên để tàu dễ dàng di chuyển, tránh nghiêng, lật, tránh để tay lên hông tàu vì sẽ rất dễ bị thương khi tàu va chạm với các tàu, ghe khác.
Mua sắm khi du lịch miền Tây
Khi đi du lịch miền Tây, điều cần biết nữa đó là việc mua sắm. Du khách nên xem kỹ nhãn mác, xem hạn sử dụng, xuất xứ sản phẩm, tự đánh giá xem hàng đó tốt hay không mới quyết định mua hay không.
Khi vào chợ đông người, du khách nên hết sức cẩn thận việc móc trộm đồ đạc, hành lý, cho dù người miền Tây vẫn vốn nổi tiếng là hiếu khách, hiền hòa, chất phác thật thà.
Du khách cũng nên cân đối với hành lý của mình để tránh trường hợp mua sắm quá nhiều đồ, gây vướng víu, khó khăn trong việc di chuyển, đi lại.
Những điều lưu ý khác
Trước khi đi du lịch miền Tây, du khách nên tìm hiểu kỹ trước hành trình, điểm dừng dân, điểm nghỉ ngơi, điểm tham quan. Nếu đi theo tour cũng nên đọc lịch trình trước khi xuất phát để khỏi phải bỡ ngỡ, lưu số của hướng dẫn viên hoặc của ít nhất một người cùng đoàn.
Miền Tây có rất nhiều chùa, miếu linh thiêng. Vì thế, khi đến những nơi này du lịch, du khách cần ăn mặc chỉnh tề, trang nhã và tuân thủ theo các quy định của địa phương.
Nếu đi vào các này lễ hội như Vía bà chúa Xứ, du khách rất đông, du khách nên đi theo nhóm, tránh lạc đường, đồng thời lưu ý tiền bạc, điện thoại cẩn thận để phòng kẻ gian lợi dụng lúc đông người để trộm cắp, móc túi.
Theo Zing News
Về Tiền Giang ngoạn cảnh chùa Vĩnh Tràng linh thiêng
Vùng đất Tiền Giang vốn nổi tiếng với nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn như di tích lịch sử Ấp Bắc, chợ nổi Cái Bè, trại rắn Đồng Tâm, mang đậm bản sắc vùng Tây Nam bộ.
Đặc biệt một công trình phật giáo nổi tiếng mà du khách không nên bỏ qua chính là chùa Vĩnh Tràng.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, bạn đi theo hướng quốc lộ 1A đến trung tâm thành phố Mỹ Tho. Sau đó đi theo hướng tỉnh lộ 879 khoảng 3km, đến công viên Vĩnh Tràng, sau đó rẽ trái khoảng 300 m là đến chùa Vĩnh Tràng.
Mặt tiền trước chùa Vĩnh Tràng. Ảnh: Văn Hào
Nằm cách trung tâm thành phố Mỹ Tho khoảng 3km, chùa Vĩnh Tràng cùng với Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (Cần Thơ), chùa Dơi (Sóc Trăng), chùa Xiêm Cán (Bạc Liêu),... là một trong những ngôi chùa lớn nhất miền Tây, thu hút đông đảo du khách gần xa ghé hành hương, ngoạn cảnh vào những ngày lễ lộc.
Chùa Vĩnh Tràng hay còn gọi là chùa Vĩnh Trường có một lịch sử xây dựng nhiều thăng trầm và trải qua nhiều đời thay đổi, tôn tạo. Theo sử sách ghi chép, thời vua Minh Mạng, chùa Vĩnh Tràng chỉ là một cái am nhỏ được ông bà Bùi Công Đạt xây dựng.
Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc tổng hợp, giao thoa giữa nền kiến trúc Á - Âu. Ảnh: Văn Hào
Năm 1849, hòa thượng Đệ Đăng về đây chủ trì chùa và cho khởi công xây dựng nên chùa Vĩnh Tràng. Trải qua nhiều đời truyền thừa, chùa Vĩnh Tràng ngày càng rộng lớn, uy nghiêm, làm nơi để những người theo đạo Phật hoặc bà con gần xa đến hành hương.
Chùa Vĩnh Tràng được xây dựng theo lối kiến trúc tổng hợp, giao thoa giữa nền kiến trúc Á - Âu như kiến trúc Pháp, La Mã, Thái, Miên và Chàm. Tuy nhiên, kiểu kiến trúc điêu khắc cốt lõi vẫn mang đậm truyền thống của người Việt. Được xây dựng theo hình dáng chữ Quốc của Hán tự, gồm 4 gian nối tiếp nhau là Tiền đường, Chánh điện, nhà Tổ và nhà Hậu.
Các gian nhà đều được làm bằng xi măng và gỗ quý, nền đúc cao và xung quanh xây tường vững chắc. Bên trong chùa có nhiều bao lam, hoành phi và câu đối cẩn bằng miếng chai nổi mầu sắc óng ánh trông rất đẹp. Các bao lam được chạm trổ công phu, tinh tế, điển hình là bộ bao lam Bát tiên kỵ thú đặt ở gian giữa.
Phía trước chùa Vĩnh Tràng có hai cổng tam quan kiểu võ quy mô và tráng lệ, được xây vào năm 1933 theo lối kiến trúc cổ lầu. Điểm đặc biệt của cổng tam quan này là ở nghệ thuật ghép những mảnh sành sứ có để minh họa cho lịch sử nhà Phật với đủ hình dáng của long, lân, quy, phượng, ngư, tiều, canh, mục,... vô cùng ấn tượng và đặc sắc.
Chùa có diện tích khoảng 2 hecta gồm nhiều khu vực như Phật đài A di đà, chánh điện chính, đài quân âm, vườn tháp, phòng phát hành kinh sách,... Ngoài ra trong khuôn viên chùa có sân kiểng, ao sen và nhiều cây cổ thụ cao lớn và vườn cây ăn trái luôn rợp bóng mát.
Chùa Vĩnh Tràng cũng thu hút các vị khách nước ngoài. Ảnh: Văn Hào
Đến chùa Vĩnh Tràng hành hương, du khách được dịp thể hiện lòng thành kính trước hơn 60 bức tượng Phật đặc sắc được làm bằng gỗ, đồng hoặc đất nung... vô cùng uy nghiêm, tráng lệ.
Những bức tượng đồng Quan Âm, Phật Di Đà, Thế Chí được xây dựng vào những năm của thế kỷ 19, đi kèm với bảy bộ bao lam in hình Bát Tiên, Mặt Trăng và Mặt Trời là những bức tượng vô giá của Vĩnh Tràng tự. Đó không chỉ là sự độc đáo về kiến trúc, điêu khắc, mà đó còn là sự tin tưởng tuyệt đối của người dân đối với những biểu tượng của đạo Phật.
Là một công trình mỹ thuật độc đáo, chùa Vĩnh Tràng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa và là một trong những ngôi chùa lớn nhất miền Tây Nam bộ. Vào những ngày rằm, mùng một chùa Vĩnh Tràng lúc nào cũng có đông đảo người dân ở nhiều nơi đến hành hương. Người dân đến đây không chỉ để ngắm một ngôi chùa lớn, mà còn đến để gửi gắm những ước vọng bình an, trải lòng mình trong một không gian yên bình, an tịnh.
Theo Zing News
Về Đồng Tháp bình dị ngày giáp Tết Vùng đất đai trù phú, khí hậu hiền hòa nằm cách TP HCM gần 200 km, ở cửa ngõ sông Tiền, giữa dòng Tiền Giang và Hậu Giang. Thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) nổi tiếng với những làng hoa nổi rất độc đáo, như làng Tân Quy Đông. Cách trồng ở đây không giống các nhà vườn ở Đà Lạt: hoa...