Những luận điểm của Trung Quốc bị tòa dập tắt trong vụ kiện ‘đường lưỡi bò’
Giới chuyên gia cho rằng việc tòa quốc tế đồng ý xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách chủ quyền tại Biển Đông là chiến thắng bước đầu cho Manila, và chiến thắng gián tiếp cho các bên tranh chấp khác.
Luật sư Paul Reichler, chủ tịch ủy ban cố vấn Philippines trong vụ kiện “đường lưỡi bò”, phát biểu trước PCA trong phiên điều trần hồi tháng 7. Ảnh: Rappler
Toà Trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc ở The Hague (La Haye), Hà Lan hôm 29/10 tuyên bố có thẩm quyền xử lý vụ Philippines kiện yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Quyết định này của tòa là một trở ngại pháp lý cho Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên tòa phản bác luận điểm mà Trung Quốc đưa ra để nói rằng tòa không có thẩm quyền xử lý vụ việc.
Dập tắt luận điểm của Trung Quốc
Trung Quốc nhiều lần từ chối tham gia vụ kiện, gọi nó là vô căn cứ và thiếu tính hợp lý về mặt pháp lý. Bắc Kinh cũng luôn khăng khăng giữ quan điểm rằng tòa trọng tài không có thẩm quyền xử lý vụ kiện của Manila.
Theo Trung Quốc, bản chất vụ kiện của Manila là về chủ quyền lãnh thổ đối với một số thực thể hàng hải ở Biển Đông, và theo Bắc Kinh, điều đó vượt quá phạm vi thẩm quyền của tòa.
Trong khi đó, Philippines nhấn mạnh rằng họ không yêu cầu tòa ra phán quyết về chủ quyền các thực thể tranh chấp ở Biển Đông, và cũng không yêu cầu tòa phân định ranh giới giữa chúng.
Theo Manila Times, trong quyết định dài 147 trang, toà đã bác bỏ những luận điểm nói trên của Trung Quốc. Tòa cho rằng vụ kiện không phải về phân định ranh giới biển giữa các nước liên quan như Bắc Kinh nói, mà các luận điểm Philippines đưa ra chỉ phản án tranh chấp giữa hai quốc gia, liên quan đến việc diễn giải hoặc áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Đồng thời, tòa cũng phản bác lập luận của Trung Quốc rằng tranh chấp chủ quyền phải được giải quyết song phương, và chỉ thông qua đàm phán, lấy cơ sở là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hiệp ước mà Trung Quốc và 10 nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Nam Á (ASEAN) đã ký kết năm 2002.
Theo tòa, DOC là “một thỏa thuận chính trị không ràng buộc về mặt pháp lý và do đó không có liên quan đến các quy định trong UNCLOS – văn bản ưu tiên cho việc giải quyết các tranh chấp thông qua bất kỳ phương thức nào được các bên nhất trí”.
Tòa cũng nói thêm rằng một số hiệp định và tuyên bố chung cụ thể giữa Philippines và Trung Quốc “không kìm hãm Manila trước việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc thông qua UNCLOS”.
Hơn nữa, tòa cho biết Philippines đáp ứng được yêu cầu của UNCLOS rằng Manila đã khai thác hết tất cả phương án và các cuộc đàm phán với Trung Quốc trước khi xin tòa phân xử.
Video đang HOT
Tuy tuyên bố sẽ tiếp tục xúc tiến vụ kiện, tòa cũng giải thích rằng đến nay họ chỉ xác nhận có thẩm quyền xem xét 7 trong số 15 luận điểm của Manila. Tòa sẽ xem xét các vấn đề còn lại “trong giai đoạn đánh giá tính hợp lý” của các lập điểm này, trong đó có câu hỏi về tính hợp lệ của cái gọi là yêu sách “đường 9 đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đơn phương đặt ra, đi vào sát bờ của các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia.
Chiến thắng bước đầu
Chuyên gia phân tích vấn đề Biển Đông, giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, hoan nghênh quyết định của tòa là “một chiến thắng bước đầu cho Philippines”.
“Tòa Trọng tài đã trả lời một cách quả quyết với hai câu hỏi pháp lý quan trọng – thẩm quyền xử lý vụ kiện và thực tế rằng Philippines đã đưa được vấn đề ra luật pháp quốc tế”, ông Thayer nói.
Theo SCMP, các nhà phân tích nói rằng quyết định mới của tòa đã đặt Trung Quốc vào thế bất lợi, vì việc này có thể khuyến khích các bên tranh chấp khác. Trong ngắn hạn, nó sẽ kích thích các bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông “có phản ứng mạnh mẽ”, Zhang Xinjun, chuyên gia luật hàng hải tại Đại học Thanh Hoa, nhận xét.
Cùng chung quan điểm này, Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các vấn đề biển và luật biển tại Đại học Philippines, nói rằng quyết định này của tòa “có thể khuyến khích và mang lại sự thống nhất cho các bên tranh chấp khác”, ông nói.
Ian Storey, chuyên viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), nói rằng chiến thắng của Philippines sẽ là một chiến thắng gián tiếp cho các bên tranh chấp còn lại.
Việc từ chối xuất hiện tại tòa sẽ làm hỏng hình ảnh của Trung Quốc và khiến nước này hiện lên là bất chấp các quy tắc quốc tế và bắt nạt các nước nhỏ hơn, Zhang Mingliang, nhà nghiên cứu tại Đại học Tế Nam, nói.
“Trung Quốc nên xem xét một số lợi ích và lo ngại của Philippines, và cho Philippines thấy một số hy vọng thông qua các kênh song phương. Điều này sẽ giúp Trung Quốc xây dựng hình ảnh là một đất nước thân thiện và có trách nhiệm, và đây sẽ là một giải pháp thực tế hơn”, ông nói.
Việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện cũng không ảnh hưởng đến thủ tục tố tụng của tòa, theo quy định của UNCLOS. Tòa có thể đưa ra phán quyết vào nửa đầu năm 2016, Storey nói.
Lý do thực sự đằng sau việc Trung Quốc từ chối tham gia là vì họ biết rằng yêu sách chủ quyền của họ tại Biển Đông “không phù hợp với UNCLOS, và họ sẽ thua”, Storey nói.
“Nếu tòa đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines, đó sẽ là chiến thắng về cả mặt pháp lý và đạo lý cho Manila. Trung Quốc sẽ phải tìm cách biện minh cho yêu sách chủ quyền của mình, theo luật pháp quốc tế hiện hành”.
Tuy nhiên, Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy ở Sydney, thận trọng trước việc gọi đây là “chiến thắng” cho Philippines.
“Nhìn chung, Philippines có thể và nên nhận được phán quyết có lợi cho mình. Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng tòa cũng sẽ xem xét cả ‘quyền lịch sử’ của Trung Quốc”, ông nói.
Theo luật pháp quốc tế, phán quyết cuối cùng của tòa trọng tài phải được tuân theo và không thể bị kháng cáo. Tuy tòa không có quyền cưỡng chế thực thi, nếu Philippines nhận được phán quyết cuối cùng có lợi cho mình, thì “không nên đánh giá thấp sự bẽ bàng Trung Quốc phải chịu”, Graham nói thêm.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc tiếp tục tiến hành xây dựng trên 7 bãi đá ở Biển Đông thì “Bắc Kinh vẫn giữ quyền kiểm soát trên thực địa vì họ là bên mạnh hơn”, ông Thayer nói.
Ông cảnh báo Trung Quốc vẫn đi theo chiến lược “tôi mạnh, tôi có quyền” và họ “có thể sẽ tiếp tục sử dụng cưỡng chế và vũ lực chống lại Philippines và các nước tuyên bố chủ quyền chồng lấn”.
Nhưng ông cũng nhận định rằng, những hành động hung hăng như vậy sẽ dẫn đến việc cường quốc châu Á này bị “cô lập bởi cộng đồng quốc tế, trong đó có các cường quốc hàng hải khác”.
Zhu Feng, giám đốc Trung tâm Trung Quốc về Hợp tác Nghiên cứu Biển Đông nói rằng ông ủng hộ ý tưởng Trung Quốc tham gia nhiều hơn và thủ tục tố tụng. “Tôi hy vọng Bắc Kinh sẽ tích cực hơn trong việc tham gia tất cả diễn đàn và phản ứng trước quyết định của tòa quốc tế”, ông nói.
Phương Vũ
Theo VNE
Philippines muốn tòa phán quyết gì trong vụ kiện 'đường lưỡi bò'
Philippines muốn thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông và khẳng định việc Bắc Kinh chiếm đóng nhiều thực thể tại Trường Sa là bất hợp pháp.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đọc diễn văn trong phiên điều trần trước Tòa Trọng tài thường trực hồi tháng 7. Ảnh: Rappler
Toà Trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc ở The Hague (La Haye), Hà Lan hôm qua tuyên bố có thẩm quyền xử lý vụ Philippines kiện yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Tòa thông báo rằng việc Trung Quốc "không xuất hiện" (từ chối tham gia) vụ kiện không ảnh hưởng đến thẩm quyền của tòa.
Philippines đã đệ trình 15 luận điểm trong thủ tục tố tụng. Trên trang Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chuyên gia Jay Batongbacal đã tóm tắt lại 4 vấn đề chính mà Phillipines đặt ra trong vụ kiện.
Điểm đầu tiên là về yêu sách "đường 9 đoạn" hay còn gọi là "đường lưỡi bò" mà Bắc Kinh tự đặt ra ở Biển Đông. Manila cho rằng "đường 9 đoạn" là một yêu sách quá đáng và không đúng với quyền lợi của các quốc gia, theo UNCLOS. Trung Quốc đã rất mập mờ về phạm vi của "đường 9 đoạn" mà họ đặt ra. Tuy nhiên, một khi tòa án quyết định về vấn đề này, sự mập mờ đó sẽ bị hạn chế.
Thứ hai, Philippines cho rằng việc Trung Quốc chiếm đóng nhiều thực thể tại quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp. Manila đưa ra lập luận này vì cho rằng Trung Quốc có "những yêu sách về sở hữu hoặc chủ quyền không chính đáng đối với các khu vực hoàn toàn ngập nước, hoặc quyền lịch sử không chính đáng với tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả quyền kiểm soát hàng hải".
Thứ ba, tòa sẽ đánh giá lập luận của Manila rằng Trung Quốc đang khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên trong khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, theo UNCLOS.
Thứ tư, Manila tuyên bố rằng Bắc Kinh đã can thiệp vào khả năng tự do di chuyển của Manila trong chính EEZ của Philippines.
Tòa án có thể đồng ý hay bác bỏ từng luận điểm riêng biệt của Philippines. Thực tế, tòa hiện chỉ khẳng định họ có thẩm quyền xem xét 7 trong số 15 luận điểm mà Phillipines đưa ra. Tòa đã yêu cầu Manila làm rõ một luận điểm và sẽ xem xét 7 vấn đề còn lại "trong giai đoạn đánh giá tính hợp lý" của các lập luận.
7 luận điểm tòa đã tuyên bố có thẩm quyền xem xét là:
Bãi cạn Scarborough không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây và đá Subi là bãi cạn nửa chìm nửa nổi không tạo ra lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, và không phải là thực thể có thể bị chiếm đoạt làm của riêng bằng cách chiếm đóng.
Đá Gaven và đá Ken Nan là bãi cạn nửa chìm nửa nổi không tạo ra lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tuy nhiên, đường nước thấp của nó có thể được sử dụng để xác định phạm vi lãnh hải của đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn.
Đá Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Trung Quốc đã có hành vi bất hợp pháp khi ngăn chặn ngư dân Philippines kiếm sống, bằng cách can thiệp vào các hoạt động đánh bắt cá truyền thống tại bãi cạn Scarborough.
Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Công ước bảo vệ và bảo tồn môi trường biển tại bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây.
Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Công ước bằng cách vận hành các tàu thực thi pháp luật của nước này một cách nguy hiểm, gây ra nguy cơ va chạm lớn với tàu Philippines di chuyển trong vùng lân cận bãi cạn Scarborough.
Mặc dù từ chối tham gia thủ tục tố tụng của tòa, Trung Quốc đã đưa ra một văn bản thể hiện lập trường về vấn đề này vào tháng 12/2014. Tòa án kể từ đó đã chấp nhận tài liệu này như luận điểm chính thức của Trung Quốc trong vụ kiện.
Khi vấn đề về thẩm quyền đã được giải quyết, vụ kiện có thể tiến triển đến vòng đánh giá sự hợp lý của các luận điểm Philippines đưa ra về vấn đề Biển Đông. Tòa dự kiến sẽ ra phán quyết vào năm 2016.
Phương Vũ
Theo VNE
Tòa quốc tế đồng ý xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về 'đường lưỡi bò' Toà Trọng tài thường trực hôm qua phán quyết rằng họ có thẩm quyền xét xử vụ kiện của Philippines về yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. PCA lắng nghe luận điểm của Philippines trong phiên điều trần hồi tháng 7. Ảnh: Rappler "Sau khi xem xét các khiếu nại do Philippines nộp, tòa đã bác bỏ lập luận" của Trung...