Những lời nhiếc móc ‘giết người’ của mẹ nam sinh treo cổ tự vẫn
“Mi muốn bỏ học để như cha mi, một thằng “xỏ lá ba que”, làm bao nhiêu tiền đều cất riêng, rồi đi uống rượu, đánh bạc, gái gú…”
Những lời nhiếc móc ‘giết người’ của mẹ nam sinh treo cổ tự vẫn (Ảnh minh họa)
“Mi muốn bỏ học để như cha mi, một thằng “xỏ lá ba que”, làm bao nhiêu tiền đều cất riêng, rồi đi uống rượu, đánh bạc, gái gú. Mi không đi học thì sáng ni làm cỏ sạch vườn trước cho tau. Trưa đi bán về tau thấy cỏ chưa sạch thì mi liệu hồn”… Uất ức vì bị mẹ nhiếc móc, cậu học sinh cấp ba quyết định tự tử, kiếm sợi thép, buộc lên cây mít sau vườn, quyết định tự chấm dứt cuộc sống.
Mẹ chua ngoa “ăn hiếp” ba cha con
Mỗi ngày, cậu bé Nguyễn Văn Bình (ngụ tổ dân phố 10, phường Đồng Sơn, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) vẫn thường bị mẹ đay nghiến, nhiếc móc. Đụng việc gì, người mẹ cũng lôi hai cha con ra phỉ báng. Sáng hôm ấy, sau khi bị mẹ “giáo dục” một tràng, như giọt nước tràn ly, cậu học sinh cấp 3 uất ức trong lòng. Không người giãi bày san sẻ, Bình nghĩ quẩn. Đợi bố ra khỏi nhà, cậu bé ra phía sau vườn, tìm một sợi dây thép, buộc lên cành mít nơi góc vườn, treo cổ tự tử. Có lẽ trong thâm tâm non nớt của Bình, chỉ làm như thế mới trả thù được mẹ.
May mắn cho Bình, phút quẳng mình xuống đất để sợi dây siết chặt cổ, trong cơn giãy dụa đu mình dưới cành mít, bố cậu bé trở về nhà. Người cha hốt hoảng thấy cảnh tượng kinh hoàng trước mắt. Anh ríu lưỡi, chân lập cập chạy đến đỡ 2 chân con lên, miệng liên tục kêu cứu. Nghe tiếng gọi thất thanh, hàng xóm quáng quàng chạy đến, vội vã tháo dây đỡ cậu bé xuống.
Mẹ cậu bé đang bán thực phẩm ở chợ Đồng Sơn nghe tin, vội vã trở về. Chị vừa đi vừa khóc. Đoạn đường trở về nhà hôm ấy bỗng nhiên xa hơn hẳn mọi ngày. Hốt hoảng, tất tưởi, chị bổ nhào đến ôm đứa con trai đang nằm rũ rượi, da mặt bạc tái. Đoán được thái độ sáng nay của mình với con trai có thể là nguyên nhân sự việc, chị ân hận nói trong nước mắt: “Tại tui mắng nên hắn làm bậy”. Người nhà đưa cậu bé đến Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới cấp cứu.
Nằm bệnh viện ở Quảng Bình một ngày nhưng tình trạng sức khỏe của Bình hồi phục chậm. Gia đình xin chuyển vào bệnh viện Trung ương Huế. Gần cả tuần sau, Bình mới được cho xuất viện. “Bão” đã tan trong nhà. Nhưng dư âm thì chưa biết khi nào mới dứt.
Mẹ Bình năm nay 43 tuổi, kém chồng 3 tuổi. Những ngày đầu chị mới theo chồng, xây đắp hạnh phúc, cuộc sống cả hai tràn ngập hạnh phúc. Hàng ngày chị buôn bán thực phẩm ở chợ Đồng Sơn, còn chồng vào rừng khi tìm trầm, lúc khai thác gỗ. Họ có 2 con, Bình là lớn.
Cách đây mấy năm, thấy “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, bố Bình bỏ rừng về học lái xe. Cẩn thận, cần cù, chủ một hãng xe Việt – Lào đã nhận anh vào cầm vô lăng chở khách quá giang giữa 2 nước. Cũng từ ngày bố chuyển nghề, gia đình cậu bé không còn êm ấm như xưa.
Video đang HOT
Mẹ Bình suốt ngày nghi ngờ chồng ham ăn uống, tiêu xài, chơi bời nên đưa tiền về ít. Người chồng thì quả quyết, thề sống thề chết được bao nhiêu đều đưa về cho vợ, chỉ để lại dăm đồng tiêu xài cá nhân. Vì mâu thuẫn tiền bạc, nên sau những chuyến đi, vợ chồng đáng ra phải vui vẻ, yêu thương, săn sóc nhau thì lại lục đục cãi cọ suốt. “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”, dẫn đến vợ chồng xô xát. Cái cốc, cái bát, thậm chí cái phích nước liên tục bay vèo vèo trong nhà rồi vỡ toang trong sự phẫn nộ của hai người. Trong những trận cãi vã, mẹ Bình lúc đầu còn gọi “anh”, xưng “tui”, sau thì “mi”, “tau” như lũ con nít mắng nhau ngoài đường. Người “chịu trận” không những là chồng chị mà còn có 2 đứa con tội nghiệp. Mỗi lần bố mẹ to tiếng, Bình thất thần nép mình trong góc nhà, còn cô em gái mếu máo trong nước mắt. Hai đứa trẻ đều vô cùng thương bố vì nghĩ mẹ là người “đàn áp” ba cha con.
Giận cá chém thớt. Tức chồng, người mẹ đẩy sự giận dữ lên đầu 2 đứa trẻ, đặc biệt là con trai. Nhiều lần, chị nhiếc móc con trai là “đồ ham chơi, nhác học”. “Cái thứ như mày lớn lên rồi đi ăn cướp, ở tù”. Người mẹ sẵn sàng ném vào mặt con những lời rủa nguyền không tiếc lời. Chưa đủ, lắm khi chị còn dùng roi quật đen đét vào lưng, vào đầu đứa bé. “Ba cha con nhà nớ thảm lắm. Mụ vợ chua ngoa, đanh đá, hung dữ toàn “ăn hiếp” cả nhà. Thấy phát khiếp”, một hàng xóm cho biết.
Giận cá chém thớt. Tức chồng, người mẹ đẩy sự giận dữ lên đầu 2 đứa trẻ, đặc biệt là con trai (Ảnh minh họa)
Giọt nước tràn ly
Tối 10/9/2014, bố Bình sau khi nhận lương tháng Tám, đưa về cho vợ 5 triệu đồng. Anh nói rõ có giữ lại 500 ngàn để chi tiêu. Nghe đến đó, người vợ tru tréo: “Xài chi mà lắm rứa? Để cho con mô phải không?” rồi ném cả nắm bạc vào mặt chồng. Người chồng chẳng thèm lên tiếng, móc hết tiền trong túi quẳng ra giữa giường cho vợ rồi bỏ đi.
Cuộc xung đột nảy lửa diễn ra trong nhà. Hai đứa trẻ làm “khán giả bất đắc dĩ” của “vở kịch nói” sống động. Hai anh em bưng mặt khóc nức nở, khi bố giận dữ bước ra khỏi nhà. Một hàng xóm nghe ồn ào liền ra hàng rào nghe ngóng. Chị này kể lại: “Sau khi chồng bỏ đi, mụ vợ lại mắng con tới tấp: “Mi răng mà khóc ? Mi muốn theo cha mi thì cút luôn đi. Cái đồ du thủ du thực đó biến đi cho bõ ghét”. Thằng bé không nói gì, bước ra sân đứng lặng. Có lẽ lúc đó nó buồn và suy nghĩ nhiều lắm”.
Vài ngày trước khi treo cổ, cậu bé từng bày tỏ không muốn đến trường, chỉ muốn đi xin việc làm. Bố Bình hết lời khuyên nhủ con trai, khuyên Bình gắng cho hết năm, để lấy xong bằng cấp 3 hãy tính tiếp.
Sau đêm quát tháo vì khoản tiền bị chồng “biển thủ” để tiêu vặt, sáng lại, trước khi ra chợ buôn bán, mẹ Bình vẫn chưa vơi sự giận dữ, tiếp tục đổ lên đầu đứa con trai: “Mi không đi học rồi sẽ đi ăn cướp. Ăn cướp rồi sẽ bị tù. Đi tù cho mi chết mất xác luôn”. Người mẹ vừa nói vừa sấn tới dứ dứ ngón tay vào trán con đay nghiến: “Mi muốn bỏ học để như thằng cha mi, “xỏ lá ba que”, làm nhiều tiền đưa bớt lại để cất đi uống rượu, đánh bạc, gái gú phải không? Mi không đi học thì sáng ni làm cỏ sạch vườn trước cho tao. Trưa về tao thấy cỏ chưa sạch thì mi liệu hồn đó”. Dứt lời, chị ngúng nguẩy bỏ ra khỏi nhà, để lại đứa con trai tinh thần hoảng loạn chán chường.
Sau sự cố đau lòng ấy, Bình thôi không đến lớp nữa. Bạn bè, thầy cô giáo đến thăm, cậu bé đều cố tránh. Một mặt vì tâm lý Bình không thoải mái bởi sự hục hặc của mẹ cha. Mặt khác, vết hằn quanh cổ vẫn còn đỏ chót. Hễ thấy người khác giáp mặt là Bình vội vã quay mặt ngay để không thấy tì vết trên cổ mình. Bố mẹ Bình cũng chiều ý con trai, thôi không ép buộc con đến lớp. Họ lo sợ, lỡ đâu con trai lại cạn nghĩ, làm điều dại dột thêm một lần nữa.
Như thân cây tàn tạ sau bão táp, bố Bình sau “sự kiện tày đình” của con trai, vì suy nghĩ, mất ngủ, kém ăn, người phờ phạc, già đi mấy tuổi. Bác sĩ bảo do suy nhược thần kinh, dẫn đến sức khỏe sa sút. Chủ hãng xe quá cảnh Đồng Hới – Khăm Muộn thấy anh ốm yếu đã tạm thời gọi người khác thế chân. Chới với vì mất việc, chưa tìm ra việc mới, bố Bình lại tìm đến ma men giải sầu.
Mẹ Bình sau ngày con trai thoát chết, nỗi mặc cảm đã khiến chị khi bước chân ra ngoài luôn cúi mặt, chẳng dám nhìn ai. Người đàn bà chua ngoa, đanh đá trong gia đình chỉ còn lại dáng vẻ ủ ê, buồn bã đến tội nghiệp. Việc kinh doanh của chị ở chợ cũng kém hẳn. Dạo này, những người hàng xóm thôi không còn nghe chị la mắng chồng con nữa. Có lẽ, chị đã “ngấm đòn” quá đau từ chuyện của con trai.
(Tên nạn nhân đã được thay đổi)
Nếu cha mẹ Bình không thường xuyên xích mích, cãi cọ, đẩy con cái phải sống trong cảnh “địa ngục”, chứng kiến mẹ cha hục hặc mỗi ngày. Nếu không vì người mẹ chỉ biết mỗi việc chửi mắng các con, thì Bình đâu phải tìm đến cái chết. Những bậc phụ huynh không chỉ làm cha làm mẹ, mà đôi khi còn phải làm bạn với cả chính con mình. Có như vậy, họ mới có thể cận kề con cái để chia sẻ những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của con mình. Vụ việc trên chính là bài học với các bậc phụ huynh, hãy tạo cho con mình một môi trường sống trong sạch để phát triển một cách toàn vẹn nhất”.
Theo Xahoi
Người mẹ 'giết' con không cần hung khí
Ngày giỗ bố, lẽ ra con cái về dâng hương viếng lễ phải vui vẻ, kính cẩn, chan hòa. Nhưng anh em ruột đã đánh nhau suýt mất mạng vì người anh bắt em trả tiền vay.
Anh em đánh nhau trong đám giỗ bố (Ảnh minh họa)
Giữa trưa một ngày giáp tết Nhâm Thìn (2012), bà con tổ dân phố 10 phường Đồng Sơn, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình náo động vì chứng kiến một chuyện hi hữu "xưa nay hiếm". Đó là việc anh Nguyễn Nam Giang (SN 1994, ngụ phường Đồng Mỹ) về nhà mẹ đẻ 75 tuổi, quét dọn bàn thờ, chuẩn bị cho việc đón Xuân. Anh bàng hoàng tức giận khi phát hiện trên bàn thờ một tờ "sớ" do chính mẹ mình viết đặt lên đó, cầu mong "các bậc thánh hiền có linh thiêng thì hãy mau mau giết nó" (tức anh Giang - PV), vì "nó tàn ác mất hết tính người". Đau đớn, anh mang tờ "sớ" đó cho mọi người trong xóm đọc: "Mẹ tui ra ri đây, trên đời chưa từng có ai làm như rứa cả".
"Choảng" nhau sau bữa rượu giỗ bố vì món nợ 13 triệu
Chồng mất vì bạo bệnh, các con của bà đứa nào cũng có gia thất. Vả lại, theo kế mưu sinh, ai cũng làm nhà riêng nên bà lão chỉ sống một mình bằng lương hưu. Hàng năm đúng ngày giỗ chồng, bà làm mâm cơm, thắp hương đèn để tưởng nhớ. Các con của bà đang sống ở Đồng Hới, hiếu đễ với cha, cũng không quên nghĩa vụ, trách nhiệm của người làm con là cùng đưa con cái đến dâng lễ, thắp hương, cúng viếng. Thường vẫn thế, tuần hương cháy hết, vàng đã hóa, mâm giỗ cúng người chết bưng xuống, thành mâm cỗ để người sống "liên hoan" một cách đầm ấm.
Thế nhưng đám giỗ năm ấy không bình yên như vậy. Một người trong gia đình kể lại: "Bữa cơm kéo dài hơn giờ đồng hồ. Mấy chị em tui là đàn bà, sau đó lo dọn dẹp, lau quét, rửa chùi, còn lại Giang và đứa em (SN 1996, ngụ phường Đồng Phú) cùng mẹ ngồi lại uống nước. Ngà ngà hơi men nên anh Nam bắt đầu hỏi "nợ" em trai mình về khoản tiền hơn 5 năm đã vay để đi làm ăn bên Anh chưa trả. Trước đó, người em có vay của anh 13 triệu đồng, góp vào số vốn sang bên đó làm ăn. Thực tình, người xuất ngoại trong mấy năm đầu có gửi tiền về cho vợ, nhưng công việc "thất bát" nên khi "đủ vé" rồi, làm thêm chưa được bao nhiêu thì bị cảnh sát Anh phát hiện và trục xuất".
Chuyện bị cảnh sát nước ngoài bắt và trục xuất về nước là "chuyện thường ngày ở huyện" của nhiều người phiêu lưu dấn thân vào xứ người với hoài mong đổi đời đã "mất cả chì lẫn chài". Người em trở về nước, trở lại điểm xuất phát về tiền bạc. Số tiền ít ỏi kiếm thêm được ngoài chỉ đủ chi phí trên đường về và quà cáp cho gia đình. Nhưng người anh hoài nghi lời kể của em trai mình, cho rằng, đó là cách thức để "quỵt" số tiền lãi 5 năm ròng mình đã cho vay. Người anh lên tiếng bắt em phải nhanh chóng trả số tiền cả vốn lẫn lãi là 34 triệu cho mình.
Cũng đang trong hơi men, người em quặc lại anh trai: "Anh mà tính toán như thế thì anh không phải là con người nữa, mà thuộc cái giống chi chi". "Mày đừng hỗn láo!", người anh gầm lên. Có cái ghế gỗ nhỏ kề bên, anh tung lên giáng xuống đầu cậu em trai của mình. Nhờ phản ứng nhanh, người em đưa tay lên đỡ nên ghế không trúng đầu mà chỉ trúng vào vai và tay phải. Nhưng cú đòn chí mạng của người anh khiến cho người em ngã xuống ghế, máu chảy ra đầm đìa. Đứa em ức quá, nhặt chiếc ghế lên "choảng" vào anh trai mình. Giang né được khiến cái ghế đập xuống nhà nát tan. Bà mẹ ngồi cạnh hoảng hốt hét vang. Cả nhà chạy lại ôm lấy hai anh em lôi ra.
Thế là ngày giỗ bố thành cuộc "đòi nợ" của người anh và "chiến tranh" đã xảy ra giữa hai người. Cảnh tượng trên diễn ra không những đau lòng người lớn tuổi mà con cháu thấy cha chú mình đánh nhau cũng thất thần nét mặt, xót xa trong lòng.
Mẹ "giết" con không cần hung khí
Mẹ của "chủ nợ" và "con nợ" tiếp tục hét vang, mắng hai thằng con "mất dạy" dám "choảng" nhau trong ngày giỗ bố. Nhưng trong lời lẽ của bà thì bênh vực người em, sỉ mắng người anh. Sau này bà con láng giềng hỏi, bà nói trong nét mặt căm phẫn: "Cái thằng (chỉ người con trai đầu - PV) tàn ác quá! Tàn ác quá ! Tôi có ngờ đâu hắn ranh ma đến thế! Hắn sống cạn tàu ráo máng!".
Giang, đứa con mà bà cho là "tàn ác quá", là đứa con bà và chồng đặt nhiều hy vọng nhất. Khi sinh Giang, vợ chồng bà mừng rơn, vì đã có người nối dõi tông đường. Hai năm sau, khi con trai sau ra đời, Giang vẫn được "ưu tiên" trong sự chăm bẵm của cha mẹ. Học xong trung học phổ thông, vợ chồng bà quyết định kiếm cho con cái nghề để sinh sống. Ông bà giỏi "xoay xở" nên đã tìm được cho Giang vào lái xe ở một cơ quan nhà nước. Chăm chỉ, cần cù, kỷ luật lao động tốt nên cơ quan rất tín nhiệm, tin yêu. Rồi Giang lập gia đình, sinh con. Không rượu chè, cờ bạc, Giang là người chồng, người cha mẫu mực của gia đình. Khi trào lưu "xuất ngoại" làm ăn rộ lên khắp nơi, trước khó khăn kinh tế của gia đình, Giang cũng định "cuốn theo chiều gió", bỏ việc sang "Tây" kiếm sống. Nhưng, cha mẹ quyết không cho Giang đi và sắp xếp cho đứa em. Sau rồi bố mất, Giang thực sự gánh vác chuyện gia đình, vì mình là anh cả. Cũng với tư cách là anh cả nên Giang chắt chiu tiền lương bổng của hai vợ chồng bấy lâu cho em vay 13 triệu đồng, góp vào số tiền mà thằng em vay nóng của người khác và của ngân hàng để bay sang xứ người.
Không biết tại sao mà Giang lại nảy sinh ý nghĩ hẹp hòi, ích kỷ với em mình, trong khi chuyến "xuất ngoại" làm ăn của em trai không mĩ mãn. Việc "đòi nợ" và gây "chiến tranh" với em mình trong ngày giỗ bố đã làm đổ nhào mọi ý nghĩ của bà mẹ. Thái độ của bà quay ngoắt 180 độ đối với con cả.
Sau ngày "choảng" nhau, không biết để khỏi căng thẳng hay vì sự "yêng hùng" của một đấng nam nhi, vợ chồng người em vay mượn nhiều nơi đưa đến nhờ mẹ "thanh toán" số tiền cả lãi lẫn vốn theo "tín dụng đen" mà người anh đã xướng. Muốn hay không muốn sự "sòng phẳng" ấy đã tạo nên sự "gập ghềnh" tình cảm người em đối với người anh. Tình anh em kể từ đó càng thêm đành đoạn.
Người mẹ sau khi làm trung gian đưa tiền của người em trả cho người anh, trong mắt bà người con cả trở thành kẻ "đáng ghét". Mang nặng đẻ đau, bú mớm nuôi con, người mẹ nào cũng mong con khôn lớn trưởng thành. Nếu con có sai lầm, thậm chí có bị cầm tù do phạm pháp thì người mẹ bao giờ cũng trải lòng thương mến, bao dung. Thế nhưng, người mẹ 75 tuổi này lại muốn xóa bỏ mọi quá khứ, sẵn sàng vứt đi khúc ruột của mình và người chồng đã khuất núi. Bà thấy cần phải "trừ khử" nó, loại trừ nó ra khỏi "cộng đồng gia đình" và "cộng đồng xã hội". Bà loay hoay tìm cách để thực hiện ý định kỳ cục của mình nhưng không để ai biết. Nghe người ta nói, lời nguyền của người sống linh thiêng, hiệu quả với các đấng thần linh nếu biết dâng tế, chú tâm cầu nguyện. Thế là, đêm, bà chong đèn lên, viết một tờ "sớ", gồm tên tuổi, quê quán nơi thường trú của mình và lời "thỉnh cầu" thần thánh tìm cách "giết nó" càng nhanh càng tốt. Bà thắp hương và đặt tờ sớ lên bàn thờ, phía dưới bát nhang. Dĩ nhiên, ngày rằm, mồng một, bà thắp hương, cúng lễ không quên lầm rầm cầu nguyện lời trong tờ "sớ" đặt trên bàn thờ kia.
Đã hai năm kể từ ngày mọi chuyện vỡ lở, vợ chồng, con cái con trai đầu không hề đến nhà mẹ. Có lẽ anh này vẫn còn ôm trong lòng nỗi giận bị mẹ "trù" cho chết. Chuyện buồn này còn kéo dài đến khi nào? Câu trả lời chắc chỉ những người trong cuộc mới trả lời được.
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)
Theo Xahoi
Bị chém chết vì mang súng đến trả thù giúp người khác Thấy Tuấn dùng súng chĩa vào đầu anh trai mình, Phương liền vung kiếm chém đứt lìa cánh tay, chém nhiều nhát vào người Tuấn khiến tử vong. Chiều 8/9, tại Thanh Hóa, TAND Tối cao xét xử phúc thẩm vụ án giết người đối với bị cáo Nguyễn Trọng Phương (tức Phương "Bờm", 26 tuổi, trú phường Đông Sơn, TP. Thanh Hóa)...