Những loại thực phẩm nên ăn khi mắc cúm A
Khi mắc cúm, đa số người bệnh có tình trạng mệt mỏi, chán ăn, vậy nên việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong giai đoạn này lại rất quan trọng.
Theo ghi nhận của Zing trong thời gian gần đây, số ca mắc cúm mùa, nhất là cúm A, đang có xu hướng tăng lên tại các cơ sở y tế. Gần nhất, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng phải tiếp nhận một trường hợp mắc cúm A diễn biến nặng, suy hô hấp, viêm phổi và phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).
Về lý thuyết, các chuyên gia đánh giá bệnh nhân mắc cúm A đa phần diễn biến nhẹ và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, một số trường hợp có yếu tố nguy cơ như người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai vẫn có thể diễn biến nặng nếu chủ quan.
Liên quan vấn đề này, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, đề cao vai trò của yếu tố dinh dưỡng trong điều trị cúm A, từ đó giảm nguy cơ diễn biến nặng.
“Bệnh nhân mắc cúm A thường có tình trạng mệt mỏi và chán ăn. Tình trạng này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người bệnh, làm kéo dài quá trình hồi phục”, vị chuyên gia nói.
Do đó, bác sĩ Vũ nhấn mạnh người bệnh cúm A cần tuân thủ chặt chỉ định của bác sĩ, đảm bảo bổ sung chất dinh dưỡng theo các quy tắc như ăn uống đủ chất, lựa chọn thực phẩm dễ tiêu, bổ sung vitamin từ rau củ quả, đồng thời uống nhiều nước.
Cụ thể, vị chuyên gia cho rằng khi mắc cúm A, bệnh nhân và gia đình cần lưu ý một số nhóm thực phẩm gồm:
Rau, củ, quả
Bác sĩ Vũ nhận định rau, củ, quả tươi là các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất. Chúng giúp người bệnh bổ sung chất dinh dưỡng, kháng viêm, đồng thời tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Các loại rau xanh đậm màu có tác dụng tốt trong việc đẩy nhanh quá trình điều trị cúm. (Ảnh minh họa: louis_hansel)
Video đang HOT
“Đây là yếu tố quyết định khả năng hồi phục, rất tốt cho người mắc bệnh cúm”, ông nhấn mạnh.
Mặt khác, bác sĩ Vũ gợi ý người dân nên bổ sung các loại rau củ quả có màu đậm như rau lá xanh gồm rau ngót, cải bó xôi, cải xoăn, bông cải xanh, cà rốt, cà chua hay bí đỏ…
Thực phẩm giàu vitamin C
Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, vitamin C giúp kích thích sản xuất các tế bào bạch cầu tấn công vi khuẩn và virus. Do đó, loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C được coi là một phần của phản ứng miễn dịch trong cơ thể.
Ngoài ra, vốn là một chất chống oxy hóa mạnh, vitamin C cũng giúp cơ thể bảo vệ các tế bào miễn dịch, khiến chúng hoạt động hiệu quả hơn, ngăn ngừa các loại vi khuẩn, virus gây bệnh.
Vì vậy, việc bổ sung vitamin C rất hiệu quả trong ngăn ngừa và giảm những triệu chứng của bệnh cúm.
Vị chuyên gia cũng gợi ý nước cam là nguồn bổ sung vitamin C rất tốt, dễ uống. Thực phẩm này cũng thường xuyên được ưu tiên sử dụng khi mắc bệnh trong quá khứ cũng như hiện tại.
Tuy nhiên, bác sĩ Vũ khẳng định còn nhiều loại thực phẩm khác giàu vitamin C hơn cam, thậm chí rẻ hơn. Điển hình trong số này là ổi, chanh, bưởi, dâu tây, kiwi, đu đủ, rau củ gồm bông cải xanh, ớt chuông…
“Người bệnh có thể lựa chọn đa dạng các loại trái cây phù hợp với sở thích. Tuy nhiên, người mắc cúm A có bệnh nền tiểu đường nên hạn chế sử dụng cam và các trái cây quá ngọt”, vị chuyên gia lưu ý.
Dù tốt, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm Lâm sàng, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội), khuyến cáo người dân cần tránh bổ sung quá nhiều vitamin C thông qua các viên uống, viên sủi.
Bà nhận định đây là hành động rất nguy hiểm bởi những sản phẩm này thường chứa hàm lượng vitamin C rất cao. Việc nạp thừa vitamin C có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
Bổ sung vitamin C rất tốt cho người mắc cúm nhưng cần tránh nạp thừa, nhất là từ các dạng viên nén, sủi. Ưu tiên bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin C. (Ảnh minh họa: engin_akyurt)
Cụ thể, bác sĩ Minh cho hay việc uống vitamin C bổ sung kéo dài nhưng không có chỉ định có thể đặt người bệnh vào nhiều nguy cơ. Trong đó, phổ biến nhất là tình trạng sỏi thận. Đây là biến chứng thường gặp do tự ý uống vitamin C liều cao kéo dài.
“Trường hợp thứ 2 khi nạp thừa vitamin C là các vấn đề rối loạn tiêu hóa. Quá nhiều axit trong ruột gây nôn, buồn nôn, tiêu chảy”, vị chuyên gia cảnh báo.
Do đó, bà cho rằng người dân nếu có nhu cầu hoặc gặp vấn đề buộc phải sử dụng vitamin C bổ sung từ dạng viên uống cần tham vấn ý kiến chuyên môn của các bác sĩ.
Thực phẩm giàu kẽm
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ cho hay kẽm là chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng với nhiều chức năng sinh học của cơ thể, nhất là hệ miễn dịch.
“Chúng giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng và chống lại nguy cơ nhiễm trùng”, vị chuyên gia nói.
Một số nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy việc bổ sung kẽm có thể giảm nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng và rút ngắn thời gian mắc một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cúm, cảm lạnh, viêm xoang, viêm phổi…
Từ đây, bác sĩ Vũ khuyên người bệnh cúm nên ăn các thực phẩm giàu kẽm có nguồn gốc động vật gồm sò, hàu, thịt bò, gà, thịt lợn nạc, sữa, trứng, cá, tôm, cua…
“Thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường chứa ít kẽm, có giá trị sinh học thấp và khó hấp thu hơn”, vị chuyên gia bổ sung.
Ngoài ra, bệnh nhân và gia đình cũng nên cân nhắc sử dụng thêm một số gia vị như húng quế, tỏi, gừng, sả, hồ tiêu, quế… chứa tinh dầu. Chúng cũng có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm tốt cho người mắc bệnh cảm cúm.
Người phụ nữ mắc cúm A nguy kịch, phải can thiệp ECMO
Bệnh nhân 40 tuổi được chẩn đoán mắc cúm A trên nền suy tủy, phải thở máy, phụ thuộc vào ECMO.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho một người phụ nữ, 40 tuổi, ở Vĩnh Lộc, Thanh Hoá. Bệnh nhân được chuyển từ tuyến dưới với chẩn đoán suy hô hấp, cúm, viêm phổi.
Người nhà bệnh nhân cho biết, chị sốt cao, gai rét liên tục kèm theo ho khạc đờm, đau mỏi cơ, đau nặng đầu, không nôn, tức ngực khó thở tăng dần. Chị vào điều trị tại bệnh viện tuyến dưới một ngày không cải thiện và được chuyển lên tuyến trên.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người phụ nữ bị suy hô hấp, viêm phổi, thở oxy kính, thở oxy mask và đặt ống thở máy. Người bệnh không đáp ứng với thở máy, các bác sĩ đặt ECMO.
Các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán cúm A trên nền suy tủy. Hiện bệnh nhân đang an thần, thở máy, phụ thuộc vào ECMO. Sau 1 ngày đặt ECMO, phổi có tiến triển hơn.
Bệnh nhân nhiễm cúm A trên nền suy giảm miễn dịch sẽ nặng hơn bệnh nhân thường. Nhóm người có yếu tố nguy cơ gồm người trên 65 tuổi, bệnh nhân mắc các bệnh nền về tim mạch, hô hấp, tiểu đường, các bệnh lý về máu, trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai...
Để phòng tránh cúm A, bác sĩ Phúc khuyến cáo, những người có yếu tố nguy cơ cần tiêm phòng cúm hàng năm. Với bệnh nhân yếu tố nguy cơ trở nặng khi bị nhiễm cúm A thì không nên tự điều trị mà nên đến các cơ sở y tế khám để được tư vấn chuyên khoa, cùng theo dõi và chỉ định phù hợp.
Người bệnh tiểu đường có uống cà phê sữa được không? Tôi thích uống cà phê vào mỗi buổi sáng, đặc biệt có thêm một ít sữa cho vị ngọt thanh dễ uống và ngon hơn. Tuy nhiên, tôi không rõ mình bị tiểu đường thì có được cho thêm sữa không? (V.Toàn, 39 tuổi, ở Bình Dương) PGS-TS-BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh Dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược...