Những khoảnh khắc được minh oan
Dọc hành trình tác nghiệp, chúngtôi đã ghi lại được những khoảnh khắc ngắn nhưng rất riêng và chân thậtcủa người bị oan khi được trao quyết định minh oan.
Ba thanh niên Khưu Khánh Sỹ, Trần Văn Uống, Ong Văn Sệt là những nhân vật trong loạt bài “Nhậu xong đi tè bị quy tội cướp” được minh oan sau khi Pháp Luật TP.HCM vào cuộc. Họ đã trở về cuộc sống bình thường nhưng nhớ ngày được cơ quan tố tụng mời đến nhận quyết định đình chỉ điều tra, mỗi người lại có những cảm xúc rất riêng.
1. Anh Sệt kể: “Hôm đó tôi run muốn chết…”. Anh nhận được thư của VKSND huyện Bình Chánh, TP.HCM mời đến xin lỗi vào một buổi trưa. Anh run run cầm máy điện thoại lên hẹn các bạn đi cùng cho vững tin. Nghe Sệt hẹn, Uống cũng chỉ khép nép nói sẽ đi theo.
14 giờ thứ Ba, ngày 13-12-2016 là một ngày trọng đại trong đời của họ. Vị lãnh đạo VKSND huyện Bình Chánh cùng một kiểm sát viên (KSV) bước vào phòng tiếp dân. Sệt và Uống được mời vào phòng. Tay Sệt mân mê viền áo. Uống thì luống cuống hết để tay trên bàn lại luồn xuống dưới, tay nọ bẻ ngón tay kia. Ngồi cạnh, cha Uống không ngừng động viên: “Sắp tự do rồi, nghe cho kỹ đi con!”.
“Đình chỉ mọi hoạt động tố tụng”; “Không chứng minh được… đã có hành vi phạm tội…”, giọng đọc của vị KSV đã khiến nét mặt căng thẳng của họ giãn ra. Lúc này Sệt mới tự tin ngẩng mặt lên. Nhóm PV đang tác nghiệp giơ ngón tay cái biểu tượng của chiến thắng đã củng cố niềm tin cho Sệt. Thế rồi Sệt đã cười. Anh như đã hiểu ra ý nghĩa của những câu KSV vừa đọc rằng mình đã vô tội, mình được tự do… Còn Uống khi được cha đụng nhẹ vào người thì ngẩng lên cười nhẹ. Cha Uống mừng ra mặt vì Uống được tự do, nguôi ngoai nỗi ám ảnh khi gặp công an…
Sệt nhớ lại: “em run muốn chết. Không ngờ lần này được ngồi phòng máy lạnh, có người mời nước. Nghe họ đọc em cũng hiểu hiểu nhưng ý nghĩa rõ ràng ra sao thì không biết. Khi mọi người nhìn, cười ý như mừng cho em thì em mới hiểu vậy là mình được tự do thiệt”. Tất cả ra về. Buổi chiều cuối năm mừng tủi của những người bị oan và người thân của họ khép lại đẹp như một bức tranh.
“Con cháu tôi được tự do rồi” – tiếng của cha Uống như át cả tiếng ầm ào chung quanh. Nhìn họ dắt xe ra về, lòng chúng tôi cũng ngập tràn niềm vui nỗi nhớ về một hành trình đã qua…
Anh Trần Văn Uống bật khóc trong ngày được xin lỗi oan. Ảnh: HOÀNG GIANG
2. Ở Cái Nước, Cà Mau có vụ ba chàng trai trẻ bị cáo buộc đang ăn nhậu thì thiếu mồi nên bỏ đi cướp rồi về nhậu tiếp. Cũng từ đó vụ án oan “Chiếc áo đỏ oan nghiệt” xuất hiện trên báo. TAND huyện Cái Nước đã mở nhiều phiên tòa nhưng không thể tuyên án. Sau nhiều lần tòa trả hồ sơ thì VKS cùng cấp phải ra quyết định đình chỉ vì không chứng minh được họ phạm tội. Lúc ấy cả ba mới chỉ ngoài 20 tuổi, thậm chí khi bị bắt em Lê Minh Nhựt đang học lớp 10.
Ngày 15-8-2016, VKS huyện có giấy mời Nhựt đến nhận quyết định đình chỉ, ai cũng chặc lưỡi lo lắng: “Lỡ có bề gì thì khổ”. Nhựt cũng hoang mang sợ rằng mình sẽ tan vỡ luôn giấc mơ đèn sách vừa nhen nhóm lại. em nhanh ý gọi điện thoại ngay cho vị nữ luật sư mà em đã xem như người mẹ thứ hai của mình. Được giải thích và động viên, cậu học sinh nghèo đã yên tâm đến nhận quyết định. em đã sung sướng hét toáng lên trước cổng VKSND huyện Cái Nước khi biết chắc chắn rằng mình được tự do, được đi học lại và ôm chầm lấy mẹ. Ở đầu dây bên kia, hòa cùng niềm vui chung của các em, vị nữ luật sư cũng chấm nước mắt đang nhòe mi.
3. Anh thợ sửa xe Trần Hoàng Minh ở Cần Giờ, TP.HCM, nhân vật bị oan trong vụ trộm xảy ra cách nơi anh sửa xe máy chừng 2 km, có lẽ không bao giờ quên ngày được minh oan. Bàn tay còn vướng đầy vết dầu mỡ của anh run run khi ký nhận quyết định đình chỉ oan. Hôm ấy là ngày 9-11-2015. Người thân của anh có mặt tại VKSND huyện Cần Giờ từ sớm, anh Minh cũng đến rất sớm như để chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho mình.
Chúng tôi cảm nhận được sự run rẩy của đôi bàn tay anh là chất chứa những hy vọng cho ngày mai tươi sáng hơn. Rồi đây hàng xóm láng giềng sẽ nhìn anh với ánh mắt khác. Trước đó dù anh đã được ra khỏi trại tạm giam, người ta vẫn xem anh là người có tội vì chưa cơ quan nào thừa nhận làm oan. “Lúc này tôi đã yên tâm để phát triển tay nghề sửa xe của mình, không còn phải chờ đợi trong hồi hộp nữa” – anh Minh cười thật tươi.
4. Án oan. Đó là hai từ mà không một ai muốn nhắc đến trong đời, kể cả những người tiến hành tố tụng. Không thể kể hết những cảm xúc của người bị hàm oan nhưng chúng tôi hiểu rằng cuộc sống của họ đã được tái sinh. Với cơ quan tố tụng, chắc hẳn mỗi lần xin lỗi oan cũng đều thấm thía. Trong một lần trao quyết định đình chỉ oan, một viện trưởng VKS từng thốt lên rằng: “Đó là bài học đau xót cho chúng tôi!”. Để không người dân nào phải khóc, không cơ quan tố tụng nào phải đau xót thì không còn cách nào khác là họ phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, hành xử và thực thi công vụ trên tinh thần bảo vệ quyền con người một cách cao nhất.
Video đang HOT
Luật sư bật khóc giùm khổ chủ
Người ta vẫn còn nhớ khoảnh khắc luật sư Nguyễn Văn Hiếu (Văn phòng luật sư Người nghèo TP.HCM) đã bật khóc khi VKSND TP.HCM xin lỗi ông Trương Bá Nhàn vào ngày 11-8-2016. Đó có lẽ là hình ảnh xúc động nhất buổi xin lỗi ngắn ngủi chỉ diễn ra trong ít phút. Luật sư Hiếu tâm sự: “Hôm đó tôi đã không kiềm chế được cảm xúc, cổ họng cứ nghẹn lại cho đến khi bật ra thành tiếng. Cuộc đời ông Nhàn khổ cho đến tận khi được minh oan. Sau hơn 1.346 ngày bị giam oan và gần chục năm vất vả đi đòi được công nhận oan mà thời gian xin lỗi diễn ra quá nhanh, tôi thấy thương ông ấy vô cùng”. Ông Nhàn kêu oan, cũng chừng ấy thời gian luật sư Hiếu và các đồng nghiệp trong văn phòng luôn hỗ trợ ông hết mình hoàn toàn miễn phí.
Theo Phương Loan
Pháp luật TP Hồ Chí Minh
3 người "đi tè bị đổ tội cướp" được minh oan
Vụ án này báo Pháp Luật TP.HCM từng kiên trì phân tích, chỉ ra những cái sai cơ bản trong khởi tố, truy tố và kết tội ba thanh niên. Đến nay thì VKSND huyện Bình Chánh, TP.HCM đình chỉ, xác định họ bị oan.
Chiều qua (13-12), Trần Văn Uống và Ong Văn Sệt đã đến VKSND huyện Bình Chánh, TP.HCM để nhận quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can vì hành vi không cấu thành tội phạm (theo khoản 2 Điều 107 BLTTHS). Điều này có nghĩa là các cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh đã bắt tạm giam, khởi tố, truy tố và kết án oan họ.
Người bị oan còn lại là Khưu Khánh Sỹ không đến nhận quyết định được vì anh còn bận đi làm mướn kiếm tiền trả nợ từ hồi bị bắt oan, nếu nghỉ một ngày sợ bị mất việc.
"Bị hại" yếu bóng vía, cơ quan tố tụng lao theo
Từ ba năm trước, báo Pháp Luật TP.HCM đã có nhiều bài viết chỉ ra những uẩn khúc và những vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong vụ án này (như các bài "Nhậu xong đi tè bị quy tội cướp", "Chỉ là vụ cướp tưởng tượng", "Hủy án vì có nhiều uẩn khúc"...).
Nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Đêm 5-12-2012, một người đi chơi về, nhác thấy bóng người bên vệ đường Trần Đại Nghĩa (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) bèn quay đầu xe, chạy đến chốt dân phòng KCN Lê Minh Xuân báo tin "đoán là cướp". Rồi anh này (về sau cơ quan tố tụng xác định là người bị hại) dẫn đoàn người gồm công an xã và dân phòng kéo đi bắt. Lúc đó Sệt, Uống và Trần Văn Đen đang hóng mát và đi tè sau chầu lai rai. Sỹ cũng vừa chạy từ cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi ra kêu các bạn vào ca. Đoàn người ập đến. Cả bốn chạy né đi vì tưởng đám cướp. Sau đó Sỹ và Uống bị bắt dù cả hai liên tục kêu oan.
VKSND huyện Bình Chánh cho rằng bốn người này âm mưu cầm cây đứng rình người đi đường ngang qua để cướp xe. Sệt và Đen chạy thoát nên sẽ bắt sau...
Ngày 15-7-2014, TAND huyện Bình Chánh đã kết tội Sỹ và Uống cướp tài sản với mức án một năm bảy tháng chín ngày tù giam (bằng thời gian tạm giam) và trả tự do cho hai bị cáo tại tòa.
Ong Văn Sệt(mặc áo sậm)và Trần Văn Uống tại buổi nhận quyết định đình chỉ. Ảnh: hoàng giang
Uống kháng cáo kêu oan. Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM đã hủy án sơ thẩm với nhận định vụ án được điều tra theo định hướng có tội, lập biên bản phạm tội quả tang là để hợp thức hóa hành vi phạm tội theo lời khai của người bị hại.
Sau đó, Công an huyện Bình Chánh đã dấn thêm bước nữa: Về Sóc Trăng bắt Sệt khi tết cận kề. Ấy vậy nhưng không hiểu sao Sệt vẫn có những bản khai nhận tội, sau đó bị truy tố tội cướp cùng với Uống và Sỹ.
TAND huyện Bình Chánh sau khi nghiên cứu hồ sơ đã hai lần mở phiên tòa, đưa vụ án ra xử sơ thẩm lần hai nhưng sau đó đều hoãn. Suốt quá trình tố tụng, người được cho là người bị hại chưa từng xuất hiện tại tòa.
Tháng 5-2016, Sệt được VKSND huyện Bình Chánh thả sau 15 tháng tạm giam. Và hôm qua (13-12), cả Uống, Sệt và Sỹ được VKSND huyện này trao quyết định đình chỉ, xác định cả ba bị oan.
Tết này là tết đoàn tụ!
Từ khi được trả tự do tại tòa, Uống tranh thủ làm ngày làm đêm để có được hơn 8 triệu đồng/tháng cùng cha trả nợ. Uống chỉ cười hiền khi biết mình được minh oan. Sau bốn năm mang nỗi mặc cảm oan ức, hôm qua Uống đã nở nụ cười trên môi dù những cơn hoảng sợ bất chợt khi nhác thấy bóng công an vẫn còn đeo đẳng.
"Nó là đứa nhút nhát, học hành dang dở nhất nhà. Vợ nó bỏ nó, đem con đi từ khi nó bị bắt đi tù. Tết này nhà tui ăn tết lớn" - cha của Uống, ông Trần Văn Huỳnh, hào hứng xen lẫn ngậm ngùi.
Ông Huỳnh là người luôn sát cánh bên con từ khi bị bắt vì con ông "nào giờ trái ớt, trái cà nhà người ta chưa từng dám ngắt". "Hôm nay tôi được đối đãi rất đàng hoàng, đã được ngồi phòng máy lạnh, được mời nước, con tôi được gọi bằng em chứ không phải bị can, bị cáo. Tết này nhà tôi ăn tết lớn" - ông Huỳnh tươi cười khi đọc lại quyết định đình chỉ.
Chiều qua, dưới làn mưa dai dẳng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ông Huỳnh dắt xe ra về. "Vậy là xong, từ nay con tôi được làm người" - tiếng ông át cả tiếng mưa.
Còn Sệt thì cười bối rối khi nhớ lại những tháng ngày làm thuê trong cơ sở sản xuất thức ăn gia súc. "Em đi chợ mua đồ ăn mà thấy người ta né mình. Thì ra do mùi hôi của chỗ làm thức ăn gia súc ám vào người, tắm hoài không hết mùi. Chắc phải bỏ ra 2 triệu đồng trong số 7,2 triệu đồng tiền lương tháng để mua sữa tắm may ra mới hết hôi" - Sệt cười bẽn lẽn.
Từ khi được tại ngoại, Sệt theo anh rể đi lắp thang máy cho các công trình. Cha Sệt đã đột ngột qua đời sau khi Sệt bị bắt đi không lâu, Sệt chỉ biết tin này khi anh được cho tại ngoại. Người mẹ của anh một mình trong căn nhà vách tranh, nền đất, phía trước là vuông tôm mênh mông nước. "Tết này mẹ sẽ bớt lẻ loi. Tiền làm thuê thời gian qua em sẽ học một nghề để về quê làm và ở với mẹ luôn" - Sệt tâm sự.
Cả Sệt và Uống đều đã nộp đơn yêu cầu xin lỗi công khai tại UBND thị trấn Tân Túc. Buổi xin lỗi phải có mặt đại diện lãnh đạo TAND huyện Bình Chánh, nơi đã kết án oan cho Uống và Sệt. "Còn chuyện bồi thường oan thì tính sau" - cha của Uống cho hay.
"Sẽ rút kinh nghiệm để tránh làm oan"
. Phóng viên: Thưa ông, bản án kết tội của TAND huyện Bình Chánh bị cấp phúc thẩm hủy để điều tra lại. Khi đó vụ án phải được xem xét, họp bàn kỹ lưỡng. Vậy tại sao VKSND huyện Bình Chánh vẫn phê chuẩn các quyết định để dấn tới bước nữa là bắt thêm anh Sệt, để làm oan cho cả ba người?
Ông Võ Gia Bình , Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh: Khi đó tôi chưa luân chuyển về đây, đồng thời mảng này do một phó viện trưởng khác phụ trách.
. Qua vụ án oan này, VKSND huyện Bình Chánh rút ra được bài học gì không?
Cá nhân tôi cũng phụ trách một mảng của hình sự
, tôi thấy mình rút tỉa được những kinh nghiệm trong những quyết định phê chuẩn về tố tụng để tránh gây oan, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân.
. Hình thức xử lý các cán bộ gây oan, quyết định xử lý đã có hay chưa?
VKSND TP.HCM đã chỉ đạo từ khi thấy vụ án có dấu hiệu oan. VKSND TP.HCM cũng đã chỉ đạo tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc việc làm oan này tại Bình Chánh. Tôi không thể trả lời hình thức xử lý cán bộ gây oan có hay chưa vì không được viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh ủy quyền.
. Việc xin lỗi, bồi thường sẽ được giải quyết thế nào?
Khi nhận quyết định đình chỉ, Uống và Sệt chưa có yêu cầu. Nếu sau này các anh có yêu cầu thì chúng tôi sẽ thực hiện theo quy định...
. Xin cám ơn ông.
Lẽ phải đã được bảo vệ
Ba luật sư (LS) bào chữa miễn phí cho các bị cáo là LS Trịnh Công Minh, LS Phạm Công Hùng và LS Huỳnh Kim Ngân cho biết họ rất vui mừng vì sự thật và lẽ phải đã được bảo vệ, người vô tội đã được minh oan. "Những cán bộ làm oan phải bị xử lý nghiêm để ngăn chặn những vụ án oan làm khổ sở cho những người vô can và gia đình họ. Trước mắt, chúng ta cần ghi nhận tinh thần cầu thị của VKSND huyện Bình Chánh" - LS Hùng và LS Minh cùng nhận định.
Góp phần minh oan cho Uống, Sỹ, Sệt còn có LS Nguyễn Ngọc Khuể. Tiếc là LS Khuể đã đột ngột qua đời sau khi tòa phúc thẩm vừa hủy án...
Theo Phương Loan - Hoàng Giang
Pháp luật TP Hồ Chí Minh
Cần giúp người bị oan tái hòa nhập Pháp luật có chính sách hỗ trợ người mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng nhưng chưa có quy định tương tự với người bị giam oan. Năm 2015, VKSND TP.HCM đã xin lỗi công khai và bồi thường oan cho ông Trương Bá Nhàn vì đã truy tố oan ông về hai tội giết người và cướp tài sản. Những gì...