Những khó khăn trong việc tinh giản 10% biên chế giáo dục
Để tinh giản một cách công tâm, đúng theo quy định là cả một vấn đề cần cân nhắc kĩ lưỡng, đòi hỏi bản lĩnh của những người đứng đầu trong mỗi đơn vị giáo dục.
LTS: Bộ GD&ĐT đưa ra kế hoạch sẽ tinh giản 10% biên chế trong các đơn vị giáo dục từ nay đến năm 2021.
Là một giáo viên dạy bậc THCS, thầy giáo Nguyễn Cao mạnh dạn chỉ ra những khó khăn trong việc triển khai kế hoạch này.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết.
Những ngày qua, khi Bộ GD&ĐT đưa ra kế hoạch từ nay đến năm 2021 sẽ tinh giản 10% biên chế trong các đơn vị giáo dục cho thấy sự quyết tâm của Bộ khi muốn thay đổi chất lượng giáo dục đối với những viên chức không đáp ứng nhu cầu giảng dạy hiện nay.
Nếu giải quyết được bài toán này thì rõ ràng thì ngân sách nhà nước hàng năm không phải chi trả lương cho hàng trăm nghìn giáo viên dôi dư và chất lượng giáo dục Việt Nam sẽ có một diện mạo mới. Nhưng…chuyện tinh giản biên chế nên bắt đầu từ đâu, và làm như thế nào là một câu chuyện không hề dễ dàng một chút nào.
Những khó khăn trong việc tinh giản 10% biên chế (Ảnh: baodatviet.vn)
Chúng ta đều biết, phân bố giáo viên của nước ta hiện nay vừa thừa lại vừa thiếu. Nhiều địa phương thiếu rất nhiều giáo viên mầm non và giáo viên Tiểu học. Nhưng ở các trường phổ thông lại dư thừa giáo viên quá nhiều. Nhiều đơn vị giáo viên chỉ dạy khoảng một nửa định mức theo quy định hiện hành.
Chính từ thực trạng này mà các đơn vị sự nghiệp phải chi trả một số lượng rất lớn cho số giáo viên dư thừa. Số tiền đó có thể đầu tư được rất nhiều việc thiết thực trong việc dạy và học ở nhà trường.
Nhưng tinh giản họ ư? Đó là một việc vô cùng khó khăn không chỉ với thủ trưởng các đơn vị mà ngay cả với cả hệ thống chính trị của chúng ta hiện nay.
Video đang HOT
Thực trạng ở các đơn vị trường học hiện nay có rất nhiều giáo viên không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Một số lượng lớn giáo viên do lịch sử để lại (hệ 7 3; 9 3; giáo viên bồi dưỡng cấp tốc…) nay đã lớn tuổi không bắt kịp được nhu cầu đổi mới của ngành giáo dục.
Tin học, Ngoại ngữ gần như bằng 0, trong khi các trường học bây giờ đã đưa hệ thống máy móc vào giảng dạy. Và, cả một số lượng giáo viên tốt nghiệp 10 3; 12 2 sau đó học đại học Tại chức, Từ xa được điều lên dạy cấp 2-3 (khi mà nhu cầu giáo viên thiếu) cũng rất khó tiếp cận với lượng kiến thức mới và ngày càng nâng cao ở các cấp học.
Nếu đánh giá thật thì một phần lớn giáo viên như nêu ở trên sẽ khó tránh khỏi chuyện tinh giản biên chế để những giáo viên đủ chuẩn, có trình độ năng lực thay thế.
Nhưng, với cách đánh giá hiện nay, với sự quan hệ của mỗi cá nhân khi đã có hàng chục năm đứng lớp thì tinh giản họ là việc vô cùng nan giải.
Theo luật hiện hành, công viên chức phải 2 năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ hoặc giáo viên không đủ chuẩn mới có thể tinh giản biên chế. Nhưng…cả hai yếu tố này hình như rất hiếm có ở ngành giáo dục.
Chuyện bình xét thi đua và đánh giá giáo viên hiện nay còn nhiều bất cập nên rất hiếm có trường hợp giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ.
Nhiều giáo viên lớn tuổi không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy nhưng họ đã có một vị trí đứng và có tầm ảnh hưởng nhất định trong mỗi đơn vị bởi cách chơi và cách quan hệ của họ nên mức độ hoàn thành nhiệm của những người này cũng luôn nằm trong những người có bản thành tích đẹp.
Đa số họ là hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt được các danh hiệu thi đua thì làm sao tìm được những người có hai năm nằm ở mức hoàn thành nhiệm vụ mà giảm biên chế.
Hơn nữa, họ đều có quan hệ ruột thịt với những người đứng đầu cơ quan chủ quản, hoặc là đối tượng gửi gắm giữa người này, người khác hoặc họ có mối quan hệ thân thiết như người trong nhà với cấp trên thì chuyện lấy phiếu tinh giảm biên chế về mức độ không hoàn thành nhiệm vụ khó vô cùng…
Về mặt bằng cấp để đủ chuẩn thì đối với cán bộ công – viên chức của chúng ta đều đã đủ và trên chuẩn. Bởi không có ai dại gì mà không học mấy tháng hè để có tấm bằng đại học Tại chức, Từ xa.
Chính vì vậy mà giáo viên từ cấp Mầm non đến THCS đều có bằng đại học cả bởi một lẽ đơn giản họ vừa được chuyển ngạch để tăng lương lại đủ và trên chuẩn thì làm sao mà tinh giản được.
Chuyện tinh giản biên chế trong bối cảnh nhân lực dư thừa, kinh tế gặp nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước còn eo hẹp, nhất là những giáo viên, hay cán bộ công nhân viên trong ngành giáo dục không đủ năng lực là việc làm cần thiết bởi đây là ngành đào tạo ra chất lượng nhân lực cho xã hội.
Tuy nhiên, tinh giản một cách công tâm, đúng theo quy định là cả một vấn đề cần cân nhắc kĩ lưỡng, đòi hỏi bản lĩnh của những người đứng đầu trong mỗi đơn vị sự nghiệp giáo dục.
Nếu ta làm không cẩn thận, coi chừng người không có năng lực thì ở lại mà người có năng lực thì nằm trong diện tinh giản biên chế hoặc vừa có xuất tinh giản biên chế lại có người gửi gắm con cháu, người thân của mình vào thì việc tinh giản cũng bằng không, gây bất bình trong dư luận.
Nguyễn Cao
Theo giaoduc
Giảm 10% biên chế: Chuyện cái ghế và trách nhiệm
Trong đó, Bộ Chính trị chỉ rõ đến năm 2021, tỉ lệ tinh giản tối thiểu là 10%. Thông tin này vui quá, thực sự là nó mang theo đầy hy vọng.
Bộ Chính trị đã chính thức có Nghị quyết 39-NQ/TW về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Trong đó, Bộ Chính trị chỉ rõ đến năm 2021, tỉ lệ tinh giản tối thiểu là 10%. Thông tin này vui quá, thực sự là nó mang theo đầy hy vọng. Nhưng thực tình, tôi thấy vẫn nửa mừng nửa lo.
Tin rằng, những công chức giỏi nghề, có trách nhiệm, làm được việc sẽ hoan hỉ lắm. Vì ít nhất, họ cũng sẽ tiến gần hơn tới nấc thang của sự công bằng - cho dù chỉ là tương đối.
Nhưng lo là bởi trong suốt mười năm qua, chúng ta đã có ba lần thực hiện tinh giản biên chế. Vậy mà, kết quả lại ở mức đáng buồn khi bộ máy không những không giảm mà lại ngày càng phình to hơn.
Dễ dàng nhận thấy, trong các cơ quan công quyền hiện nay còn quá nhiều bất cập tồn tại. Nó không chỉ kìm hãm sự phát triển chung mà còn tạo ra tâm lý chán chường, bất mãn, tự ti với những người trong cuộc.
Bộ Chính trị yêu cầu phải xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế. (Ảnh minh họa)
Lâu nay, việc tinh giản biên chế còn nhiều trúc trắc cũng một phần vì hầu như khi rà soát, không có bất cứ cơ quan nào lại tự nhận mình thừa biên chế (nếu không muốn nói đến việc tất cả đều viện lý do này khác để xin thêm). Mà thông thường, việc tinh giản phải do chính cơ quan, đơn vị từ dưới đề xuất lên.
Hơn nữa, điều quan trọng là chúng ta xác định được chỗ nào cần tinh giản và đối tượng tinh giản. Không loại trừ việc tinh giản nhiều khi lại loại bỏ những người thiếu vây cánh hay đi ngược với nhóm lợi ích nào đó trong guồng quay chung, còn những người có ô, có dù thì vẫn ung dung yên vị cho dù năng lực và cống hiến có hạn.
Lâu nay, chúng ta chưa có chế tài thực sự mạnh với người đứng đầu. Nếu cơ quan nào tinh giản không thành công thì cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu và nghiêm túc xử lý, không phải chỉ kiểm điểm qua loa rồi đâu lại vào đấy. Trách nhiệm gắn liền với chiếc ghế ngồi. Nếu không hoàn thành trách nhiệm của mình thì chiếc ghế đó cũng nên nhường lại.
Có lẽ, mấu chốt của tinh giản biên chế đi liền với việc chống tham nhũng. Nếu chúng ta chống tham nhũng thành công nghĩa là bộ máy công quyền đã thanh sạch, gọn gàng.
Hy vọng rằng, với Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị, câu chuyện tinh giản biên chế sẽ không chỉ còn là một lời hứa của Bộ trưởng bộ Nội vụ như đã từng nhiều lần đăng đàn trước dư luận. Bởi lời hứa suy cho cùng cũng chỉ là lời nói, mà "lời nói gió bay". Lời nói phải đi đôi với hành động thì nó mới phát huy được hết những tinh tú tốt đẹp mà nó bao hàm.
Hàng triệu người dân Việt Nam vẫn ngày ngày mơ về một bộ máy công quyền tinh gọn, hiệu quả, sạch, gần dân, không quan liêu, không quan tham, không tham nhũng. Là một người dân, tôi cũng mơ đến một cuộc tinh giản thực sự công bằng, hiệu quả, không làm theo kiểu hô hào "đánh trống bỏ dùi". Có như vậy, dư luận mới thôi không còn phải nhức nhối nghi ngại nhiều hơn con số 30% công chức cắp ô như thời gian qua.
Người ta vẫn nói, hy vọng chính là một nghệ thuật sống! Vậy thì không có cớ gì, chúng ta không hy vọng.
Phong Thu
Theo_Người Đưa Tin
TP HCM lập lại HĐND cấp quận, huyện, phường Sau 7 năm thí điểm bỏ, TP HCM tổ chức lại HĐND cấp quận, huyện, phường với biên chế dự kiến tăng hơn 8.300 người, kinh phí hơn 47 tỷ đồng một năm. Theo văn bản Sở Nội vụ vừa trình UBND TP HCM về việc lập lại HĐND quận, huyện, phường theo Luật chính quyền địa phương, dự kiến thành phố phải...