Những khó khăn chờ đợi iPhone 6s và 6s Plus
Ngày 9/9, Apple sẽ tổ chức một sự kiện lớn, nơi gần như chắc chắn iPhone thế hệ mới sẽ trình làng. Tuy nhiên, lần này, sẽ có những bóng tối che phủ tương lai của iPhone.
iPhone được coi là “con gà đẻ trứng vàng” của Apple bắt đầu từ quý I năm tài khóa 2010. Khi đó, iPhone đóng góp 35,6% trong doanh thu 15,68 tỷ USD (lợi nhuận 3,38 tỷ USD). Đến quý I/2015, con số này tăng lên đến mức khó tin: iPhone chiếm 68,6% trong số 74,6 tỷ USD doanh thu và 18 tỷ USD lợi nhuận.
Dù vậy, theo BetaNews, iPhone thế hệ thứ chín, được cho là sẽ có tên iPhone 6s và 6s Plus, lại sắp ra đời trong hoàn cảnh không suôn sẻ.
Video đang HOT
Ảnh: NDTV.
Đầu tiên là sự biến động của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới – Trung Quốc – những tuần qua đã khiến cho tỷ giá đồng USD tăng mạnh so với đồng Yuan. Có nghĩa, người dân Trung Quốc sẽ phải trả nhiều tiền hơn khi mua đồ điện tử như iPhone.
Quốc gia đông dân nhất thế giới là một thị trường đặc biệt quan trọng với Apple khi chiếm tới 26,7% doanh thu của Apple trong quý III năm tài khóa 2015, vượt cả châu Âu (20,8%) dù vẫn kém Mỹ (40,7%). Tim Cook đã nhiều lần trực tiếp đến đây để tìm hiểu và đàm phán với các nhà mạng. CEO của Apple cũng từng chia sẻ: “Trung Quốc mới chỉ là thị trường lớn thứ hai của chúng tôi nhưng sẽ sớm thế chỗ Mỹ và trở thành thị trường hàng đầu”. Thậm chí, video tường thuật lễ ra mắt iPhone 6 và 6 Plus năm 2014 của họ có thêm giọng thuyết minh tiếng Trung, cho thấy Apple đang muốn lấy lòng người dùng ở quốc gia đông dân nhất thế giới mà không ngại gây khó chịu cho người xem ở những nước khác.
Do đó, sự bất ổn của thị trường chứng khoán Trung Quốc đang tác động không nhỏ đến Apple và giới phân tích dự đoán doanh số iPhone tại đây sẽ bị ảnh hưởng do giá bán tăng, sức mua giảm.
Thứ hai là sự bão hòa tại các thị trường lớn. Tuần trước, hãng nghiên cứu IDC đưa ra dự đoán về sự chững lại của sản lượng smartphone toàn cầu trong năm 2015. Nguyên nhân là cùng với Mỹ và châu Âu, nhu cầu tại Trung Quốc bắt đầu bão hòa. Các hãng cũng gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm người dùng mới. Khi mà đa số đã sở hữu một smartphone, “các nhà sản xuất tại Trung Quốc sẽ phải cạnh tranh và thu hút ở nhóm khách hàng muốn thay thế, nâng cấp sản phẩm”, chuyên gia phân tích Annette Zimmermann của Gartner cũng nhận định.
Nhu cầu tại các khu vực phát triển đang chậm lại, còn tại những thị trường mới nổi – nơi điện thoại giá rẻ thống trị – iPhone lại không có được mức giá đủ cạnh tranh. Ví dụ ở Ấn Độ, phiên bản iPhone 16 GB đời mới có giá ít nhất 750 USD còn ở Brazil lên tới 976 USD. Ngược lại, Motorola Ấn Độ bán Moto G giá 181 USD hay Moto E là 91 USD. Apple chỉ kinh doanh một dòng iPhone và để sở hữu smartphone này, đa số người dùng phổ thông phải chờ máy đời cũ giảm giá chứ khó có thể sắm được bản mới bán ra thị trường.
Một vấn đề khác là, giữa tháng 8, tại Mỹ – thị trường lớn nhất của iPhone, nhà mạng Verizon đã theo chân T-Mobile ngừng mô hình trợ giá điện thoại kèm hợp đồng thuê bao 2 năm. Các khách hàng vẫn thường mua iPhone với giá 199 USD sau khi ký thỏa thuận với hãng viễn thông thì hiện sẽ phải đối mặt với mức giá thật nếu sắm iPhone 6s: 649 USD.
Chính sách mới của các nhà mạng Mỹ không hẳn là một thay đổi lớn, nhưng sẽ phần nào tác động đến tâm lý của người tiêu dùng: họ sẽ thấy iPhone 6/6 Plus vẫn đủ tốt, vậy sao phải bỏ tiền để đổi sang iPhone thế hệ thứ chín khi mà thiết kế sản phẩm vẫn y nguyên?
iPhone 6s và 6s Plus được cho là vẫn giữ kiểu dáng như phiên bản thứ tám, chỉ bổ sung thêm màu hồng vàng (Rose Gold) và có cập nhật cấu hình mạnh hơn. Tuy nhiên, với hầu hết người dùng, iPhone 6 và 6 Plus là đủ hài lòng, không cần thiết phải chạy đua, nâng cấp. Tình trạng “đủ tốt” này đã diễn ra ở một số lĩnh vực khác, khi mà các sản phẩm hiện tại đã đủ đáp ứng nhu cầu của phần lớn khách hàng và họ chọn tiếp tục sử dụng chúng thay vì sắm thiết bị mới.
Có một điều chắc chắn, iPhone 6s và 6s Plus sẽ tiếp tục là những smartphone bán chạy nhất thế giới khi xuất hiện trên thị trường và khiến cho các đối thủ phải lo lắng không yên. Tuy nhiên, con đường thành công của Apple dường như sẽ gập ghềnh hơn trước.
Minh Minh
Theo VNE