Những kẻ thù giấu mặt của hôn nhân
Việc cân bằng những ước muốn cá nhân với nhu cầu chung của đời sống vợ chồng là yếu tố nền tảng cho một cuộc hôn nhân bền vững. Nhưng vô tình, không ít cặp vợ chồng đang “tiếp tay” cho những “kẻ hủy diệt” giấu mặt thầm lặng.
1. Bảo thủ
Anh Luận, chị Thu mới kết hôn được 6 tháng. Sau 8 giờ vàng ngọc trở về nhà, anh luôn là “tù binh” trung thành của vợ. Bất kể việc gì, dù chồng có muốn hay không, chị Thu phải là số một.
Nguyên tắc hàng tuần của chị Thu là thứ bảy, chủ nhật nào hai vợ chồng cũng về thăm ông bà ngoại. Dù đột xuất gia đình chồng có việc ngoài dự kiến, không thực hiện đúng kế hoạch là chị lại “bắt tội” chồng. Khổ cho anh vì chị ngày càng bướng bỉnh, cố chấp và bảo thủ dù sắp làm mẹ…
Video đang HOT
Thực ra, là phụ nữ, ai cũng mong muốn được chồng yêu chiều. Ngược lại, là đàn ông nên chồng cũng muốn thể hiện bản lĩnh ga-lăng với vợ. Thế nhưng, lúc còn cưa cẩm, tán tỉnh “Cơm ai người ấy ăn, nhà ai người ấy ở” thì chuyện này không thành vấn đề. Chỉ đến khi “Tối lửa tắt đèn có nhau” mới phát sinh rắc rối. Bởi lẽ, người vợ không nhận ra được vai trò của mình trong gia đình hiện tại để điều chỉnh hợp lý. Việc thích làm theo ý mình, khăng khăng là mình đúng, mình quan trọng …là mảnh đất nảy mẩm thói bảo thủ. Lâu dần, sẽ tạo thêm hố sâu ngăn cách giữa hai vợ chồng.
Khi một trong hai người, vợ hoặc chồng xuất hiện tính bảo thủ, sự ức chế sẽ đè nặng trên vai người bạn đời còn lại. Mối quan hệ nào cũng vậy, chỉ thực sự bền vững khi có sự điều tiết vai trò hợp lý và khi tiếng nói của cá nhân được xem xét, lắng nghe. Nếu không, vợ chồng sẽ xuất hiện sự đối đầu, cãi vã. Bên bảo thủ sẽ cho rằng mình không được đối phương coi trọng. Ngược lại, bên kia cũng chán ngấy vì có người bạn đời cứng đầu, không gì lay chuyển nổi.
Cho nên, vợ chồng nên cân bằng hợp lý, tránh bị thói bảo thủ phá vỡ hạnh phúc.
2. Chỉ trích
Thực ra, thói quen chỉ trích rất hay gặp trong cuộc sống vợ chồng khi có những vấn đề không hài lòng về nhau. Chỉ trích dù xuất hiện với tuần suất ít nhưng được coi như một loại axit cực mạnh, có thể gặm nhấm hay ăn mòn bất kỳ cuộc hôn nhân hạnh phúc nào và thường khó phát hiện nhất.
Chồng chị Quyên có tính cách khá cẩu thả. Hễ anh thay quần áo là ném mỗi thứ một nơi. Bực mình vì bao nhiêu lần nhắc chồng phải treo áo quần tử tế không thành công, chị Quyên gắt gỏng: “Anh đúng là đồ bẩn thỉu, bừa bãi, thiếu văn hóa…”. Hoặc khi chồng nhậu nhẹt, say xỉn, nôn mửa khắp phòng, chị càu nhàu: “Vô tích sự, khổ vợ khổ con…”.
Thói chỉ trích nguy hiểm ở chỗ, nó xuất hiện cùng với cơn nóng giận. Ở trường hợp chị Quyên, rõ ràng, chỉ vì tức tối mà chị nặng lời với chồng như thế. Nhưng càng ngày, vô tình chị càng lún sâu vào việc thóa mạ, coi thường đạo đức, nhân cách của chồng. Chỉ một vài hành vi nhỏ, chị dễ dàng quy kết chồng là “đồ này đồ kia”. Dần dần, trong mắt chị, chồng trở thành “không ra gì, bỏ đi”…Và đây cũng là nguyên nhân khiến chồng chị ngày một ức chế và thậm chí trở nên bất cần: “Ừ đấy, cô đã coi tôi không ra gì thì tôi cứ thế”.
Kết cục, chị Quyên không những không giúp được chồng khắc phục thói hư tật xấu mà còn tiếp sức để anh “ngày một tệ” hơn.
Chỉ trích thường đi kèm sự kêu ca, than phiền cho nên rất dễ bị nhầm lẫn. Nhưng nếu nói: “Em mệt vì anh cứ để đồ bừa bãi” hay “Em buồn vì anh nhậu nhẹt ngày đêm” thì đó là những lời than thở hay giận hờn, trách móc. Còn khi đã động chạm đến nhân cách một người, kiểu như: “Anh là đồ…”thì đó lại là chỉ trích. Tuy khác nhau về cấp độ và hình thức nhưng “tác dụng phụ” không mong muốn của thói chỉ trích lại mạnh hơn sự giận hờn, trách móc gấp ngàn lần. Bởi vậy, hãy thận trọng và coi trừng nếu vợ hoặc chồng có thói quen chỉ trích nhau như vậy.
3. Mạnh ai nấy sống
Anh Thuận có một cô vợ trẻ đẹp, năng động, đáng yêu. Hồi mới cưới, hai vợ chồng đã thống nhất, ngoài khoản sinh hoạt phí chung ra, còn lại “Của ai người nấy tiêu”. Anh Thuận luôn để vợ tùy cơ mua sắm và xài tiền chị tự kiếm ra. Theo anh, thế mới là nam nữ bình đẳng, bình quyền…
Mới đầu, chị cũng sung sướng vì cách sống thoáng của chồng. Sau, chị mới thấy, cứ kiểu này không ổn…Chị luôn trong tâm trạng hoài nghi “Nhỡ anh mang tiền cho gái thì sao”. Có hôm mải chơi với bạn bè thâu đêm suốt sáng, anh Thuận chả thèm đoái hoài gì đến vợ…
Nếu hôn nhân chỉ đơn thuần là “Góp gạo thổi cơm chung”, “Của anh anh gánh, của nàng nàng bưng” thì đó mới chỉ đáp ứng được bề nổi, tức đời sống vật chất còn đời sống tinh thần rõ ràng là đang lung lay, có thể “cuốn theo chiều gió” bất cứ lúc này. Còn lối suy nghĩ “Cứ để cho nhau thoải mái” hoặc quen hưởng thụ một mình cũng sẽ làm cây tình yêu nhanh chóng héo úa. Do đó, sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau luôn luôn cần thiết nhất là trong xã hội gấp gáp, bận rộn, nơi mà con người càng ngày càng có ít thời gian ở nhà hơn ngoài xã hội.
Theo VNE