Những hướng dẫn mới về mở lại dịch vụ ăn uống khi nới giãn cách xã hội cần biết
Người chế biến thức ăn, người phục vụ ăn uống phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, không được cười đùa, nói to… Đây là những hướng dẫn mới mà các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố phải thực hiện lúc mở cửa trở lại khi nới giãn cách xã hội.
PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) lúc các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động lại khi nới lỏng giãn cách xã hội, bắt buộc người chế biến thực phẩm, phục vụ đồ ăn phải đeo khẩu trang. Các quán ăn không được phục vụ nhiều người cùng lúc, khách ăn uống cần hạn chế cười đùa, nói to…
“Đặc biệt, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (cơ sở chế biến xuất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, căng tin ăn uống) cần thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các yêu cầu về điều kiện ATTP. Chỉ các cơ sở kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện cấp phép mới được kinh doanh trở lại”- ông Phong nhấn mạnh.
PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế
Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết để bảo đảm ATTP khi các cơ sở hoạt động lại sau nới giãn cách, bắt buộc người phục vụ đồ ăn phải đeo khẩu trang
Theo ông Phong, trước đây, việc đeo khẩu trang chỉ bắt buộc với những người chế biến thực phẩm nhưng nay bắt buộc cả với những người phục vụ trong nhà hàng, quán ăn cũng như các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Ngoài ra, nếu người chế biến thực phẩm, phục vụ ăn uống có bất kỳ biểu hiện sốt, ho, không được chế biến thực phẩm, phục vụ đồ ăn.
Trong quá trình chế biến thực phẩm, phục vụ đồ ăn, không được cười đùa, nói to, cố gắng hạn chế tiếp xúc gần. Khu vực chế biến thức ăn phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay… Khu vực ăn uống phải có nơi rửa tay, có đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay sạch và có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay, phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát. Đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển.
Nhiều quán ăn ở Hà Nội đã mở cửa trở lại sau nới giãn cách xã hội – Ảnh: Ngô Nhung
Một điểm mới nữa là khu ăn uống phải có đủ bàn ghế và bố trí khoảng cách giữa những người ăn uống; có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng người ăn uống và được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn trước và sau khi sử dụng…
Đối với bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, chế xuất, doanh trại các đơn vị, bệnh viện, cơ sở giáo dục, trường học có đông người ăn uống cần bố trí ăn theo nhiều ca để bảo đảm khoảng cách giữa những người ăn uống. Người ăn uống yêu cầu phải rửa tay sạch bằng xà phòng, sử dụng dung dịch khử khuẩn bàn tay trước và sau khi ăn uống; giữ vệ sinh, hạn chế di chuyển, không nói to, cười đùa trong khi ăn uống.
“Với loại hình kinh doanh thức ăn đường phố, ngoài yêu cầu về ATTP theo quy định cũng cần lưu ý thực hiện phòng chống sự lây lan của dịch Covid-19. Theo đó, người bán hàng phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với thực phẩm, thức ăn; giữ khoảng cách tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Thực phẩm, thức ăn ăn ngay phải được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn trước khi giao cho khách hàng. Các cơ sở này cũng phải bố trí đủ nước sạch và xà phòng rửa tay cho khách trước khi ăn uống, không được phục vụ cùng lúc quá đông người để bảo đảm khoảng cách an toàn”- PGS Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.
Người kinh doanh thức ăn đường phố cũng phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc thực phẩm – Ảnh: Ngô Nhung
Ông Phong cho biết Cục ATTP cũng đề nghị các đơn vị tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm theo các tiêu chí nêu trên, yêu cầu người đứng đầu các cơ sở giáo dục/ tại các nhà hàng, khách sạn, cơ quan có bếp ăn tập thể chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong phạm vi quản lý. Trong thời gian tới, cơ quan này sẽ có poster được mô tả bằng hình ảnh hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống để đảm bảo ATTP trong phòng chống dịch Covid-19.
Ngoài hướng dẫn bằng văn bản, Cục ATTP cũng lập đường dây nóng để người kinh doanh có bất cứ thông tin thắc mắc, hướng dẫn đều có thể gọi để được tư vấn theo số hotline: 0913.319.936.
Cũng theo ông Phong, Cục ATTP đã có văn bản hướng dẫn riêng về việc đảm bảo ATTP trong phòng chống dịch Covid-19 đối với bếp ăn cơ sở giáo dục. Theo đó, ngoài các quy định về đeo khẩu trang đối với người chế biến, người phục vụ, khu vực ăn uống cho học sinh, sinh viên, học viên phải đủ bàn ghế và bố trí khoảng cách giữa những người ăn uống… Nhóm đối tượng này có thể bố trí ăn theo nhiều ca để bảo đảm khoảng cách giữa những người ăn uống. Tại các bếp ăn cần hạn chế di chuyển, không nói to, cười đùa trong khi ăn uống. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể chịu trách nhiệm bảo đảm ATTP trong phạm vi quản lý.
Không mang khẩu trang khi chế biến thức ăn sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng
Đeo khẩu trang là quy định bắt buộc với người phục vụ dịch vụ ăn uống
Theo Nghị định 115 năm 2018 về xử phạt vi phạm hành chính về ATTP có quy định mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với người trực tiếp chế biến (tiếp xúc) thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay, đeo đồng hồ, vòng, lắc; ăn uống, hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Tin-clip: N.Dung
Chống dịch trong tư thế chủ động
Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cho biết sau khi gỡ bỏ quy định giãn cách xã hội cũng chính là lúc TP HCM bước vào giai đoạn 3 của dịch Covid-19
Giai đoạn 3 được dự báo sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi dịch bệnh đã có dấu hiệu lây lan trong cộng đồng ở một số tỉnh, thành. Các trường hợp nhiễm Covid-19 có thể sẽ xuất hiện bất kỳ lúc nào, không rõ nguồn lây, không rõ yếu tố dịch tễ.
Không được lơ là, chủ quan
Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, trong thời gian qua TP HCM đã thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch Covid-19, tình hình đang được kiểm soát tốt. Tuy vậy, để ứng phó hiệu quả diễn biến mới của dịch bệnh, Sở Y tế TP vừa yêu cầu hệ thống dịch bệnh 24 quận - huyện khẩn trương đánh giá lại những hoạt động vừa qua, khắc phục những tồn tại để bước vào giai đoạn chống dịch mới trong tư thế chủ động.
Sau thời gian giãn cách xã hội, nguy cơ lây lan dịch Covid-19 sẽ là những điểm nóng như các khu công nghiệp, trường học, nơi tập trung đông người và người Việt Nam từ nước ngoài về. Cũng theo BS Nguyễn Hữu Hưng, Sở Y tế TP HCM đã đặt hàng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM khẩn trương nghiên cứu tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tại Việt Nam và TP HCM, tham mưu Sở Y tế TP kế hoạch ứng phó với dịch bệnh trong giai đoạn mới (dự báo những tình huống có thể xảy ra và giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả).
"Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM phối hợp cùng Bộ Tư lệnh TP xúc tiến nhanh việc khảo sát, tham mưu Sở Y tế những cơ sở có thể triển khai khu cách ly tập trung và bố trí nhân sự cho từng khu cách ly. Xem xét, đánh giá khả năng đáp ứng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, giải đáp, xử lý thắc mắc phản ánh của người dân. Phối hợp trung tâm y tế quận - huyện xây dựng các giải pháp kiểm tra, giám sát người cách ly tại nhà; các quy trình, phương án xử lý khi phát hiện ca bệnh, ca nghi ngờ trong cộng đồng. Góp ý bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm virus SARS-CoV-2 phù hợp đặc thù từng ngành, vừa bảo đảm yêu cầu chống dịch và duy trì hoạt động để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội..." - BS Nguyễn Hữu Hưng thông tin thêm.
Trong khi đó, BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế, lưu ý mùa mưa sắp tới, ngoài Covid-19, ngành y tế còn phải chủ động phòng chống dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng..., không để xảy ra dịch chồng dịch trên địa bàn TP.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại khu lưu trú công nhân ở huyện Nhà Bè, TP HCM
Bài toán sống còn
Theo BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, ở giai đoạn 2, nhờ tập trung tất cả các nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả nên dịch Covid-19 tại TP HCM đã được kiểm soát tốt. Các trường hợp nhiễm Covid-19 được phát hiện sớm, khoanh vùng ổ dịch nhanh chóng, triệt để. Công tác giám sát, xét nghiệm được triển khai kịp thời nên không để các ổ dịch bùng phát, lan rộng trong cộng đồng. Hoạt động cách ly người nhập cảnh cũng được triển khai nhanh chóng, không xảy ra lây lan trong khu cách ly. Công tác điều trị cũng có những kết quả khả quan, cho đến ngày 22-4 vẫn chưa có trường hợp tử vong.
BS Nguyễn Trí Dũng cũng cho biết trong giai đoạn 3, bài toán sống còn là phát hiện sớm trường hợp nhiễm mới mắc, nhất là các trường hợp không có yếu tố dịch tễ. Từ đó tiến hành nhanh chóng các biện pháp chống dịch, bao vây dập dịch nhằm ngăn chặn chuỗi lây truyền trong cộng đồng. Thực hiện cách ly điều trị kịp thời các ca nhiễm, hạn chế số ca tử vong. TP HCM đã lên phương án tiếp tục sẵn sàng cách ly y tế số lượng lớn người nhập cảnh, người tiếp xúc với ca bệnh, người có nguy cơ... Giai đoạn hiện nay là "thời gian vàng" để TP HCM củng cố hệ thống phòng chống dịch, chuẩn bị chiến lược, kế hoạch, giải pháp để chủ động ứng phó với dịch Covid-19 tại TP.
Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM đã và đang triển khai nhiều giải pháp cho giai đoạn 3, như: Kiện toàn tổ chức bộ máy phòng chống dịch; nâng cao năng lực các đội phản ứng nhanh; rà soát, củng cố lại các khu cách ly tập trung; nâng cao năng lực xét nghiệm Covid-19; thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trên những nhóm nguy cơ như hành khách tại sân bay, nhà ga, bến xe, công nhân tại khu lưu trú, trong khu công nghiệp... Tổ chức đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm, khuyến cáo và triển khai các giải pháp phòng ngừa ở những khu vực tập trung đông người, có nguy cơ như nhà máy, xí nghiệp, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động phòng chống dịch như: giám sát chuỗi lây nhiễm, quản lý, giám sát cách ly y tế, truy dấu tiếp xúc gần với người nhiễm.
"Thực tế hiện nay cho thấy một bộ phận người dân đã tỏ ra chủ quan, không thực hành đúng và đầy đủ các biện pháp phòng bệnh. Điều cần nhớ là nguy cơ lây lan dịch bệnh luôn chực chờ, nhất là khi gỡ bỏ quy định giãn cách xã hội. Vì thế, để chủ động khống chế dịch bệnh thì vai trò mỗi tổ chức và cá nhân trong cộng đồng là rất quan trọng. Cần tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh để giảm rủi ro lây nhiễm cho bản thân, gia đình, đơn vị và cộng đồng" - BS Nguyễn Trí Dũng khuyến cáo.
Cách ly phòng riêng biệt
Sắp tới, TP HCM sẽ đón khoảng 11.000 người về nước. Khác với lần đón người từ nước ngoài về của 1 tháng trước, trong lần sắp tới đây, các cơ quan chức năng sẽ chuẩn bị nghiêm ngặt hơn trong công tác phòng chống dịch. Theo đó, người nhập cảnh vào TP HCM đều sẽ được thực hiện cách ly tập trung để theo dõi sức khỏe. Tuy nhiên, mỗi người sẽ được bố trí một phòng riêng biệt để hạn chế tối đa mọi nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra.
Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH
Bài học chống dịch: Chiến lược phù hợp, điều trị tốt Chuyên gia y tế Trần Đắc Phu đánh giá Việt Nam khống chế Covid-19 thành công nhờ lựa chọn chiến lược phù hợp, công tác xét nghiệm và điều trị tiến bộ. Ông Trần Đắc Phu là Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, nguyên cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ...