Những hiểm họa không ngờ vì đăng ảnh con lên mạng
Bước sang tuổi thứ 5, nhiều trẻ có đến 1.500 ảnh được cha mẹ chúng chia sẻ trên mạng xã hội. Điều gì sẽ xảy ra khi chúng lớn lên?
David Devore Jr, ở Florida, Mỹ, cũng giống như bao thanh niên 18 tuổi khác. Trên Instagram, cậu khoe ảnh tốt nghiệp và thư đậu đại học. Trên Twitter, cậu tweet về đội bóng yêu thích và chia sẻ video của các ngôi sao TikTok. Nhưng có một điều khiến cậu khác biệt với những thanh niên khác cùng tuổi: Trên YouTube, có một video về cậu khi 7 tuổi đã thu được gần 140 triệu lượt xem.
Vào năm 2009, bố của David đã đăng tải lên YouTube video con trai đi nhổ răng. “Tôi chỉ muốn chia sẻ nó với bạn bè và gia đình vì video khiến chúng tôi không nhịn được cười. Tôi nghĩ sẽ chẳng mấy ai xem nó”, người cha nói.
Cậu bé David Devore Jr nổi tiếng từ video sau khi đến gặp bác sĩ nha khoa. Ảnh: ABC.
Tuy nhiên, trong vòng vài ngày video đã có hơn 4 triệu lượt xem và con số tiếp tục tăng lên. David Jr nổi tiếng đến mức cậu bé đã được đi khắp thế giới xuất hiện trên các talkshow và trên thảm đỏ. Tuy nhiên sự nổi tiếng cũng có mặt trái. “Mọi người buộc tội tôi lạm dụng trẻ em. Một phóng viên nói rằng tôi phải bị cảnh sát gọi và phải ngồi tù”, người cha kể.
Câu chuyện gia đình Devore là một minh chứng cho thấy, một khi ảnh của đứa trẻ được đăng lên mạng, sẽ không dễ dàng kiểm soát nó đi đâu. David thuộc thế hệ những sao nhí đầu tiên thừa hưởng thời đại công nghệ số. Cậu nói video là một “điều tích cực” trong cuộc sống và hài lòng vì khoản tiền sáu con số mà gia đình kiếm được.
Trái ngược với David, ngày càng có nhiều người ở thế hệ Z (những người sinh trong khoảng từ năm 1996 đến 2010) bất an về những “di sản” mà cha mẹ cho họ thừa hưởng trên mạng. Năm ngoái, khi nữ diễn viên Gwyneth Paltrow, người Mỹ đăng lên Instagram bức ảnh tự sướng cùng con gái 14 tuổi, ngay lập tức cô bé phản ứng: “Mẹ, chúng ta đã thảo luận về điều này. Mẹ không được đăng bất cứ thứ gì mà không có sự đồng ý của con”.
Đầu năm nay, con của một bà mẹ “có ảnh hưởng trên Instagram” đã đăng bài ẩn danh trên Reddit bày tỏ bức xúc về việc mẹ đăng ảnh mình. “Thật tệ vì có quá nhiều thứ riêng tư của chúng con trên mạng. Đó là những gì sẽ xuất hiện khi con tìm việc, khi con hẹn hò, khi bất kỳ ai tra cứu tên con trên mạng. Con chưa bao giờ đồng ý việc được chụp ảnh. Hãy ngừng trục lợi từ hình ảnh của con”, người này viết.
Con gái nữ diễn viên Gwyneth Paltrow (phải) đã phản ứng ngay khi mẹ đăng bức ảnh này lên mạng.
Kết quả một nghiên cứu về an toàn Internet của Microsoft với 12.500 thanh thiếu niên thuộc 25 quốc gia vào năm 2019, cho thấy, khoảng 42% cho biết họ cảm thấy khó chịu về những gì cha mẹ chia sẻ trên mạng, 11% tin rằng đây là một “vấn đề lớn” trong cuộc sống của họ.
Video đang HOT
Theo Stacey Steinberg, giáo sư ngành Luật tại Đại học Florida chia sẻ: “Một khi bức ảnh được đưa lên mạng, nó có thể tồn tại mãi mãi, thậm chí bị đem ra làm ảnh chế. Đứa trẻ sẽ cảm thấy thế nào khi biết mình bị đem ra làm trò đùa nơi công cộng? 30 năm nữa, công nghệ nhận dạng khuôn mặt có thể ghép hình ảnh trẻ mới biết đi khỏa thân đó với một CEO chẳng hạn”.
Luật sư chuyên về mạng xã hội tại Anh, Yair Cohen, cho biết thanh thiếu niên có thể bất bình với cha mẹ của họ, đặc biệt ở tuổi này vấn đề hình ảnh bản thân rất quan trọng với chúng.
Hệ lụy không ngờ
Chị Laney Griner người Mỹ đã rút ra “bài học đau đớn”, khi đăng tải ảnh con trai Sam Griner, 11 tháng tuổi lên Flickr vào năm 2007. Biểu cảm trên khuôn mặt bé đã thu hút sự chú ý trên Internet và sau đó bức ảnh đã trở thành ảnh chế được chia sẻ rộng rãi với thông điệp “Đứa trẻ thành công”. Đến nay 13 năm sau, hình ảnh đó vẫn được chia sẻ rộng rãi.
Tháng Giêng năm nay, các luật sư của gia đình Griner đã có động thái quyết liệt yêu cầu Hạ nghị sĩ Steve King ngừng sử dụng hình ảnh con trai trong chiến dịch gây quỹ của ông.
Tấm ảnh “success kid” của cậu bé Sam Griner ở Mỹ nổi tiếng suốt 13 năm qua khi người mẹ chỉ vô tình đăng lên Flickr . Gần đây hạ nghị sĩ Steve King sử dụng ảnh trong chiến dịch gây quỹ, đã bị gia đình phản ứng dữ dội. Ảnh: Hollywoodreporter.
Tất nhiên, sự nổi tiếng như David Devore Jr hay Sam Griner không phổ biến. Nhưng điều này cho thấy rất khó kiểm soát hình ảnh một khi đăng lên trực tuyến. Hồi tháng 8 vừa qua, chị Amanda Morgan, 29 tuổi, ở Merseyside, Liverpool đã chia sẻ bức ảnh lúc 6 tháng tuổi của con gái Callia lên Instagram của mình. Sau đó, cô được bạn bè thông báo những bức ảnh đó đang xuất hiện trên một website ấu dâm với những lời lẽ khiếm nhã. Vào trang đó, Amanda phát hiện rất nhiều ảnh các bé khác được đăng tải, chỉnh sửa, cắt ghép.
Ngân hàng Barclays của Anh đã từng cảnh báo, các bậc cha mẹ đang đặt con vào nguy cơ bị lừa đảo khi chia sẻ ảnh và thông tin của chúng trên mạng. Theo dự báo đến năm 2030, thế giới tài chính ngân hàng có thể xảy ra các vụ gian lận trị giá khoảng 670 triệu bảng Anh xuất phát từ những chia sẻ trên mạng. “Từ trang cá nhân của cha mẹ, các bên thứ ba có thể tìm ra tên, ngày sinh, nơi sinh sống của một đứa trẻ”, giáo sư Steinberg nói.
Một nghiên cứu gần đây của Anh cho thấy, trung bình mỗi bậc cha mẹ sẽ đăng lên mạng 1.500 bức ảnh của con họ trước năm tuổi. Gần một phần ba số phụ huynh được khảo sát cho biết họ chưa bao giờ nghĩ đến việc xin phép con cái trước khi đăng bài. Ngành công nghiệp “mumfluencers” – các bà mẹ có ảnh hưởng trên mạng xã hội – trị giá 11 tỷ USD. Chỉ riêng ở Mỹ, 3,9 triệu bà mẹ là blogger. Gần đây, các nhà điều tra Australia cũng đã tìm thấy hơn 45 triệu bức ảnh trẻ em trên các trang ấu dâm.
Hiện tại các quốc gia đã có động thái khác nhau trong việc bảo vệ quyền riêng tư của trẻ. Năm 2015, cảnh sát Đức đã thực hiện một chiến dịch truyền thông cảnh báo các bậc cha mẹ không nên đăng hình ảnh của con mình lên Facebook công khai vì có thể bị kẻ xấu lợi dụng vào các hành vi bất chính.
Năm 2016, các luật sư Pháp nói rằng một đứa trẻ lớn lên hoàn toàn có thể kiện cha mẹ vì hành vi mạo hiểm an toàn của chúng. Theo quy định về quyền riêng tư, cha mẹ có thể phải ngồi tù một năm hoặc phạt tiền 45.000 USD nếu tự ý đăng ảnh con. Những bức ảnh được chụp ngày hôm nay có khả năng là cơ sở cho các vụ kiện trong tương lai. Và nếu điều này xảy ra, phụ huynh sẽ cần phải chứng minh họ đăng những bức ảnh đó vì lợi ích tốt nhất của đứa trẻ.
“Đã có các động thái cho thấy ở châu Âu sớm muộn gì cũng sẽ có những thay đổi về luật pháp với nhân quyền của trẻ. Người Pháp đã mở cửa cho một điều gì đó xảy ra ở đây trong vài năm tới”, luật sư Cohen nói.
Một số bậc cha mẹ cũng đang “tỉnh ngộ”. Blogger người Ireland Karen Edwards (có hơn 103.000 người theo dõi trên Instagram) chia sẻ, nhờ việc điều hành blog du lịch thành công, gia đình cô được đi du lịch khắp nơi trên thế giới miễn phí, ở trong các khách sạn sang trọng. “Lúc bắt đầu tôi nghĩ ‘Chà, điều này thật tuyệt vời. Chúng tôi đang mang đến cho các con những cơ hội trải nghiệm tuyệt vời”. Nhưng đồng thời, con của cô đang được sử dụng như một quảng cáo và người mẹ luôn áy náy, lo sợ khi trưởng thành không biết liệu con có thoải mái với việc để mặt mình xuất hiện trên internet.
Abigail Caidoy, một blogger ở Dubai gần đây đã lo ngại về việc các bức ảnh của các con cô có thể bị chiếm đoạt. “Tôi và chồng đã nói chuyện với nhau, đi đến quyết định xóa những bức ảnh về các con mà tôi không còn cảm thấy thoải mái khi chia sẻ”.
Nhiều người có thể nghĩ việc ghi hình và đăng tải lên mạng như một cách giúp lưu lại tuổi thơ cho con. Song Steinberg khuyến cáo hãy dừng lại suy nghĩ: “Những câu chuyện này kể cho ai nghe?”. “Nếu chúng ta tiếp tục lưu lại tuổi thơ thông qua các bài đăng trên mạng xã hội, trẻ em sẽ không nhớ cảm giác thực sự là một đứa trẻ – cảm giác khi đứng trên sân khấu thực nhảy hoặc cảm giác khi nhìn thấy chuột Mickey lần đầu tiên. Chúng sẽ chỉ thấy nhớ về tuổi thơ của mình qua đôi mắt của người lớn, qua những bức ảnh mà cha mẹ đã đăng lên mạng”.
Đậu đại học nhưng không đủ khả năng theo, nữ sinh lên mạng tìm người giúp
"Thật sự em rất vui khi biết mình đậu vào ngôi trường đại học mình yêu thích, vào được ngành học mình mong ước, nhưng số phận nghiệt ngã không cho em đi học nữa vì chẳng ai cho em học".
Nữ sinh Tăng Thị Thái vừa đậu đại học nhưng gia cảnh rất khó khăn, khả năng phải bỏ học - Ảnh: MỸ PHÚC
Những dòng tâm sự trên của một tài khoản mang có tên Lùn's Thái Thái trên fanpage Sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) hôm 7-10 thu hút sự quan tâm của rất nhiều thành viên trong nhóm kín này.
"Em muốn được tiếp tục đi học"
Đó là thí sinh Tăng Thị Thái (ngụ ở ấp Trà Bết, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), vừa trúng tuyển vào ngành nhân học với kết quả thi tốt nghiệp THPT khối C00 đạt 22,5 điểm.
Cô học sinh người dân tộc Khmer của Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Thạnh Phú (Sóc Trăng) tâm sự: "Thật em rất buồn nhưng không biết làm sao chỉ biết cố gắng từng ngày khi gia đình khó khăn. Gia đình chỉ có mẹ và em, cha mẹ ly thân và em sống với mẹ không có nhà ở, không có ruộng đất, sống nhờ nhà dì.
Suốt 12 năm qua, em học trường nội trú, giờ em biết tin mình đậu đại học thật sự vui đến khóc nhưng nhà dì và mọi người không ủng hộ em học đại học. Mẹ cũng bảo em nghỉ học vì mẹ lo hết nổi rồi.
Mẹ em nay đã 59 tuổi, lại bị tật bẩm sinh ở mắt. Lúc trước, mẹ mò cua, bắt ốc cắm câu, hái rau dại bán lấy tiền sinh sống để lo tiền cho em ăn học giờ già mắt mờ chân tay lại yếu ớt nên chả lo nổi được nữa. Em thì lại rất muốn được tiếp tục đi học".
Từ lớp 7 đã làm thêm phụ mẹ
Bạn bè cùng lớp 12A2 đều biết rất rõ hoàn cảnh của Thái: "Trước đây hai mẹ con được địa phương cấp cho căn nhà nhỏ nhưng mưa gió đã làm nhà đổ, nên nay phải ở đợ nhà dì. Do phải học trường nội trú nên thường hai tuần Thái mới về nhà một lần. Mỗi lần về là Thái liền phụ mẹ cắm câu, hái rau để bán kiếm tiền".
Lúc đi học, nhờ thầy cô giới thiệu, Thái xin phụ bán ở căn tin trường để kiếm thêm mỗi tháng 400.000 đồng. Thi tốt nghiệp THPT xong, Thái xin làm nhân viên công nhật xưởng tôm của một công ty hải sản gần nhà, dậy từ 5h sáng và làm việc đến 17h chiều. Những đợt tăng tăng ca, nhiều hôm đến 10h đêm khi bà con ấp Trà Bết đã tắt đèn đi ngủ, Thái mới về nhà nhờ được bạn cho quá giang xe.
"Từ hè năm học lớp 7 là em đã đi làm thêm kiếm tiền phụ mẹ rồi. Hiện mỗi ngày em làm hải sản kiếm được 130.000 đồng, phụ giúp mẹ. Thật sự, thi tốt nghiệp xong, em không nghĩ mình được học đại học, dù trước đó có đăng ký xét tuyển nhưng đó chỉ là ước mơ thôi.
Đến khi bạn bè báo tin em đậu đại học, em tìm hiểu trên mạng mới thấy trang fanpage của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn nên vô đó ghi vài dòng tâm sự với mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ ai đó để giúp em thực hiện ước mơ được vào đại học", Thái chia sẻ.
Chia sẻ về quyết định chọn ngành học của mình, Thái cho biết: "Qua tìm hiểu, em biết được nhân học là một ngành học còn khá mới mẻ tại Việt Nam, được đánh giá là ngành học có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai cùng với vị trí việc làm vô cùng phong phú.
Bản thân là người Khmer, em rất thích tìm hiểu các vấn đề về kinh tế - xã hội - văn hóa của con người trong các cộng đồng cư dân, dân tộc với nếp sống khác nhau và trong nhiều thời kỳ khác nhau... Do vậy em quyết định chọn ngành nhân học".
Thái sẽ nhập học sáng 9-10
ThS Trần Nam - trưởng phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp nhà trường - cho hay: "Khi biết tin em Tăng Thị Thái có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, gia đình không có khả năng lo cho em tiền học, hiệu trưởng nhà trường đã quyết định hỗ trợ toàn bộ học phí và lệ phí nhập học.
Hợp tác xã Youth Coop của trường sẽ nhận Thái làm việc bán thời gian trong không gian cà phê của trường để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày trong quá trình học.
Thái sẽ nhập học vào sáng 9-10 tại cơ sở Thủ Đức. Bên cạnh đó, một giảng viên khoa nhân học sẽ tài trợ học phí kỳ tiếp theo cho Thái yên tâm học tập".
Chùm ảnh xúc động: Mặc trời mưa lớn cả ngày, bố mẹ "hộ tống" con làm thủ tục nhập học Những trận mưa lớn cũng không thể ngăn được những lo lắng, quan tâm của phụ huynh dành cho con mình trước ngưỡng cửa trở thành tân sinh viên. Một mùa tuyển sinh nữa lại đến, những sĩ tử sau kỳ thi và biết được thông tin điểm chuẩn đang tất bật chuẩn bị giấy tờ, gói ghém đồ đạc để vào các...