Những hàm oan đè nặng lên vai cộng đồng game thủ Việt
Trước sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ngành game online đã có những bước tiến vượt bậc, nhưng trong bối cảnh đó game thủ nước nhà vẫn đang phải gánh trên vai nhiều nỗi oan tình chưa thể hóa giải.
Những hàm oan ấy xuất phát từ nhiều phía như định kiến xã hội, cách nhìn nhận chưa thực sự công tâm của người làm công tác chuyên môn báo chí trong việc định hướng dư luận xã hội…
Game online luôn có cộng đồng rộng lớn và tích cực
Định kiến xã hội
Video đang HOT
Song hành cùng sự đổi mới của đất nước, chính sách và con người, thị trường game Việt sau 10 năm phát triển cũng thu lại những thành quả nhất định. Tuy nhiên cái lối tư duy cũ của cộng đồng vẫn còn đè nặng lên loại hình giải trí trực tuyến này.
Vào khoảng giữa năm 2003, sự mới lạ của game online đã quyến rũ rất nhiều thanh niên làm quen với PC để trải nghiệm. Lúc bấy giờ chỉ có một số người có điều kiện sắm được máy tính riêng cho cá nhân, còn đa phần game thủ chỉ còn nước tập trung ra tiệm Internet, vừa chơi vừa căn tiền để tính giờ. Trong khi cuộc sống còn nhiều khó khăn mà con em lại đốt tiền vào trò chơi khiến không ít bậc phụ huynh buồn phiền. Thêm nữa, thanh niên là lực lượng lao động chính trong nhà lại la cà quán xá khiến cuộc sống đã khó giờ còn khổ hơn. Chính những nguyên nhân này khiến xã hội nhìn nhận game online như một “tệ nạn”.
Hình ảnh minh họa về người chơi game
Những tưởng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, điện thắp sáng và sóng vô tuyến phủ rộng khắp ngóc ngách, ngõ hẻm…; những chính sách nhà nước mới tiến bộ được ban hành; nhận thức, tri thức của người dân tăng lên thì định kiến trên của xã hội về game online sẽ được xóa bỏ. Thế nhưng sự thực thì, cái định kiến thuộc tiềm thức cũ ấy vẫn còn ngự trị sâu đậm trong suy nghĩ của rất nhiều người dân Việt.
Hiện nay (năm 2014) song song với việc phổ cập giáo dục, kiến thức về công nghệ thông tin cũng được đẩy mạnh ra cộng đồng. Cuộc sống đã có nhiều tiến bộ hơn, con người sử dụng máy móc để lao động thay cho chân tay. Thay thế cho các hình thức giải trí yêu cầu sân bãi rộng như trước đây, con người hiện đại tận dụng công nghệ để vừa làm vừa chơi nhằm nhanh chóng lấy lại được cân bằng trong cuộc sống. Vậy có nên chăng bây giờ đã đến lúc cả xã hội nên nhìn nhận lại về loại hình giải trí trược tuyến – game online?
Báo chí đã định hướng đúng dư luận xã hội về game online?
Chúng ta không thể phủ nhận vai trò to lớn của báo chí trong việc truyền thông điệp, thông tin và phổ biến các chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước tới tất cả công dân đang sinh sống cả trong và ngoài nước, nhưng liệu rằng những người cầm bút đã thực sự công tâm khi đưa ra những nhận xét, kết luận về lĩnh vực nội dung số – game online? Các nhà báo đã tìm hiểu sâu đời sống, cấu trúc, ý thức cộng đồng game thủ rồi hay chỉ nhìn ở một góc cạnh rồi đưa ra quy kết trong các bài viết?
Xã hội có con người thế này thế kia, cộng đồng game thủ cũng xuất thân từ chính xã hội đó nên sẽ không thể tránh khỏi “một con sâu làm rầu nồi canh” như người đời thường nói. Loại hình giải trí nào cũng có ưu và nhược điểm riêng. Chúng ta cùng thử làm một phép đối chiếu. Lấy ví dụ như bóng đá – môn thể thao vua, loại hình giải trí này không những mang lại sức khỏe dẻo dai, sự linh hoạt và kỹ thuật điêu luyện cho người chơi mà còn mang tới nhiều niềm vui cho cộng đồng hâm mộ trong các giải đấu lớn. Thế nhưng đằng sau đó chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy các tiêu cực như đánh nhau, cá độ… Vậy thì game online cũng có thể mang lại những giá trị tích cực riêng của nó, có thể kể đến như: Tinh thần giao lưu, gắn kết cộng đồng rộng lớn, người chơi được thoải mái sáng tạo và thể hiện cái tôi của mình…
Mê hồn trận được game thủ áp dụng ra cuộc sống
Đành rằng game online cũng có tiêu cực như bao loại hình giải trí khác nhưng thiết nghĩ báo chí không nên quy chụp một cách chung chung khiến dư luận hiểu nhầm, định kiến. Theo dõi báo chí những năm gần đây chúng ta bắt gặp nhiều bài viết chỉ tập trung khai thác điểm xấu nhất của game online và nói theo kiểu vấn nạn, trong khi đó rất thiếu và thậm chí không có những bài viết phân tích chuyên sâu về tâm lý, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng tốt đẹp của người chơi game.
Cái sai thì cần phải sửa, nhưng mong rằng những người làm công tác chuyên môn báo chí bên cạnh việc thông tin sẽ suy xét kỹ sự tác động của thông điệp tới tâm lý dư luận xã hội. Những cái mới được mở cửa sớm và mở từ từ để hoàn thiện dần người dân sẽ dễ thích nghi hơn là đóng cửa rồi tới một lúc nào đó mở ra đột ngột khiến người tiếp nhận bị sốc.
Kết Luận: Hàm oan của game thủ Việt không thể được hóa giải trong một sớm một chiều vì vậy bản thân người chơi game nên tự mình hóa giải trước bằng cách chơi game có văn hóa, cân bằng giữa cuộc sống ảo và đời thực, tích cực hoạt động cộng đồng…
Theo VNE