Những góc khuất về Fnatic – Tổ chức eSports lâu đời và truyền thống bậc nhất châu Âu mà có thể nhiều người chưa biết
Fnatic – ông lớn của eSports châu Âu có rất nhiều điều thú vị mà chúng ta chưa biết tới đâu
Nhắc tới một team eSports chuyên nghiệp, đa phần các game thủ phương Tây đều sẽ không mất quá nhiều thời gian mà bật ra cho mình ngay đáp án, Fnatic. Chỉ vậy thôi có lẽ cũng đủ để nói hết tầm ảnh hưởng và sự phổ biến của tổ chức này.
Tính tới nay, Fnatic đã trải qua 14 năm kể từ ngày đầu thành lập và những dấu ấn mà nó để lại luôn là niềm tự hào dành cho các fan của làng game eSports châu Âu. Từ những bộ môn phổ biến như DOTA 2, LMHT, PUBG cho tới CS.GO… ở bất kỳ lĩnh vực và danh mục game nào, Fnatic cũng luôn được coi là một trong những đội tuyển giàu tầm ảnh hưởng nhất trong khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Và hãy cùng tìm hiểu những góc khuất ít người biết trong suốt 14 năm hoạt động của Fnatic nhé
Nhà sáng lập Sam Mathews bán ô tô của mình để đưa đội đến giải đấu đầu tiên vào năm 2004
Ở vào thời điểm năm 2004, liệu có mấy người dám tin và hy sinh những vật chất, tài sản đáng giá của bản thân cho eSports – một nơi không hứa hẹn sản sinh ra những lợi nhuận, doanh thu như các ngành công nghiệp khác. Nhưng Sam Mathews – người sáng lập của Fnatic thì tin vào tương lai mà ông nhìn thấy về eSprots và muốn trở thành một phần của nó. Đó cũng là lý do mà Sam đã bán chiếc ô tô của mình để lấy tiền trang trải kinh phí cho đội tuyển của mình tới tham dự giải đấu lớn đầu tiên trong năm 2004.
Cú đầu tư mạo hiểm của Sam vào Fnatic đã thành công rực rỡ
Đó là một canh bạc, nhưng Sam đã được đền đáp xứng đáng. Fnatic trở thành một thương hiệu hàng đầu của eSports – nền công nghiệp được CNN dự đoán sẽ đạt mốc 1 tỷ USD vào năm 2019. Fnatic đang đi đầu ở thị trường châu Âu, tất cả nhờ vào sự mạo hiểm ban đầu của Sam.
Đội tuyển CS.GO của Fnatic từng bị cáo buộc gian lận tại DreamHack 2014
Gian lân trong bất kỳ bộ môn thể thao nào cũng là điều không thể chấp nhận được, và eSports cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, cũng phải công nhận rằng trong các tựa game, bên cạnh cheating thì một số vấn đề về bug game cũng là thứ rất thường xuyên được các game thủ tận dụng, và nó ở một ranh giới rất mong manh giữa việc bị coi là gian lận hay không. Fnatic đã ở vào tình trạng như vậy trong năm 2014.
Fnatic từng bị cáo buộc gian lận vào năm 2014
Tại DreamHack 2014, khi đang mất đi khá nhiều lợi thế vào tay LDLC – đại diện của Pháp, Fnatic bất ngờ tìm được một bug game, khi các thành viên của họ boost nhau lên một vị trí cực kỳ thuận lợi và có phần tận dụng bug của game đề lội ngược dòng thành công trước LDLC. Sau khi nhận được khiếu nại của đại diện Pháp, trọng tài xem lại trận đấu và thấy cả hai đội đều có những pha sử dụng bug, lỗi game. Một trận tái đấu được dàn xếp, nhưng Fnatic không hiểu vì lý do gì mà từ chối tham gia, đồng thời kết thúc hành trình tại DreamHack của họ ngay lúc ấy.
Fnatic nhận được $7.000.000 tiền tài trợ từ AS.Roma, Boston Celtics và nhiều tên tuổi lớn khác
Câu chuyện kết nối giữa thể thao truyền thống và eSports đã trở thành trào lưu không mới trong mắt giới chủ đầu tư những năm nay. Có thể dễ dàng thấy những thương hiệu như PSG.LGD hay đội tuyển LMHT Schalke 04. Những tổ chức lớn như Redbull hay ESPN cũng đang dần quan tâm tới miếng bánh béo bở này.
Không ngạc nhiên khi Fnatic thu hút được tương đối nhiều tên tuổi nổi tiếng tài trợ
Và với một thương hiệu như Fnatic, thu hút các nhà đầu tư nổi tiếng là câu chuyện tất nhiên. Trong năm 2017, họ đã nhận được tới $7.000.000 tiền đầu tư từ một số tên tuổi mà có thể nhiều người đã chẳng còn lạ lẫm. Đó là AS Roma, đội bóng đang chơi ở Serie A của Ý, chủ sở hữu của Boston Celtics hay đội tuyển Houston Astros của Major League Baseball – những thương hiệu thể thao truyền thống thậm chí còn nổi tiếng hơn Fnatic đấy.
Scandal với Era đã từng khiến Fnatic suýt nữa bị quay lưng
Video đang HOT
Có thể nói đây là sự vụ mà Fnatic muốn quên đi nhất trong lịch sử. Câu chuyện bắt đầu với team DOTA 2 Fnatic. Era từng là thành viên chủ chốt trong team, nhưng rồi anh chàng này tạm thời nghỉ ngơi trong một thời gian khi nhận thấy bản thân đang có một số bất ổn về tâm lý. Fnatic chiêu mộ Xcalibur trong vai trò stand in và anh chàng này thi đấu cực kỳ bùng nổ, trở thành điểm nhấn trong đội hình của Fnatic lúc bấy giờ.
Fnatic từng dính vào lùm xùm với Era và ảnh hưởng rất nhiều tới danh tiếng
Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như khi The International sắp tới, Fnatic quyết định thay thế Era bằng Xcalibur, dù anh chàng này tuyên bố đã hoàn toàn khỏe mạnh bình thường. Valve gây áp lưc và bắt Fnatic phải sử dụng Era và đội này không còn lựa chọn nào khác.
The International năm đó, Fnatic thi đấu không quá thành công và thậm chí còn phải đón nhận làn sóng chỉ trích của cộng đồng vì đã cố tình đẩy Era ra khỏi đội hình.
Theo GameK
Fnatic Caps: "Người ta cho rằng Fnatic chỉ mạnh ở châu Âu, nhưng tôi sẽ cho họ thấy chúng tôi là một trong những đội tuyển hàng đầu thế giới"
Tuyển thủ Đường giữa của Fnatic đã có một cuộc trả lời phỏng vấn sau khoảng thời gian cùng đồng đội sang Hàn Quốc tập luyện chuẩn bị cho CKTG 2018
Xin chào, Caps! Rất vui vì bạn đã ở đây cùng chúng tôi. Cảm nhận về Hàn Quốc của bạn như thế nào, vấn đề jetlag có nghiêm trọng không?
Xin chào! Đây là lần thứ 4 tôi tới Hàn Quốc rồi, nhưng trước đó tôi chưa bao giờ ở lại đây quá một tuần cả. Trước đây thì chưa kịp thích nghi với vấn đề chênh lệch múi giờ là tôi lại phải rời đi rồi, nhưng giờ thì khác, tôi đã quen với múi giờ ở đây và giờ thì đang tận hưởng khoảng thời gian này ở Hàn Quốc.
Bạn đã có những hoạt động gì tại đây rồi, Hàn Quốc dễ thích nghi chứ?
Cả đội đã đến xem trận chung kết vòng loại khu vực LCK tại nhà thi đấu của Nexon và cả trận thăng hạng LCK (bbq vs Damwon Gaming). Chúng tôi cũng ra ngoài ăn Bbq vài lần và đương nhiên là luyện tập với LMHTnữa.
Quay ngược thời gian một chút, bạn có thể chia sẻ về trận chung kết LCS châu Âu tại Madrid vừa rồi không? Vì tôi thấy bạn đang diện chiếc áo sự kiện ngày hôm đó để tham gia buổi phỏng vấn này.
Giai đoạn đánh play-offs khá kì lạ, chúng tôi rất được yêu thích và mọi người kỳ vọng rằng Fnatic sẽ chiến thắng nhanh gọn 3-0. Chúng tôi đã chắc suất tham dự CKTG và vì vậy nên tôi đã mất tập trung, vì tâm trí của tôi đã bay sang tận đây mất rồi, nhưng dù sao thì chúng tôi vẫn thắng.
Có vẻ như trận Chung kết LCS Mùa hè không được như bạn kì vọng lắm nhỉ?
Có thể nói là như vậy. Tuy nhiên việc có được danh hiệu MVP của cả mùa giải thì đúng là ngoài mong đợi và tôi rất vui vì điều đó.
Team Vitality hình như cũng đặt hi vọng vào các bạn rất nhiều. Fnatic vô địch họ sẽ trực tiếp có vé tới CKTG cơ mà.
Đúng vậy, VIT đã cổ vũ chúng tôi rất nhiệt tình. Tôi cũng vui vì có thể giúp một đội tuyển khác đến được với CKTG. Rất nhiều đội tuyển tại EU đã thể hiện rất xuất sắc tại mùa xuân nhưng lại thi đấu hơi tệ ở mùa hè như G2, Splyce... Tôi không nghĩ điểm số (champion point) phản ánh đúng trình độ của các đội. Dĩ nhiên, Vitality thực sự xứng đáng có một suất tham dự CKTG, họ đã thi đấu rất tốt trong trận tranh hạng 3. Khi theo dõi trận đấu ấy, tôi đã nghĩ rằng mình phải vô địch vì họ.
Đầu mùa giải, đã có thời điểm meta thay đổi khi các vị tướng xạ thủ không còn được sử dụng nhiều nữa và trong khoảng thời gian đó Rekkles đã phải ra ngoài dự bị. Trước giờ Rekkles luôn là người không thể thay thế của Fnatic, có lẽ việc thi đấu mà không có cậu ấy sẽ lạ lẫm lắm nhỉ?
Đó cũng là thời gian mà chúng tôi đã rút ra nhiều trải nghiệm. Chúng tôi đã biết cách thi đấu mà không quá phụ thuộc vào Rekkles. Giờ đây khi Rekkles đã trở lại thì chúng tôi vừa có thể trông chờ khả năng gánh đội của anh ấy đồng thời cũng có thể áp dụng những gì chúng tôi đã rút ra trong khoảng thời gian anh ấy không thi đấu.
Thậm chí bây giờ chúng tôi còn có thêm một sự lựa chọn thay thế đó là Bwipo vậy nên chúng tôi chắc chắn sẽ trở nên khó lường hơn. Rất nhiều đội tuyển tại EU nói rằng họ thực sự bối rối khi đối đầu với đội hình "6 người" của Fnatic, bởi các tuyển thủ còn có thể chơi cùng lúc nhiều vị trí khác nhau. Vậy nên việc Rekkles không thi đấu đúng ra lại là một trải nghiệm tốt.
Đội hình không Rekkles ban đầu thực sự khá lạ lẫm, nhưng nhờ đó chúng tôi có thể triển khai đội hình với nhiều lựa chọn hơn.
Bạn và Rekkles có vẻ khá thân thiết với nhau khi xuất hiện tại Nhà thi đấu Nexon. Mối quan hệ của bạn và cậu ấy như thế nào?
Rekkles đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Anh ấy đã thi đấu chuyên nghiệp khá lâu rồi và tôi có thể học nhiều thứ từ anh ấy. Chúng tôi có nhiều điểm chung về tư duy, rằng làm thế nào để cải thiện bản thân và trở thành tuyển thủ giỏi nhất. Ngay cả việc luyện tập cho đến sinh hoạt hằng ngày cũng giống nhau nữa.
Đương nhiên chúng tôi vẫn có nhiều khác biệt nhưng tôi vẫn luôn học hỏi từ anh ấy. Anh ấy là một người bạn rất tốt.
Giờ bạn cũng đã thi đấu cho Fnatic được một thời gian rồi, gần 2 năm rồi nhỉ?
Đúng vậy, cho tới cuối năm nay thì tôi sẽ thi đấu cho Fnatic được 2 năm rồi.
Bạn có cảm nhận được mình đã thay đổi như thế nào trong khoảng thời gian này? Cả về khía cạnh đời thường và cả vai trò là một tuyển thủ chuyên nghiệp?
Hồi còn thi đấu ở giải Thổ Nhĩ Kỳ và thời kì đầu gia nhập Fnatic, tôi là một người chơi có kĩ năng cá nhân tốt nhưng phối hợp với đồng đội thì không tốt lắm, tôi cũng không biết cách kêu gọi đồng đội hỗ trợ để lấy lợi thế đi đường nữa.
Thậm chí đến năm ngoái mọi chuyện vẫn vậy, chúng tôi để người đi rừng xuống Bot và để Rekkles gánh team. Tuy nhiên mùa giải này thì chúng tôi đã bắt đầu xây dựng lối chơi xoay quanh Đường giữa rồi. Chúng tôi đã cải thiện rất nhiều cả khi thi đấu tại châu Âu và đấu trường quốc tế. Broxah và tôi đã tập luyện chung với nhau rất nhiều và học cách phối hợp với nhau. Giờ thì chúng tôi tương tác tốt hơn và hiểu nhau hơn. Trong màu áo Fnatic thì bước tiến lớn nhất của tôi chính là trong việc giao tiếp và phối hợp với đồng đội.
Khi nhắc đến Caps thì người ta thường ấn tượng với lượng tướng đa dạng mà bạn có thể sử dụng. Mới đây bạn còn cầm Wukong và Vayne đi mid tại EU LCS nữa.
Đó chỉ là động lực trải nghiệm những thứ mới mẻ. Tôi thì cho rằng chúng ta sẽ chẳng thể nào hiểu hết một vị tướng nếu không trực tiếp sử dụng nó. Tôi vẫn sẽ cố gắng thử nghiệm một vài lựa chọn mới dù không có nhiều thời gian để tập luyện hay thậm chí là chưa đủ tự tin khi sử dụng nó. Tôi chấp nhận rủi ro. Tôi biết rằng có thể nó không có hiệu quả nhưng tôi vẫn thử để xem nó có thể mang lại điều gì.
Fnatic hiện là đội tuyển số 1 tại châu Âu trong suốt khoảng thời gian dài. Bạn thấy việc thi đấu ở đâu như thế nào? Việc được kì vọng quá nhiều có khiến bạn cảm thấy áp lực lắm không?
Tôi cảm thấy khá ổn khi bản thân nhận được sự kỳ vọng lớn như vậy. Đương nhiên là sẽ đi kèm với áp lực nữa, nhưng dù sao thì tôi vẫn muốn vượt quá chúng. Giờ thì mọi người đều nghĩ rằng Fnatic chỉ mạnh ở châu Âu thôi, nhưng tôi muốn chứng minh chúng tôi là một đội tuyển mạnh ngay cả trên đấu trường quốc tế. Châu Âu không được đánh giá cao tại CKTG trong vài năm gần đây, và tôi muốn thay đổi điều đó.
Fnatic hiện tại là hạt giống số 1 của EU, tôi cũng hi vọng rằng cả hai hạt giống số 2 và số 3 tới từ EU LCS sẽ thi đấu tốt nhưng hầu hết đều sẽ đặt kỳ vọng vào chúng tôi, như một cái tên sẽ thách thức mọi thế lực.
Bạn được gọi là "Baby Faker". Bạn có thể nói nhiều hơn về biệt danh này và bạn cảm thấy sao về nó được không?
Faker giờ đã là một danh từ chung phổ biến rồi, để ám chỉ những màn trình diễn đỉnh cao và vượt trội ấy mà. Khi có ai đó có những pha xuất thần họ nghĩ ngay tới một từ, Faker. Vì vậy khi mọi người bắt đầu gọi tôi là Baby Faker thì tôi cũng không suy nghĩ nhiều lắm về điều đó.
Tôi luôn luôn dành một sự tôn trọng cho Faker. Vậy nên cái biệt danh đó khá là hay ho với tôi. Faker là một tượng đài của LMHT chuyên nghiệp, vậy nên mang cái danh này trên vai cũng khá là áp lực.
Tiếc là Faker không tới được CKTG năm nay, bạn nghĩ sao về việc này?
Thực sự thì tôi rất muốn đối đầu với anh ấy, điều mà tôi chưa từng làm được trước đây. Tôi chỉ mới gặp Faker vài lần khi chơi xếp hạng đơn, còn ở đấu trường chuyên nghiệp thì chưa. Vậy nên tôi hơi tiếc nuối một chút.
Nếu chúng tôi có thể đánh bại RNG vào năm ngoái thì đã có thể gặp SKT rồi nhưng RNG đã thi đấu quá tốt. Hi vọng rằng trong tương lai tôi vẫn sẽ có cơ hội được trực tiếp đối đầu với Faker tại một giải đấu quốc tế.
Nói về những đội không thể tham gia CKTG năm nay thì ở CKTG năm ngoái, Longzhu Gaming đã giúp các bạn qua được vòng bảng nhưng năm nay Kingzone lại không thể có mặt CKTG.
Tôi cũng mong là KZ có thể được tới CKTG vì năm ngoái họ đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều (bằng việc không để thua GAM). Chúng tôi đã đối đầu với họ hai lần và rất mong sẽ được đối đầu với họ thêm nhiều lần nữa. Sẽ thật thú vị nếu chúng tôi tiếp tục có duyên với nhau trên đấu trường quốc tế và trở thành một dạng "đối thủ truyền kiếp".
Trường hợp của Kingzone quả thật khá đáng tiếc, nhưng bù lại thì 3 cái tên khác của Hàn Quốc là KT Rolster, Gen.G và Afreeca Freecs đều rất tuyệt vời và họ hoàn toàn xứng đáng có mặt tại CKTG.
Fnatic và Longzhu Gaming (Kingzone) chụp hình lưu niệm tại CKTG 2017
Có tuyển thủ hoặc đội tuyển nào mà bạn đặc biệt muốn đối đầu tại CKTG năm nay không?
Về khía cạnh cá nhân thì tôi muốn so tài cùng Rookie. Còn nếu về tập thể thì tôi mong được gặp Gen.G, họ rất mạnh và là Đương kim vô địch nữa.
Tại MSI 2018, bạn đã tới được tứ kết sau loạt tie-break với Team Liquid. Bạn nghĩ sao về màn thể hiện của Fnatic ở giải đấu đó? Kết quả có ảnh hưởng nhiều tới phong độ tại LCS mùa hè và CKTG sắp tới không?
Tôi đã tham dự CKTG 2017 và MSI 2018 trong màu áo Fnatic, và cả 2 lần, chúng tôi đều phải trải qua loạt tie-break để vượt qua vòng bảng, rồi cả 2 lần đều để thua trước RNG.
Tôi muốn thể hiện tốt hơn nữa tại CKTG lần này, bằng việc đưa Fnatic vượt qua vòng bảng một cách xứng đáng và thuyết phục nhất. Tôi cũng muốn mang tới những thách thức thực sự tới bất cứ đội tuyển nào mà chúng tôi có thể gặp nếu lọt vào tứ kết.
Nhân tiện nói về trận tie-break với Team Liquid, bạn có thể chia sẻ một chút về "mối thù" giữa NA và EU không?
EU và NA luôn là kì phùng địch thủ và điều đó được thể hiện rõ qua những màn trash-talk và meme khiêu khích giữa hai khu vực. Fnatic có vẻ may mắn hơn vì chúng tôi có thể đánh bại các đội tới từ NA. Tôi nghĩ rằng vẫn có một sự cách biệt đẳng cấp giữa chúng tôi với họ, và tôi sẽ duy trì khoảng cách này.
Đối với bạn thì CKTG có ý nghĩa như thế nào?
Tôi nghĩ đây là lúc để chứng minh bản thân mình. Ngoài việc thể hiện tốt tại giải khu vực, màn trình diễn ở đấu trường quốc tế có sức nặng hơn nhiều. CKTG là giải đấu cao nhất và cũng là cơ hội để bản thân thể hiện tốt nhất trong một mùa giải.
Theo Korizon
LMHT: Huyền thoại Diamondprox đã chính thức có mặt tại Chung kết thế giới 2018 Đội tuyển LMHT Gambit Esports của huyền thoại Diamondprox đã chính thức vô địch giải đấu LCL mùa hè, qua đó giành tấm vé đến với CKTG 2018. Vào tối ngày hôm qua, Gambit Esports đã bước vào trận Chung kết LCL (giải vô địch LMHT Liên bang Nga) mùa hè 2018. Trong trận đấu này, đội tuyển Gambit Esports với đội hình...