Những gã khổng lồ phần cứng ‘ăn mày dĩ vãng’
Không phải hào quang nào cũng kéo dài mãi mãi, các hãng phần cứng khổng lồ đang phải loay hoay thoát khỏi cái bóng quá lớn của mình.
Phần cứng không còn là lĩnh vực hấp dẫn.
Họ là những ai? Có thể kể ra đây những cái tên quen thuộc như Intel, HP, Dell, EMC… Cuộc đời không như là mơ nên họ không còn là chính mình như cách đây 10, 5 năm, hay thậm chí chỉ vài tháng trước. Chuyện gì đang xảy ra?
Chung quy lại chỉ là do họ không chịu thay đổi trong thế giới công nghệ đang biến chuyển hàng ngày, hàng giờ. Theo đó, khi muốn động chân động tay thì mới chợt nhận ra mình đã lạc hậu với thời cuộc.
Với sự lên ngôi của smartphone và tablet, những chiếc máy PC cồng kềnh và nặng nề dần đánh mất vai trò của mình. Khi các dịch vụ điện toán đám mây của Google, Amazon, Microsoft và nhiều hãng khác nở rộ, các doanh nghiệp có thể tự mình xây dựng website và làm phần mềm mà không phải mua phần cứng cho trung tâm dữ liệu.
Còn nếu doanh nghiệp cần tới phần cứng, họ sẽ tìm tới những thứ khác biệt, những thứ mà các công ty Internet lớn như Facebook và các nhà cung cấp giải pháp điện toán đám mây lớn đang mang lại.
Có những tên tuổi đang thực sự bứt phá khỏi cuộc chơi.
Gà què ăn quẩn cối xay
HP, Dell, EMC và Intel biết rõ điều đó nhưng lại bất lực, họ thậm chí còn không biết đối phó với sự thay đổi này như thế nào nữa.
Thế rồi, mọi thứ rối lên như canh hẹ. Những ông lớn này liên tục tái cơ cấu, tái định hướng, thậm chí làm mới mình để bơi theo thời cuộc. Đôi khi, họ thậm chí còn nhảy cả vào những thị trường hoàn toàn mới mà bản thân chưa từng có kinh nghiệm.
Lẩn thẩn hơn, họ còn đổ hàng đống tiền mua lại các công ty mà không chắc có thay đổi được số phận hay không. Cái họ cần lúc này là sự thay đổi. Nhưng thay đổi thế nào cho có lợi nhất thì vẫn mù tịt.
Hài hước ở chỗ, chán với phần cứng, những ông lớn như HP, Dell, EMC, và Intel lại chuyển đổi sang phần mềm, cụ thể là phát triển theo định hướng công ty phần mềm.
Năm 2010, hãng sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới Intel đã mạnh tay chi tới 7,68 tỉ USD mua lại công ty phần mềm bảo mật McAfee. Một năm sau đó, gã khổng lồ về PC và máy chủ HP thâu tóm công ty “dữ liệu lớn” Autonomy với mức giá “cắt cổ” – 11,1 tỷ USD.
Trong khi đó, một “đại gia” PC và máy chủ khác là Dell cũng tiếp tục chi hàng tỷ USD mua lại nhiều thể loại công ty phần mềm trong những năm tiếp theo. Thế nhưng, có vẻ không thương vụ nào “ra hồn” cả.
Dell hiện đang “chất đống” các công ty phần mềm mà chưa biết sẽ khai thác chúng thế nào. Còn HP Enterprise mới tuần trước đã phải chia tay Autonomy bằng cách bán bộ phận phần mềm cho Micro Focus. Gần như cùng lúc, Intel bán McAfee với giá 4,2 tỷ USD.
Dell và HP từng nghĩ họ có thể làm tốt ở mảng đám mây nhưng thực tế lại chẳng đi tới đâu. Và giờ đây, những ông lớn này lại tiếp tục cải tổ lần nữa.
HP tách làm 2 công ty, và mới đây một trong hay công ty này đã mua lại bộ phận máy in của Samsung. Trong khi đó, Dell sáp nhập với EMC trong thương vụ có giá trị lớn chưa từng thấy – 67 tỷ USD.
Còn Intel cũng loay hoay mua lại nhiều công ty sản xuất các loại chip khác nhau. Sau khi thất bại với phần mềm, những công ty phần cứng này đã quay lại chính mình như những ngày xưa – nghĩa là phát triển như công ty phần cứng thực thụ.
Video đang HOT
Thế thời phải thế
Trong quá khứ, rất nhiều công ty công nghệ lớn đã phải thay đổi để tồn tại. Cách đây 14 năm, IBM đã chuyển sang hướng kinh doanh hoàn toàn khác khi nhận thấy thị trường thay đổi.
Năm 2002, IBM mua công ty ty vấn CNTT PricewaterhouseCoopers, rồi 3 năm sau đó tiếp tục bán bộ phận kinh doanh máy tính cá nhân (cho Lenovo). Sau đó, IBM đã tập trung vào mảng phần cứng, phần mềm và dịch vụ tư vấn cho các tập đoàn lớn và đạt kết quả rất tốt.
IBM đã khôn ngoan “đoạn tuyệt” với ngành PC cách đây hàng thập kỷ.
Trong bối cảnh PC trở nên quá thông dụng và thị trường đã bão hòa thì việc chuyển sang mảng CNTT doanh nghiệp rõ ràng mang lại lợi thế và lợi nhuận cao hơn.
Khi thị trường tiếp tục chuyển đổi từ PC sang điện thoại và máy tính bảng, một số hãng máy tính lớn khác cũng thử cách tiếp cận tương tự.
Từ đầu 2010 trở lại đây, khi điện toán đám mây thay đổi căn bản CNTT doanh nghiệp, những công ty lớn này lại thay đổi lần nữa. Intel tỏ ra thành công khi trở thành nhà cung vi xử lý chính cho những công ty Internet lớn như Google, Amazon, Microsoft, và Facebook.
Thế cuộc thay đổi, các công ty Internet lớn dùng chip cho máy chủ và các thiết bị lưu trữ theo cách rất khác khiến HP, Dell và ông lớn EMC “thất nghiệp”.
Cuối cùng, HP phải chia tách thành hai công ty riêng để huy động sức mạnh dễ hơn: HP Enterprise (phần cứng và phần mềm doanh nghiệp) và HP Inc. (PC và máy in).
Thế nhưng, tất cả đều lỡ nhịp bởi đối thủ Amazon đã dẫn đầu mảng đám mây, còn Google và Microsoft đã đi trước nhiều bước. Ngay cả một hãng lớn như Microsoft cũng phải thay đổi để tồn tại trong cuộc chơi mới, và ở vị thế hiện tại hãng vẫn tốt hơn nhiều so với HP và Dell.
Không chỉ lỡ bước, HP thậm chí còn mắc sai lầm nghiêm trọng. Việc chi ra số tiền quá lớn để mua lại Autonomy rõ ràng là sai lầm không thể tha thứ.
Đến ngay cả Microsoft cũng phải đổi mới để tồn tại.
Loay hoay tìm hướng đi mới
Bài học mà Dell, EMC, HP và Intel rút ra trong những năm gần đây là không dễ biến công ty phần cứng thành công ty phần mềm. Trong khi đó, Google và Microsoft cũng nhận ra bài học đắt giá rằng không thể làm điều ngược lại.
Google đã mua mảng di động Motorola Mobility trước khi phải bán lại cho Lenovo. Còn Microsoft đang phải đánh vật với “của nợ” Nokia.
Vấn đề mà các công ty như Dell, EMC, HP, và Intel gặp phải đó là họ không biết tương lai sẽ đi về đâu. Thay vì mua McAfee, ngay từ đầu Intel nên tập trung vào điện thoại di động. Còn HP, thay vì mua Autonomy, nên đổ tiền cho điện toán đám mây.
Có lẽ Intel cũng nhận ra điều đó. Hãng này xác định trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là hướng đi tiếp theo. Intel đã mua công ty Movidius chuyên sản xuất chip AI cho thiết bị bay không người lái, smartphone và các thiết bị công nghệ khác.
Tháng trước, Intel mua lại công ty Nervena chuyên về chip AI cho máy chủ. Còn năm ngoái, Intel đã chi tới 16,7 tỷ USD cho công ty Altera chuyên về chip trí tuệ nhân tạo.
HP đang đánh cược với máy in nhưng có vẻ đây không phải là tương lai chắc chắn.
Gia Nguyễn
Theo Wired
Doanh số sụt giảm, Apple vẫn 'ngồi trên đầu' đối thủ
Doanh số phần cứng liên tục giảm, iPhone không còn "bá chủ thiên hạ", các sản phẩm khác như iPad, Mac cũng ì ạch không kém, nhưng Apple vẫn sống khỏe và trên cơ nhiều đối thủ khác.
Apple dưới thời Tim Cook vẫn sống rất khỏe.
Nếu chỉ nhìn vào kết quả kinh doanh quý gần đây của Apple, bạn sẽ thấy bức tranh khá ảm đạm. Doanh thu của hãng giảm 15%, và lần đầu tiên kể từ năm 2002, Apple có 2 quý trượt dốc liên tiếp. Doanh số máy Mac, iPad và iPhone cũng khá ảm đạm so với kết quả kinh doanh năm ngoái.
Riêng doanh số iPhone giảm tới 23% trong khi sản phẩm này chiếm tới 2/3 doanh thu của cả Apple. Tệ hơn, hãng dự báo doanh thu quý tới sẽ tiếp tục giảm chứ chưa thể lấy lại đà tăng trưởng.
Có thể nhiều người nghĩ rằng Apple đã qua thời đỉnh cao, sức sáng tạo đã hết, và rằng thời hoàng kim của táo khuyết không còn nữa nhưng thực tế không phải vậy.
Mặc dù giảm mạnh về doanh số phần cứng, trong đó cả phần dịch vụ, nhưng tăng trưởng quý của Apple vẫn khá vững chắc với doanh thu 42 tỉ USD và lợi nhuận mới 7,8 tỉ USD. Hãng này đang dành ra 250 tỉ USD cho mảng R&D, mua bán - sáp nhập và các quỹ đầu tư khác.
Hệ sinh thái Apple đang mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Tuy nhiên, cũng phải công nhận thực tế rằng doanh thu iPhone giảm trong hai quý liên tiếp đã gây ra nhiều lo lắng cho Apple mặc dù nó diễn ra trong bối cảnh nhu cầu mua mới PC, máy tính bảng và smartphone toàn cầu giảm.
iPhone vẫn là nguồn thu lớn nhất của Apple, chiếm tới 24 tỉ USD trong số 42,4 tỉ USD doanh thu quý 3 năm ngân sách 2016. Khá ngạc nhiên khi phần dịch vụ của Apple lại tăng cao (tăng 19%), mang lại doanh thu đứng thứ hai với 6 tỉ USD.
Apple đã bán được hơn 1 tỉ chiếc iPhone.
Tiếp đến là máy Mac với doanh thu 5,2 tỉ USD, iPad - 4,9 tỉ USD và các dịch vụ - sản phẩm khác (bao gồm cả Apple TV và Apple Watch) - 2,2 tỉ USD. Liên tiếp hai quý vừa qua, CEO Tim Cook kêu gọi tập trung nhiều hơn vào mảng dịch vụ, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Apple Services như động lực tăng trưởng mới của toàn công ty.
Trong quý 3 vừa qua, mảng dịch vụ chiếm tới 14% tổng doanh thu của Apple, tăng 10% so với năm ngoái. Chỉ trong 12 tháng vừa qua, phần dịch vụ đã mang lại 23 tỉ USD, và chỉ tính riêng trong quý vừa rồi là 6 tỉ USD. Tim Cook nói rằng quy mô của riêng bộ phận dịch vụ (Apple Services) có thể sánh ngang với công ty trong danh sách Fortune 100 vào năm tới.
Kỳ vọng iPhone mới
Nhiều nhà quan sát từng cho rằng doanh số iPhone đã đạt đỉnh, có nghĩa là không thể tăng thêm nữa. Thực tế, lượng cầu iPhone đã giảm liên tục trong hai quý gần đây. Tuy nhiên, nhận định này có thể không đúng với mẫu iPhone mới (iPhone 7) sẽ ra mắt trong mùa thu này (tháng 9).
Concept thiết kế iPhone 7 mới.
Fan của Quả táo đang kỳ vọng về iPhone 7. Mẫu smartphone mới được cho sẽ có thiết kế cách tân với sức mạnh phần cứng tốt hơn: màn hình nét hơn, camera tốt hơn, chip nhanh hơn, bộ nhớ lớn hơn và có thể thêm một vài tính năng mới mà phiên bản iPhone hiện tại không có.
Tuy nhiên, rất có khả năng Apple sẽ đợi tới mùa thu năm sau mới ra mắt thiết kế iPhone hoàn toàn mới. Phỏng đoán này rất có cơ sở vì thời điểm đó sẽ trùng với lễ kỷ niệm 10 năm ra mắt iPhone. Chắc chắn Apple phải làm gì đó thật lớn, thật hoành tráng và không có gì ấn tượng hơn bằng việc cách tân sản phẩm để người dùng lại một lần nữa "chết mê chết mệt" thương hiệu điện thoại Quả táo.
Những mẫu iPhone gần đây tuy có một số cải tiến nhưng vẫn chưa làm người dùng hài lòng. Cái họ muốn là một thiết kế hoàn toàn mới có thể làm nức lòng các fan hâm mộ. Trước khi ra mắt iPhone 6 cách đây 2 năm, Apple đã giữ nguyên thiết kế 3,5 inch và 4 inch trong suốt 6 năm. Và điều này đã bị người dùng phàn nàn rất nhiều.
Tim Cook đang dồn nguồn lực vào mảng dịch vụ, "gà đẻ trứng vàng" mới của Apple.
Thế nên khi chiếc iPhone 6 xuất hiện với màn hình 5 inch và 5,5 inch, ngay lập tức nhu cầu mua sắm tăng vọt. Sau hai năm iPhone 6 và iPhone 6 Plus có mặt trên thị trường, Apple đã bán được 74 triệu chiếc - đạt mốc kỷ lục cả doanh thu lẫn sản phẩm.
Chưa biết liệu Apple có gây tiếng vang lớn với iPhone 7 hay không nhưng thực tế cho thấy mỗi năm lại có hàng triệu người dùng hiện tại và người dùng mới sắm iPhone. Và đây chính là nhân tố đảm bảo cho thành công và tương lai của Apple.
Ngoài việc ngày càng có nhiều người dùng iPhone, khoảng thời gian sử dụng các ứng dụng và dịch vụ Apple cũng tăng lên đáng kể. Đây cũng là một trong những lý do giúp Apple tiếp tục lớn mạnh. Apple biết rất rõ điều này bởi khi người dùng đã "nghiện" iPhone thì không có lý do gì họ lại không sử dụng hệ sinh thái và dịch vụ của Apple.
Apple còn nhiều sản phẩm bí mật chưa ra mắt.
Tính tới thời điểm này, Apple đã bán được hơn 1 tỉ chiếc iPhone và đang có hàng trăm triệu người dùng iPad và máy Mac. Với độ phủ sóng lớn như thế nên việc người dùng gắn kết với hệ sinh thái Apple cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Khi đã gắn kết như thế, họ sẽ mua dịch vụ của Apple ngày càng nhiều hơn.
Bên cạnh đó, Apple cũng có những sản phẩm khác có thể thúc đẩy doanh thu phần cứng và dịch vụ. Apple Watch là một trong số đó, kế đến là Apple TV. Ngoài ra, cũng có tin đồn về mẫu xe hơi của Apple. Dù sao thì Tim Cook cũng nói rằng hãng còn rất nhiều sản phẩm khác chưa ra mắt. Đó là những sản phẩm bí mật chưa từng được công bố từ trước tới nay.
Bấy nhiêu thôi cũng đủ đảm bảo sức nóng của Apple sẽ không bao giờ nguội lạnh. Tương lai của Apple đang rất tốt và người ta chưa thấy bất cứ đe dọa nào trên con đường phía trước.
Gia Nguyễn
Theo Zing
Apple dùng chiêu trò ép đối tác Trung Quốc giảm chi phí Trước những biến động của thị trường, Apple gia tăng sức ép lên các đối tác phần cứng nhằm cắt giảm chi phí xuống mức thấp nhất. Tờ Digitimes vừa trích dẫn nguồn tin cho biết, các nhà cung cấp phần cứng cho iPhone, iPad đang đối mặt với áp lực cắt giảm chi phí từ chính Apple, trong đó có cả những...