Những gã khổng lồ công nghệ kiếm bộn tiền từ dịch Covid-19
Amazon và Microsoft là hai trong số các tập đoàn khổng lồ công nghệ hưởng lợi khi người dùng phải ở nhà và tránh gặp gỡ nhau để ngăn dịch Covid-19 lây lan.
Theo New York Times, trong khi các ngành công nghiệp khác gần như tê liệt vì ảnh hưởng của dịch virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), hoạt động kinh doanh tại các công ty công nghệ lớn vẫn ổn định, thậm chí phát triển mạnh. Amazon cho biết đang thuê thêm 100.000 công nhân nhà kho để đáp ứng nhu cầu giao hàng bùng nổ.
Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, tiết lộ lượng truy cập Facebook Messenger và các cuộc gọi video tăng đột biến. Microsoft cũng thông báo lượng truy cập các phần mềm cộng tác trực tuyến vọt lên 40% trong tuần này.
Khi mọi người được khuyên ở nhà và tạo “khoảng cách xã hội” để ngăn virus lây lan, sự phụ thuộc vào các dịch vụ từ những gã khổng lồ công nghệ Mỹ càng lớn hơn.
Amazon tuyển thêm 100.000 công nhân làm việc tại các nhà kho ở Mỹ. Ảnh: AP.
Mở rộng mạnh mẽ
Trong nhiều năm nay, Amazon tập trung vào các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Nhưng khi dịch bệnh có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) lan rộng khắp thế giới, người tiêu dùng ngần ngại đến cửa hàng và chuyển sang mua trực tuyến nhiều mặt hàng như thuốc, thực phẩm, đồ tạp hóa.
Một số dịch vụ streaming phim ảnh như Netflix ảnh hưởng mạnh đến doanh thu của các rạp chiếu phim truyền thống trong vài năm gần đây. Giờ đây, khi các rạp chiếu phim tại nhiều quốc gia phải đóng cửa, Netflix và YouTube có thêm một lượng khán giả mới.
Nhiều công ty sẵn sàng đánh đổi dữ liệu để thuê công nghệ từ Amazon, Microsoft và Google. Sự phụ thuộc vào các gã khổng lồ công nghệ Mỹ ngày càng tăng cao khi hàng triệu nhân viên phải làm việc từ xa, tạo áp lực cho cơ sở hạ tầng công nghệ của doanh nghiệp.
Tình hình cũng khá lạc quan với Apple – một trong những công ty Mỹ có nguy cơ chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhiều nhất vì phụ thuộc vào hệ thống nhà máy lắp ráp và người tiêu dùng ở Trung Quốc.
Hiện, nhiều nhà máy lắp ráng hàng Apple tại Trung Quốc đã hoạt động trở lại, người dùng dành nhiều thời gian và tiền bạc cho các dịch vụ kỹ thuật số hơn. Hôm 18/3, Apple phát hành thêm một số tiện ích mới.
Video đang HOT
Các cửa hàng Apple ở Trung Quốc đã mở cửa trở lại. Ảnh: Reuters.
“Các công ty công nghệ lớn có thể mở rộng mạnh mẽ hơn”, New York Times dẫn lời chuyên gia Daniel Ives, Giám đốc điều hành tại Wedbush Securities, nhận định. Tất nhiên điều đó không có nghĩa là các ông lớn công nghệ không cần lo lắng.
Mảng quảng cáo – nguồn thu huyết mạch của Google và Facebook – sẽ bị ảnh hưởng khi kinh tế suy thoái. Vốn hóa thị trường của Apple, Facebook và Alphabet (công ty mẹ của Google) đã bay hơi tổng cộng 1.000 tỷ USD trong 1 tháng qua. Microsoft và Apple cũng cắt giảm dự báo tài chính ngắn hạn vì người dùng giảm chi tiêu.
Các công ty khác trong lĩnh vực công nghệ cũng có số phận khác nhau. Những công cụ giao tiếp như dịch vụ Zoom được sử dụng rộng rãi, nhưng hãng gọi xe Uber, Lyft hay ứng dụng cho thuê nhà Airbnb chứng kiến nhu cầu rơi tự do.
Thay đổi thói quen
Năm nay, ngành công nghệ 3.900 tỷ USD sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Hồi tháng 12/2019, hãng nghiên cứu IDC dự báo doanh số phần cứng, phần mềm và dịch vụ trên toàn cầu sẽ tăng trưởng 5%. Tuy nhiên, một tháng trước, công ty cắt giảm dự đoán tăng trưởng xuống còn 1%.
“Mức tăng trưởng 1% đó dường như vẫn còn khá lạc quan”, chuyên gia Frank Gens tại IDC bình luận. Nhưng khi nền kinh tế phục hồi, các công ty công nghệ lớn có thể hưởng lợi từ sự thay đổi trong thói quen của người dùng.
Amazon đã thay đổi thói quen mua sách của người dùng, nhưng thuyết phục khách hàng mua hàng tạp hóa qua mạng vẫn là một thách thức. Giờ, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn khi mọi người buộc phải ở nhà để tránh dịch Covid-19.
Ông Michael Crowe sống tại Charlotte (bang North Carolina) lần đầu thử đặt hàng trên trang của Amazon vì không dám đi siêu thị. “Tôi nghĩ mình sẽ tiếp tục mua hàng trên đây khi dịch qua đi”, ông nói.
“Khi khách hàng trải nghiệm các dịch vụ khác nhau của Amazon, họ có thể thay đổi thói quen mua hàng vĩnh viễn”, chuyên gia Guru Hariharan, cựu nhân viên của Amazon và là nhà sáng lập hãng CommerceIQ, nhận định.
Các hoạt động giảng dạy, học tập được thực hiện qua những ứng dụng trực tuyến.
Amazon đang tuyển thêm người lao động và mở rộng mạng lưới giao hàng vì nhu cầu tăng cao tại Mỹ. Từ ngày 20/2 đến ngày 15/3, doanh số bán thuốc cảm lạnh không kê đơn của hãng tăng 900% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đơn đặt hàng thức ăn cho chó trên Amazon cũng tăng 1.300%, doanh số bán khăn giấy và giấy vệ sinh tăng 300%. Lượt tải Netflix tại Italy, Tây Ban Nha và Mỹ tăng lần lượt 66%, 35% và 9%, theo hãng Sensor Tower. Netflix không cho biết số lượng đăng ký sử dụng có gia tăng hay không.
Thậm chí, các quan chức châu Âu đã kêu gọi ông Reed Hastings, Giám đốc điều hành Netflix, giảm chất lượng video để giảm nhẹ áp lực cho mạng lưới Internet khu vực. Công ty đồng ý thực hiện trong vòng 30 ngày. YouTube cũng đồng ý tạm dừng phát trực tuyến video có độ phân giải cao ở châu Âu trong vòng 1 tháng.
Chi tiền cho ứng dụng
Các cuộc gọi thoại trên ứng dụng nhắn tin WhatsApp của Facebook đã tăng gấp đôi âm lượng, theo CEO Zuckerberg. Ứng dụng này cũng chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh. Giới phân tích cũng lạc quan về triển vọng của Facebook khi nhiều người tìm đến tin tức hoặc giải trí qua mạng xã hội này khi làm việc tại nhà.
Việc chuyển sang làm việc tại nhà cũng chứng minh giá trị của điện toán đám mây khi nhu cầu tăng đột biến. Đối với nhiều công ty, việc điều chỉnh nhu cầu điện toán là tốn kém và phức tạp. Điện toán đám mây có thể giải quyết vấn đề này và giảm nhẹ áp lực lên cơ sở hạ tầng internet của họ.
Amazon, Microsoft và Google – 3 nền tảng điện toán đám mây lớn – đang hạ giá thuê cơ sở hạ tầng cơ bản của mạng lưới doanh nghiệp và phần mềm dành cho nhân viên. Microsoft đang tích cực đẩy mạnh công cụ cộng tác và nhắn tin mới là Microsoft Teams.
Hôm 19/3, Microsoft cho biết số người dùng đã tăng 37% lên 44 triệu người dùng/ngày trong vòng 1 tuần. Apple cũng có triển vọng tốt dù phải đóng cửa hàng trăm cửa hàng trên khắp thế giới. Hãng đang cố không phụ thuộc vào doanh số bán thiết bị và hướng đến doanh thu dịch vụ, bao gồm bán ứng dụng, dịch vụ âm nhạc và TV.
Các khảo sát chỉ ra người dùng đang dành nhiều thời gian xem TV hơn. Apple đã chi hàng tỷ USD cho dịch vụ Apple TV Plus với hy vọng người dùng sẽ bỏ ra 5 USD/tháng để sử dụng.
Dịch Covid-19 buộc hàng trăm triệu người phải làm việc từ nhà, đem lại lợi ích lớn cho các công ty công nghệ.
Trước đó, Google và Apple đều chứng kiến tăng trưởng doanh thu ứng dụng sụt giảm. Trong 10 tuần đầu năm, doanh số bán ứng dụng qua iPhone của Apple chỉ tăng 18%, đạt 690 triệu USD. Doanh số bán ứng dụng Android của Google tăng 5%, đạt 360 triệu USD, theo Sensor Tower.
Nhưng trong vòng 2 tuần qua, doanh số của cả Apple và Google đều tăng mạnh khi nhiều người trên thế giới phải “cách ly xã hội”. Chỉ với 2 tuần, doanh số bán ứng dụng qua iPhone của Apple tăng 20%, đạt 670 triệu USD. Trong khi đó, doanh số bán ứng dụng Android của Google tăng 14%, đạt 380 triệu USD.
“Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Apple tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Không có lý do gì để nhà sản xuất iPhone và các gã khổng lồ công nghệ khác không làm được điều đó một lần nữa”, chuyên gia Ives thuộc Wedbush bình luận.
Phương Thảo
Mọi người có thể xem livestream mà không cần tài khoản Facebook?
Facebook có kế hoạch cho phép toàn bộ người dùng truy cập vào dịch vụ livestream mà không cần tài khoản.
Trong tình hình bùng phát dịch COVID-19 như hiện tại, duy trì kết nối rõ ràng là điều cần thiết. Việc sử dụng các dịch vụ nhắn tin như Skype, Snapchat, WhatsApp và Facebook Messenger đã tăng vọt trong thời gian gần đây và các dịch vụ livestream đã phải giảm chất lượng để đối phó với lưu lượng truy cập tăng đột biến.
Sau khi Facebook báo cáo về sự tăng đột biến trong hoạt động của người dùng và việc máy chủ quá tải, công ty đã giải quyết các vấn đề bằng cách triển khai một tính năng mới. Mạng xã hội có kế hoạch cho phép toàn bộ người dùng truy cập vào dịch vụ livestream mà không cần tài khoản.
Tùy chọn này đã có sẵn cho người dùng máy tính nhưng giờ đây, Facebook đang đưa tính năng lên smartphone. Tuy nhiên, nếu bạn đang ở châu Âu, video có thể giảm một phần về chất lượng khi Facebook hạ bitrate của các video để giảm nguy cơ tắc nghẽn kết nối Internet trong tình hình dịch COVID-19.
Có một lựa chọn thú vị khác cho người dùng mà không cần sử dụng smartphone hay kết nối băng thông rộng, đó là Facebook sẽ cung cấp tính năng mang tên Public Switch Telephone Network, cho phép mọi người nghe âm thanh từ livestream bằng cách gọi đến số tổng đài miễn phí. Công ty cho biết, tính năng này có thể giảm bớt nhu cầu về đường truyền.
Tuy nhiên, tính năng vốm dành cho những người không có quyền truy cập Internet ngay từ đầu, vì vậy, rất khó để thấy tính năng phát huy hiệu quả như thế nào. Ngoài ra, việc cho phép người dùng không có tài khoản Facebook xem video trực tiếp trên nền tảng có thể dẫn đến sự căng thẳng trên các máy chủ nhiều hơn.
Hiện tại, tính năng này đã có sẵn trên các thiết bị Android và sẽ được tung ra cho iOS trong vài tuần tới.
P.L
Facebook Messenger ra mắt trung tâm cộng đồng chống Covid-19 Facebook vừa ra mắt một trung tâm cộng đồng chống Covid-19 mới được thiết kế để giúp mọi người kết nối với bạn bè và các thành viên gia đình như một phần của sự xa cách xã hội. Facebook muốn hỗ trợ cộng đồng trong cuộc chiến với Covid-19 Theo Neowin, trung tâm mới cũng nhằm giúp chống lại sự lan truyền...