Những động thái chiến sự đáng chú ý cần theo dõi tiếp theo ở Ukraine
Sẽ khó có bất kỳ thỏa thuận có ý nghĩa và lâu dài nào giữa Nga và Ukraine trong những tháng tới.
Do đó, khó có khả năng 2023 sẽ là một năm hòa bình ở Ukraine.
Binh sĩ Ukraine bắn pháo vào các lực lượng Nga ở khu vực phía Đông Donbas. Ảnh: AFP
Khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bước sang năm 2023, cuộc xung đột dường như sẽ khó chấm dứt trong ngắn hạn. Rất khó để biết con số chính xác, nhưng rõ ràng là hàng nghìn binh sĩ của cả hai bên đã thương vong và hàng triệu người dân Ukraine phải đi sơ tán.
Theo nhận định của Luke Coffey, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Hudson (một tổ chức tư vấn Mỹ có tầm ảnh hưởng nổi tiếng thế giới), trên trang Tin tức Arab (arabnews.com) ngày 6/1, trước mắt, có một số động thái quân sự cần chú ý tiếp theo trong cuộc xung đột này:
Thứ nhất là diễn biến tại khu vực xung quanh thành phố Bakhmut ở vùng Donbas, miền Đông Ukraine. Trong nhiều tháng, các lực lượng Nga đã tìm cách kiểm soát thành phố này nhưng không thành công. Đối với Ukraine, ưu tiên sẽ là giữ vững các tuyến phòng thủ gần Bakhmut và khu vực xung quanh. Cả hai bên đều đã phải trả giá đắt trong cuộc đối đầu với nhiều binh sĩ bị thiệt mạng và Bakhmut về cơ bản đã bị hủy hoại nặng nề, hiện chỉ còn khoảng 10.000 người trong tổng số 80.000 người trước xung đột ở lại thành phố.
Chuyên gia phân tích Coffey cho rằng, mặc dù Bakhmut có ít giá trị chiến lược quân sự, nhưng lại có ý nghĩa mang tính biểu tượng với cả hai bên, khi thất bại ở đó trở nên khó có thể chấp nhận về mặt chính trị. Yevgeny Prigozhin, nhà tài phiệt Nga thân cận với Điện Kremlin, chỉ huy lực lượng Wagner ở thành phố này nhận thức sâu sắc rằng uy tín của mình sẽ bị đe dọa: Không kiểm soát được thành phố đồng nghĩa với việc mất ảnh hưởng lớn ở Moskva.
Video đang HOT
Với Ukraine, sau chuyến thăm bất ngời của Tổng thống Volodomyr Zelensky tới Bakhmut vào tháng trước, việc từ bỏ thành phố này sẽ là một đòn tâm lý đối với người dân Ukraine.
Thứ hai, nếu phía Ukraine có thể ổn định tình hình xung quanh Bakhmut, rất có thể trọng tâm của họ sẽ là một cuộc phản công ở phía Nam. Mục tiêu của Kiev sẽ là chia cắt thành phố Mariupol do Nga kiểm soát và khu vực Perekop nối với Crimea. Hướng tấn công tiềm năng có thể là từ hướng Zaporizhzhia với mục tiêu chính là Melitopol ở phía Nam.
Trước xung đột, Melitopol là thành phố lớn thứ 34 của Ukraine, nhưng tầm quan trọng của nó là từ vị trí thay vì quy mô – gần bờ biển Azov. Việc kiểm soát thành phố này có thể giúp phong tỏa cây cầu nối đất liền của Nga với Crimea và đặt các lực lượng Ukraine vào thế có lợi khi tấn công nhiều mục tiêu quân sự trên bán đảo Crimea. Melitopol cũng đã nằm trong tầm bắn của các hệ thống tên lửa của Ukraine và khu vực xung quanh thành phố là điểm nóng của hoạt động giao tranh.
Thời gian sẽ là vấn đề rất quan trọng. Kể từ khi các lực lượng Nga rút khỏi Kherson vào tháng 11/2022, cả lực lượng Ukraine và Nga đã tái triển khai dọc theo chiến tuyến, bao gồm cả khu vực gần Melitopol. Một khi mùa đông khiến mặt đất bị đóng băng, Ukraine có thể sẽ hành động, nhưng tốc độ phản công sẽ phải rất nhanh. Khi tuyết tan vào mùa xuân, tình trạng “không có đường” sẽ xuất hiện ở Ukraine vì trên các cánh đồng trống hoặc thậm chí là cả những con đường trải nhựa đều không thể cơ động cho đến mùa hè vì bùn.
Diễn biến thứ ba là một cuộc tấn công mới tiềm năng của Nga từ Belarus. Ukraine và phương Tây cho rằng Minsk đã đóng một vai trò nhất định đối với Nga như một điểm tập kết cho quân đội của họ trong giai đoạn đầu chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022. Giờ đây, ngày càng có nhiều lo ngại từ phương Tây rằng Belarus có thể tăng cường hỗ trợ cho Nga.
Nếu điều này xảy ra, có hai hướng hành động tiềm năng: Có thể có một cuộc tấn công khác vào Kiev, hoặc là một cuộc tấn công vào miền Tây Ukraine để làm gián đoạn đường tiếp tế của NATO từ Ba Lan và Romania. Cả hai đều sẽ không có khả năng thành công, nhưng gây đủ rắc rối cho Ukraine đến mức các lực lượng của họ sẽ phải điều chỉnh lại việc bố trí đội hình theo chiến tuyến.
Diễn biến cuối cùng cần theo dõi là việc liệu tên lửa của Iran có tham gia cuộc xung đột hay không. Phương Tây đã cáo buộc hàng trăm “ máy bay không người lái cảm tử” Shahed-136 do Iran chế tạo được Nga sử dụng để tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Mặc dù lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ nhiều trong số chúng, nhưng số còn lại vẫn gây ra thiệt hại đáng kể. Phần lớn Ukraine đang trải qua tình trạng mất điện thường xuyên.
Trong khi đó, Nga đang cạn dần kho dự trữ tên lửa hành trình với tốc độ mà nước này không ngờ tới. Theo giới chức Ukraine, mỗi tháng Nga chỉ có thể sản xuất khoảng 30 tên lửa hành trình Kh-101 và 15-20 tên lửa hành trình Kaliber. Do đó, có khả năng Moskva quay sang Tehran để giúp lấp đầy khoảng trống này.
Nhà nghiên cứu Coffey kết luận, bốn diễn biến trên là những điều có thể dự báo một cách hợp lý về cuộc xung đột Nga – Ukraine năm 2023, nhưng không thể chính xác 100%. Như các sự kiện trong năm qua đã cho thế giới thấy, các nhà hoạch định chính sách cần chuẩn bị cho mọi tình huống. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: sẽ khó có bất kỳ thỏa thuận có ý nghĩa và lâu dài nào giữa Nga và Ukraine trong những tháng tới. Do đó, khó có khả năng 2023 sẽ là một năm hòa bình.
Gần 1.000 binh sĩ Đức xin miễn phục vụ trong các khu vực có giao tranh
Số lượng binh sĩ Đức yêu cầu không triển khai đến các vùng chiến sự đã tăng đột biến do xung đột Nga - Ukraine.
Các binh sĩ Đức trong lực lượng sẵn sàng chiến đấu NATO triển khai ở Litva ngày 22/2/2022. Ảnh: AP
Báo Deutsche Welle (Đức) dẫn thông tin từ báo cáo được công bố ngày 6/1 cho biết, gần 1.000 quân nhân Đức đã nộp đơn xin miễn phục vụ trong các khu vực xung đột vào năm 2022, tăng mạnh so với số liệu của năm 2021.
Theo người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức, năm 2022 có 951 binh sĩ trong quân đội Đức nộp đơn xin được miễn trừ, so với 201 đơn năm 2021. Các lực lượng vũ trang Đức hiện có khoảng 183.000 nhân viên đang phục vụ, nghĩa là có gần 0,52% quân số nộp đơn xin miễn phục vụ trong các khu vực giao tranh.
Báo cáo trích dẫn cuộc xung đột ở Ukraine và căng thẳng gia tăng, đặc biệt là với Nga vào năm 2022, là lý do khiến nhiều binh sĩ yêu cầu được miễn phục vụ tại những vùng chiến sự. Mặc dù NATO chỉ hỗ trợ Ukraine và không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột, nhưng viễn cảnh xung đột với Nga vẫn là một nguy cơ trong năm 2022.
Michael Schulze von Glasser, người phát ngôn của DFK-VG, một nhóm người theo chủ nghĩa hòa bình, đã kêu gọi trong báo cáo rằng quân đội Đức nên cho binh sĩ một "lối thoát dễ dàng" nếu họ muốn. Michael Schulze von Glasser nói: "Những người lính, trong thời điểm bất ổn về an ninh này, khẳng định rằng họ không muốn bắn vào người khác hoặc bị bắn, thì phải được tạo điều kiện để được rời khỏi quân đội".
Quan điểm về việc một người lính chuyên nghiệp không muốn đến khu vực chiến sự có vẻ rất kỳ quặc, nhưng lựa chọn được miễn xem xét phục vụ trong khu vực xung đột có từ thời Đức vẫn duy trì nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nhiều thanh niên. Cho đến năm 2011, hầu hết học sinh vừa tốt nghiệp ở Đức được yêu cầu phải phục vụ trong quân đội một thời gian ngắn hoặc thay vào đó phải tham gia vào một số hình thức khác.
Sau thất bại của Đức trong Thế chiến II, quân đội Đức được xác định lại là một lực lượng phòng thủ thuần túy nhằm bảo vệ lãnh thổ nước này và đôi khi cung cấp các dịch vụ phi chiến đấu ở Đức - chẳng hạn như hỗ trợ quản lý khủng hoảng sau các sự cố như lũ lụt hoặc thậm chí với việc vận chuyển thiết bị và vật tư y tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Trong những thập kỷ gần đây, Đức đã bắt đầu đảm nhận vai trò gia tăng trong các hoạt động quân sự quốc tế, thường dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Ví dụ lớn nhất là vai trò đóng góp quân lớn thứ hai ở Afghanistan cho đến khi phương Tây đột ngột rút quân vào năm 2021.
Hầu hết các hoạt động triển khai trong khu vực chiến đấu vẫn là một phần của các hoạt động gìn giữ hòa bình hoặc chống khủng bố và chống nổi dậy, và tổn thất của quân đội Đức trong các hoạt động quốc tế vẫn ở mức khiêm tốn theo tiêu chuẩn của hầu hết các quân đội khác. Theo số liệu của quân đội Đức đến tháng 7/2022, 116 binh sĩ Đức đã thiệt mạng khi phục vụ ở nước ngoài kể từ năm 1992.
Sau nhiều năm chịu áp lực từ các đối tác NATO buộc Đức phải mở rộng vai trò quân sự hơn nữa, Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng và những cải tổ khác như một phần của cái gọi là "sự thay đổi mang tính thời đại" (Zeitenwende) trước cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, quân đội Đức chưa hoàn toàn rõ ràng về hình dạng chính xác của bất kỳ thay đổi nào trong tương lai. Cho đến nay, các chính trị gia Đức chủ yếu nói chung chung về việc cố gắng tăng chi tiêu, tuyển dụng và mua sắm, thay vì thảo luận các vấn đề có khả năng gây tranh cãi hơn như xác định lại các quy tắc chiến đấu.
Nga đẩy mạnh tấn công miền đông, Ukraine nói hơn 60% diện tích Bakhmut bị phá hủy Ukraine cho biết đã ngăn chặn các đợt tấn công của Nga ở phía đông, trong khi 2 bên đều đưa ra thông tin về tổn thất lớn của đối phương. Các binh sĩ Ukraine chuẩn bị tấn công một cứ điểm của Nga ở khu vực Bakhmut . REUTERS Đài CNN ngày 5.1 đưa tin Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine...