Những dòng cảm xúc trái ngược
Nguyễn Đức Nghĩa khóc nức nở tại tòa
Phiên xử Nguyễn Đức Nghĩa được đông đảo dư luận quan tâm. Điều đáng nói là tội của Nghĩa thì đã rõ, nhưng mỗi người lại có những cảm xúc đan xen, trái ngược nhau khi dự tòa.
Mỗi người một nỗi đau
8 giờ ngày 11/11, chiếc xe bít bùng chở Nguyễn Đức Nghĩa chạy vào sân tòa. Hắn bước xuống xe, trông gầy nhưng có vẻ rắn rỏi hơn trước. Nét mặt buồn, hắn thất thần bước đi giữa những ánh đèn flas liên tục nháy.
Bà Chuân mẹ Nghĩa ngồi chờ từ khá sớm. Đôi mắt bà thâm quầng và trông bà gầy hẳn đi. Cô con gái ngồi cạnh cố để mẹ dựa vào mình và liên tục theo dõi thái độ của mẹ.
Người mẹ cùng chị gái Nguyễn Đức Nghĩa đau khổ trong phiên tòa
Ở phần xét hỏi, vẫn cách trả lời lạnh lùng khúc triết, Nghĩa cho rằng hắn không giết người một cách man rợ vì ngay từ nhát dao đầu tiên thì Linh đã chết và những hành vi tiếp theo của hắn không thể làm cho nạn nhân có thể đau đớn thêm được nữa.
Những lời khai của Nghĩa về hành vi giết hại nạn nhân xấu số tên Linh không phải là điều gì mới mẻ, nhưng khi phải nghe lại những điều đó, nhiều người dự tòa vẫn không khỏi nhăn mặt và thốt lên những tiếng “kinh quá”… Ngay cả mẹ hắn cũng phải nhắm nghiền mắt lại khi nghe con khai tội.
Ở hàng ghế dưới là hai vị phụ huynh đau khổ, ông Nguyễn Văn Ba (bố nạn nhân) thì đang chờ đợi phán xét nghiêm minh dành cho Nghĩa. Gia đình ông mời 3 luật sư để tham gia phiên xét xử phúc thẩm này. Được chủ tọa phiên tòa hỏi, ông Ba cương quyết đề nghị tử hình đối với Nghĩa. Mái tóc ông điểm bạc nhiều hơn kể từ ngày người ta phát hiện ra xác con gái ông. Nét mặt khắc khổ của ông hằn rõ những nỗi đau khó nói thành lời.
Ngồi phía sau ông, cách một hàng ghế là bà Chuân đang đứt từng khúc ruột khi nghe ông Ba nói mong muốn HĐXX ra phán quyết loại bỏ Nghĩa ra khỏi đời sống xã hội. Bà dường như kiệt sức, đôi mắt quầng thâm, sưng mọng vì nước mắt thỉnh thoảng lại nhắm nghiền, như thể những gì đang phải chịu đựng là quá sức với bà.
Tay bà bíu vào chiếc ghế trước mặt, người đổ dựa vào cô con gái ngồi cạnh cũng đang giàn giụa nước mắt. Nhìn thấy bộ dạng của người mẹ đau khổ đấy, nhiều người dành cho bà ánh mắt thương cảm, thậm chí là những giọt nước mắt chia sẻ.
Kẻ nhắc đến “tình”, người cần sự nghiêm minh của pháp luật
Video đang HOT
Vụ án dường như nóng lên khi luật sư Ngô Ngọc Thủy đột ngột cho biết cha Nghĩa đã ra đi vì tai nạn giao thông trên đường đến nhà người quen vay tiền khắc phục hậu quả cho con.
Nghe đến đây, Nghĩa nức nở khóc, gương mắt hắn méo xẹo, cặp kính cận nhòe nước. Môi mắm chặt, hắn đưa tay lên quyệt nước mắt. Nhưng những phút yếu mềm của Nghĩa nhanh chóng trôi qua. Ngay sau đó hắn lấy lại bình tĩnh và lại tiếp tục trả lời một cách mạch lạc, khúc triết. Phần tranh luận, hắn “đấu khẩu” một cách nhiệt tình. Dường như hắn không để sót một lời nào của luật sư.
Nỗi đau của những bậc phụ huynh
Nhắc đến cái chết thương tâm của chồng, bà Chuân không nén nổi cảm xúc, bà bật khóc nấc giữa tòa. Vài người phụ nữ cố chen vào phòng xử án để theo dõi phiên tòa mắt cũng đỏ hoe khi nhìn thấy người mẹ đau khổ của Nghĩa.
Bà Chuân vẹo vọ ngồi trên ghế mà người như sắp đổ sụp xuống. Khi nghe VKS đề nghị án tử hình dành cho con trai, đột nhiên bà đứng bật dậy, lắp bắp, líu ríu những từ xin cho con được sống. Khi HĐXX đã bước vào phòng nghị án, bà Chuân lại cuống cuồng quay sang ông Ba mà gào khóc: “Ông Ba ơi cho tôi xin một con đường sống…”.
Cả phiên tòa lặng đi, chỉ còn nghe thấy tiếng nức nở của người phụ nữ bất hạnh: “Chồng tôi đã chết rồi, giờ con trai chết nốt thì tôi còn sống làm sao được nữa. Tôi mất hết phương hướng rồi…”.
Cả hai phía luật sư của gia đình bị hại và bị cáo đều nhắc nhiều đến ý kiến dư luận. Luật sư Thủy thì cho rằng HĐXX không nên vì sức ép dư luận, nhiều người căm phẫn bị cáo mà có những phán quyết thiếu chính xác. Và cũng nên xét đến chữ tình.
Còn luật sư của bên gia đình bị hại cũng đề nghị HĐXX không nên chú tâm đến dư luận hay cảm tính, bởi luật pháp cần nghiêm minh để đảm bảo tính răn đe. Nếu như tội đáng chết thì phải xử tử hình thì mới có thể nghiêm trị.
Khi tòa tuyên án tử hình Nguyễn Đức Nghĩa, một góc phòng xử án vang lên tiếng vỗ tay đồng tình. Hòa lẫn vào đám đông những người đến xem xử lại có người tỏ ra khó chịu với những tiếng vỗ tay đó. Một người thanh niên to béo còn hướng về phía những tiếng vỗ tay mà buông tiếng chửi thề.
Trao đổi với PV sau khi phiên xử kết thúc, luật sư Nguyễn Anh Thơm nói: “HĐXX đã tuyên 1 bản án, theo quan điểm của tôi là cũng có nhiều đau xót, nhưng nói chung cũng đã xác định với gia đình. Việc Nghĩa phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc nhất, luật sư và gia đình đã lường trước được, nên phần tuyên bản án là phải tôn trọng HĐXX. Họ đã đánh giá tất cả các mặt pháp lý, nhân đạo… Nhưng do tính chất, hành vi của Nghĩa gây ra, rất khó thay đổi được”.
Còn ông Nguyễn Văn Ba, bố nạn nhân chia sẻ: “Tôi nhất trí với tính công minh của HĐXX, không chỉ cho gia đình mà cho cả xã hội”.
Theo VNN
Sức hút từ phiên xử Nguyễn Đức Nghĩa
Nguyễn Đức Nghĩa tại tòa
Phiên tòa phúc thẩm Nguyễn Đức Nghĩa sáng 11/11 đã khiến hàng trăm người dân bỏ cả việc đến để "nhìn tận mặt Nghĩa".
Hàng trăm người dân đã có mặt tại Tòa phúc thẩm (TANDTC tại Hà Nội) mong được chứng kiến phiên xử Nguyễn Đức Nghĩa diễn ra.
Những người phụ nữ thu mua phế liệu này nghỉ cả buổi làm để đứng... ngó phiên tòa qua hàng rào.
Trèo hẳn lên xe và bám vào hàng rào.
Đưa cả con nhỏ đến xem tòa.
Tuy nhiên, vì phòng xét xử hẹp nên số lượng người được vào tham dự phiên tòa rất hạn chế. Phần lớn người dân đến xem phải ngồi bên ngoài và... nghe ngóng.
Nhiều người từ mãi dưới Hải Phòng (quê của Nghĩa) đã lặn lội từ 3 - 4h sáng để kịp có mặt tại địa chỉ số 262 Đội Cấn. Nhưng, vì phải có giấy mời của Tòa án nên họ không được vào phòng xét xử.
Ai cũng tò mò
Nhiều người dân đã mang chứng minh thư - giấy tờ tùy thân duy nhất có tính pháp lý, để xin lực lượng giữ an ninh cho phép được vào. Nhưng cuối cùng vẫn phải chấp nhận ngồi bên ngoài.
Phiên tòa kéo dài từ 8h sáng đến 12h30. Buổi sáng ngày 11/11, trời oi nóng, tuy nhiên, không ai bỏ ra về. Họ tò mò muốn biết kết quả cuối cùng rằng tòa phúc thẩm sẽ y án hay sẽ giảm án cho Nguyễn Đức Nghĩa.
Nhất là khi, sự việc bố của Nguyễn Đức Nghĩa, ông Nguyễn Đức Hùng bị tai nạn giao thông mất mấy ngày trước phiên phúc thẩm của Nghĩa. Họ tò mò không biết, liệu sự việc nói trên có là tình tiết để giảm án cho Nguyễn Đức Nghĩa hay không.
Trèo lên bục chắn... nhận chỗ.
Bà Nguyễn Thị H (chủ của ba quán bia, nhà hàng ăn uống tại Hà Nội) nhấp nhổm đến theo dõi phiên tòa từ ban sáng. Bà H kể: sắp đến giờ ăn trưa, nhà hàng rất đông khách nhưng vì tò mò, bà nấn ná bỏ việc để ở lại chờ đến khi tòa tuyên án.
Bà H tỏ ra thông thạo: nhà tôi mấy đứa nó thường xuyên lên mạng internet nên thông tin về vụ việc tôi nắm rất rõ. Kể cũng thương mẹ của Nghĩa khi cùng một lúc mất hai người thân. Tuy nhiên, tôi thấy, sự việc bố của Nghĩa bị mất vì tai nạn trước khi Nghĩa được xử phúc thẩm không thể được coi là tình tiết giảm nhẹ. Bởi một lẽ, sự việc trên không liên quan đến hành vi phạm tội của Nghĩa.
Quây xung quanh lối sẽ dẫn Nghĩa ra xe chở phạm.
Theo tôi, sự việc trên khiến người dân thương cảm và chia sẻ với người mẹ bất hạnh và cũng thương hại cho Nghĩa. Tuy nhiên, cảm thông và thương hại không có nghĩa là sẽ giảm án, vì hành vi giết người man rợ của Nghĩa phải được trừng trị trước pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Hùng (quận Cầu Giấy): "Tôi đến xem phiên tòa cũng có tâm lý chung của mọi người. Vụ việc nghiêm trọng này được thông tin trên báo chí khiến người dân bức xúc. Hơn nữa, biết bao sự kiện đã kéo theo kể từ khi gia đình Nghĩa có đơn kháng án. Với lại, cũng muốn nhìn tận mắt Nghĩa ngoài đời như thế nào...".
Những cánh tay của người thân chìa ra với Nghĩa trước khi lên xe dẫn giải
Đến khi phiên tòa kết thúc, Nguyễn Đức Nghĩa được cán bộ công an áp giải ra xe giải phạm, đám đông ùa theo. Hàng loạt máy điện thoại di động, máy ảnh cá nhân đều giơ lên một lúc. Đám đông chen nhau để cố gắng nhìn bằng được Nguyễn Đức Nghĩa ngoài đời trước khi Nguyễn Đức Nghĩa được đưa lên xe đưa về trại giam.
Theo VNN
Phiên xử Nguyễn Đức Nghĩa qua ảnh Người dân đến chật kín trụ sở TAND Tối cao TP Hà Nội để xem phiên tòa xử phúc thẩm Nguyễn Đức Nghĩa. Tuy hầu hết đều vỗ tay tán thành khi Tòa tuyên y án tử hình Nguyễn Đức Nghĩa, nhưng cũng không ít người xúc động trước nỗi đau của mẹ bị cáo. Lời nói sau cùng của Nguyễn Đức Nghĩa....