Những ‘đô thị bê tông ma’ làm lộ rõ bong bóng bất động sản tại Trung Quốc
Giá nhà đất đã cao gấp đôi so với Mỹ. Nhiều khác hàng rơi vào tình cảnh phải sống trong những căn hộ chưa hoàn thiện.
Xuất hiện nhiều “ thành phố ma” tại Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asia
Cuối tháng 8/2021, 11 tòa chung cư xây dựng dang dở tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã bị phá sập. Chủ đầu tư trước đó đã lâm vào tình cảnh khó khăn về tài chính và buộc phải bỏ dở các công trình xây dựng. Các tòa nhà đứng trơ trọi trong bảy năm, buộc nhà chức trách phải ra quyết định phá hủy vì lý do an toàn. Chỉ trong chưa đầy một phút, các khối nhà sụp trong đống đổ nát.
Thị trường bất động sản tại Trung Quốc trải qua đợt rúng động, với những vấn đề tồn tại đặc trưng như trong trường hợp của tập đoàn Evergrande Group. Một trong những điểm mấu chốt mà giới lãnh đạo Trung Quốc đang tập trung xử lý là vấn nạn về cái gọi là “các thành phố ma”. Nhưng nhiều người cho rằng đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Giá bất động sản tại Trung Quốc hiện cao gấp 2,6 lần so với ở Mỹ. Theo ước tính của tờ Nikkei Asia, tổng giá trị vốn hóa thị trường của thị trường nhà đất tại Trung Quốc trong năm 2020 ước đạt khoảng 95,6 nghìn tỉ USD. Theo giáo sư Kenneth Rogoff đến từ Đại học Harvard, lĩnh vực bất động sản Trung Quốc chiếm khoảng 29% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Tỉ lệ này cao hơn cẩ mức đỉnh tại Tây Ban Nha và Ai-len trong thời kỳ đỉnh điểm khủng hoảng tài chính thập kỉ 2010.
Nếu bất động sản giảm 20%, cả nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị chìm theo. Những bất ổn có thể được nhìn thấy rõ qua việc chỉ riêng Evergrande đã gánh núi nợ lên đến hơn 300 tỉ USD. Tại nhiều vùng đô thị, những người giàu có thường sở hữu nhiều nhà đất. Tỉ lệ sở hữu nhà ở Trung Quốc là trên 90%, vượt trên cả Singapore và đứng thứ nhất trong các nền kinh tế lớn. Nhưng tỉ lệ nhà, căn hộ còn trống, chưa có người ở lại lên tới 20% , cũng là mức cao hơn so với Mỹ và Nhật Bản. Thực tế này phản ánh mất cân bằng cung-cầu thực về nhà đất tại Trung Quốc.
Kể từ khi chính sách mới về quyền sử dụng đất trong những năm 1990, thị trường nhà đất vốn được hỗ trợ bởi quy mô dân số lớn nhất thế giới, đã trở thành một biểu tượng tăng trưởng ở Trung Quốc. Thế nhưng GDP danh nghĩa của Trung Quốc mới chỉ bằng 70% của Mỹ trong khi giá nhà đất lại đắt gấp đôi. Vì thế, có lý do để tin rằng sự phình to của thị trường bất động sản tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã lên tới đỉnh.
Ngày càng có nhiều người phải sinh sống trong những căn hộ đặt mua nhưng còn chưa hoàn thiện. Ảnh: Nikkei Asia
Video đang HOT
“Những đồng tiền dành dụm bằng mồ hôi, nước mắt đang nằm ở đâu?”, những dòng than vãn như vậy được đăng tải thường xuyên tại mục “Thông điệp gửi lãnh đạo” trên tờ Nhân dân Nhật báo phiên bản điện tử. Thu thập và phân tích những tin nhắn kiểu như vậy cho thấy một thực tế: Trong hai năm qua, số tòa nhà “xây dựng dở dang” đã vọt lên 4.982 tòa. Riêng tại một vùng ở tỉnh Vân Nam đã có tới 80 tòa như vậy. Phần lớn những lời phàn nàn này đến từ những người dân địa phương, số đã bỏ tiền ra mua căn hộ tại các khu dân cư chưa biết bao giờ mới hoàn thiện.
Nhiều người đã bắt đầu chuyển đến sống tại các tòa nhà vẫn đang còn xây dựng dang dở. Sau khi ký hợp đồng mua bán, chủ đầu tư lâm vào khó khăn tài chính. Thời hạn giao nhà bị trì hoãn, kéo dài. Người mua nhà, do không có khả năng chi trả các khoản cầm cố hay thuê nhà mới, buộc phải dọn tới những căn hộ chưa hoàn thiện. Nhiều tòa bị phá hủy do để hoang, như một tín hiệu về những bất cập trên thị trường bất động sản trong thời kỳ GDP tăng trưởng cao.
“Lin”, nhân vật đã được đổi tên, là một công nhân 37 tuổi, làm việc trong một nhà máy tại Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông. Năm 2017, cô đã đặt cọc khoản tiền tiết kiệm 260.000 nhân dân tệ của gia đình để mua căn hộ trị giá 700.000 nhân dân tệ. Cả nhà hy vọng sớm được chuyển đến nơi ở mới, trong khi mỗi tháng vẫn phải trả khoản tiền vay lãi 2.600 nhân dân tệ. Nhưng công trình bị dừng lại, đơn nguyên nhà không thể hoàn thiện theo đúng lịch vào tháng 11/2019.
Lin vẫn hy vọng dự án sẽ thay chủ đầu tư và chính quyền sẽ can thiệp hỗ trợ. Nhưng nhiều tháng qua đi mà tình trạng vẫn không tiến triển. “Khi nào chúng tôi mới có thể chuyển đến sống tại đó?”, cha của cô Lin đặt câu hỏi. Ông mắc bệnh viêm khớp và mất khi vẫn còn đang lo nghĩ về căn nhà.
Không trả được tiền thuê và khoản cầm cố, Lin quyết định chuyển tới sống tại căn hộ chưa hoàn thiện. Cùng với 10 hộ gia đình khác, Lin sống trong “căn hộ mới” chỉ có khung bê tông. Nhưng khi trở về nhà trong một ngày tháng 12/2021, cô nhận thấy tòa nhà đã bị phong tỏa bằng đinh và xích. Cảnh sát cũng được triệu hồi tới, mọi người được yêu cầu xóa bỏ hình ảnh, đoạn video quay chụp tòa nhà.
Lin và gia đình hiện sống trong một ngôi nhà đi thuê ở ngoại ô, cách xa trường học và chỗ làm. Giá thuê là 1.000 nhân dân tệ/tháng và họ vẫn phải trả tiền cầm cố. “Tôi mua nhà với mong muốn gia đình được sinh sống thoải mái hơn. Nhưng giờ đây chúng tôi buộc phải sống trong u tối”, Lin chia sẻ.
Trung Quốc có tới 65 triệu căn hộ bỏ không, đủ chỗ ở cho cả nước Pháp
Nếu lái xe một vài tiếng ra ngoài Thượng Hải hay Bắc Kinh, người ta sẽ thấy rất nhiều tòa nhà chung cư cao tầng, hiện đại, trong tình trạng tốt nhưng lại gần như không có ai ở.
Các tòa nhà xây dở và đường phố vắng vẻ ở Xiangluo Bay tại Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Theo Business Insiders, người ta gọi đó là những "thành phố ma", vắng lặng khác hẳn các thành phố cấp 1 ở Trung Quốc. Những thành phố ma không phải là chuyện mới ở Trung Quốc nhưng khi tập đoàn bất động sản Evergrande của nước này rơi vào khủng hoảng nợ nần, các thành phố không người lại trở thành đề tài được quan tâm.
Li Gan, Giáo sư kinh tế học tại Đại học Texas A& M, một chuyên gia hàng đầu về thị trường nhà ở Trung Quốc, cho biết rất khó xác định số lượng chính xác các căn hộ không người ở.
Thành phố không người nổi tiếng nhất ở Trung Quốc là khu đô thị mới Ordos (hay còn gọi là Kangbashi) ở khu vực Nội Mông. Ban đầu, thành phố này dự kiến có cả triệu người sinh sống vào đầu những năm 2000, nhưng về sau, con số này được giảm xuống còn 300.000. Tới năm 2016, mới chỉ có 100.000 người sống ở đó. Kangbashi cuối cùng cũng thu hút được người dân sau khi Trung Quốc chuyển một số trường học hàng đầu tới đây.
Các tòa chung cư chỉ có vài người ở tại Kangbashi, Nội Mông năm 2017. Ảnh: SCMP
Các căn hộ không người ở chiếm một phần lớn trong thị trường nhà ở khổng lồ tại Trung Quốc, gấp đôi thị trường ở Mỹ và đạt giá trị 52.000 tỷ USD năm 2019. Dữ liệu năm 2017 cho thấy 21% căn hộ, tương đương 65 triệu, không có người ở. Con số này đủ để cho người dân cả nước Pháp ở.
Trong khi ở Mỹ hay Nhật Bản, nhà ở tại nhiều nơi bị bỏ hoang, xuống cấp, còn ở Trung Quốc, nhà này không bị bỏ hoang, chỉ là không ai ở. Ông Li Gan cho biết đây là hiện tượng chỉ có ở Trung Quốc.
Theo ông Xin Sun, Giảng viên cấp cao tại Đại học Kings College London, các căn hộ này không có người có nghĩa là chúng đã được bán cho người mua và nhà đầu tư, nhưng không có chủ và người thuê nhà tới ở.
Về mặt cung, chính phủ thu một số tiền lớn từ việc cho các nhà phát triển bất động sản thuê đất nên có động lực lớn để khuyến khích phát triển thị trường nhà ở thay vì hạn chế.
Hàng năm, Trung Quốc bắt đầu xây 15 triệu ngôi nhà mới, gấp 5 lần tổng số căn nhà mới ở Mỹ và châu Âu cộng lại.
Ngoài việc chính phủ khuyến khích phát triển và đẩy nguồn cung lên, số lượng căn hộ ở Trung Quốc lớn còn là vì tỷ lệ đô thị hóa cao. Tính tới năm ngoái, 61% dân số Trung Quốc sống trong các thành phố, tăng so với tỷ lệ 35,8% cách đây 20 năm.
Tuy nhiên, tỷ lệ đô thị hóa ở Trung Quốc lại không được tính toán chính xác nên họ ước tính quá nhiều số người có nhu cầu chuyển nhà.
Về mặt cầu, xu hướng chung là giá nhà tăng đã khiến nhiều người có nhu cầu mua nhà thứ hai, thứ ba.
Đường phố không người ở quận huyện Kangbashi, Nội Mông năm 2017. Ảnh: SCMP
Trong 20 năm, giá nhà đã tăng gấp nhiều lần ở nhiều nơi, trong đó có ở các thành phố lớn. Phần lớn người dân Trung Quốc chưa trải qua tình trạng bong bóng bất động sản vỡ như ở Mỹ năm 2008 hay ở Nhật Bản những năm 1990 nên họ tin chắc rằng bất động sản là kênh giữ tiền, sinh lời tốt nhất. Từ đó, nhu cầu mua thêm bất động sản càng tăng. Hơn 20% người sở hữu nhà ở Trung Quốc có từ hai căn nhà trở lên.
Khi tập đoàn Evergrande gặp khủng hoảng, Trung Quốc đã tìm cách giảm nhẹ rủi ro, trong đó có biện pháp ngăn người dân bán nhà. Evergrande có trên 1.300 dự án phát triển khắp 280 thành phố Trung Quốc, có thể cung cấp nơi ở cho trên 12 triệu người. Nhưng tập đoàn này nợ 300 tỷ USD, có 1,6 triệu căn hộ chưa được bàn giao và liên tục lỡ hẹn thanh toán trái phiếu.
Một khu chung cư do Evergrande phát triển ở Vũ Hán. Ảnh: Getty Images
Dù quy mô lớn và khoản nợ khổng lồ nhưng Evergrande chỉ là một phần nhỏ trong vấn đề nhà ở tại Trung Quốc. Thị phần của Evergrande nhỏ nhưng lại đặt ra rủi ro cho nền kinh tế Trung quốc. Các chuyên gia cho rằng vấn đề nợ của Evergrande có thể ảnh hưởng tới các nhà phát triển bất động sản khác và có thể tạo ra làn sóng vỡ nợ mới.
Động lực mới cho nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (CBD), còn gọi là COP15 diễn ra tại Côn Minh, Trung Quốc vừa bế mạc ngày 15/10 với việc thông qua Tuyên bố Côn Minh, trong đó kêu gọi "hành động khẩn cấp và phối hợp" của tất cả các bên trong nỗ lực bảo tồn đa...