Những “đồ nghề cứu nguy” mà ai cũng cần có trong nhà – giúp tiết kiệm cả tấn tiền gọi thợ
Việc sở hữu những món “đồ nghề” này không chỉ giúp tiết kiệm tiền “gọi thợ” mà còn biến chúng ta thành những người tháo vát – sẵn sàng giúp đỡ những người khác.
Chào các bạn. Trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng có thể gọi thợ để sửa chữa khi đồ đạc trong nhà bị hư hỏng bất ngờ, vì thế ai cũng cần có cho mình một số đồ nghề và dụng cụ. Việc sở hữu những món “đồ chơi” này không chỉ giúp tiết kiệm tiền “gọi thợ” mà còn biến chúng ta thành những người tháo vát – sẵn sàng giúp đỡ những người khác.
Ví dụ đơn giản như trong hình dưới đây: chỉ cần khoét một lỗ để đi dây loa và bộ dàn âm thanh. Nếu gọi thợ thì không nhiều người muốn đến bởi công việc quá nhỏ, còn nếu trả 300-500K để thợ tới khoét 1 lỗ thì ít người đồng ý. Vậy chỉ có tự xử là nhanh gọn nhất!
Khoan 1 lỗ để đi dây loa và bộ dàn âm thanh
Nhu cầu của mỗi người là khác nhau: Người tay nghề cao sẽ muốn nhiều dụng cụ, còn người ít vọc vạch thì chỉ cần vài ba thứ đơn giản. Hôm nay chúng tôi xin gợi ý một vài công cụ thiết yếu với khả năng đáp ứng được hầu hết các tình huống sửa chữa thông thường trong sinh hoạt hàng ngày:
1. Các loại tuốc nơ vít (hay tua vít) và bút thử điện
Đây chắc chắn là những dụng cụ không thể thiếu trong bất cứ hòm đồ nghề nào. Gần như mọi thứ chúng ta sử dụng hàng ngày đều sử dụng tới nguồn điện và được ghép nối, cố định bằng những con ốc vít: máy xay, ổ cắm, quạt… Do đó, những chiếc tuốc nơ vít và bút thử điện sẽ luôn là thứ được sử dụng nhiều nhất, và bản thân chiếc bút thử điện cũng là một dạng tuốc nơ vít dẹt.
Không có một chuẩn chung nào về loại ốc vít được các nhà sản xuất thiết bị sử dụng nên tuốc nơ vít cũng rất đa dạng: từ đầu chữ thập (4 cạnh), đầu dẹt (2 cạnh), đầu lục giác, hoa thị… cho đến hình dáng của chúng cũng “muôn hình muôn vẻ”: Tuốc nơ vít nhỏ xíu dùng để mở các thiết bị điện tử như laptop, điện thoại, kính đeo mắt; loại dùng cho quạt, ổ cắm, lò nướng… thì phải to hơn, hay thậm chí có những chiếc tuốc nơ vít cỡ lớn dùng để sửa xe, tháo máy bơm nước,…
2. Các loại búa
Với công dụng chính là để đóng hoặc gõ đinh/vít, búa cũng là một vật không thể thiếu của các bác thợ hoặc trong các gia đình. Cũng như tuốc nơ vít, chúng ta có thể thấy rất nhiều chủng loại búa trên thị trường nhưng để sử dụng trong phạm vi gia đình thì những chiếc búa có khối lượng dưới 2 kg và kích thước vừa tay là phổ biến hơn cả.
3. Các loại kìm
Ngay từ cái tên (kìm trong kìm kẹp) đã nói lên tác dụng của nó là giúp giữ chặt vật thể. Trên thực tế, kìm có rất nhiều tác dụng như tuốt dây, vặn hay cắt các loại dây điện, dây thép. Một số loại kìm thông dụng và phổ biến mà hầu như nhà nào cũng nên có là: kìm điện mũi bằng, kìm cắt, kìm mũi nhọn. Bên cạnh đó còn có một số loại kìm khác với những chức năng riêng biệt như kìm bấm mạng, kìm chết, kìm nước…
4. Máy khoan cầm tay
Video đang HOT
Dù là chạy pin hay chạy điện thì máy khoan cầm tay cũng vẫn là một thiết bị rất đáng để sở hữu. Bạn muốn sửa cánh tủ, lắp giá treo đồ hay treo tranh, treo đồng hồ thì đều cần tới một chiếc máy khoan. Máy khoan thường được bán kèm với đủ các loại đầu mũi khoan như khoan tường, khoan sắt, khoan gỗ, bắt vít,… nên các bạn chỉ cần sắm một bộ là đã khá đầy đủ rồi.
5. Các loại ốc vít
Như tôi đã nói ở phần tuốc nơ vít, do các nhà sản xuất không có sự thống nhất trong việc sử dụng ốc vít trên những sản phẩm của mình nên chúng ta cần trang bị cho mình nhiều loại ốc vít, bu lông khác nhau: vít bake (4 cạnh, chữ thập), vít dẹt, vít nở nhựa, vít nở thạch cao, vít gỗ,…
6. Hộp đồ nghề và hộp đựng vít
Các bạn rất nên sắm một chiếc hộp để đựng toàn bộ các đồ nghề nói trên. Khi có hộp đồ nghề thì việc di chuyển, quản lý và bảo quản công cụ sẽ trở nên rất nhanh chóng và chuyên nghiệp.
Hộp đựng vít cũng giúp chúng ta cất giữ những con vít đủ các kích thước, chủng loại mà không lo bị rơi rớt hay thất lạc. Do đa phần đầu mũi của ốc vít đều sắc nhọn nên sẽ rất nguy hiểm nếu chúng bị lăn lóc, tản mát trên sàn nhà hay mặt đất. Nhẹ thì những con vít này có thể làm thủng lốp xe, còn nặng hơn là đâm vào chân, gây chấn thương và nhiễm trùng.
Tổng kết
Trên đây chỉ là những món đồ nghề cơ bản nhất mà mỗi người đều nên có trong nhà. Sở hữu được chúng không khó – chỉ cần có tiền là mua được, nhưng cách sử dụng như thế nào cho hiệu quả, ứng dụng ra sao để khắc phục được những hỏng hóc trên đồ vật và các tình huống hàng ngày thì chúng ta cần phải học và thực hành cho thành thạo.
Chúc các bạn vui vẻ!
Quạt điện chạy lờ đờ, đã lau dầu mà không hiệu quả? Dùng kiến thức vật lý cấp III để chữa mà chỉ tốn có 8K thôi nhé!
Nếu quạt nhà các bạn chạy chậm thì hãy nhớ lại những gì đã được học ở vật lý lớp 11 - chúng sẽ giúp ích cho các bạn đấy!
Mùa nóng này mà chiếc quạt điện đột nhiên giở chứng quay lờ đờ với tốc độ "rùa bò" thì quả thật vô cùng khó chịu. Cách đây chưa lâu mình đã vệ sinh, tra dầu nên nguyên nhân do khô dầu hay bị mắc tóc có thể bỏ qua. Như vậy mình nghĩ rằng rất có thể chiếc tụ điện trong quạt bị hỏng, và đã kiểm tra bằng kiến thức vật lý lớp 11 - bài Tụ điện. Nếu quạt nhà các bạn chạy chậm thì hy vọng những thông tin trong bài này sẽ giúp ích cho các bạn.
Việc thay tụ điện khá đơn giản và dễ làm chỉ với một số dụng cụ cơ bản, còn để kiểm tra được dung lượng của tụ điện thì chúng ta cần tới một chiếc đồng hồ đo điện đa năng kiểu kỹ thuật số.
Chuẩn bị dụng cụ
1. Tuốc nơ vít
2. Một chiếc kéo
3. Băng dính điện
4. Một chiếc tụ quạt điện loại 1.5 uF hoặc 2 uF tùy vào loại quạt nhà các bạn. Giá trên thị trường dao động từ 8-20K tùy vào cửa hàng, các bạn nhớ lưu ý để khỏi bị chém đẹp!
5. Bút thử điện (nên có)
6. Máy hàn, mỏ hàn, dây thiếc hàn, nhựa thông (có thì tốt, không có thì cũng không sao nha)
7. Một chiếc đồng hồ số đo điện đa năng (để kiểm tra thôi, không bắt buộc phải có)
Bắt đầu nào
Bước 1: Tháo quạt
Khi sửa chữa bất cứ thiết bị điện nào thì việc thiết yếu cần làm trước tiên là rút điện khỏi ổ cắm. Sau đó, chúng ta dùng tuốc nơ vít để tháo các con ốc cố định quạt.
Bước 2: Tháo tụ quạt
Khi đã mở được nắp nhựa, chúng ta đi tìm vị trí của tụ điện. Thông thường, tụ điện của quạt có hình hộp chữ nhật màu đen và 2 sợi dây màu đỏ và màu đen nối với dây điện đi vào động cơ quạt. Tụ điện này được cố định bằng một con vít với vỏ quạt.
Các bạn dùng tuốc nơ vít tháo chiếc tụ ra. Trường hợp tụ bị nổ thì quạt sẽ không thể chạy, còn tụ điện của chiếc quạt nhà mình không thấy có dấu vết hư hỏng cơ học gì bên ngoài nên lát nữa mình sẽ kiểm tra bằng đồng hồ số xem nó có bị giảm trị số hay không.
Nếu các bạn có máy hàn hoặc mỏ hàn thì dùng chúng để làm chảy thiếc ở mối nối và lấy tụ điện ra. Mình lười nên cắt thẳng luôn.
Bước 3: Kiểm tra và thay tụ điện cho quạt
Quạt của mình dùng tụ điện có trị số điện dung 1,5 uF (micro Fara) nhưng khi kiểm tra bằng đồng hồ số thì điện dung thực tế chỉ còn 1,05 uF, tức là đã bị mất 30% "công lực". Đây chính là lý do khiến cho quạt quay lờ đờ như rùa.
Mình kiếm được chiếc tụ (từ một cái quạt khác đã hỏng) có trị số cao hơn 30%, là 2 uF so với tụ cũ là 1,5 uF. Vì là tụ cũ nên cần phải kiểm tra trước khi lắp vào, tránh trường hợp "chữa lợn lành thành lợn què".
Đồng hồ chỉ 1,907 uF, phù hợp với sai số ghi trên thân tụ là 5%.
Mình thay chiếc tụ mới vào cho quạt bằng cách quấn dây điện vào vị trí các mối nối như cũ rồi dùng băng dính điện quấn vài vòng bên ngoài để cách điện. Sau đó vặn vít cố định tụ và lắp lại quạt ngược các bước tháo ra trước đó.
Bước 4: Cắm điện và bật thử
Do đã loại trừ các khả năng hư hỏng do động cơ, kẹt tóc hay khô dầu nên mình tự tin là thay tụ xong thì quạt sẽ quay tít! Quả đúng như vậy, chiếc tụ mới đã đem lại sinh lực cho chiếc quạt 5 năm tuổi như lúc mới mua!
Chúc các bạn thành công!
Nhà vệ sinh nóng quá, một bạn nữ chia sẻ cách tự lắp thêm quạt cho mát mà ai cũng làm được Tuy nói là sử dụng trong nhà vệ sinh nhưng các bạn có thể tùy biến để lắp quạt, bóng đèn,... ở nhiều vị trí khác nhau cũng với những đồ nghề như đã dùng trong bài này. Nhà vệ sinh xưa nay vẫn phải mang tiếng là "khu phụ" nhưng có lẽ không ai phản đối về tầm quan trọng của nó...